Tiếc nuối…

119

3Cuộc đời con người là một chuỗi những điều tiếc nuối. Có những tiếc nuối mà qua thời gian có thể sửa sai được, tuy nhiên điều.. tiếc nuối nhất lại là có những sự việc, vấn đề đã qua đi mà khi nhìn lại dù có thời gian ta cũng không thể sửa chữa được. Với tôi, điều tiếc nuối nhất là đã… đi học đại học!

Nếu thời gian quay trở lại, nếu ngày xưa có nhiều thông tin như bây giờ? Nếu như trước kia có được những thông tin quý giá như… sự bỏ học giữa chừng của những thiên tài sáng tạo như Bill Gates, Steve Jobs… Nếu như ta biết được rằng, trước kia phải mất nhiều năm để đào tạo những tiến sĩ làm việc cho các công ty chứng khoán Mỹ giúp giải quyết những bài toán tích phân thì bây giờ để giải những bài toán như thế, những người trình độ bình thường chỉ cần tham gia một khóa học kỹ năng giải Toán cao cấp vài tháng là giải được (ý một bài viết trên báo TG & VN)!

Nếu như hiểu được sâu sắc câu nói của Albert Eistein: “Sự sáng tạo quan trọng hơn tri thức.” Nếu như được nghe sớm câu nói của Bố Già Vito Corleone với con trai Maicon: “Bốn năm học ở đại học của mày không bằng một đêm đi nhà thổ.“ (Bố già – Mario Puzzo). Nếu như ý thức được rằng “tự học, tự học mọi lúc mọi nơi, tự học suốt đời” mới là hình thức giáo dục cao nhất và đúng đắn nhất. Nếu như biết sớm rằng trong tình hình giáo dục khủng hoảng thì “tự giáo dục” là quan trọng nhất.

Dù biết “Tất cả những gì tôi có được là nhờ sự học tập” (Barack Obama); “Vấn đề giáo dục được coi là tuyệt đối trong mỗi gia đình Việt Nam” (trích bài phát biểu của GS Ngô Bảo Châu tại lễ chúc mừng nhân GS đoạt giải Field); “Tri thức là sức mạnh” (Francis Bacon) nhưng cũng chỉ nên đi học đại học khi nào nền giáo dục nước ta thực sự trung thực, thực sự phát triển. Còn nền giáo dục như hiện nay của chúng ta thì… không nên đi học đại học làm gì mà nên… tự học, tự nghiên cứu chắc sẽ tốt hơn là đi học đại học!

Không nên phí hoài thời tuổi trẻ sung sức nhất cả về sức khỏe lẫn open-minded (tâm hồn rộng mở), tiền bạc trong bốn năm đại học của mình trên giảng đường với những bài học vô bổ; những buổi học thụ động: thầy đọc, trò chép; những buổi học không có chút sáng tạo nào… Nhưng thời gian trôi qua mất rồi, biết làm sao được bởi tôi… đã đi học và đã học xong… đại học. Thật tiếc nuối nhưng… “C’est la vie” – Đời là thế!

Nếu thời gian quay trở lại, tôi sẽ… bỏ học ngay trong buổi đầu tiên bước chân đến giảng đường! “Trả lại cho em khung trời đại học, con đường đi học đầy hoa điệp vàng, đầy lá me bay, đầy hoa phượng đỏ…” để lao vào cuộc sống. Lao vào cuộc sống ở đây không phải là rồi sẽ đem tiền mua bất động sản để đầu cơ; khai thác tài nguyên rồi bán rẻ cho nước ngoài… – những cách làm ăn ít có tác dụng tích cực thậm chí chỉ làm hại trong việc thúc đẩy sự phát triển đất nước mà thôi.

Đó là những cách làm ăn ở tầm thấp: manh mún, tủn mủn mang tính chộp giật và nhất thời; là tư duy và suy nghĩ của nhân loại trăm năm về trước; là những lối mòn mà người ta đã đi mòn gót. “Việt Nam đang cố gắng học những gì chúng tôi đã bỏ đi” (Sao quê hương mình già nua đến vậy? – TS Alan Phan)… “Sao chúng ta không cạnh tranh sản xuất những sản phẩm kiểu như iPad, máy Photocopy… mà chúng ta lại chỉ đi cạnh tranh ở việc sản xuất những sản phẩm kiểu như thùng đựng rác…” (ý một bài viết trên Vietnamnet).

Tôi sẽ lao vào cuộc sống với tâm thế của một người trẻ có tri thức, nhiều khát khao cống hiến, open – minded… với hướng đi chắc chắn sẽ là tập trung vào nghiên cứu sáng tạo rồi thương mại hóa sản phẩm trí tuệ của mình (giống như các công ty sáng tạo). Nếu như đi theo hướng này thì sẽ gặp vô vàn khó khăn nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, và quan trọng nữa là có nhiều thời gian thì chắc chắn là sẽ có nhiều cơ hội để thành công, sẽ đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Mà thành công hay không thành công thì mình đã có thể phát triển tới giới hạn của mình (một ý trong tiểu thuyết siêu kinh điển Suối Nguồn), được là mình. Và đây mới là điều quan trọng nhất của cuộc đời!

Một phần khác của tâm trạng tiếc nuối là khi nghĩ đến nhiều bạn trẻ học sinh, sinh viên những thế hệ sau. Các bạn vẫn đi vào lối mòn mà nhiều thế thế hệ trước đã đi mòn gót, vẫn “cố gắng sáng tạo cái bánh xe”… Rất nhiều bạn học sinh, sinh viên vẫn đang từng ngày từng giờ phí hoài điều quý giá nhất của mình là tuổi trẻ. Bây giờ mà gặp một bạn trẻ say sưa đọc sách thì hiếm lắm. Hỏi các bạn trẻ có biết những tác phẩm kinh điển như Bố Già, Cuốn Theo Chiều Gió, Suối Nguồn, Số Phận Con Người, Bà Bôravy…hay không thì phần lớn câu trả lời là: không!

Bởi họ còn đang mải chạy theo các giá trị ảo với minh chứng là số hồ sơ vào các trường Kinh tế, Tài chính (những yếu tố liên quan đến phần ngọn của sự phát triển của quốc gia) tăng cao; trong khi số hồ sơ vào các trường KHKT, nghiên cứu cơ bản (những yếu tố liên quan đến phần gốc của sự phát triển của quốc gia) giảm. “Nhà đầu tư nước ngoài hấp dẫn bởi dân số trẻ trung của người Việt Nam nhưng sau khi họ đến họ đã thất vọng. ‘Những người trẻ suốt ngày coffee, nhậu nhẹt, bài bạc, thụ động sẽ không đồng nghĩa với sự sáng tạo. Những người này sẽ đóng góp gì cho sự phát triển của đất nước đây? Sao quê hương mình già nua đến vậy ?” (TS Alan Phan).

Nếu may mắn được đi học thì hãy học, hãy cháy hết mình. Ngược lại, nếu lười học, không đam mê ngành học… thì hãy dừng học ngay lập tức để cho không phí hoài tuổi trẻ bạn nhé. Người ta nói “những gì khi mất mới thấy tiếc” không sai. Hãy đừng để mất rồi mới hối hận, đừng lãng phí tuổi trẻ của mình nữa, tỉnh lại đi các bạn trẻ ơi, tỉnh lại đi trước khi quá muộn!

Là người đã có chút trải nghiệm trong cuộc sống nhưng nhiều lúc tôi vẫn chảy nước mắt vì tiếc nuối đã đi học đại học. Những lúc như thế tôi lại tự nhủ lòng mình: “Thôi mà, thời gian đã qua rồi, không thể lấy lại được.“ Để tự an ủi. Vả lại những suy nghĩ như trên cũng là do những sự trải nghiệm từ những năm học đại học, từ những… va đập (chữ của Nguyễn Trần Bạt) trong cuộc sống mới có được. Những suy nghĩ đó nhất định là sự định hướng cho mình những bước đi tích cực tiến tới tương lai! “Ta không đoán định được tương lai nhưng cuộc đời là kết quả của sự kết nối những gì ta nghĩ, ta làm…” (Steve Jobs).

Giờ đây, tôi sẽ bước vào cuộc sống với tâm thế của một người trẻ có tri thức và open-minded… “Nếu một khi Scalett này đã muốn là sẽ thực hiện được! Và ngày mai sẽ là một ngày mới.” (câu kết của tiểu thuyết Cuốn Theo Chiều Gió). Vâng đúng vậy, mà không phải ngày mai, hôm nay sẽ là một ngày mới…

Phạm AQ
(HN, 08-2014)

http://www.triethocduongpho.com/2015/01/19/tiec-nuoi/