Tiền Tập viện

87

I. MỤC ĐÍCH

  1. Mục đích của giai đoạn Tiền tập viện:

–  Giúp người thụ huấn nhận biết ơn gọi của mình và của Hội dòng .

–  Giúp Hội dòng tìm hiểu tính tình, khả năng và lý do chọn lựa đời sống tu trì của người thụ huấn .

–  Chuẩn bị cho người thụ huấn vào Tập viện bằng cách cho tham gia đầy đủ đời sống cầu nguyện và sinh hoạt cộng đoàn, trong giới hạn một Tiền tập sinh .

II. QUY ĐỊNH

2. Điều kiện gia nhập

–  Đã trải qua những giai đoạn tìm hiểu do Nội quy ấn định;

–  Tuổi từ 18 đến 25 . Trên 25 tuổi cần có phép chuẩn của chị Tổng Phụ trách;

–  Sức khỏe thể lý và tâm lý bình thường;

–  Trình độ văn hóa do Nội quy ấn định;

–  Có khả năng lĩnh hội nội dung các chương trình học;

–  Có trí phán đoán lành mạnh và lương tâm ngay thẳng;

–  Xác tín được Chúa kêu gọi và muốn đáp lại với ý hướng ngay lành .  Sự xác tín này phải đặt trên nền tảng vững chắc là tinh thần siêu nhiên, yêu thích cầu nguyện và sẵn sàng phục vụ .

3. Thời hạn

Thời hạn Tiền Tập viện là một năm. Những trường hợp ngoại lệ sẽ do chị Đặc trách cùng với Hội Đồng Hội dòng ấn định.

4. Quyền nhận

Chị Tổng Phụ trách, sau khi tham khảo ý kiến chị Đặc trách Thanh tuyển, có quyền nhận một Thanh tuyển sinh vào Tiền tập viện .

5. Người huấn luyện

Người huấn luyện có thể là chị Giám sư Tập viện, chị Phụ tá Giám sư Tập viện hoặc một chị khấn trọn khác tùy theo sự bổ nhiệm của chị Tổng Phụ trách .

III. CHƯƠNG TRÌNH

Giúp người thụ huấn trưởng thành hơn về đời sống nhân bản, đào sâu đức tin và học hiểu về tinh thần Đấng Sáng Lập(109) .

  1. Nhân bản Kitô giáo

Giáo dục nhân bản Kitô giáo giúp người thụ huấn thể hiện những đức tính nhân bản tự nhiên mang giá trị Tin Mừng .

a. Những đức tính thuộc hành động(110)

–  Thành thật

+  Trung thực trong lời nói và việc làm;

+  Can đảm nhận lỗi và chịu trách nhiệm về lỗi đã phạm .

–  Chính trực

+  Không thiên vị;

+  Biết nhận định và khen ngợi cách trung thực;

+  Biết giữ lời hứa .

–  Công bằng

+  Không lãng phí thời gian và lạm dụng của công;

+  Chu toàn công việc được giao và quan tâm đến lợi ích chung .

–  Tiết kiệm

+  Tiết kiệm đồ dùng chung cũng như riêng;

+  Làm sổ thu chi cá nhân rõ ràng;

+  Mượn đồ của chung hoặc của người khác phải giữ gìn cẩn thận và hoàn trả đúng hẹn;

+  Tiết kiệm thời gian và giữ gìn sức khỏe .

–  Chuyên cần

+  Siêng năng thực hành việc đạo đức và chăm chỉ học tập;

+  Sẵn sàng làm việc trong tinh thần tự nguyện, vui tươi, nhanh nhẹn và chu đáo .

b. Những đức tính thuộc trí năng(111)

–  Óc sáng suốt

+  Biết tiên liệu công việc để hoạch định chương trình và có khả năng giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn;

+  Sống thực tế với những khả năng và giới hạn của mình;

+  Biết chấp nhận hoàn cảnh hiện tại để hội nhập và dấn thân .

–  Trí phán đoán

+  Tập nhận định vấn đề cách khách quan và phù hợp với những giá trị Tin Mừng;

+  Tập không quá tự tin về bản thân;

+  Tránh thành kiến;

+  Không vội quyết đoán;

+  Biết cách làm việc chung .

–  Óc tổ chức

Biết sắp xếp công việc có phương pháp, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền của để đạt được hiệu quả tốt nhất .

c. Những đức tính thuộc ý chí(112)

–  Tự tín

+ Tập trung tín ngay trong những việc nhỏ hằng ngày;

+ Tập suy nghĩ và lượng định khả năng của mình về công việc được giao trước khi bắt tay vào việc;

+  Tập quan sát và học hỏi những người có kiến thức và giàu kinh nghiệm .

–  Tự chủ

+  Tránh nói những lời vô ích; cần nghe nhiều hơn nói;

+  Giữ thái độ bình tĩnh khi gặp tình huống khó khăn;

+  Tập khoan dung để tránh phản ứng bộc trực theo cảm tính .

–  Cương nghị

+  Khi đã quyết định thi hành một công việc nào phải quyết tâm làm và nỗ lực làm tới cùng;

+  Không tránh nặng tìm nhẹ .

–  Nhẫn nại

+  Tập kiên trì rèn luyện bản thân;

+  Tập đón nhận những khó khăn trong cuộc sống .

*Biết mình(113)

–  Biết và đón nhận  những điểm yếu, điểm mạnh  của bản thân để cải thiện và phát huy; đồng thời tự đưa ra những cách rèn luyện cụ thể;

–  Biết chấp nhận  quá khứ của mình  với những  kinh nghiệm tích cực lẫn tiêu cực .

*Giáo dục phái tính và tâm cảm(114)

Giúp người thụ huấn hiểu được ý nghĩa và giá trị con người để làm chủ thân xác, tâm hồn, tình cảm của mình và tôn trọng người khác .

2. Thiêng liêng

Để đi vào đời sống nội tâm và kết hợp thân mật với Chúa Giêsu, người thụ huấn cần được hướng dẫn:

–  Tập cầu nguyện bằng phụng vụ và nguyện ngắm(115);

–  Kết hợp với Chúa qua lời nguyện tắt;

–  Chia sẻ Lời Chúa: mỗi tuần một lần;

–  Phút hồi tâm: 15 phút mỗi ngày;

–  Đọc sách thiêng liêng: ít nhất 15 phút mỗi ngày và tóm lại đoạn sách đã đọc;

–  Tĩnh Tâm: tháng, năm và các dịp đặc biệt;

–  Đồng hành: khoảng hai tháng một  lần và tùy theo nhu cầu;

–  Lượng định: mỗi năm hai lần;

–  Tu đức: tập từ bỏ tật xấu của bản thân và rèn luyện nhân đức đối lập .

3. Cộng đoàn

Để hội nhập vào đời sống cộng đoàn, người thụ huấn cần được huấn luyện:

–  Khả năng tương quan giao tiếp

+  Có khả năng giao tiếp và xây dựng các mối tương quan lành mạnh trong cộng đoàn;

+  Có khả năng trình bày nhu cầu và ý kiến của mình .

–  Tinh thần cộng tác

+  Tôn trọng ý kiến của chị em và những người đứng đầu nhóm;

+  Có thái độ khiêm nhường  và cởi mở, cũng như sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng để cộng đoàn sống hiệp nhất;

+  Nhiệt tình đóng góp khả năng, sức lực của mình vào việc chung .

 

–  Ý thức trách nhiệm

+  Có trách nhiệm trong lời nói và việc làm;

+  Tránh đổ lỗi cho người khác;

+  Cố gắng chu toàn tốt nhiệm vụ được giao .

–  Khả năng đánh giá theo hướng tích cực

+  Tránh phê bình chỉ trích;

+  Tập suy nghĩ tích cực và có tính khách quan khi nhận định sự vật, sự việc .

 

–  Biết tổ chức và điều hành nhóm

+  Sắp xếp công việc có trật tự và khoa học;

+  Luân phiên đảm nhận những trách nhiệm và điều hành nhóm .

4. Tri thức

Để nhận biết con người thật của mình và yêu mến phụng sự Thiên Chúa, người thụ huấn cần học:

–  Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo – phần II

–  Sư phạm Giáo lý

–  Xác định các động lực ơn gọi(116)

+  Giúp khám phá ra những động lực vô thức hay ý thức;

+  Thanh luyện chúng theo các giá trị của Tin Mừng .

 

–  Tâm lý căn bản: giúp nhận biết chính mình;

–  Năng khiếu: nhạc lý, đàn, hát, múa, cắm hoa . . .

5.  Tông đồ mục vụ

–  Làm gương sáng: lễ phép, vui tươi với mọi người . . .;

–  Dấn thân phục vụ tha nhân: kiến tập mục vụ tông đồ, thăm viếng người nghèo, bệnh nhân, người neo đơn . . .

6. Đặc sủng

–  Ôn lại Tiểu Sử Đức Cha Lambert (2008)

–  Tuyển Tập Bút Tích (Di cảo):

+  Phần I: Những Di cảo của Đức Cha Lambert viết trực tiếp cho Dòng nữ Mến Thánh Giá .

+  Phần II: Những Di cảo liên quan đến Dòng nữ Mến

Thánh Giá .