Thứ Sáu Tuần Thánh Năm C_2013.

168

 Thứ Sáu Tuần Thánh Năm C_2013

Chay - Jesus-on-CrossÔng bà anh chị em thân mến.  Chúa Giê-su Ki-tô là một người tốt lành đã đến rao giảng, chữa lành và dạy dỗ chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.  Người đã quyết định trung thành với sứ mệnh dù phải trả bất cứ giá nào.  Và thật sự Người đã phải trả một giá. Chết trên thập giá là một hình thức khủng khiếp và kinh hoàng nhất mà một con người phải nhận chịu trong lịch sử nhân loại.  Ngoài việc nhắc chúng ta về sự tàn nhẫn, hay nhắc chúng ta về sự trung thành với sứ mệnh của Chúa Giê-su, chúng ta phải nhìn cái chết của Chúa trên thập giá qua ý thức của người nhận chịu.

Người đó không phải chỉ là một người vĩ đại trong lịch sử loài người.  Người đó không phải chỉ là một người thánh thiện, hay là một người thầy tốt, hay một người có quyền năng chữa lành, hoặc là một người đầy lòng vị tha khiêm nhường.  Người đó chính là Con Thiên Chúa.  Người đó là Thiên Chúa mặc lấy thân xác loài người, có sự mệt mỏi và đói khát, có vui, đau, buồn và đi đứng như một con người, nhưng có một tình yêu thương to lớn và cao cả hơn bất cứ một người nào trên trần thế.  Người đó là Thiên Chúa, trong tình yêu thương, luôn thực hiện những việc tốt lành cho những người yêu thương, cho dù phải đối diện với sự bỏ rơi, phản bội, từ chối, đánh đập, chế diễu, nhạo cười, cáo gian và đóng đinh trên thập giá.
Như chúng ta biết, trong lịch sử có biết bao nhiêu người lính đã hy sinh mạnh sống trên chiến trường để bảo vệ mạng sống đồng đội và bảo vệ tự do cho mọi người. Nhưng cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá khác với những cái chết đó, vì đã mở ra cho chúng ta một thế giới mới, một cái nhìn mới về Thiên Chúa. Cái chết của Chúa cho chúng ta một ý nghĩa và những giá trị mới về đau khổ và sự chết, cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa có thể biến hóa thánh giá và sự chết của chúng ta thành sự sống mới.
Tất cả các sách Tin mừng đều nhấn mạnh đến bản tính Thiên Chúa của Chúa Giê-su, nhưng chỉ có Tin mừng của thánh Gio-an diễn tả cho chúng ta một cách thật rỏ ràng về thiên tính của Người.  Như chúng ta vừa nghe trong bài Thương khó, Chúa Giê-su làm chủ mọi tình huống, hoàn cảnh, biết mọi sự sẽ xảy ra cho Người.  Chúa biết Giu-đa sẽ nộp Người. Chúa biết những người lãnh đạo sẽ đến bắt Người, nhưng Chúa không chạy trốn.  Chúa không từ chối sự dằn vặt thống khổ trong vườn Nhiệt-xi-ma-ni mà chúng ta không thấy bài thương khó đề cập đến.  Khi Chúa tự xưng danh mình “Ta đây”, quyền lực Satan lùi bước và ngã xuống.  Chúa còn nói với quân lính “nếu Ta là người các ngươi muốn bắt, thì để cho các người này đi.”  Chúa còn can dán Phê-rô không được dùng gươm chống trả lại quân lính.  Chúa Giê-su làm chủ được tình hình.
Chúng ta còn thấy, Chúa đã trả lời và giữ phẩm giá cũng như danh dự của mình trước quan Phi-la-tô.  Và chúng ta thấy Phi-la-tô ngượng ngùng và đã cố gắng tránh quyết định lên án người mà ông biết là vô tội.  Nhưng sau đó ông đã ngã quị trước phản ứng dữ dội của đám đông dân chúng, mà đóng đinh Chúa Giê-su và tha Ba-na-ba. Sau đó, Chúa đã vác thánh gia một mình, và chúng ta không thấy bóng dáng của ông Simon vác đỡ Chúa trong bài Thường khó của thánh Gioan.  Trên Thánh giá, Chúa đã không kêu lớn tiếng “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa” mà thưa những lời nhắn nhủ với Đức Maria, Mẹ của Người. Và trong khi sinh thì, chính Chúa đã thốt lên: “Mọi sự đã hoàn tất.”
Ông bà anh chị em thân mến.  Chúng ta sẽ không thể khám phá ra một cách hoàn toàn tình yêu Thiên Chúa tối hôm nay, hay ngày mai hay trong suốt cuộc đời.  Hầu hết các thánh có thể đã tìm được một phần nào, và trở nên ngây ngất, xuất thần, và sướng mê, nhưng tất cả trong cuộc hành trình đức tin nơi dương thế phải tiếp tục tìm kiếm. Và đó là lý do chúng ta tưởng niệm thánh giá Chúa Giê-su Ki-tô, tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Người hôm nay, ngày mai và ngày mai. Đó cũng là lý do Chúa phán rằng “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” bởi vì cả hai, Chúa và Giáo hội, nhận biết rằng chúng ta phải luôn nhớ đến mầu nhiệm đó, suy niệm mầu nhiệm đó, hiểu biết mầu nhiệm đó một cách khác biệt vào mỗi thời điểm trong cuộc sống, khi chúng ta phải đối diện với những hoàn cảnh khác nhau.
Thật vậy, mầu nhiệm Chúa chịu chết là một trong những mầu nhiệm then chốt, trung tâm của đức tin, là chìa khóa hành động của Thiên Chúa trao ban cho chúng ta để mở cửa Nước Trời.  Nhưng chúng ta phải ý thức rằng không phải chúng ta được cứu rỗi chỉ bằng cái chết của Chúa trên thập giá, mà còn bằng sự phục sinh vinh quang của Người. Vì vậy cho nên, khi chúng ta suy niệm, tưởng nhớ, nhớ lại sự kiện Chúa đã làm cho chúng ta trên thập giá, là khi chúng ta hiểu được ý nghĩa của mầu nhiệm này một cách tỏ tường thâm sâu hơn.
Chiều hôm nay, chúng ta cử hành mầu nhiệm cứu độ, chúng ta cũng cử hành tình yêu vô bờ bến và cao cả của Thiên Chúa mà chúng ta chưa hoàn toàn hay hiểu thấu được hết, nhưng thập giá giúp gia tăng lòng tin của chúng ta vào Chúa. Xin thánh giá Chúa Ki-tô giúp và ban cho chúng ta can đảm và sức mạnh để luôn trung thành với sứ mệnh là những Ki-tô hữu và môn đệ của Chúa.
 Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa