Trong bài chia sẻ lần này, Đức Thánh Cha nói đến vấn đề chia rẽ trong Giáo Hội. Trước hết, ngài nhắc nhở các tín hữu rằng “có rất nhiều anh chị em cùng chia sẻ với chúng ta niềm tin vào Đức Kitô nhưng thuộc về giáo phái hay truyền thống khác với chúng ta. Rất nhiều giáo phái đã bỏ việc chia rẽ này rồi – trong Giáo Hội Công Giáo chúng ta cũng vậy – việc chia rẽ này đã là nguyên nhân của những xung đột và đau khổ, cũng như chiến tranh trong dòng lịch sử! Đây là một điều đáng hỗ thẹn.”
Ngài giải thích thêm rằng khi chúng ta chia rẽ trong Giáo Hội, ấy là chúng ta đã làm tổn thương chính Đức Kitô, là đầu của thân thể là Giáo Hội. Ngài cũng nhắn đến việc Đức Giêsu đã nhiều lần cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các tông đồ, đặc biệt là trong Vườn Dầu, khi Ngài chuẩn bị bước vào cuộc thương khó, như đã được Tin Mừng Gioan, chương 17 thuật lại. Chắc chắn một điều là “việc loan báo Tin Mừng và chứng tá của chúng ta sẽ càng khả tín hơn khi chúng ta có khả năng sống với nhau trong sự hiệp thông và yêu thương nhau. Đây chính là điều mà các tông đồ, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, sau đó đã hiểu cách sâu sắc và ghi khắc trong tim mình” – Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến điều đáng buồn trong lịch sử là đã có rất nhiều sự chia rẽ xảy đến trong Giáo Hội. Lý do dẫn đến điều này có thể rất nhiều: do tín lý, luân lý, thuật ngữ thần học, phon pháp mục vụ, động cơ chính trị, hoàn cảnh… Nhưng dù là lý do gì đi chăng nữa – ngài nói – thì “đằng sau việc chia rẽ này, chắc chắn có sự kiêu ngạo, ích kỷ của chúng ta, vốn là nguyên do của những bất đồng, dẫn đến sự bất bao dung, không thể lắng nghe nhau và đón nhận người có cái nhìn hay quan điểm khác với chúng ta”.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha khơi lên cho các tín hữu câu hỏi để nhìn lại mình: “Giờ đây, trước chuyện này, mỗi người chúng ta, xét như là những thành viên của mẹ Giáo Hội, chúng ta có thể và phải làm gì?” Chắc chắn không thể thiếu lời cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ. Cùng với lời cầu nguyện, Chúa mời gọi chúng ta hãy luôn mở ra, mở ra để đối thoại và gặp gỡ, chứ đừng đóng khung trong cái nhìn của mình. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải tìm cách hiểu biết và yêu mến Đức Giêsu nhiều hơn, đồng thời chia sẻ nguồn tình yêu ấy cho mọi người. Đó cũng chính là “thái độ gắn kết với sự thật, có khả năng tha thứ, cảm thấy mình thuộc về gia đình Kitô giáo, xem mình là một món qua dành cho người khác, và cùng nhau làm việc bác ái”.
Ngài cũng nhắc thêm rằng việc chúng ta chia rẽ là một mỗi đau, nhưng chúng ta cũng có điểm chung: tất cả chúng ta đều tin vào Chúa Giêsu Kitô, tin vào Cha, Con và Thánh Thần, và tất cả chúng ta đều cùng nhau bước đi. “Chúng ta hãy giúp đỡ nhau” – Ngài nhấn mạnh – “Tất cả chúng ta cùng nhau bước đi trên hành trình cuộc sống trong đức tin của chúng ta, đây gọi là đại kết thiêng liêng”.
Đức Thánh Cha cũng chia sẻ một niềm vui của ngài rằng “Hôm nay, tôi tạ ơn Thiên Chúa vì kỷ niệm 70 năm tôi Rước Lễ lần đầu”. Nhưng ngài cũng nói thêm: “Khi Rước lễ lần đầu, chúng ta phải biết rằng điều đó có nghĩa là chúng ta đi vào trong sự hiệp thông với người khác, với anh chị em trong Giáo Hội, và với cả những ai thuộc về một cộng đoàn khác nhưng tin vào Đức Giêsu.” Sau đó, ngài mời gọi mọi người hãy tạ ơn Chúa vì ơn Bí Tích Rửa Tội, vì sự hiệp thông, và xin Chúa nối kết mọi tín hữu được nên một trong Ngài.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ