Đứa con nào thường cũng thương mẹ, và cách thể hiện của mỗi người cũng rất khác nhau.
Tôi là người con của nền văn hóa Bắc Bộ. Đó là một nền giáo dục nghiêm túc, lễ nghĩa và roi đòn. Chính vì vậy, việc thể hiện tình cảm cho nhau rất khó thấy qua cử chỉ bên ngoài. Muốn tìm những cái ôm, cái hôn cũng rất hiếm hoi, còn những chiếc roi mây, bàn quỳ thì lại rất dễ dàng.
Thật lòng, tôi rất thương mẹ, người phụ nữ đã bao năm oằn lưng dưới trời nắng gắt để cho tôi từng ngày lớn lên. Không biết các bạn đáp trả tình thương của mẹ thế nào ? Phần tôi, tôi chỉ biết cố gắng “oằn vai” như mẹ để mẹ đỡ vất vả hơn. Tôi còn nhớ những buổi trưa hè nóng bức, mẹ và tôi cùng ra đồng cắt lúa, làm đất, trồng lạc hay cấy lúa,… Tôi cố gắng chăm chỉ làm bao nhiêu có thể nên mẹ hay khoe với mọi người : “Nó được việc lắm !”. Đến giờ cơm trưa, mẹ thường giục tôi về nấu cơm, nhưng chẳng khi nào tôi chịu. Không phải vì tôi lười hay nấu ăn dở, nhưng tôi coi đó là cơ hội để mẹ tránh được cái nắng chói chang mùa hè này. Vì vậy, tôi thường năn nỉ mẹ về nấu “cho con” với điệu bộ thương hại nhất có thể.
Nhiều bữa, tôi phải đi làm đồng một mình. Khi ấy, tôi chăm chỉ hơn và chẳng dám chểnh mảng, vì lòng tôi sốt sắng muốn làm được nhiều phần việc để ngày mai mẹ đỡ vất vả hơn. Mẹ cũng thường nói với chòm xóm : “Nó khỏe ghê !”. Thật ra, tôi chẳng khỏe gì cho bằng việc cố gắng hết mình vì thương mẹ. Có lúc đau lưng, tôi vắt thân mình ngang bờ ruộng, lặng nghe tiếng xương “rắc, rắc”. Nhìn lên bầu trời, đập vào mắt tôi là ánh nắng chói chang của trưa hè, nó thật nóng và rát. Thế mà mẹ đã chịu đeo nó trên lưng biết bao ngày tháng để lo cho chị em tôi được bằng bạn, bằng bè.
Có thời gian, nhà tôi trồng rau bán. Rau bán tốt nhất là vào mùa đông, mà muốn có rau bán thì phải đi hái từ sớm tinh sương, vì lúc đó rau mới non, mềm và xanh nữa. Thế nên, cứ khi chuông nhà thờ điểm bốn giờ sáng là mẹ tôi đã dậy sửa soạn nào rổ, nào dao, dây buộc,… và dắt chiếc xe đạp cũ ra đồng hái rau. Trời mùa đông miền Bắc thì lạnh lắm, lạnh buốt đến thấu xương nên chẳng khi nào tôi muốn rời khỏi cái chăn ấm áp cả. Thế mà, mẹ tôi lại ra đồng, lội nước hái rau, chỉ nghĩ tới đó thôi, tôi cũng rơm rớm nước mắt rồi. Khi đó, tôi cầu nguyện xin Chúa cho tôi tỉnh dậy sớm để phụ mẹ hái rau. Ban đầu, thật khó để bỏ lại chiếc giường ấm, nhưng lòng thương mẹ trong tôi đã cho tôi sức mạnh dứt bỏ nó để mặc lấy cái lạnh mùa đông ra đồng với mẹ. Mẹ thấy tôi thì bảo tôi về ngủ đi mà có sức đi học hay đại ý là mẹ hái một mình được rồi, nhưng tôi đâu có chịu. Những lúc ấy, tôi hạnh phúc lắm vì có mẹ, vì được chia sẻ công việc với mẹ và … cũng có khi, tôi giận mẹ vì sao không gọi tôi đi cùng.
Và, hồi học cấp III, nhà tôi cách trường cả chục cây số, nên những buổi học cả ngày, tôi thường ở trưa tại trường. Mẹ thương tôi phải vất vả nên cho tiền ăn trưa. Nhưng tôi thương mẹ phải lo cho các em nên bữa cơm trưa ở trường của tôi năm ấy là cơm nắm với muối lạc. Cứ tối, tôi nấu chút cơm rồi dùng khăn nắm lại cho thật dền, còn muối lạc thì rang lạc rồi giã nhỏ trộn chung với muối là xong. Dù rằng, món cơm nắm để đến trưa hôm sau thì hơi cứng và khô, nhưng với tôi nó như vừa mới nắm vậy, vì trong đó chất đầy hơi ấm tần tảo của mẹ tôi. Ăn cơm nắm một năm có nói ngon chăng ? Tôi thấy vẫn ngon vì đó là cách để mẹ đỡ vất vả hơn vì tôi. Có khi mẹ trêu : “Con nghiện cơm nắm mất rồi !”, nên thi thoảng mẹ đích thân nắm cho tôi vài nắm luôn. Khi ăn nó, tôi ngẹn ngào trong cổ và nước mắt trào ra, vì thương mẹ.
Tuy nhiên, tình thương với mẹ cũng nhiều lúc dở khóc dở cười lắm. Có lần, tôi muốn làm nhanh như mẹ nên chớp mắt đã bị lưỡi liềm “ăn thịt”, máu chảy ra, nước mắt cũng chảy theo luôn. Tôi khóc không phải vì đau cho bằng chẳng có thể làm giúp mẹ được nữa. Hay có khi, tôi dành việc băm rau cho lợn với mẹ, bất chợt con dao “hút máu” tôi khi nào chẳng hay, thế là mẹ vừa phải lo cầm máu cho tôi, vừa phải làm lại cái việc tôi tranh làm ấy. Thương mẹ quá đi, tôi trách mình sao mà hậu đậu. Trái tim tôi lúc ấy như thắt lại, đau lắm.
Những khi tôi phạm lỗi hay mắc khuyết điểm, mẹ mắng, mẹ la hay thậm chí là bị “ăn lươn”. Nhưng thà vậy, còn hơn là mẹ im lặng, cái im lặng của mẹ với tôi như “chiến tranh thế giới thứ ba” vậy. Thật kinh khủng !
Nhiều lúc xem tivi hay đọc truyện, tôi thèm thuồng được mẹ ôm và được ôm mẹ biết bao, dù chỉ một lần thôi. Nhưng, điều tưởng chừng như đơn giản ấy đối với gia đình tôi là một hành động quá lạ lẫm. Mãi đến lúc này, khi tôi đã 21 tuổi, tôi vẫn chưa thể nói lên điều ước ấy của tôi với mẹ. Tôi thương mẹ nhiều hơn, nhưng điều đó như “gen lặn” ẩn dưới sự chăm chỉ học hành, cố gắng rèn luyện nên người của tôi thôi. Tôi tự hỏi : “Khi nào nó mới trở thành “gen trội” ? Tôi không biết. Tôi có nên thử lại lần nữa chăng ? Vì đã hơn một lần tôi cố gắng thực hiện nhưng … không thể.
“Mẹ ơi, con biết mẹ yêu và thương con nhiều lắm, con cũng xin mẹ hiểu rằng, con cũng thương yêu mẹ biết bao. Con nhỏ bé chẳng biết thể hiện làm sao để cho mẹ hiểu, con chỉ biết cố gắng “oằn vai” để mẹ đỡ phần công việc thôi. Mẹ ơi, có khi điều con tưởng thật tuyệt thì rất có thể lại làm mẹ buồn lòng, xin mẹ hiểu cho con nhé”. Tôi tin tấm lòng người mẹ luôn dễ dàng nhận ra sự thảo hiếu của con cái dành cho mình, vì đứa con nào mà chẳng được sinh ra từ dạ mẹ mình chứ. Mẹ ơi, ước gì có mẹ ở đây! Con sẽ lại gần, ôm mẹ một cái thật chặt, thật lâu để thỏa tình thương với mẹ. Và sau cùng, con muốn thốt lên ba tiếng “Con … yêu … mẹ!”.
Con gái Rosa,
Thanh Tuyển sinh MTG Thủ Đức