Thượng Hội Đồng: Bài Disceptationem Relatio Ante – Báo Cáo Trước Các Cuộc Thảo Luận

49

1Kính thưa quý vị và anh chị em,

Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình.

Trong phiên nhóm thứ nhất của Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình vào sáng 6 tháng 10, Đức Hồng Y Péter Erdo của Hung Gia Lợi, Tổng phúc trình viên của Thượng Hội Đồng theo truyền thống đã đưa ra một trong những bài phát biểu quan trọng nhất tại một Thượng Hội Đồng: bài “disceptationem relatio ante” – báo cáo trước các cuộc thảo luận.

Trong bài phát biểu sáng 06 tháng 10, Đức Hồng Y Erdo kêu gọi sự trung thành với giáo huấn của Huấn Quyền về hôn nhân và gia đình và về lòng thương xót trong việc giải quyết các tình huống khó khăn mục vụ.

“Chúa Giêsu Kitô là Thầy của chúng ta trên tất cả những người khác và chỉ có Ngài là Chúa duy nhất của chúng ta. Chỉ một mình Ngài có ‘lời ban sự sống đời đời’ (Ga 6:68). Điều này cũng đúng đối với ơn gọi của con người và gia đình. Thông điệp của Chúa Kitô không dễ dàng để chấp nhận, bởi vì thông điệp của Ngài có những đòi buộc. Thông điệp ấy đòi hỏi một sự hoán cải tâm hồn. Tuy nhiên, thông điệp ấy là sự thật giải phóng chúng ta. “

Đức Hồng Y, trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, nói rằng “điều tuyệt đối cần thiết là chúng ta phải dựa vào di sản đức tin mà Giáo Hội có nhiệm vụ bảo vệ trong sự tinh tuyền của nó, và trình bày đức tin ấy cho người dân của thời đại chúng ta một cách dễ hiểu và có sức thuyết phục nhất có thể được. “

“Sự thật rõ ràng và toàn bộ của Tin Mừng đem lại ánh sáng, ý nghĩa và hy vọng mà nhân loại cần ngày hôm nay. Giáo Hội phải cung cấp ‘phương dược thật sự’ này để nó có thể được nhìn nhận trong thời điểm hiện tại như là một ‘phương thuốc’ cho những tình huống khó khăn, đôi khi rất nặng nề, của gia đình. Nói cách khác, trong khi không tách rời khỏi sự thật, sự thật phải được đề xuất từ quan điểm của những người ‘phải vật lộn’ để nhìn nhận sự thật đúng thực chất của nó và để sống đúng với sự thật ấy.”

Cụ thể, Đức Hồng Y Erdo kêu gọi các nghị phụ đưa ra cho các giáo phận “những hướng dẫn rõ ràng để giúp đỡ những người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn. Thật vậy, hoàn toàn không thực tế chút nào khi mong đợi rằng tự họ sẽ tìm ra giải pháp đúng đắn, phù hợp với sự thật của Tin Mừng và sát với các cá nhân trong các tình huống cụ thể. “

Sau khi trình bày “những áp lực từ bên trong gia đình và bên ngoài”, bao gồm “các yếu tố khủng hoảng như ly thân và ly hôn” và “một não trạng ích kỷ đang lan rộng đóng kín trong chính mình, với hậu quả đáng lo ngại của nạn phá thai,” Đức Hồng Y Erdo đã đề cập đến những “tình huống mục vụ khó khăn. “

“Chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa mới có thể mang lại sự tha thứ thực sự những tội lỗi. Trong bí tích Hòa Giải, Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta qua thừa tác vụ của Giáo Hội. Những gì còn lại mà chúng ta phải làm là làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa và thi hành các công việc siêu nhiên và trần thế của lòng thương xót đã được biết đến từ thời Cựu Ước. “

Ngài giải thích:

“Lòng thương xót không loại bỏ các cam kết phát sinh từ những ràng buộc hôn nhân. Các cam kết này vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi tình yêu con người đã tàn phai hay chấm dứt. Điều này có nghĩa rằng, trong trường hợp đổ vỡ của một hôn nhân đã thành sự về phương diện bí tích, Giáo Hội không thể công nhận một cuộc hôn nhân thứ hai, trong khi người phối ngẫu đầu tiên vẫn còn sống. “

Ngài nói thêm:

“Những người ly dị và tái hôn về mặt dân sự vẫn thuộc về Giáo Hội. Họ cần và có quyền được chăm sóc từ các vị mục tử của họ. Họ được mời gọi lắng nghe Lời Chúa, tham gia vào phụng vụ và cầu nguyện với Giáo Hội và thực hiện các công việc bác ái tốt đẹp. Chăm sóc mục vụ của Giáo Hội phải được mở rộng cho họ một cách rất đặc biệt, có tính đến hoàn cảnh cá biệt của mỗi người.

Do đó, trong mỗi Giáo Hội địa phương, ít nhất là phải có một linh mục chuyên trách được chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể cung cấp tư vấn, chứ không trách móc lên án, như là một bước đầu tiên trong việc xác định tính hợp lệ của một cuộc hôn nhân. Thực tế, nhiều cặp vợ chồng không nhận thức được các tiêu chí về tính hợp lệ của một cuộc hôn nhân. Tuy hãn hữu nhưng cũng có khả năng một cuộc hôn nhân có thể đã không thành sự. Sau khi ly hôn, xác minh này phải được thực hiện trong một cuộc đối thoại mục vụ về nguyên nhân của sự thất bại trong cuộc hôn nhân trước đó và xác định các căn cứ có thể tin rằng hôn nhân trước là vô hiệu, trong khi tránh tất cả các hình thức của một tiến trình quan liêu hoặc vì bất kỳ các lợi ích kinh tế nào. Nếu tất cả điều này được thực hiện một cách nghiêm túc trong việc tìm kiếm sự thật, tuyên bố hôn nhân vô hiệu cho các bên sẽ thực sự là một kinh nghiệm giải phóng lương tâm cho họ.

Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình cũng “liên hệ đến một số phản ứng được đề ra sau khi xem xét việc thực hành của một số Giáo Hội Chính Thống, trong đó cho phép một cuộc hôn nhân thứ hai hoặc thứ ba nếu đương sự hối lỗi.”

Đức Hồng Y nói rằng:

“Xem xét các vấn đề này là cần thiết để tránh bất kỳ sự giải thích mơ hồ và những kết luận không có đầy đủ có cơ sở. Về vấn đề này, nghiên cứu lịch sử về kỷ luật của các Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương là rất quan trọng. Những đóng góp cũng có thể đến từ việc xem xét những truyền thống kỷ luật, phụng vụ và tín lý của các Giáo Hội Đông Phương. “

Đức Hồng Y Erdo kết luận rằng:

“Thách thức đối với Thượng Hội Đồng này là cố gắng mang lại cho thế giới ngày nay, một cách nào đó tương tự như những ngày đầu của Giáo Hội, sự hấp dẫn của sứ điệp Kitô giáo về hôn nhân và gia đình, làm nổi bật niềm vui gia đình và hôn nhân, nhưng đồng thời, đáp trả một cách thực sự và bác ái, với nhiều vấn đề đang có những tác động đặc biệt đối với gia đình hôm nay trong khi nhấn mạnh rằng tự do luân lý đích thực không phải là làm những gì người ta cảm thấy hoặc sống theo cảm tính của mình, nhưng là theo sự thật đúng đắn”

 

Vietcatholic News