Tìm hiểu chữ “Thiện”
Đây là một chủ đề hết sức phong phú, đến nỗi có người đã khẳng định: “không thể định nghĩa được, bởi lẽ đó là khái niệm cơ bản nhất, tối hậu và bất khả phân” [1]. Vì vậy, trong bài này chúng tôi thử tìm hiểu ý nghĩa phổ thông của chữ thiện trong tiếng Việt và một vài khái niệm liên quan đến chủ đề này nơi các triết thuyết và tôn giáo phổ biến đối với chúng ta [2].
1. Nghĩa của chữ “thiện”.
1.1. Nguyên nghĩa của thiện. Thiện có 15 chữ Hán: 善 (譱), 擅, 鱓, 鳝, 禪, 禅, 鄯, 膳, 饍, 墠, 嬗, 缮 (繕), 墡, 蟮, 蟺, trường hợp này là chữ 善 (phồn thể: 譱). Chữ thiện thuộc loại chữ hội ý, kết hợp bởi bộ 羊 dương và chữ 言 ngôn. Dương (羊) tượng trưng cho tường (祥) tức là điềm lành (cát tường); ngôn (言) là lời nói. Các cách viết của chữ này như sau:
1.2. Nghĩa của chữ thiện: (dt.) (1) Việc tốt: Nhật hành nhất thiện (mỗi ngày làm một việc tốt). (2) Người tốt, người có đạo đức: Gia thiện nhi căng bất năng (phải khen người tốt mà cũng nên thông cảm với người không có khả năng). (3) Họ Thiện. (đt.) (4) Quý trọng: Thiện nhật giả vương, thiện thì giả bá (người biết quý ngày là bậc vương, biết quý giờ là bậc bá) (Tuân Tử, Cường quốc). (5) Kết bạn: Giao thiện (kết bạn). (6) Sửa cho tốt: Dục thiện kỳ sự (lo làm cho hay) (7) Yêu thích: Vương như thiện chi, tắc hà vi bất hành? (nếu vua thích cái đó thì sao không làm?) (Mạnh Tử, Lương Huệ Vương hạ). (8) Thân thiết, giao hảo: Thân nhân thiện lân (thân cận với láng giềng, giao hảo với lân bang). (tt.) (9) Quen biết: Diện thiện (Có nét mặt quen quen). (10) Tốt: Thiện nhân (người tốt). (11) Đáng chấp nhận: Thiện sách (kế hay). (pht.) (12) Khéo: Thiện thư (viết khéo). (13) Dễ: Thiện vong (dễ quên). (14) Thân thương: Thiện đãi (đối xử cách thân thương). (thán từ) (14) Khen ngợi: Thiện tai!
Theo nghĩa triết học, thiện là “điều tốt về phạm vi đạo đức. Là lý tưởng thoả mãn ý chí con người, cũng như chân thoả mãn lý trí và mỹ thỏa mãn tình cảm” [3].
2. Các quan niệm về thiện.
2.1. Trong Nho học: Mạnh Tử cho rằng: “Ai cũng có lòng thương người… Sở dĩ tôi bảo vậy là vì có chứng cứ. Nếu thình lình thấy một đứa nhỏ sắp ngã xuống giếng, ai cũng có lòng bồn chồn thương xót”[4]. Đó là minh chứng cho một trong tứ đoan (bốn mối, hay có thể gọi nôm na là mầm thiện) của tính thiện mà nếu ai không có, thì không phải là người, bao gồm: lòng trắc ẩn (thương xót), lòng tu ố (thẹn, ghét), lòng từ nhượng (kính nhường), lòng thị phi (biết phải trái). Ông nói: “Lòng trắc ẩn là đầu mối của nhân, lòng tu ố là đầu mối của nghĩa, lòng từ nhượng là đầu mối của lễ, lòng thị phi là đầu mối của trí”. Cho nên con người cần phát huy bốn mối đó bằng cách nuôi dưỡng tâm tính (tồn tâm, dưỡng tính), giảm bớt lòng ham muốn (quả dục) và làm điều nhân nghĩa.
Người ta thường quan niệm tính là tất cả các nết tốt, nết xấu tự nhiên ở trong tâm thần của một vật nào, tức là toàn thể sinh hoạt của vật ấy. Khổng Giáo không hiểu như thế, cho tính là cái bản nguyên tinh thần, tức phần thiên lý của Trời phú cho, có đủ cả nhân, nghĩa, lễ, trí, tức là cái minh đức nói ở đầu sách Đại Học. Do đó, Mạnh Tử cho tính người ta là thiện, nếu có thành ra bất thiện là vì người ta không biết giữ cái bản tâm, chứ nguồn gốc của tính không thể không thiện được. Mạnh Tử sở dĩ nói tính thiện là vì ông tin có cái thiên lý chí thiện, mà tính người là một phần thiên lý ấy, cho nên phải thiện.
Mạnh Tử thường dùng “hiếu, đễ, trung, tín” để nói lên nội dung cụ thể của thiện. Hiếu là thể hiện cụ thể mối quan hệ thích đáng giữa con với cha mẹ; Đễ là thể hiện cụ thể mối quan hệ thích đáng giữa tôi với anh chị em; Trung là thể hiện cụ thể mối quan hệ thích đáng giữa tôi với tổ quốc hay người chủ; Tín là thể hiện cụ thể mối quan hệ thích đáng giữa tôi với bạn bè. Nên thiện là thể hiện cụ thể mối quan hệ thích đáng giữa tôi với tha nhân.
2.2. Trong Phật Giáo: Thiện (Pali: kusala): là lành, tốt, có đạo đức; thuận theo đạo lý, có ích cho mình và cho người; là trạng thái tiêu diệt ác pháp. Ngược với thiện là ác, bất thiện (akusala) chính là ác pháp. Quả báu của thiện là sự an lạc thân tâm. Phúc (puñña): là hạnh phúc, sung sướng, là trạng thái làm cho tâm của mình được trong sạch khỏi phiền não. Ngược với phúc là tội (pāpa) là trạng thái làm cho tâm bị ô nhiễm bởi phiền não. Quả báu của phúc cũng là sự an lạc thân tâm. Cho nên, phúc và thiện đồng nghĩa với nhau. Phúc thường thấy trong Kinh Tạng, có nghĩa hẹp; Thiện thường thấy trong Vi Diệu Pháp Tạng, có nghĩa rộng.
Trong ba cõi (tam giới), con người nói riêng và tất cả chúng sinh nói chung, thân tâm được an lạc, đó là quả của phúc thiện. Các hành vi thiện đều do nơi thân thể, lời nói và nhất là tâm ý mà ra, gồm chung gọi là thập thiện nghiệp (10 hành vi lành): Về thân có ba: (1) không sát sanh, (2) không trộm cắp, (3) không dâm dục. Về ngữ có bốn: (4) không nói dối, (5) không nói hai lưỡi, (6) không nói ác khẩu, (7) không nói thêu dệt. Về ý có ba: (8) không tham lam, (9) không sân hận, (10) không ngu si tà kiến.
Tất cả phúc báu của loài người và trời (tức các chúng sanh ở về thế giới tốt đẹp hơn loài người) thành tựu được, đều do tu theo mười điều lành này. Nếu muốn sanh về cõi trời thì cần phải có hành vi đạo đức của thập thiện. Trời lại có ba cõi: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Muốn sinh vào hai cõi sắc và vô sắc, lại cần tu theo tứ thiền bát định [6] nữa mới được. Nhưng cũng căn cứ mười nghiệp lành này làm cơ bản; chỉ thêm một tầng nữa là cần phải có công phu tu các pháp thiền định nữa mà thôi. Vì thế, giáo pháp đại thừa cũng đều thâu tóm vào trong mười điều lành này và sự nghiệp xuất thế của các bậc thánh nhân hầu hết bao quát trong thập thiện nghiệp. Vai trò thực sự của thập thiện nghiệp có tính quyết định là như thế. [7]
2.3. Trong triết học Hy Lạp: Thiện [8] là mục đích dành cho mọi người để sống thành công, là nguồn suối của hạnh phúc, là cuộc tìm kiếm không ngừng của linh hồn. Nhưng chỉ có bậc hiền nhân mới đạt đến sự thiện, vì chỉ có vị ấy mới sử dụng lý tính một cách thích hợp.
Những nhà tư tưởng đầu tiên đều bận tâm về bản tính và nguồn gốc của thế giới nên suy tư về sự thiện diễn ra tương đối muộn, tuy nhiên chủ đề này lại được bàn luận rất phong phú vì các triết gia không nhất trí về bản tính của nó. Chính Pythagore là người đặt sự thiện ở vị trí cao nhất trong hệ thống thứ bậc các hữu thể, bằng cách đồng nhất nó với Thượng Đế, với tinh thần và với đơn tử sản sinh ra các hữu thể. Ông quan niệm sự thiện không những như là giá trị luân lý, mà còn như là cái đẹp, chân lý và hạnh phúc; chính xác hơn, nó vượt lên trên các giá trị thứ sinh này và mang lại giá trị cho chúng: nó là giá trị tuyệt đối và căn nguyên.
Ở Aristote, ‘thiện’ được đồng nhất với Đệ nhất động cơ [9], với Hữu thể tất yếu, với Nguyên tắc, với Tư duy tự trị, với Tác vụ tự tồn bền vững là Thượng Đế [10]. Với con người, đối tượng đầu tiên của ý chí hợp lý tính chính là sự thiện. Đến mức là tất cả mọi nghệ thuật và mọi khoa học đều được hướng đến sự thiện [11]; và ‘Sự thiện Tối cao’ (aristhon) là mục đích cuối cùng, của cá nhân cũng như của nhà nước [12]. Vì vậy, trên nhiều phương diện, “thiện gồm nhiều phạm trù không kém gì hữu thể: với tư cách là bản thể, sự thiện tối cao được gọi là Thượng Đế và tinh thần; với tư cách chất, nó là các đức hạnh; với tư cách lượng, nó là hạn độ đúng mực, v.v [13]. Nó cũng là mục đích duy nhất và hoàn hảo, vốn được sở hữu, tạo nên hạnh phúc; cái khiến cho ta phải tìm kiếm nó cho chính mình chứ không phải cho ai khác [14]. Và bằng một sự đảo ngược các thuật ngữ, Aristote kết luận rằng sự thiện tối cao đó chính là hạnh phúc (eudaïmonia); và ông nói rõ: “sự thiện của riêng con người là sự hoạt động của linh hồn phù hợp với đức hạnh” [15]. Cuối cùng, sự thiện – hạnh phúc này chính là “sống đúng với phần hoàn hảo nhất của chính chúng ta” [16], phần ấy là nguyên tắc thần thánh của lý tính chiêm ngắm (épistêmonikon). Trong Chính trị học [17], Aristote gọi sự thiện tối cao (của cộng đồng) là to kuriotaton, kurios (thường dịch âm là kyrios): sự làm chủ, chủ quyền (trong Sách lễ Roma dịch là Thiên Chúa).
2.4. Trong triết học Kinh viện: Kinh viện phân chia ba loại thiện: thiện hữu ích, thiện khoái lạc và thiện đạo đức.
– Sự thiện hữu ích gặp thấy trong Socrate khi ông chủ trương điều thiện là điều hữu ích. Có người đồng hoá với tư lợi. Gần đây, người ta đồng hóa thiện với công ích. Sự thiện hữu ích là một vật hay một hành vi giúp ta đạt một mục đích nào đó, có thể là mục đích trung gian hay mục đích tối hậu.
– Sự thiện khoái lạc là cảm giác hạnh phúc khi đạt đối tượng tốt đẹp hoặc sau khi thực hiện một hành vi tốt đẹp. Có người cho đó là lạc thú (Epicure).
– Sự thiện đạo đức là điều tự nó tốt, đáng ao ước, yêu mến và tìm kiếm, chứ không phải là phương tiện hay cảm giác. Sự thiện đạo đức đồng hoá với sự thiện vô vị lợi. Ta tìm nó, ta thực hiện nó vì nó có giá trị dù phải chịu thiệt thòi hy sinh. Đây là sự thiện đúng nghĩa của đạo đức học.
Con người tìm kiếm sự thiện và chỉ thoả mãn khi đạt sự thiện tuyệt đối. Sự thiện xuất hiện dưới nhiều mức độ khác nhau:
– Các sự thiện vật chất: Như: cơm áo gạo tiền, xe cộ, nhà cửa, tiền bạc, của cải, danh vọng, quyền lực… Các sự thiện này là sự thiện hữu ích có giá trị phương tiện, chúng tạm bợ chóng qua.
– Các sự thiện thể xác: Như: sức khỏe, sắc đẹp, trường thọ, lạc thú… Các sự thiện này được coi như mục đích trung gian chứ không phải mục đích tối hậu, chúng không thể là sự thiện tuyệt đối.
– Các sự thiện tinh thần: Như: các tài năng cao cả của tâm hồn, sự nhận biết sự thật, lòng yêu mến vẻ đẹp, khoa học, nghệ thuật… Các sự thiện này cũng không phải sự thiện tuyệt đối vì chúng còn bất toàn, mỏng giòn và không bao giờ thỏa mãn vì càng tiến bộ càng nảy sinh nhiều vấn đề.
– Các sự thiện xã hội: Có nhiều học thuyết chủ trương sự thiện tuyệt đối là khi kiện toàn một xã hội hoàn hảo. Theo Auguste Comte, con người là một sinh vật xã hội. Cá nhân chỉ hiện hữu cho xã hội và nó phải thực hiện định mệnh của mình là góp phần hoàn thành xã hội, lúc đó sẽ đạt hạnh phúc đích thực. Thế mà con người không phải là một con số, nặc danh, nhưng là một nhân vị. Xã hội vì con người chứ không phải con người vì xã hội.
– Các sự thiện luân lý: Đó là các nhân đức: Bác ái, vị tha, hiền lành, độ lượng… Đây cũng chưa là sự thiện tuyệt đối vì việc đạt nhân đức và bảo toàn nhân đức gắn liền với nhiều hy sinh kiên trì gian khổ.
– Sự thiện tuyệt đối: Chính là Thiên Chúa, Đấng có khả năng thoả mãn những khát vọng vô biên của con người: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, vì thế linh hồn con băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ an trong Chúa”(Augustinô).
2.5. Quan niệm của Công Giáo:
Có thể tóm tắt những nét chính yếu trong Tổng luận Thần học [18] của thánh Tôma liên quan đến sự thiện như sau:
1. Thiên Chúa là tình yêu, là nguồn sự thiện sung mãn vô biên: Ngài tạo dựng nên vạn vật bởi vì muốn thông chuyển sự thiện cho các thụ tạo, cách riêng là loài người. Nơi Thiên Chúa, sự thiện hay tình yêu không phải là cái gì trừu tượng nhưng là chính bản tính của Ngài.
2. Con người luôn khao khát hiểu biết sự thật và ước muốn đạt đến sự thiện tuyệt đối, tức là hạnh phúc vĩnh cửu. Thế nhưng con người không thể tìm đâu được hạnh phúc ngoài Thiên Chúa: tâm hồn con người luôn luôn khắc khoải bao lâu chưa đạt tới Thiên Chúa.
3. Đối lại Thiên Chúa không để cho con người bơ vơ: chính Thiên Chúa đã lôi kéo chúng về với Chúa bằng ân sủng, bằng các ơn Thánh thần, bằng gương mẫu là chính Chúa Giêsu Kitô, hình ảnh Thiên Chúa.
4. Phương thế để đạt tới sự thiện đích thực hoàn hảo (cũng gọi là con đường nên thánh, đường trọn lành, là con đường trở về với Thiên Chúa là cội nguồn và cứu cánh của mình) hệ tại trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Sự thánh thiện không có nghĩa là thoát tục, nhưng là dấn thân xây dựng xã hội. Người thánh thiện không phải là người sống trên mây trên gió, nhưng là người tìm cách nhận ra tiếng gọi của Chúa giữa hoàn cảnh xô bồ của lịch sử. Con đường nên thánh bao gồm nhiều hành vi tốt lành (khổ chế, nhân đức), nhưng quan trọng hơn cả là lòng khát khao và tình yêu mến. Con người tiến triển trên đường nhân đức không phải bằng việc tích luỹ cho thật nhiều việc thiện, nhưng là nhờ việc tăng cường lòng yêu mến.
3. Kết luận.
Các triết gia Hy Lạp suy tư về sự thiện như một hữu thể tất yếu, đệ nhất động cơ bên ngoài con người. Các triết gia Trung Quốc thì chú tâm đến cái tính thiện con người như là một phần của cái thiên lý chí thiện nơi Thượng Đế. Phật Giáo đề cao việc tìm kiếm quả phúc thiện nơi các thiện nghiệp. Công Giáo thì nói rõ là cái hữu thể tất yếu, cái thiên lý chí thiện đó chính là Thiên Chúa, Thiện là chính bản tính của Chúa.
Sự thánh thiện hệ tại sống như Chúa Kitô, diễn tả lối cư xử, tư tưởng và hành động của Chúa trong đời sống chúng ta, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói: “Một đời sống thánh thiện chủ yếu không phải là kết quả cố gắng riêng và hoạt động của chúng ta nhưng chính Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh (Is 6,3) làm cho chúng ta nên thánh, chính hoạt động của Chúa Thánh Linh, Đấng gọi chúng ta từ nội tâm, chính sự sống của Chúa Kitô Phục Sinh được thông ban cho chúng ta, biến đổi chúng ta” [19].
Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
_______________________________________________________
Ghi chú:
[1] George Edward Moore (1873-1958) người đề xướng thuyết hiện thực đạo đức (the Ethical Realism) và phát triển chủ nghĩa vị lợi lý tưởng (Ideal Utilitarianism) thành một triết lý độc lập với thuyết trực giác (Intuitionism). Tác phẩm ETHICS (Đạo đức học), Oxford University Press, London, xuất bản năm 1912.
[2] Khuôn khổ của bài viết, cũng như khả năng, không cho phép chúng tôi đề cập tới những đóng góp của các nhà tư tưởng quanh chủ đề này, như Archytas, Euclid of Megara, Socrates, Diogene, Platon, Epicure, Plotin, Proclus, E. Kant, George Ed. Moore, K. Marx, Tuân Tử, Cáo Tử, Lão Tử, Trang Tử…
[3] Trần Văn Hiến Minh, TỪ ĐIỂN VÀ DANH TỪ TRIẾT HỌC, Ra Khơi, Sài Gòn, 1966.
[4] Nguyên văn là: “人皆有不忍人之心… 所 以 謂 人 皆 有 不 忍 人 之 心 者 今 人 乍 見 孺 子 將 入 於 井, 皆 有 怵 惕 惻 隱 之 心: Nhân giai hữu bất nhẫn nhân chi tâm… Sở dĩ vị nhân giai hữu bất nhẫn nhân chi tâm giả: Kim nhân sạ kiến nhụ tử tương nhập ư tỉnh, giai hữu truật dịch trắc ẩn chi tâm.” (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu, thượng 6).
[5] Nguyên văn là: “惻 隱 之 心 仁 之 端 也, 羞 惡 之 心 義 之 端 也, 辭 讓 之 心 禮 之 端 也, 是 非 之 心 智 之 端 也. 人 之 有 是 四 端 也 猶 其 有 四 體 也: Trắc ẩn chi tâm, nhân chi đoan dã; tu ố chi tâm, nghĩa chi đoan dã; từ nhượng chi tâm, lễ chi đoan dã; thị phi chi tâm, trí chi đoan dã” (ibid.).
[6] Tứ thiền bát định là: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, là bốn lớp thiền của cõi trời Sắc giới. Có thiền là có định, nên Tứ thiền cũng là bốn thứ định, cộng thêm bốn thứ định của cõi trời Vô sắc giới là: Ðịnh Không vô biên xứ, Định Thức vô biên xứ, Định Vô sở hữu xứ và Định Phi tưởng, phi phi tưởng xứ, làm thành tám thứ định, gọi chung là “Tứ thiền bát định”.. Bốn thứ định sau (của vô sắc giới) có thể được Phật thu thập từ truyền thống thiền của Ấn Ðộ trước đó và sau được hợp lại với Tứ thiền trở thành Bát định (xem TỪ ĐIỂN ĐẠO UYỂN, Chân Nguyên biên soạn trênhttp://rongmotamhon.net).
[7] Tham khảo KINH THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO do Pháp sư Thái Hư giảng tại Hội Phật Giáo Chánh Tín, Hán Khẩu, Trung Hoa, bản dịch trên http://www.phatviet.com.
[8] Trong tiếng Hy Lạp, agathon (to) : thiện, tốt (sự, cái) (Latinh : Bonum; Anh: The Good; Pháp: Le bien): Thể từ giống trung của tính từ agathos: tốt, thiện. Danh từ so sánh cao nhất, to ariston (τò άριοτον): sự thiện tối cao (Latinh: Summum bonum).
[9] METAPHYSICS, K, 1.
[10] ibid. A, 7.
[11] L’ÉTHIQUE À NICOMAQUE, I, I, 1.
[12] ibid. I, II, 1-7.
[13] ibid. I, VI, 3.
[14] ibid. I, VII, 3-5.
[15] ibid. I, VII, 8-15; VIII, 8.
[16] ibid. X, VII, 8.
[17] LES POLITIQUES, I, I, 1.
[18] Summa Theologica I-II.
[19] Bài giáo lý về các thánh và giải thích về ý nghĩa sự thánh thiện nói chung, của ĐTC Bênêđictô XVI, trong buổi tiếp kiến chung 25.000 tín hữu hành hương ngày 13/04/2011.