Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, thủ lĩnh của Đảng BJP (Đảng Nhân dân Ấn Độ), đã vinh danh Mẹ Têrêsa là người “phục vụ những người nghèo của Ấn Độ” và nói rằng “Ấn Độ nên tự hào vì Mẹ được tuyên thánh”.
Lời tuyên bố chính thức của người đứng đầu Chính phủ Liên minh đã làm dấy lên sự bất bình nơi thành phần dân tộc cực đoan trong Đảng của ông, vốn chống đối Mẹ Têrêsa công khai. Tuy nhiên, Sajan K George, chủ tịch Hội đồng Toàn cầu các Kitô hữu Ấn Độ (GCIC), nói với AsiaNews rằng những công kích của người Ấn giáo theo chủ nghĩa dân tộc đối với Chân phước Têrêsa, đã có rất nhiều trong quá khứ, “không làm cho chúng tôi ngạc nhiên”. Các nhà lãnh đạo Kitô giáo cũng nói rằng: “Thế giới chú tâm đến việc làm yêu thương và hòa bình của Mẹ Têrêsa. GCIC hoan nghênh và đánh giá cao lòng kính trọng của Thủ tướng Chính phủ đối với vị thánh tương lai”.
Chân phước Têrêsa sẽ được tuyên thánh vào ngày 4 Tháng Chín sắp tới tại Roma. Mẹ là người tôi tớ không biết mệt mỏi của “người nghèo nhất trong những người nghèo”, sự đóng góp của Mẹ được cả thế giới nhìn nhận. Ngay ở Ấn Độ, đa số dân chúng đều tôn kính vị Chân phước, trong khi các người Ấn giáo cực đoan luôn cố làm lu mờ hình ảnh của ngài.
Thủ tướng Modi đã nhìn nhận giá trị của Mẹ Têrêsa trong chương trình phát biểu hằng tuần của ông “Mann Ki Baat” trên đài phát thanh. Nhưng ngay sau đó, Surendra Jain, Tổng thư ký của VHP (nhóm bán quân sự dân tộc cực đoan), nói rằng: “Việc tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa sẽ dẫn đến chỗ có nhiều người cải đạo sang Kitô giáo. Thủ tướng Narendra Modi cần phải cân nhắc vấn đề này trước khi quyết định gửi một phái đoàn đến Vatican”.
Nhà lãnh đạo cực đoan này còn nói rằng việc tuyên thánh cho một người là không “khả thi”, nếu căn cứ vào những phép lạ; và đưa ra lời chê bai: “Thời đại này bạn có còn thực sự tin vào những phép lạ không?”.
Chủ tịch GCIC Sajan K George nói rằng những lời bình phẩm này không phải là hiếm đối với người Ấn giáo cực đoan. Kể từ khi Modi được bầu làm Thủ tướng vào năm 2014, “những người cực đoan cánh hữu ủng hộ phục-Ấn (saffronization – trở về với truyền thống tôn giáo của Ấn Độ) đã đẩy mạnh ý thức hệ Hindutva (hệ tư tưởng tìm cách thiết lập ưu quyền của Ấn giáo và lối sống của Ấn giáo), gồm có các chương trình Ghar Wapsi (nghĩa là về nhà, tức cải đạo sang Ấn Độ giáo), quấy rối và đe dọa các mục tử cũng như tấn công các buổi hội họp cầu nguyện. Họ cũng nghi kị cộng đồng Kitô giáo thiểu số yếu thế”.
MInh Đức
(Nguồn: WHĐ – AsiaNews)