Giữa thế bị kìm kẹp giữa những tiếng ồn bên ngoài và những xáo động nội tâm, đâu là điểm tựa cho sự bình an? Chúng ta không có được một điểm tựa cho cuộc sống vốn dĩ vô thường của mình
Âm thanh là điều kỳ diệu mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta. Thế giới xung quanh sẽ đơn điệu biết bao khi thiếu đi âm thanh. Chúng ta cảm thấy sảng khoái khi mỗi sáng nghe tiếng chim hót báo hiệu ngày mới, lòng như được tưới gội khi lắng nghe tiếng nước róc rách từ khe suối nhỏ, hay cha mẹ cảm thấy chẳng còn mệt nhọc gì sau một ngày làm việc mệt mỏi khi những đứa con của mình cất tiếng gọi thân thương. Tuy vậy, kể từ sau các cuộc cách mạng công nghiệp và khoa học kĩ thuật cùng sự bùng nổ về dân số, xã hội loài người ngày càng trở nên ồn ào hơn bao giờ hết. Con người bị bủa vây bởi muôn vàn tiếng ồn: tiếng động cơ máy móc, tiếng các phương tiện di chuyển trên đường, tiếng nhạc inh ỏi, v.v. Nói chung, chúng là những âm thanh nhân tạo. Nhiều tiếng ồn quá cũng gây nên những phiền phức cho cuộc sống.
Những tiếng ồn bên ngoài
Nhiều người bị cuốn theo những vội vã và ồn ào đó. Mỗi sáng thức dậy, chúng ta phải bận tâm lo nghĩ và hối hả cho việc mưu sinh. Chúng ta vội vàng ra đường và hòa mình vào dòng người đông đúc đang trên đường đến nơi học tập và làm việc. Chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy đó khi nào không hay. Nhiều người đã trở nên quen thuộc với những âm thanh đó, hay nói cách khác chúng ta chẳng còn bận tâm vì nó nữa bởi vì chúng ta đã quá quen với cảm giác khó chịu xen lẫn mệt mỏi của cuộc sống bận rộn. Dần dà, nhiều người trong chúng ta thiếu đi cảm thức về một cuộc sống mà mình mong ước. Đó là một cuộc sống mà chúng ta có thể an nhàn hưởng thụ từng giây phút tuyệt vời. Nhiều người vẫn tự hỏi sống để làm gì mà sao tôi phải vất vả giữa cuộc đời bon chen này chứ?
Bên cạnh đó, nhiều người lại tìm kiếm sự thỏa mãn cho bản thân nơi những thứ ồn ào bên ngoài. Những bữa nhậu nhẹt xuyên đêm, những cuộc nhảy nhót trong quán bar cho tới sáng hay những buổi karaoke tưng bừng là lựa chọn của rất nhiều người. Họ đến đó để giải khuây hay giao lưu kết bạn. Dẫu biết rằng âm nhạc hay bia rượu sẽ giúp cho những cuộc vui thêm thú vị. Một buổi tiệc sẽ buồn tẻ thế nào nếu thiếu đi âm nhạc và những lọai thức uống đặc biệt. Thế nhưng, nếu bị lạm dụng quá mức, chúng sẽ trở nên nguy hại cho chúng ta. Thế mà nhiều người lại cứ mãi tìm thoả mãn bên ngoài, họ sợ hãi khi phải ở một mình. Họ tìm đến những nơi đông người vì ở đó họ tin rằng mình sẽ không cô đơn. Họ nghĩ rằng mình sẽ tìm được niềm vui thực sự giữa những quay cuồng của cuộc sống vốn bóp nghẹt bản thân họ trong nỗi lo âu của kiếp sống. Mặc dù vậy, khi càng tìm những thú vui bên ngoài để khỏa lấp nỗi trống vắng bên trong, họ càng trở nên hụt hẫng và trống rỗng hơn.
Những tiếng “ồn” nội tâm
Thật thiếu sót nếu chúng ta nghĩ rằng chỉ có những thứ bên ngoài mới gây ồn ào cho cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, còn một thứ tiếng “ồn” khác còn nguy hiểm hơn nữa. Đó là tiếng “ồn” của nội tâm. Tôi gọi những tiếng nói phát ra từ sâu bên trong chúng ta là tiếng “ồn” khi chúng gây ra những nhiễu loạn, phân tâm và xáo trộn nội tâm cho một người. Chắc hẳn, nhiều người trong chúng ta từng trải qua cảm giác rằng trong tâm trí của mình xuất hiện một hay nhiều tiếng nói vang lên. Có thể là chính chúng ta độc thoại, hay đối thoại với một tiếng nói khác. Điều đáng nói là có khi tiếng nói ấy lặp đi lặp nhiều lần và gây cho người đó cảm giác bất an. Đó có thể là những kiềm nén trong quá khứ hay nỗi lo âu nào đó cho tương lai. Có thể chúng ta mãi nghĩ về những đau khổ đã qua, những dằn vặt vì một thời lầm lỡ hay nỗi ám ảnh nào đó khiến chúng ta nghĩ rằng cuộc sống hiện tại chẳng còn ý nghĩa gì. Đôi khi chúng ta nhìn về tương lai lại thấy mịt mờ. Chúng ta lo lắng vì sợ rằng những gì đã xảy ra có thể tiếp tục lặp lại, nhiều khi còn khủng khiếp hơn nữa. Từ đó, chúng ta rơi vào sợ hãi và tâm hồn trở nên trống rỗng mặc dù đầu óc chúng ta vẫn suy nghĩ. Một khi các điều này cứ lặp đi lặp lại sẽ làm chúng ta thấy như thể mình đang ở trong vòng lẩn quẩn không bao giờ thoát được của bể khổ. Để rồi chúng ta bỏ quên đi những khoảnh khắc của hiện tại, nơi mà cuộc sống vẫn đang diễn ra.
Tình trạng trên nói đến một vấn đề mà nhiều người không nhận ra. Đó là chúng ta bị chính tâm trí của mình dẫn dắt hay điều khiển. Chúng ta chỉ coi bản thân mình là tâm trí đó mà thôi. Chúng ta trôi theo những gì mà tâm trí dẫn dắt. Lâu dần chúng ta đánh mất đi tính hội nhất vốn có trong bản thân mình. Mỗi người chúng ta đâu chỉ đơn giản là tâm trí. Chúng ta còn có cảm xúc, tình yêu, lòng vị tha, sự bình an, mục đích sống, đời sống thiêng liêng, v.v. Những điều đó chỉ có thể được cảm nghiệm trong giây phút hiện tại, nơi chúng đang diễn ra. Những cảm nghiệm đó tâm trí không thể cảm nhận được vì tâm trí thường cám dỗ chúng ta nghĩ về quá khứ hoặc tương lai.
Giữa thế bị kìm kẹp giữa những tiếng ồn bên ngoài và những xáo động nội tâm, đâu là điểm tựa cho sự bình an?
Đến đây, chúng ta nhận ra bản thân mình bị kìm kẹp giữa những tiếng ồn bên ngoài và những xáo động nội tâm. Trong tình thế đó, chúng ta cảm thấy mệt mỏi và lạc lối. Chúng ta không có được một điểm tựa cho cuộc sống vốn dĩ vô thường của mình. Chúng ta như những áng lục bình trôi dạt trên sóng nước, nước cuốn đi đâu tùy ý. Nếu chỉ chạy theo quyến rũ của những ồn ào ngoại tại, không sớm thì muộn chúng ta cũng chẳng còn biết mình là ai và mình đang ở đâu trong cuộc đời này. Còn nếu không làm chủ được những xáo động bên trong, chúng ta dễ trở nên thất vọng, lo âu, và đánh mất căn tính của mình. Chúng ta dễ đi tìm an ủi từ những thoải mãn bên ngoài, chạy theo số đông, nghe theo ý kiến của người khác, và cuối cùng sống trên những phán xét của người khác. Nhiều người cứ mãi lo nghĩ xem người khác nghĩ gì về mình, họ hành động dựa trên thái độ của người khác để rồi chính họ chẳng còn biết ai mới là chủ cuộc đời của mình. Nhiều người rơi vào hố sâu của ảo vọng, thất vọng và sống cuộc đời thật vô nghĩa.
Cho nên, chúng ta cần tìm và xây đắp cho mình một điểm tựa vững chắc để neo đậu cuộc đời của mình vào đó. Và chúng ta cũng chẳng thể tìm điểm tựa ấy nơi vật chất, danh vọng hay tiền bạc. Chỉ nơi chính mình, trong thẳm sâu của nội tâm mình mới có thể cho chúng ta điểm tựa đó. Bởi vì, trong sâu thẳm nội tâm, chúng ta không những gặp được bản ngã của mình, mà còn gặp và trở nên một với Điều-gì-đó-lớn-hơn-nữa. Điều gì đó ấy chính là Cội Nguồn của hiện hữu và hạnh phúc mà chúng ta hằng tìm kiếm.
Có thể thấy, nơi nội tâm của chúng ta diễn ra hai cấp độ khác nhau của những chuyển động nội tâm. Như đã đề cập ở trên, ở cấp độ mà chúng ta bị dẫn dắt bởi những kìm nén của quá khứ hay nỗi lo âu của tương lai, chúng ta không còn ý thức để sống giây phút hiện tại. Chúng ta mãi lo nghĩ về những gì không hiện hữu thực nơi hiện tại của mình. Bên cạnh đó, việc một người dễ bị cuốn vào những ồn ào bên ngoài cũng là do nội tâm bên trong của người ấy trống rỗng vì thiếu bình an. Do đó, họ mới tìm bù đắp nơi những thứ bên ngoài. Cho nên, tôi mới nói về việc trở lại với nội tâm, nhưng ở cấp độ ý thức về hiện tại. Tức là chúng ta cần ý thức để quy hướng cuộc sống của mình nơi giá trị của hiện tại. Thứ chúng ta có duy nhất chính là hiện tại, quá khứ hay tương lai đều không nằm trong tay mình. Nếu thực sự ý thức được chân lý chỉ ở trong hiện tại, chúng ta sẽ thấy rằng những ồn ào của nội tâm không còn sức mạnh trên chúng ta nữa. Chúng ta sẽ thấy rõ những gì cần làm khi gặp khó khăn và sống triển nở hơn. Một khi nội tâm chúng ta sáng tỏ và đủ tĩnh lặng, dù cho hoàn cảnh bên ngoài có khắc nghiệt hay rối loạn thế nào thì lòng chúng ta vẫn đủ vững vàng để vượt qua.
Một số gợi hứng cho việc tìm sự bình an cho tâm hồn
Điều cần thiết chính là biết làm chủ tâm trí của mình. Tức là chúng ta biết mình đang nghĩ gì để đưa những suy nghĩ đó về với thực tại vốn có của nó. Để làm được như vậy, cần lắm những khoảng lặng cần thiết để nhìn vào chính bản thân mình. Con người thật may mắn khi có khả năng nội quan. Những gì chúng ta cảm nhận được sẽ nói lên sự thật về “sức khỏe” tâm hồn của chúng ta. Nếu những suy nghĩ xảy đến gây cho chúng ta những lo âu nhất định thì chúng ta cần quan sát chúng để phản tỉnh. Khi nhìn vào chính mình, chúng ta có thể nhận ra những vấn đề đang tồn tại bên trong. Chúng ta quan sát mà không phán xét điều gì, để rồi chúng ta có được sự an tĩnh nhất định.
Bên cạnh đó, chúng ta cần trân trọng mọi khoảnh khắc của hiện tại, mọi hơi thở, mọi việc chúng ta làm đều có ý nghĩa. Đừng thấy những điều đó quá hiển nhiên đến nỗi chúng ta phớt lờ đi chúng. Khi cảm nghiệm được chính mình đang hiện hữu trong khoảnh khắc hiện tại này, chúng ta sẽ an tâm hơn và thấy nhẹ lòng hơn. Một trong những cách mà nhiều người vẫn thực tập đó là điều tiết và cảm nhận hơi thở của mình. Mỗi khi hít thở, hãy đặt hết sự chú tâm vào nó, cảm nhận luồng không khí được hít vào, đi vào sâu trong cơ thể của mình. Mỗi khi tập luyện như vậy, chúng ta sẽ ý thức hơn về sự hiện hữu cũng như mỗi khoảnh khắc được ban cho trong cuộc đời của mình.
Đặc biệt, nhiều người chọn trở về với thiên nhiên, xa rời cuộc sống ồn ào để hòa mình vào công trình của Tạo hóa. Đây là điều đáng quan tâm vì con người luôn có một mối liên hệ mật thiết với tự nhiên. Khi hòa mình vào vũ trụ, con người được trở về với mối hội nhất ban sơ mà từ lâu con người đã quên đi. Con người không còn bị bao vây bởi những tiếng ồn nhân tạo nữa. Con người đắm chìm trong những thanh âm trong trẻo của muôn loài muôn vật. Nơi thiên nhiên, con người được xoa dịu khỏi những xáo động trong tâm hồn, và biết đón nhận mỗi khoảnh khắc như một món quà quý giá từ Trời. Tâm hồn sẽ được gột rửa khỏi những bận tâm để từ đó chúng ta được chữa lành từ bên trong.
Tóm lại, chúng ta không có xã hội nào khác để sống ngoài trừ xã hội hiện nay của mình. Chúng ta không thể chối bỏ nó nhưng chúng ta có thể chọn thái độ sống trước mọi biến cố. Chúng ta không thể chờ cho niềm hạnh phúc đến với chúng ta, nhưng phải chủ động tạo nên hạnh phúc cho chính mình. Sénèque từng nói: “Trong lúc ta chờ đợi thì cuộc sống đã trôi qua.” Mỗi khoảnh khắc chỉ xảy ra một lần, cho nên chúng ta cần nắm bắt để sống trọn vẹn chúng. Đừng để những tiếng ồn gây xáo động con người của mình. Đặc biệt, chúng ta cần biết để tâm đến những chuyển động bên trong mình, biết lắng nghe tiếng lòng và sẵn sàng đi vào sâu thẳm bên trong. Từ đó, chúng ta ý thức rằng: “Chính chúng ta phải trả lời câu hỏi mà cuộc sống hỏi ta. Và trước những câu hỏi đó, chúng ta chỉ có thể trả lời bằng cách chịu trách nhiệm cho chính sự tồn tại của mình.”
Philip
(dongten.net)