Tìm hiểu: Lễ Các Thánh Nam Nữ – Lễ Các đẳng Linh hồn – các Thánh thông công

75

Tìm hiểu: Lễ Các Thánh Nam Nữ – Lễ Các đẳng Linh hồn – các Thánh thông công

Ðể góp phần tìm hiểu ý nghĩa Phụng Vụ trongtháng 11, người viết dựa vào tài liệu giáo huấn của Giáo Hội Công giáo, xin nói qua về Lễ Các Thánh Nam Nữ và Lễ Các Ðẳng Linh Hồn, dẫn đến một vài suy nghĩ về hiệp thông với các Thánh và các kẻ đã qua đời.

Lễ Các Thánh Nam Nữ (1.11)

Ở Hoa Kỳ, ngày 31.10 là Halloween, ngày lễ đã bị tục hóa thành ngày có tính cách “ma quái bí ẩn”, mà thật ra tên gọi đúng là Halloween, cách gọi tắt gồm nhóm từ All Hallow Even, (All Hallow là Các Thánh; Even, Lễ Vọng), có nghĩa “Lễ Vọng Các Thánh”.

Theo Francis Mershman, qua Thánh Truyền, Lễ Các Thánh Nam Nữ đã có từ lâu đời trong Giáo Hội do lòng mến mộ của giáo hữu đối với các Thánh. Trong hai ba thế kỷ đầu, người Ki-tô hữu có thói quen mừng lễ kính nhớ một vị tử đạo vào chính ngày vị thánh ấy hy sinh mạng sống vì Chúa, tại nơi chịu chết vì đạo. Từ thế kỷ thứ 4, khởi đầu có thể thức các giáo phận lân cận hiệp thông với nhau về ngày lễ, rước hài cốt các thánh và mừng lễ các nhóm tử đạo chung cùng một ngày với nhau.

Tuy vậy, Giáo Hội muốn vị thánh nào biết rõ ngày tử đạo thì có lễ riêng, còn các vị không rõ ngày thì lễ chung vào một ngày. Ví dụ: Có ngày lễ riêng kính Thánh Gio-an Tẩy Giả bị xử trảm, và lễ chung kính các thánh tử đạo vào Chúa Nhật sau Lễ Hiện Xuống. Ðến khi thể thức phong thánh được thiết lập, số các thánh tăng thêm, và trong lịch Phụng Vụ có lễ Các Thánh Hiển Tu, các Thánh Ẩn Tu, v.v..

Chính Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô III (731-41) đã dành một nhà nguyện tại Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, ở Rô-ma, để cung hiến kính Các Thánh Nam Nữ và đặt ngày 1.11 cố định là Lễ Các Thánh Nam Nữ.

Về sau, Ðức Grêgôriô IV (827-44) mở rộng Lễ 1.11 cho cả Giáo hội hoàn vũ, và Ðức Urbanô IV (1261-64) minh định: “Ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ 1.11 được Giáo hội lập ra để kính nhớ tất cả các thánh, dù biết rõ hay không biết rõ, hầu bổ túc các thiếu sót trong việc giáo hữu mừng kính các thánh vào các ngày lễ trong năm phụng vụ” (Cat. Enc., Volume I, by Kevin Knight 1999).

Lễ Các Ðẳng Linh Hồn (2.11)

Cũng theo Francis Mershman, lễ tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời được Giáo hội mừng vào ngày 2.11. Căn bản thần học về lễ này dựa vào niềm tin rằng: Những ai chết trong ân sủng và trong ơn nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.

Giáo hội gọi luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Khi trình bày giáo lý của đức tin về Luyện Ngục tại Công Ðồng Florencia và Trento, cũng như dựa vào một số bản văn Thánh Kinh (1 Cr 3, 15; 1 Pr 1, 7), Giáo hội nói đến một thứ lửa thanh luyện như sau: “Ðối với một số lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán Xét theo như những gì mà Ðấng là Chân Lý đã dạy ..” (Giáo Lý, 1030-1031).

Vào thời Giáo hội tiên khởi, người Ki-tô hữu có thói quen ghi tên các giáo hữu đã qua đời vào “danh sách những người đã ra đi” để tưởng nhớ và cầu nguyện cho họ. Các Dòng Bênêđitô có nghi thức tưởng nhớ đến các thành viên tu sĩ đã qua đời. Tại Tây-ban-nha, có ngày cầu cho các linh hồn vào Chúa Nhật 2 Mùa Chay, hoặc Thứ Bảy trước Lễ Hiện Xuống. Tại Ðức, từ khoảng cuối thế kỷ 10, có lễ cầu hồn vào 1.10. Lễ này được Giáo hội chấp thuận.

Khởi đầu từ tu viện Cluny, năm 1080, các tu hội Bênêđitô mỗi năm dành một ngày cầu cho Các Ðẳng Linh Hồn. Sau đó, lễ lan qua Bỉ, Pháp, Ý vào ngày 15.10 và chuyển đến ngày 2.11. Riêng tại Tây- ban-nha, Bồ-đào-nha và Mỹ La-tinh, ngày 2.11, các linh mục làm ba lễ. Giáo hữu trình thỉnh nguyện thư xin tổ chức lễ cầu hồn trong Giáo Hội hoàn vũ và Ðức Giáo Hoàng Leo XIII (1878-1903) ban chỉ thị làm lễ Cầu Hồn “Requiem” cho Các Ðẳng.

Trong các Giáo hội theo nghi lễ Hy-lạp và Acmenia cũng có ngày Lễ Cầu Hồn.

Các Thánh thông công

Trong kinh Tin Kinh các Tông Ðồ, người Ki-tô hữu đọc: “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này các Thánh thông công”. Ý nghĩa câu này gồm hai phần:

– “Hội Thánh ở khắp thế này” đề cập đến Giáo hội giữa trần thế, vừa nói đến tình trạng “lữ hành” hiện nay của chúng ta sống giữa đời, vừa nhắc đến đại gia đình Ki-tô hữu phải “hiệp thông” đoàn kết với nhau, trong tình huynh đệ các con cái của cùng một Chúa.

– “Các Thánh thông công” nêu lên sự hiệp thông giữa ba Giáo hội: Giáo hội lữ hành với Các Thánh trên trời và các kẻ đã qua đời đang tạm thời phải thanh luyện.

“Trong khi chờ đợi Chúa sẽ đến trong quyền uy với các thiên thần, và trong khi chờ đợi mọi sự quy phục Ngài sau khi sự chết bị phá hủy, một số môn đệ của Chúa tiếp tục cuộc lữ hành trên trái đất này; một số khác đang ở trong vinh quang, được chiêm ngưỡng “Thiên Chúa độc nhất mà Ba Ngôi, trong ánh sáng huy hoàng; một số khác, sau khi qua đời còn bị thanh luyện.” (Công Ðồng Vaticano II, Hiến chế Tín Lý về Giáo hội Lumen Gentium, LG, 49)

Nguồn:  VCN