Tìm hiểu Cựu Ước

488

 1. Danh từ Thiên Chúa có nghĩa là gì ?

  • Thiên : trời, Chúa: chủ.

–          Thiên Chúa: Đấng làm chủ trời đất này.

2.     Danh từ  Kinh Thánh có nghĩa là gì ?

  • Kinh: sách; thánh: thuộc về Thiên Chúa.

–          Kinh Thánh có nghĩa là cuốn sách ghi Lời của Thiên Chúa.

3.     Danh từ mạc khải hay mặc khải có nghĩa là gì ?

  • Mạc: màn
  • Mặc: kín nhiệm
  • Khải: mở

–          Mạc Khải hay Mặc Khải: Thiên Chúa vén màn hé mở cho ta được biết các mầu nhiệm của Ngài.

4.     Lịch sử Cựu Ước diễn ra trong vùng đất nào ?

Lịch sử Cựu Ước diễn ra trong vùng tiếp cận giữa Châu Á, Châu Âu và Châu Phi, ngày nay quen gọi là Trung Đông hay Cận Đông.

Ở phía tây của vùng Trung Đông là Ai Cập. Ở phía đông là miền Lưỡng Hà. Gọi là “Lưỡng Hà” vì có hai con sông lớn là Ti-gơ-ra và Êu-phơ-rát.

5.     Nơi các chi tộc Israel sinh sống trong thời Cựu Ước có tên là gì ?

Xứ Palestine là nơi các chi tộc Israel sinh sống trong thời Cựu Ước, nằm ở phía nam của vùng bờ biển Phê-ni-ki nối liền Ai Cập và miền Lưỡng Hà.

6.     Bạn cho biết tổng quát về xứ Palestine ?

Xứ Palestine có chiều dài 240km, chiều rộng từ 40 đến 150km, diện tích chừng 25.000km2; phía bắc là núi Li băng; phía đông và nam giáp sa mạc, phía tây giáp Địa Trung Hải.

7.     Xứ Palestine có mấy miền chính ?

Từ tây sang đông có 4 miền chính:

Miền duyên hải.

‚Miền núi.

ƒMiền thung lũng sông Gio-đan.

„Miền cao nguyên phía đông sông Gio-đan, xưa có rừng rậm và đồng cỏ.

8.     Nơi ở chính của dân Israel xưa là miền nào ?

Nơi ở chính của dân Israel xưa là Miền núi: cao trung bình 500m-900m.

9.     Từ bắc xuống nam, Miền Núi chia thành mấy phần ?

Từ bắc xuống nam, Miền Núi chia thành ba phần:

–      Xứ Ga-li-lê: có Na-za-rét, núi Tabo.

–      Xứ Sa-ma-ri: Có hai ngọn núi cao nhất là Gơ-ri-dim (881m) và Ê-ban (940m), giữa hai ngọn là thung lũng Si-khem.

–      Xứ Giu-đa: có núi Ô-liu (814m) ở phía đông thành Giêrusalem (750m); về phía nam có Bê-lem và Khép-rôn.

10. Sông Giođan chảy qua những vùng nào ?

Sông này bắt nguồn từ sườn phía nam núi Li-băng, rồi chảy vào hồ Ti-bê-ri-a (cũng gọi là hồ Ghê-nê-xa-nét hay Biển Ga-li-lê). Ra khỏi hồ Ti-bê-ri-a, sông Gio-đan chảy qua một thung lũng sâu (trong thung lũng này có Giê-ri-khô, một thành cổ bậc nhất thế giới) rồi đổ vào Biển Chết.

11. Vì sao có tên gọi Biển Chết ?

Vì tại đây nuớc có muối và khoáng chất đậm đặc gấp 6 lần nước biển thường, không có sinh vật nào sống được, do đó mà gọi là Biển Chết.

12. Căn bản nền kinh tế của Dân Do Thái là gì ?

Nền kinh tế căn bản là nông nghiệp (lúa mì, nho, ô-liu, vả) và chăn nuôi (cừu, dê, bò , lừa).

13. Dân Do Thái thời Cựu Ước có dân số là bao nhiêu?

Dân số thời thịnh nhất (thế kỷ 8 tcn) ước chừng một triệu. Riêng tại Giêrusalem có khoảng 30.000 dân.

14. Ơn linh hứng là gì ?

  • Linh: thuộc về Thánh Thần
  • Hứng: được cảm xúc đánh động.

–          Linh Hứng: Ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần ban cho những người viết ra Kinh Thánh.

Những vị viết Kinh Thánh đã được  Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn để biết cách dùng tài năng riêng mà viết những điều Thiên Chúa muốn và chỉ viết những điều Thiên Chúa muốn. Nhờ đó, Kinh Thánh chứa đựng sự thật cứu độ, dạy ta những gì cần biết để sống đầy đủ ý nghĩa làm người và đạt tới hạnh phúc tuyệt đối.

15. Ta trưng dẫn Kinh Thánh bằng cách nào ?

Khi trưng dẫn Kinh Thánh, ta nêu số chương (cũng gọi là đoạn) và số câu.

16. Danh từ ngôn sứ có nghĩa là gì ?

  • Ngôn : Lời nói.
  • Sứ: người được sai đến.

v      Ngôn Sứ: người được Thiên Chúa sai đến để nói lời của Ngài.

17. Danh từ sáng tạo có nghĩa là gì ?

  • Sáng : bắt đầu, dựng lên;
  • Tạo : dựng ra lần đầu.

v       Sáng tạo : do không mà làm ra có.

18. Thế kỷ và kỷ nguyên là gì ?

  • Thế kỷ : 100 năm
  • Kỷ nguyên : 1.000 năm.

19. Công nguyên là gì ?

  • Công nguyên : Cái mốc chung, cả thế giới ngày nay hiện dùng để tính năm, đánh dấu từ việc Chúa Giêsu giáng sinh.

20. Bản dịch bảy mươi là bản dịch nào ?

Là bản dịch Kinh Thánh đầu tiên từ tiếng Híp-ri sang tiếng Hy Lạp, công việc kéo dài 100 năm (250 -150 trước công nguyên) do 70 người thực hiện.

21. Bản dịch phổ thông là bản dịch nào ?

Là bản dịch Kinh Thánh sang tiếng La Tinh nhằm phổ biến rộng trong Hội Thánh Công Giáo, do thánh Giê-rô-ni-mô (347-419) thực hiện.

22. Sách Sáng Thế có bao nhiêu chương ?

Sách Sáng Thế gồm 50 chương, chia làm 2 phần không đều nhau: 1-11 và 12-50.

23. 11 chương đầu của sách Sáng Thế muốn nói gì ?

11 chương đầu trình bày về những nguồn gốc khởi đầu (nên gọi là Khởi nguyên). Có thể coi đây là phần nhập đề dẫn vào lịch sử  cứu chuộc sẽ được kể trong toàn bộ Kinh Thánh. Lịch sử  ấy lên đến tận nguồn gốc vũ trụ và bao gồm toàn thể loài người.

Nội dung 11 chương đầu sách sáng thế kể lại việc tạo dựng vũ trụ và con người, sự sa ngã buổi đầu với những hậu quả của nó, cuối cùng đặt trọng tâm nơi Abraham, là cha của dân tộc được tuyển chọn.

24. Tổ phụ Abraham có gì đặc biệt ?

Abraham là người của lòng tin, của vâng phục. Thiên Chúa hứa ban cho cụ một dòng dõi đông đảo và cho con cháu cụ một lãnh thổ.

25. Tổ phụ Giacóp có gì đặc biệt ?

Ông Gia-cóp là con của ông Isaac, cháu của ông Abraham. Ông Giacóp là một người mánh lới, qua mặt cả cha, anh và cậu. Không phải vì sự khôn lanh ấy mà ông được lưu danh đến nay, nhưng chỉ vì ông đã được Thiên Chúa thương từ trước và Ngài đã lặp lại với ông lời hứa giao ước đã ban cho Abraham.

26. Tổ phụ Giuse là ai ?

Ông Giuse là một trong mười hai người con của Giacóp, được đầy khôn ngoan và là nhân vật chính của hơn 10 chương ở phần cuối của sách Sáng Thế.

27. Cuộc đời ông Giuse để lại bài học nào ?

Bài học đạo đức được rút ra là: Người khôn ngoan nhân đức sẽ được trọng thưởng và Thiên Chúa quan phòng sẽ có thể biến cả những lỗi lầm của người đời thành điều hay, điều tốt.

28. Thủ Bản Kinh Thánh Biển Chết là gì ?

Người Do Thái xưa chép Kinh Thánh trên những cuộn giấy da. Họ sao chép từng bản, hết sức tỉ mỉ, không để sai chạy một nét nào. Vào năm 1947, tại Qumran (Cum-ran) gần Biển Chết, giữa tàn tích của một tu viện Ét-xê-nô, người ta tìm thấy một thư viện chôn giấu từ thế kỷ I sau công nguyên. Trong đó, có những miếng da sao chép Kinh Thánh của tất cả các sách trong bộ Cựu Ước (trừ  Ét-te). Lắm bản còn nguyên vẹn. Sách I-sai-a đầy đủ từ đầu đến cuối. Những tài liệu này có từ thế kỷ 2 hoặc 1 trước công nguyên, nhưng đem đối chiếu các bản văn tiếng Híp-ri thế kỷ 9, ta thấy một sự trùng khít đáng kinh ngạc.

29. Sabát hay Hưu Lễ có nghĩa là gì ?

Sa-bát nghĩa là nghỉ ngơi; Hưu cũng là nghỉ ngơi.

Ngày Sa-bát hay Hưu lễ là ngày nghỉ hằng tuần của người Do Thái, nhằm vào ngày thứ bảy của ta.

30. Tên 12 chi tộc Israel là gì ?

Các chi tộc Israel mang tên 12 người con của ông Giacóp (Giacóp được Thiên Chúa đổi tên thành Israel)

ü      Các con của bà Lê-a: Ru-ben, Si-mê-on, Lê-vi, Giu-đa, I-xa-kha, Dơ-vu-lon.

ü      Các con của bà Bin-ha: Đan, Náp-ta-li.

ü      Các con của bà Din-pa: Gát, A-se.

ü      Các con của bà Ra-khen: Giu-se và Ben-gia-min.

Giu-se có hai người con sẽ được hưởng danh dự ngang với các chú bác : Ép-ra-im và Mơ-na-sê.

31. Nội dung Sách Xuất Hành là gì ?

Sách Xuất hành bàn tới hai vấn đề chính: việc giải phóng khỏi Ai Cập (chương 1 đến chương 15, 21) và giao ước tại Xi-nai (chương 19-40). Hai đề tài ấy được nối với nhau bằng một đề tài phụ: cuộc hành trình trong sa mạc (15,22-18,27).

32. Nội dung Sách Lêvi là gì ?

Sách này quy định các nghi thức phụng vụ: các lễ tế, việc phong chức tư tế, những luật về sự thanh sạch và uế tạp …

33. Nội dung Sách Dân Số là gì ?

Sách này thuật tiếp cuộc hành trình trong sa mạc: sau giao ước Xi-nai, người ta kiểm tra dân số để chuẩn bị lên đường. Sau khi cử hành lễ Vượt Qua lần thứ hai, họ rời Núi Thánh, và đi từng chặng tới Ca-đét. Họ cố tiến vào đất Ca-na-an bằng phía nam, nhưng thất bại.

Sau ít lâu, họ chuyển hướng đi về vùng Mô-áp, đối diện với Giê-ri-khô. Họ chiến thắng dân Ma-đi-an, chiếm lấy vùng bên kia sông Gio-đan để chia cho các chi tộc Gát, Ruben và một nửa chi tộc Mơnasê.

34. Nội dung Sách Đệ Nhị Luật là gì ?

Đây là bản luật thứ hai, hay Thứ Luật, gồm cả luật dân sự và luật tôn giáo. Sách này lấy lại một phần các lề luật đã được ban trong sa mạc. Sách cũng ghi lại 4 bài diễn từ lớn của Mô-sê, sứ vụ của Giô-suê, bài ca, di chúc và cái chết của Mô-sê.

35. Nội dung sách Giô-Suê là gì ?

Sách này trình bày việc chiếm xứ Palestine, dưới sự lãnh đạo của ông Giô-suê, người kế vị Mô-sê, và việc chia lãnh thổ cho 12 chi tộc Israel.

36. Sách Thủ Lãnh (Thẩm Phán) nói về thời kỳ nào?

Sách Thủ lãnh kể về thời kỳ 200 năm đầu ở vùng đất mới chiếm. Dân Israel còn sống theo quy chế bộ lạc, chưa lập thành quốc gia.

37. Hãy kể tên các vị thủ lãnh ?

Dân Israel bị quyến rũ tôn thờ các ngẫu tượng và bị các dân địa phương hoặc láng giềng áp bức. Thiên Chúa đã cho nhiều người đứng lên bênh vực họ, cứu họ khỏi kẻ thù: Ốt-ni-en, Ê-hút, Sam-ga, Đê-bô-ra và Ba-rắc, Ghê-đê-ôn (Ghít-ôn) và A-bi-mê-lết, Tô-la, Giai-a, Giép-tê (Gíp-tác), Íp-san, Ay-lon, Áp-đôn, Sam-son.

38. Vì sao các thủ lãnh còn được gọi là thẩm phán ?

Những người này được gọi là thẩm phán không phải vì họ lo cho xử kiện, nhưng vì họ đã thi hành các phán quyết của Thiên Chúa, tức là những lần Thiên Chúa can thiệp để bênh vực dân Ngài.

39. Nội dung Sách Rút là gì ?

Sách này kể chuyện về bà Rút. Bà là một phụ nữ gốc Mô-áp, tức là một người ngoại bang, đã lấy chồng là một người Israel, nhưng ông này chết sớm. Trung thành với người chống đã khuất, bà Rút quyết định theo mẹ chồng về Palestine. Sau đó bà lập gia đình với ông Bô-a và sinh ra Ô-vét, là ông nội vua Đa-vít. Tuy là một phụ nữ ngoại bang nhưng bà Rút được chọn vào hàng các bậc tổ tiên của Đấng Cứu Thế.

40. Nội dung sách Sa-mu-en 1 và 2 là gì ?

Hai sách Sa-mu-en lúc đầu chỉ là một, về sau người ta mới chia ra cho tiện. Sách này tường thuật giai đoạn đầu của vương quốc Israel, về Sa-mu-en là vị thẩm phán cuối cùng và là ngôn sứ, về vị vua thứ nhất là Sa-un, và về những diễn tiến đưa Đa-vít lên ngôi vua.

41. Nội dung Sách Các Vua 1 và 2 là gì ?

Hai sách này đánh giá các vua tùy theo họ có trung thành với luật Thiên Chúa hay không.

Dựa theo chuẩn mực ấy, sách các Vua đã phân tích từ triều đại vua Sa-lô-môn băng hà (năm -933), vương quốc chia làm hai. Tại phía bắc, tức là nước Israel, các vị vua thay nhau bị lật đổ, các triều đại ngày càng suy đồi, cho đến khi thủ đô Sa-ma-ri sụp đổ vào năm -722. Tại phía nam, tức là nước Giu-đa, vương quyền vẫn còn ở trong tay các con cháu của vua Đa-vít, cho tới khi thủ đô Giêrusalem sụp đổ vào năm -587.

Sách này cũng có những đoạn tường thuật về đời sống và công việc của các ngôn sứ như Ê-li-a hoặc Ê-li-sa.

 

42. Nội dung Sách Sử Biên Niên (Ký Sự) 1 và 2 là gì?

Sách này ghi chép sự việc theo thời gian (nên được gọi là ký sự hoặc là sử chép theo từng năm). Các tác giả hai sách này muốn chứng tỏ rằng khi dân Israel trung thành với giao ước thì Thiên Chúa bênh vực họ, và Ngài đánh phạt họ khi họ lìa bỏ giao ước.

43. Các Sách Sử Biên Niên được biên soạn vào lúc nào ?

Được biên sọan vào thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, sau sách Sa-mu-en và sách Các Vua, nên các sách Sử Biên Niên bổ túc nhiều điều cho các sách ấy.

44. Nội dung Sách Ét-ra và Sách Nơ-khe-mi-a là gì?

Hai sách này làm thành một khối, trình bày phần tiếp theo hai sách Sử Biên Niên. Hai sách này ghi lại bút tích của Ông Ét-ra và ông Nơ-khe-mi-a cùng với những văn kiện của nhà nước đế quốc thời ấy, để nói về cuộc hồi hương vào năm -538 của những người lưu đày, họ trở về xây dựng lại đền thờ và khôi phục lại việc thờ phượng tại Giêrusalem (Ét-ra) đồng thời tái thiết lại các tường lũy của thành thánh (Nơ-khe-mi-a).

45. Nội dung sách Tô-bi-a là gì ?

Sách Tô-bi-a là một truyện bình dân, thấm nhuần lý tưởng đạo đức Do Thái giáo. Sách kể lại những chuyện không may của ông Tô-bít và con ông là Tô-bi-a trong cánh sống lưu đầy của người Do Thái giữa đế quốc Ba Tư rộng lớn. Câu chuyện thật tươi mát, nêu bật giá trị của lý tưởng về hôn nhân, về gia đình, của các bổn phận đạo đức như cầu nguyện, bố thí, ăn chay, và bổn phận đối với người chết. Mỗi trang sách đều sáng lên lòng tin cậy vào Thiên Chúa. Cuối cùng, người công chính đã được Thiên Chúa ban thưởng.

46. Nội dung sách Giu-đi-tha là gì ?

Sách kể lại cuộc giải cứu thành Bê-tu-li bị bao vây dưới thời Na-bu-co-đô-nô-xô. Là một quả phụ trẻ đẹp, bà Giu-đi-tha đã một thân một mình tiến vào doanh trại của quân thù. Tướng Hô-lô-phe-nơ mê sắc đẹp của bà, đem bà vào lều và bị bà cắt đầu. Đây là một tiểu thuyết lịch sử ca ngợi lòng tin vào Thiên Chúa và lòng yêu nước.

47. Nội dung Sách Ét-te là gì ?

Sách kể lại chuyện bà Ét-te, một phụ nữ Do Thái trẻ đẹp trong cảnh lưu đầy, được chọn làm hoàng hậu nước Ba Tư, và nhờ đó mà phá vỡ được âm mưu tiêu diệt dân Do Thái.

48. Nội dung sách Ma-ca-bê 1 và 2 là gì ?

Hai sách Ma-ca-bê không tiếp nối nhau nhưng cũng thuật lại những hồi quan trọng trong lịch sử dân Israel từ nửa đầu thế kỷ 2 trước công nguyên. Dưới quyền vua Ba Tư và Hy lạp, xứ Palestine vẫn được tự do tôn giáo cho đến năm -167. Vào năm này, vị vua thuộc triều Sơ-lu-cô là An-ti-ô-cô IV Ê-pi-pha-nô quyết định dùng vũ lực bắt ép ngưới Do Thái phải thờ phụng và tin tưởng như người Hy Lạp. Ông đã đặt tượng thần Giu-pi-te cả trong đền thờ Giêrusalem. Nhiều người Do Thái đã thà chết chứ không bỏ đạo.

Tư tế Ma-ta-thi-a đã cùng với 5 người con trốn vào bưng. Một trong 5 người ấy là Giu-đa, biệt danh là Ma-ca-bê nổi bật với những cú đấm ngàn cân. Cuối cùng các vua triều Sơ-lu-cô phải bó tay trước đám du kích và quốc gia Do Thái được tái lập.

49. Nội dung sách Gióp là gì ?

Tác giả sách Gióp đã vẽ nên một nhân vật tiêu biểu để giúp ta suy nghĩ về sự đau khổ. Ông Gióp là một người tốt lành, phúc hậu. Bỗng dưng trong phút chốc ông mất hết của cải, con cái và sức khỏe. Bạn hữu nhắc nhở ông rằng ông có phạm tội gì đó mới bị phạt như thế. Nhưng cuối cùng, ông được minh oan và được an ủi: ông được bù đắp cả về sức khoẻ, tài sản, gia đình và danh dự.

50. Nội dung Sách Thánh Vịnh là gì ?

Đây là sưu tập các bài thơ dùng để hát trong việc thờ phượng của người Do Thái.

51. Ai là tác giả sách Thánh Vịnh ?

Vua Đa-vít được coi là ông tổ của ngành Thánh Vịnh, bởi đó nhiều Thánh Vịnh được quy cho ông, nhưng rất khó xác định được Thánh Vịnh nào thực sự do ông làm ra. Rất nhiều bài được viết trong thời lưu đầy và sau lưu đầy.

52. Hội Thánh Công Giáo đã dùng các Thánh Vịnh làm gì ?

Hội Thánh Công Giáo đã dùng các Thánh Vịnh làm lời cầu nguyện chính thức của mình, không sửa đổi, bởi vì những lời ấy diễn tả thái độ mà mọi người phải có trước mặt Thiên Chúa. Nhờ Đức Kitô, các Thánh Vịnh còn mang thêm những ý nghĩa mới mẻ và phong phú.

53. Nội dung sách Châm Ngôn là gì ?

Sách này thu góp nhiều châm ngôn nhằm dạy lẽ khôn ngoan, nghĩa là nghệ thuật ăn ở sao cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh ở đời.

54. Nội dung Sách Giảng Viên là gì ?

Sách Giảng Viên còn được gọi là sách Qohelet (Cô-hê-lét). Tiếng này có nghĩa là “Người lên tiếng trong cộng đoàn”. Sách xuất hiện vào thế kỷ 5 trước công nguyên. Nó trình bày một suy tư khác thường về ý nghĩa của đời người: tất cả đều mong manh, hão huyền.

55. Nội dung Sách Diễm Ca (hay Diệu Ca) là gì ?

Tựa đề sách có nghĩa là ca khúc đẹp nhất. Nó là một sưu tập thơ tình yêu, ca ngợi phẩm giá tình yêu nhân loại, đã được dùng làm hình ảnh diễn tả quan hệ yêu thương mà nhờ giao ước, Thiên Chúa đã thiết lập giữa Ngài với dân Ngài, giữa Ngài và người tín hữu, giữa Đức Kitô và Hội Thánh.

56. Cuốn sách nào ra đời muộn nhất trong các sách Cựu Ước?

Sách Khôn Ngoan ra đời muộn nhất trong các sách Cựu Ước, được soạn bằng tiếng Hy Lạp, vào thế kỷ 1 trước công nguyên.

57. Nội dung Sách Khôn Ngoan là gì ?

Theo tác giả, sự khôn ngoan đích thật chỉ đến từ Thiên Chúa, ai được nó thì có hạnh phúc, nhưng muốn có, phải cầu nguyện. Ông nhắc đến những kỳ diệu của công trình sáng tạo và của lịch sử để ca ngợi sự quan phòng của Thiên Chúa, ông cũng quả quyết rằng sau khi chết, người lành sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn với Thiên Chúa.

58. Nội dung Sách Huấn Ca là gì ?

Đây là công trình của một hiền nhân thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, tên là “Giê-su con của Si-rắc”. Theo ông, sự khôn ngoan chính là Sách Luật Giao Ước, người khôn ngoan đích thật chính là người trung thành phụng sự luật Thiên Chúa.

59. HA-LÊ-LUI-A / A-LÊ-LUI-A có nghĩa là gì ?

Trong tiếng Hip-ri, Hallel có nghĩa là ngợi khen, Ya là “Gia-vê” (yawh). Hallêluia nghĩa là “Ngợi khen Gia-vê”; “Ngợi khen Thiên Chúa”.

60. A-MEN có nghĩa là gì ?

Trong tiếng Hip-ri có nghĩa là: “Quả thật, đúng như vậy”, cũng có thể dịch là: “Được, hoan hô, đồng ý, tán thành” và “ước được như vậy”.

61. Ngôn sứ I-sai-a có nhiệm gì ?

Một thi sĩ là I-sai-a được Chúa ban nhiệm vụ ngôn sứ vào năm -740, lúc 25 tuổi. Nhiệm vụ của ông là loan báo sự sụp đổ của Israel và của Giu-đa, loan báo những hình phạt dành cho sự bất trung của dân. Ông thi hành sứ vụ trong 40 năm, vào thời nước Át-xi-ri đang chiếm ưu thế và thường xuyên đe dọa Israel và Giu-đa.

Isaia là vị ngôn sứ của lòng tin. Trong những cuộc khủng hoảng của dân tộc, ông đòi hỏi mọi người chỉ tin tưởng vào một mình Thiên Chúa .

62. Vì sao các chương 40-50 của Isaia được gọi là sách Isaia thứ hai ?

Vì các chương 40-50 của sách Isaia do một tác giả khác (gọi là Isaia thứ 2) viết trong thời lưu đầy ở Ba-bi-lon, nhằm an ủi dân chúng và hướng lòng họ mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc. Phần này cũng nhấn mạnh Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất, khôn ngoan và quan phòng. Trong phần này có 4 bài ca về Người Tôi Tớ Thiên Chúa, báo trước về Đức Kitô.

63. Các chương 56-66 sách Isaia là của ai viết ?

Các chương 56-66 của sách Isaia được coi là công trình của một ngôn sứ khác nữa (gọi là Isaia thứ ba).

64. Giêrêmia là ai ?

Giê-rê-mi-a là một ngôn sứ ở Giêrusalem sau I-sai-a khoảng một thế kỷ (năm-650). Ông đầy lòng yêu dân, nhưng ông lại là người cô độc, không được cảm thông, thường bị ngược đãi.

65. Giêrêmia rao giảng những gì ?

Ông đã rao giảng, đe dọa báo trước sự sụp đổ, cảnh báo nhưng vô hiệu. Các vua bất tài kế tiếp nhau trên ngai vàng Đa-vit. Ông bị giới quân sự tố cáo là chủ bại, rồi bị bỏ tù.

66. Vì sao Giêrêmia lại chết ở Aicập ?

Năm -597, vua Na-bu-cô-đô-nô-xô chinh phục Giêrusalem và bắt dân đi đầy. Năm -587, dân Giêrusalem nổi loạn, quân Can-đê lại kéo đến chiếm thành, đốt đền thờ và lại bắt thêm dân đi lưu đày. Sau khi Giêrusalem mất, Giê-rê-mi-a quyết ở lại quê nhà, nhưng sau đó, một nhóm người Do Thái chạy trốn sang Ai Cập đã lôi ông đi theo, và có lẽ ông đã chết ở Ai Cập.

 

67. Nội dung Sách Ai Ca là gì ?

Sách Ai Ca được soạn ở Palestine sau khi Giêrusalem sụp đổ năm -587. Sách gồm 5 bài thơ buồn dâng lên Thiên Chúa lời thương tiếc thành Giêrusalem sụp đổ. Tuy nhiên, từ những lời ai oán ấy, lại toát ra một niềm tin không lay chuyển nơi Thiên Chúa và một tâm tình thống hối sâu xa.

68. Nội dung sách Ba-rúc là gì ?

Theo lời mở đầu thì sách này do ông Ba-rúc là thư ký của Giê-rê-mi-a viết tại cảnh lưu đày ở Ba-bi-lon và gửi về Giêrusalem để đọc trong các buổi nhóm phụng vụ. Sách cũng an ủi những người lưu đày bằng cách nhắc lại niềm tin vào thời cứu thoát.

69. Êdêkien là ai ?

Trong đám người bị lưu đầy đợt 2, năm -587, có một vị ngôn sứ đi theo để an ủi khích lệ dân chúng. Đó là Ê-dê-ki-en. Thiên Chúa đã cho ông nhận thấy và tả lại cảnh vinh quang Thiên Chúa rời bỏ đền thờ Giêrusalem để đến với những người bị lưu đày ở Ba-bi-lon.

70. Êdêkien kêu gọi điều gì ?

Ông kêu gọi đồng bào thật lòng hoán cải. Ông mạnh mẽ đòi hỏi họ phải ý thức về trách nhiệm cá nhân, và ông mở cho họ thấy viễn tượng một giao ước mới trong Thánh Thần. Ông cũng báo trước rằng một ngày kia họ sẽ được trở về trong một Đất Thánh đã đổi mới, trong một Giêrusalem mới hoàn toàn trung thành với Thiên Chúa, mà tên mới của thành ấy sẽ là “Thiên Chúa ở đó”.

71. Sách Đanien được viết vào khoảng năm nào ?

Sách Đa-ni-en được viết vào khoảng năm 165 trước công nguyên, trong thời kỳ có cuộc bách hại của vua An-ti-ô-cô Ê-pi-pha-nô và cuộc chiến tranh giải phóng. Mục đích là nâng đỡ ý chí kháng chiến của người Do Thái.

72. Sáu chương đầu của sách Đanien kể chuyện gì ?

6 chương đầu kể chuyện một thiếu niên tên là Đa-ni-en, phục vụ trong triều đình Ba-bi-lon và Ba-tư, mà vẫn luôn luôn trung thành với luật Chúa, bất chấp những khổ hình: bị ném vào lò lửa hay vào hang sư tử. Đa-ni-en còn giải thích các giấc mơ, tỏ rõ ý muốn của Thiên Chúa và báo trước về các đế quốc sẽ nối tiếp nhau trong tương lai cho tới ngày chiến thắng dứt khoát của Thiên Chúa và của những kẻ lành mà Thiên Chúa sẽ cho sống lại.

73. Sáu chương sau của sách Đanien kể chuyện gì ?

6 chương sau ghi lại các thị kiến về Nước Thiên Chúa sẽ đến trong tương lai. Đó là một quốc gia bao quát mọi dân nước, và không bao giờ chấm đứt. Đó là nước của dân thánh, của Thiên Chúa, của Đấng Con Người đã được trao mọi quyền bính.

 

74. Vì sao lại gọi là ngôn sứ nhỏ ?

Sau 4 ngôn sứ lớn là 12 ngôn sứ nhỏ. Gọi là “nhỏ” không phải vì vai trò, sứ mạng hoặc ảùnh hưởng của những vị này không đáng kể, ngược lại, đôi khi lại rất quan trọng, nhưng gọi là nhỏ, chỉ vì các sách đều ngắn. Theo thứ tự trong Kinh Thánh, danh sách 12 vị này là: Hô-sê, Gio-en, A-mốt, Ô-va-đi-a, Gio-na, Mi-kha, Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai, Da-ca-ri-a và Ma-la-khi.

75. Hôsê là ai ?

Ngôn sứ Hô-sê quê ở vương quốc phía bắc. Ông khởi sự rao giảng vào khoảng năm -750 dưới triều vua Giê-rô-bô-am II và kéo dài dưới các triều vua kế tiếp, có lẽ cho đến trước khi thủ đô Sa-ma-ri sụp đổ (-721). Đây là một gian đoạn đen tối đối với Israel: Trong nước hỗn loạn, tôn giáo và luân lý sa đọa, lại thường bị ngoại xâm.

76. Ngôn sứ Hôsê rao giảng điều gì ?

Hô-sê là người đầu tiên đã diễn tả quan hệ giữa Thiên Chúa và Israel trong ngôn ngữ một cuộc hôn nhân. Ông đã cưới một người làm vợ và người vợ này đã bỏ ông, nhưng ông vẫn tiếp tục yêu qúy và đón nhận nàng về lại sau khi đã thử luyện. Kinh  nghiệm đau thương ấy của ông được Chúa dùng làm hình ảnh diễn tả cách cư xử của Ngài đối với dân Ngài. Dân Israel đã được Thiên Chúa cưới lấy, nhưng họ đã ăn ở bất trung khiến Thiên Chúa phải nổi giận, nhưng Thiên Chúa vẫn còn thương mến, Ngài sẽ sửa trị để đưa Israel về lại với Ngài và ban lại niềm vui thuở ban đầu. Cách diễn tả của Hô-sê đã được các ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en và I-sai-a 40-50 cũng như các sách Tân Ước lấy lại.

77. Sách Gio-en tiên báo điều gì ?

Sách này có lẽ được soạn vào khỏang năm 400 trước công nguyên. Sách tiên báo ngày của Chúa sắp đến và kêu gọi độc giả ăn chay, sám hối để nhận lấy Thánh Thần.

78. A-mốt là ai ?

A-mốt là một người chăn cừu quê ở vương quốc Giu-da. Sau một thời gian ngắn thi hành sứ vụ tại Israel, ông bị trục xuất về Giu-đa.

Ông rao giảng cùng thời với Hô-sê, dưới triều vua Giê-rô-bô-am. Thời này, vương quốc có thịnh hành về kinh tế, nhưng sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo cũng gia tăng. Các lễ nghi có vẻ huy hoàng nhưng lại thiếu lòng đạo đích thực.

79. Ngôn sứ Amốt nói gì ?

A-mốt lên án cuộc sống bất công của thành thị, sự an tâm giả tạo mà người ta đặt ở nghi lễ không hồn. Ông loan báo sẽ đến ngày Thiên Chúa đoán phạt Israel bất trung, tuy nhiên Ngài vẫn sẽ chừa lại cho một số ít ỏi.

80. Sách nào ngắn nhất trong Cựu Ước ?

Sách Ô-va-đia ngắn nhất, chỉ có 21 câu, không rõ được biên soạn vào thời nào. Tác giả tiên báo dân Ê-đôm sẽ bị trừng phạt vì đã can thiệp để chống Giêrusalem năm -587.

81. Sách Giona thuộc về loại nào ?

Sách này thuộc về một loại khác hẳn. Sách kể lại một ngôn sứ bất tuân. Thiên Chúa sai ông đi Ni-ni-vê, thủ đô đế quốc Át-sua để kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối. Thoạt đầu, ông trốn tránh sứ vụ, nhưng rồi lại kêu trách Thiên Chúa về những thành công bất ngờ của việc rao giảng của mình.

82. Sách Giona được biên soạn với mục đích nào ?

Sách được biên soạn sau thời lưu đầy, không có tính cách lịch sử, nhưng nhằm mục đích giáo huấn. Theo đó, những đe dọa là biểu hiện lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ chờ một dấu hối cải để tha thứ. Sách rao giảng một tinh thần đại đồng hết sức cởi mở: mọi người, mọi vật đều dễ thương. Thiên Chúa không chỉ là Thiên Chúa của người Do Thái mà còn là của dân ngoại.

83. Mikha là ai ?

Mi-kha là người Giu-đa, rao giảng dưới thời vua A-cáp và Ê-dê-ki-a, từ trước khi Sa-ma-ri sụp đổ (-721) cho tới khoảng năm -700 (đồng thời với Hô-sê và I-sai-a).

84. Ngôn sứ Mikha nói những gì ?

Ông tố cáo bất công xã hội và loan báo sự xét xử của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ông vẫn trông cậy rằng Thiên Chúa sẽ dành lại một số sót cho nhân loại. Ông loan báo vị vua hòa bình sẽ sinh tại Bê-lem.

85. Nakhum loan báo điều gì ?

Sách viết vào thế kỷ -7. Tác giả hớn hở loan báo sự sụp đổ của Ni-ni-vê, thủ đô của đế quốc Át-sua, tượng trưng cho những sức mạnh của sự dữ đang thao túng trên thế giới.

86. Nội dung sách Kha-ba-cúc là gì ?

Sách viết vào thế kỷ -7 hoặc đầu thế kỷ -6 . Đây là một sách được soạn thảo công phu: mở đầu là một cuộc đối thoại căng thẳng giữa vị ngôn sứ và Thiên Chúa về việc người Can-đê áp bức dân Chúa. Sách và kết thúc bằng lời ca ngợi sự toàn thắng cuối cùng của Thiên Chúa.

87. Ngôn sứ Xô-phô-ni-a rao giảng vào thời nào ?

Ngôn sứ Xô-phô-ni-a rao giảng dưới triều vua Giô-đi-a (-640 đến -609) ở Giu-đa, trước thời ngôn sứ Giê-rê-mi-a ít lâu. Lúc ấy Giu-đa bị đế quốc Át-xi-ri đô hộ, lại thêm các vị vua vô đạo càng làm gia tăng thêm sự hỗn loạn về tôn giáo. Nay Át-xi-ri bắt đầu suy yếu, người ta tin rằng sẽ khôi phục được quốc gia kèm theo một cuộc cải cách về tôn giáo. Tác giả loan báo sự phán xét của Thiên Chúa trên các dân tộc, để kêu gọi dân chúng hoán cải. Ông cũng gợi lên niềm hy vọng cho dân nghèo.

88. Nội dung sách Khác-gai là gì ?

Sách này viết năm -520. Lúc ấy những người Do Thái đầu tiên từ Ba-bi-lon về tái thiết đền thờ, đã sớm rơi vào tuyệt vọng. Ngôn sứ Khác-gai và Da-ca-ri-a đã lay tỉnh mọi người, đã thúc giục thống đốc Giô-rô-ba-ben và thượng tế Giô-suê tiếp tục công việc tái thiết đền thờ. Ngôn sứ  Khác-gai đã báo trước vinh quang tương lai để an ủi mọi người.

89. Sách Da-ca-ri-a gồm mấy phần ?

Sách Da-ca-ri-a gồm hai phần rõ rệt.

90. Phần đầu sách Giacaria nói gì ?

Phần đầu gồm các chương 1-8: với 8 thị kiến, viết vào cuối năm -520, chú trọng đến việc tái thiết đền thờ, đồng thời cũng nói về sự xây dựng lại quốc gia, với những đòi hỏi phải tinh sạch về luân lý và phải thức tỉnh về tôn giáo.

91. Phần 2 sách Giacaria nói gì ?

Phần 2 gồm các chương 9-14, do những tác giả khác viết vào khoảng năm -300, loan báo về thời cứu chuộc: Đấng Cứu Thế sẽ đến và thiết lập vương quốc của Thiên Chúa.

92. Ngôn sứ Malakhi kêu gọi những gì ?

“Ma-la-khi” có nghĩa là “Thần sứ của tôi” (theo ý Ml 3,1). Sách được viết vào nửa đầu thế kỷ -5, trước khi ông Nơ-khe-mi-a về nước (-445). Lúc ấy, sự hứng khởi do Khác-gai và Da-ca-ri-a gây nên đã sớm tàn lụi, dân chúng bắt đầu chán nản và thờ ơ: Ma-la-khi chống lại tình trạng ấy, và mời gọi phải kính trọng những đòi hỏi của lề luật. Ông cũng báo trước về vị sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế, tức là Gio-an Tẩy Giả.

93. Luật Do Thái ấn định mấy ngày lễ lớn ?

Luật Do Thái ấn định 5 ngày lễ lớn: 3 lễ vui, cũng là dịp hành hương (Lễ Vượt Qua; Lễ Ngũ Tuần; Lễ Lều) và 2 ngày lễ hoán cải ( Lễ Đầu Năm và Lễ Đền Tội).

94. Lễ Vượt Qua là lễ gì ?

–          Lễ Vượt Qua: là lễ mừng mùa xuân và kỷ niệm ngày Israel được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai cập. Nghi thức chính là bữa ăn lễ Vượt Qua tại gia đình với thịt chiên nướng, bánh không men, rau diếp đắng và 4 tuần rượu.

95. Lễ Ngũ Tuần là lễ gì ?

–          Lễ Ngũ Tuần: 50 ngày sau lễ Vượt Qua, mừng hoa quả đầu mùa và tạ ơn Thiên Chúa đã ban giao ước Xi-nai.

96. Lễ Lều là gì ?

–          Lễ Lều: mừng vụ thu họach mùa thu, và ôn lại hành trình trong sa mạc xưa, khi dân Israel sống dưới những mái lều và chỉ có một nguồn cứu trợ duy nhất là Thiên Chúa.

97. Lễ Đầu Năm là lễ gì ?

–          Lễ Đầu Năm: là tết của người Do Thái, ca ngợi việc sáng tạo và hoán cải quay về với Thiên Chúa. Lễ này mở ra 10 ngày thống hối, sẽ kết thúc bằng Lễ Đền Tội.

98. Lễ Đền Tội là lễ gì ?

–          Lễ Đền Tội: nhịn ăn 25 giờ liền, thú nhận tội lỗi của cá nhân và cộng đoàn để xin ơn Chúa tha thứ.

99. Lễ Cung Hiến Đền Thờ là lễ gì ?

–          Lễ Cung Hiến Đền Thờ: giữa tháng 12, kéo dài 8 ngày, kỷ niệm việc Cung Hiến Đền Thờ thời Ma-ca-bê.

100.            Lễ Số Mệnh là lễ gì ?

–          Lễ Số Mệnh: vào tháng 2 hoặc tháng 3, kỷ niệm việc giải phóng dân Do Thái thời hoàng hậu Ét-te.

Ban Giáo Lý Giáo Phận Đàlạt