“Tiếng lạ” của Thánh Thần

147

“Tiếng lạ” của Thánh Thần

Trích sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 2, 1-11) (1) Khi đến ngày lễ Ngữ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, (2) bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. (3) Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. (4) Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.
(5) Lúc đó, tại Giêrusalem, có những người Dothái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. (6) Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. (7) Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư? (8) Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? (9) Chúng ta đây, có người là dân Pácthia, Mêđia, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Capađôkia, Pontô, và Axia, (10) có người là dân Phygia, Pamphylia, Aicập, và những vùng Libya giáp giới Kyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; (11) nào là người Dothái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Kêta hay người Arập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!”

Suy niệm
Mọi người đều ngạc nhiên vì những người trước kia nhát đảm sợ sệt, nay lại mạnh dạn trước công chúng như những học giả chuyên nghiệp. Ba năm rong rủi theo Thầy Giê-su, các môn đệ được chứng kiến nhiều phép lạ, được học hỏi nhiều điều hay, được sai đi thực tập về những gì đã học nhưng các ông vẫn thường bị gán nhãn là “lòng dạ các ông còn tăm tối”. Nay với ơn Thánh Thần, các ông như được mở mắt trước những điều tai các ông đã từng nghe, mắt các ông đã từng thấy. Và từ sự bừng sáng ấy, các ông mạnh dạn loan báo những gì tai nghe, mắt thấy.

Chúa Giê-su hứa với các ông “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật vẹn toàn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ loan báo lại cho anh em” (Ga 16,13). Và Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14,26). Quả thật, Thánh Thần giúp các môn đệ nội tâm hóa tất cả những gì các ông đã trải qua cùng với Thầy Giê-su. Nếu không có Thánh Thần, các ông chỉ có thể nhìn thấy Đức Giê-su như một con người có nhiều khả năng, làm được nhiều điều lạ, chứ không phải là một vị Thiên Chúa đang ở giữa dân của Người. Nhờ Thánh Thần, các ông đã không chỉ nhận ra sự thật về Đức Giê-su, các ông còn trở nên mạnh dạn để làm chứng về sự thật đó.

Ngày nay người ta dễ dàng có cơ hội được tiếp xúc với nhiều ngoại ngữ, nên việc các môn đệ “nói được nhiều tiếng lạ” không còn là điều lạ. Nhưng điều gì khiến những người thời xưa cũng như nay phải ngạc nhiên? Chúng ta thấy gì nơi “tiếng lạ” mà các ông nói?

Trước tiên, “tiếng lạ” mà các ông nói không phải là tiếng nói của một thế giới khác, của các thiên thần hay một loại ngôn ngữ mới mà các ông chế ra, nhưng là tiếng nói của con người. Các ông nói và người ta hiểu! Hoá ra, “tiếng lạ” là tiếng bản xứ của người nghe.

Thứ đến, các ông không học và không sống trong một cộng đồng ngôn ngữ để tập luyện thứ ngôn ngữ mới này. Nhưng khi được ơn Thánh Thần, các ông mới bắt đầu nói những ngôn ngữ mới. Sự kiện lạ này cho thấy ngôn ngữ mới không phải do từ khả năng hay cơ hội của các ông nhưng là một món quà đặc biệt của Thánh Thần.
Cuối cùng, các ông nói và người ta nghe như tiếng bản xứ của họ, dù rằng họ đến từ các vùng miền khác nhau với những ngôn ngữ khác nhau. Phải chăng, dù ngôn ngữ nói khác nhau, vẫn còn có một loại ngôn ngữ khác chung cho tất cả mọi người! Số người đứng nghe các ông nói không phải là một nhóm nhỏ, hay họ dùng chung một loại ngôn ngữ, nhưng họ là những người đến từ “tứ phương thiên hạ” với những ngôn ngữ khác nhau, vậy mà họ vẫn nghe các ông nói tiếng bản xứ của họ. Các ông đã dùng “tiếng lạ” này để “loan báo kỳ công của Thiên Chúa”.
Với những đặc tính này, chúng ta thấy có một sự đối ngược nào đó giữa sự kiện Tháp Babel của sách Sáng Sáng Thế với ngày Lễ Ngũ Tuần. Nơi tháp Babel, lúc đầu người ta dùng chung một ngôn ngữ để bàn tính và khởi công công trình. Nhưng ngày qua ngày, khi mà mỗi người có một cái tôi to hơn cái tai, thì dù cho họ dùng chung một ngôn ngữ, họ cũng không thể hiểu được nhau. Nếu được mô tả theo ngôn từ ngày nay thì tháp Babel đã được khởi công và xây dựng không vì mục đích công ích, nhưng mỗi người xây tháp đều vì tham vọng riêng của họ. Đến khi những tham vọng ấy không thể dung hợp nhau được nữa, thì họ phá công trình chung còn mạnh tay hơn những gì họ đã góp vào.
Ngược lại, với ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ trước đó đã kèn cựa nhau từng tí nay lại tề tựu để cùng nhau lãnh nhận ơn Thánh Thần, các môn đệ xưa kia nhát đảm nay trở thành những người mạnh dạn loan báo những kỳ công của Thiên Chúa, và họ trở thành trung gian để liên kết mọi người từ khắp nơi đổ về.

Nếu với Đức Giê-su, người ta có thể nhìn thấy Ngài rảo bước trên khắp nẻo đường để rao giảng và có thể dùng tay chạm đến Ngài để được chữa lành, thì với Thánh Thần, người ta lại nhận ra nơi cõi sâu tâm hồn, nơi mà họ có thể mở ra để xích lại gần nhau và cảm thông cho nhau mặc cho đôi lúc ngôn ngữ nói của họ có khác biệt. Khi đó, Thánh Thần sẽ dạy họ một thứ tiếng lạ, mà thực ra không lạ – họ nói và người khác hiểu. Hơn nữa, có thể đây là thứ tiếng lạ ngay cả đối với người nói, vì biết đâu đây là lần đâu tiên họ biết nói thứ ngôn ngữ đó… và họ bắt gặp những người khác cũng đang dùng chung thứ ngôn ngữ ấy với họ: ngôn ngữ của tình yêu và liên đới.
Ngày nay, chúng ta cũng cần thứ “tiếng lạ” ấy của Thánh Thần, không phải là thứ tiếng chúng ta có thể học được ở các trung tâm ngoại ngữ, nhưng là thứ “tiếng lạ” trong chính lòng của chúng ta mà lâu nay nó vẫn còn xa lạ đối với chính mình. Với công nghệ hiện đại, cả thế giới trở nên một ngôi làng và mọi người gần gũi nhau, nhưng thế giới ấy vẫn cần được đặt trong một ngôn ngữ lạ của Thánh Thần để họ hiểu nhau và nâng đỡ nhau. Xin Thánh Thần hướng dẫn con
để con được nói thứ “tiếng lạ” của Ngài,
một thứ “tiếng lạ” đã nằm sẵn trong con,
để cuộc đời con trở thành dấu chỉ của quy tụ và hiệp nhất,
và đời con trở thành lời loan báo “những kỳ công của Thiên Chúa”. Amen.

Hà Thanh Bình

nguon VR