Tiến trình mở hồ sơ xin phong Thánh cho Đức Cha Lambert de La Motte và Đức Cha François Pallu

28

Tiến trình mở hồ sơ xin phong Thánh cho Đức Cha Lambert de La Motte và Đức Cha François Pallu

Tóm tắt tiến trình mở hồ sơ
xin phong Chân phước và phong Thánh
cho hai tôi tớ Chúa
là Đức Cha Lambert de La Motte và Đức Cha François Pallu

Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam ghi đậm dấu ấn của các vị Thừa sai thuộc nhiều dòng tu: Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Dòng Đaminh, Dòng Augustinô. Các Đấng đã hy sinh lên đường đến Việt Nam, với thao thức mang Tin mừng Cứu độ đến cho dân tộc chúng ta. Trong số các vị thừa sai, đặc biệt phải kể đến hai vị Giám mục thuộc Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris (MEP) là Đức cha Lambert de La Motte và Đức cha François Pallu. Hai vị được coi như đồng sáng lập của Hội, và cũng là hai vị Đại diện Tông toà đầu tiên của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Ngày 9.9.1659, qua Tông sắc Super Cathedram[1], Đức Thánh cha Alexandre VII quyết định thành lập hai Giáo phận Tông toà đầu tiên tại Việt Nam là Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đức cha Pierre Lambert de La Motte được bổ nhiệm làm Giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Trong và Đức cha François Pallu, Đại diện Tông toà Đàng Ngoài.

Ngày 11.6.1660, cha Pierre Lambert được Đức Tổng giám mục Bouthillier, Tổng Giám mục Giáo phận Tours tấn phong Giám mục tại nguyện đường Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng ở Paris[2], với hiệu toà Bérythe. Sau một tuần tĩnh tâm, ngài rời Paris ngày 18.6.1660 lên đường trong sự vâng phục Tòa thánh và chứng tỏ đã thấu triệt tinh thần các Huấn thị Rôma, mà ngài sẽ còn nhiều tháng đi đường để suy gẫm thêm[3]. Ngày 22.08.1662 Đức cha Lambert đến Ayutthaya, kinh đô Thái Lan.

Ngày 17.11.1658, cha Pallu được Đức Hồng y Antonio Barberini, tổng trưởng Thánh bộ Truyền bá Đức tin tấn phong Giám mục tại Rôma với hiệu toà Héliopolis (nay thuộc Liban). Ngày 2.01.1662, ngài lên tàu tại cảng Marseille để đi Việt Nam, nhưng đã chẳng bao giờ đến được nhiệm sở của mình. Ngày 27.01.1664, ngài tới được Ayutthaya, kinh đô Thái Lan.

Cả hai vị Giám mục đã có công đặt nền móng cho sự phát triển của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Đức cha François Pallu được Toà thánh đặt làm Đại diện Tông toà Đàng Ngoài, nhưng chưa một lần đặt chân đến miền Bắc. Ngài uỷ quyền cho Đức cha Lambert de La Motte điều hành công việc truyền giáo và mục vụ. Nếu Đức cha Lambert de La Motte chuyên cần hoạt động để tổ chức Công đồng Phố Hiến, thành lập Dòng Mến Thánh Giá, truyền chức cho linh mục bản xứ, thì Đức cha François Pallu, với các chuyến đi từ châu Á sang châu Âu, đã xin Toà Thánh chuẩn y và công nhận những thành quả tông đồ của Đức cha Lambert de La Motte. Mỗi người mỗi cách, cả hai vị đều nhiệt thành cho công cuộc loan báo Tin mừng tại Việt Nam trong sự vâng phục Tòa thánh.

Từ năm 2009, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chính thức trình lên Toà thánh Thỉnh Nguyện Thư, để xin phong Chân phước và phong Thánh cho hai vị Giám mục. Thỉnh Nguyện Thư mang chữ ký của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, lúc đó là Giám mục Đà Lạt – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, và chữ ký của cha Jean-Baptiste Etcharren, lúc đó là Bề trên Tổng quyền của Hội Thừa sai Paris. Hai vị Giám mục là Đức cha Giuse Võ Đức Minh và Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh được Hội đồng Giám mục uỷ nhiệm để xúc tiến thủ tục này.

Nhân chuyến đi Ad Limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam, vào tháng 3 năm 2018, trong một cuộc họp tại Foyer Phát Diệm (Rôma), Hội đồng Giám mục đã chính thức trao công việc này cho hai Giám mục: Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên (lúc đó là Giám mục Hải Phòng) và Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng (lúc đó là Giám quản Tông toà Tổng Giáo phận Sài Gòn). Sau một thời gian làm việc, hai vị Giám mục, với sự cộng tác của một số linh mục và nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, đã sưu tầm một số tài liệu có liên quan đến hai vị Đại diện Tông toà đầu tiên của Việt Nam.

Vì Đức cha Lambert de La Motte qua đời ngày 15.6.1679 tại Ayutthaya (Thái Lan)[4] và Đức cha François Pallu qua đời ngày 29.10.1684 tại Phúc Kiến (Trung Quốc)[5], nên theo Giáo Luật, Hội đồng Giám mục Việt Nam phải xin uỷ quyền từ các vị Giám mục của hai Giáo phận này. Đức Hồng y François Xavier Kriengsak Kovithavanij, Tổng Giám mục Bangkok, trong Văn thư đề ngày 18.5.2020, chính thức uỷ quyền cho Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng đặc trách tiến hành thủ tục xin phong Chân phước và phong Thánh cho Đức cha Lambert de La Motte. Bộ Phong Thánh, qua Văn thư số 3542-1/20 do Đức Hồng y Tổng trưởng Marcellus Semeraro ký ngày 15.9.2021, đã chấp thuận cho Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, là Giám mục có thẩm quyền, để tiến hành thủ tục xin phong Chân phước và phong Thánh cho Đức cha François Pallu.

Từ trước tới nay, những hồ sơ liên quan đến hai vị Đại diện Tông toà đều được tiến hành chung. Cũng vậy, một kinh cầu nguyện xin ơn đã được soạn thảo chung cho cả hai Đấng. Nay, theo ý kiến của những vị có chuyên môn, hồ sơ liên quan đến Đức cha François Pallu được trao cho Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, vì Đức cha François Pallu là Đại diện Tông toà Đàng Ngoài. Hồ sơ liên quan đến Đức cha Lambert de La Motte được trao cho Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, vì Đức cha Lambert là Đại diện Tông toà Đàng Trong. Các vị hữu trách đã soạn và phát hành hai kinh cầu nguyện riêng, với hy vọng những phép lạ sẽ nhận được góp phần tiến hành các thủ tục pháp lý thuận lợi hơn.

Tại Việt Nam, cho đến nay, rất ít người biết đến Đức cha Lambert de La Motte, ngoài các nữ tu Mến Thánh Giá và Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá. Đối với Đức cha François Pallu, thì hầu như không ai biết đến ngài. Nhiều người nghĩ rằng công lao của hai vị Đại diện Tông toà chỉ là các Hội dòng Mến Thánh Giá. Đó là một quan niệm phiến diện, thiếu công bằng đối với lịch sử. Công lao của các ngài không chỉ thành lập Dòng Mến Thánh Giá, mà theo chỉ thị của Tòa thánh Đức cha Pierre Lambert de La Motte đã tiến trình thành lập Hàng giáo sỹ bản xứ Việt Nam qua việc phong chức cho các linh mục Việt Nam là các thầy giảng: Giuse Trang, Luca Bền, Gioan Huệ, Bênêđictô Hiền (linh mục Giuse Trang, người Việt đầu tiên, được truyền chức ngày 31.3.1668)[6], tổ chức Công đồng tại Ayutthaya (năm 1664), lập Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá (năm 1669-1670), Công nghị Phố Hiến (năm 1670), lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Ngoài (năm 1670), Công nghị Hội An (năm 1672), lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong (năm 1671). Những điểm nhấn quan trọng này chứng minh các Ngài là Đại ân nhân của Giáo hội chúng ta.

Hiện tại, Ban làm việc vẫn đang tiến hành nghiên cứu các hồ sơ có liên quan đến hai vị Đại diện Tông toà, dựa trên những chỉ dẫn của Toà thánh qua Văn kiện SANCTORUM MATER của Bộ Phong thánh ban hành năm 2007. Ban làm việc cũng phiên dịch và phát hành những hồ sơ văn bản có liên quan đến các Đấng, với mục đích giúp các tín hữu Việt Nam biết về một giai đoạn lịch sử quan trọng của công cuộc loan báo Tin mừng tại quê hương chúng ta.

Việc xin phong Chân phước và phong Thánh cho hai vị Đại diện Tông toà là một lộ trình dài, cần kiên trì và cầu nguyện. Công việc này cũng thể hiện tâm tình yêu mến và tri ân của Giáo hội Công giáo Việt Nam đối với các bậc Tiền nhân. Kính xin quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em cầu nguyện cho nguyện ước của chúng ta được thành hiện thực.
Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2022.

+Giuse Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục TGP. Hà Nội

Kinh xin ơn Đức Cha Lambert de La Motte

Kinh xin ơn Đức Cha François Paypal

[1] A.M.E.P, vol. 247, p 45. Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, Tome I, bản la ngữ, p. 9.

[2] Jean Guennou, Les missions étrangères, Paris, 1963, p. 69 ; François Fauconnet-Buzelin, Aux sources des Missions étrangères, Pierre Lambert de la Motte, Édition Perrin 2006, p. 72.

[3] X. J. DE BOURGES, Relation du voyage de Mgr l’Évêque de BérytheVicaire apostolique du Royaume de la Cochinchine, Paris, Bechet, 1666, tr. 34-35 (Bản dịch tiếng Việt kèm chú thích của Lm Giuse ĐÀO QUANG TOẢN, do Lm Antôn NGUYỄN NGỌC SƠN hiệu đính: Ký Sự Cuộc Hành Trình Của Đức Cha Bérythe, lưu hành nội bộ, 1996, tr. 34-35).

[4] X. HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Nxb. Tôn giáo, 2020, tr. 96-99.

[5] X. HĐGMVN, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Nxb. Tôn giáo, 2020, tr 52.

[6] Lm. Bùi Đức Sinh O.P., M.A., Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, p. 258.

Tác giả bài viết: +Giuse Vũ Văn Thiên