Ý nghĩa ban đầu của Tết Trung Thu thật đẹp :
Cỗ mừng trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.
Dần dần Tết Trung Thu trở thành Tết Trẻ Em hay Tết Nhi Đồng, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó.
Hẳn nhiên Tết Trung Thu thì bánh Trung Thu chính là “món” chính. Ban đầu nó cũng bình thường nhưng rồi thời thế nó lại mang trong mình chất lượng khác cũng như giá cả cũng khác.
Không thể tưởng được giá bánh Trung Thu có loại đến 12 triệu đồng/hộp. 12 triệu đồng quy ra bằng bao nhiêu tháng lương của một công nhân bình thường ? Không chỉ dừng lại ở hộp bánh mà còn kèm theo biết bao nhiêu “phụ kiện”.
Thực tế, trẻ nhỏ được hưởng gì trên những hộp bánh và “phụ kiện” có giá chục và vài chục triệu đồng. Chẳng có trẻ con nào ăn cái bánh có cái giá đó cả, chỉ toàn là người lớn. Và, người lớn cũng chẳng ăn ngoại trừ nó là những vật phẩm để ngoại giao, để đi lại sau những hợp đồng, những nóc nối làm ăn.
Điều bi đát là cái bánh Trung Thu là cái bánh quá bình thường với trẻ con thành thị. Chốn quê nghèo thì chuyện mơ có một hộp bánh bình thường quả là điều ngoài tay với. Có ngủ cả năm trời và nằm mơ cả năm trời cũng chẳng bao giờ có được hộp bánh bình thường của người thành thị bởi lẽ gia đình của các em còn bữa trước bữa sau.
Để chăm lo cho các em, các chùa thì lo bánh chay, các nhà thờ thì lo bánh mặn. Vun vén lắm và đi xin lắm thì cũng chỉ dám đặt cho mỗi em chiếc bánh với cái giá khiêm tốn trên dưới 10.000 đồng.
Hôm nọ, nghe vài cha ngồi với nhau bàn bạc chuyện lo Trung Thu cho các em sao chạnh lòng. Chi mà khổ thế ! 10.000 đồng 1 cái bánh mà các cha cũng phải đi xin bởi lẽ thường các nhà thờ đã không tổ chức Trung Thu thì thôi nhưng nếu tổ chức thì không phân biệt Lương – Giáo.
Một họ đạo nho nhỏ với số dân khiêm tốn khi tổ chức Trung Thu cho các em trung bình phải trên dưới 1000 phần. Cứ như thế mà nhân lên thấy đó là con số mà nhiều vị hữu trách cũng phải đau đầu vì lẽ còn quá nhiều chuyện phải lo ngoài cái Tết thiếu nhi cho các em.
Nghịch lý của cuộc đời. Một hộp bánh người ta đi biếu nhau gọi là lấy thảo có thể mua được 1000 cái bánh cho các trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa.
Nhiều lần nhiều lúc tôi suy nghĩ tại sao nó lại có khoảng cách giàu nghèo như thế. Nghĩ mãi nghĩ cũng chẳng ra. Có nơi ăn không hết có chỗ lần không ra.
Đứng trước một xã hội mà khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn lòng lại càng chạnh thương hơn. Lỗi tại ai đây ? Lỗi tại người lớn hay tại các em ? Cũng chỉ vì ai nào đó chỉ vì cái lợi của cá nhân để chạy theo tham nhũng, theo rút ruột … để cho các khoảng cách giàu nghèo ngày một tăng.
Cái bánh Trung Thu không có tội ! Tội chăng là người ta đã lợi dụng Trung Thu để mưu cầu ích lợi cho cá nhân, cho đoàn, cho nhóm của mình.
Thương thay những trẻ em nghèo phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau của cha mẹ cũng như đón nhận những phần bánh thật khiêm tốn từ bao tấm lòng thơm thảo.
Tiểu Vũ