Thứ Sáu Tuần Thánh 2012 năm B

181

Thứ Sáu Tuần Thánh 2012 năm B

Ông bà anh chị em thân mến. Chiều hôm nay, Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta tụ họp lại đây không phải để cử hành Thánh lễ, nhưng để tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, và đặc biệt tôn thờ Thánh Giá mà Chúa Giêsu Kitô đã dùng mà cứu độ trần gian. Nghi lễ Thứ Sáu Tuần Thánh gồm ba phần: Phụng vụ Lời Chúa, tôn kính Thánh giá và rước lễ. Giờ đây chúng ta hãy cầm trí suy niệm những lời Kinh thánh để biết được ý nghĩa của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô và nhất là tiếp nhận ơn sủng tuôn đổ xuống từ Thánh giá Chúa Kitô.
Bài đọc 1 chứa đựng lời tiên tri xưa thật quí giá đề cập đến Chúa Giêsu. Từ ngàn xưa, hình như ngôn sứ Isaia đã nhìn thấy trước tận mắt thân hình của Chúa Giêsu treo trên thập giá. Ông diễn tả rằng: dân chúng phải kinh hoàng khi nhìn thấy Người, vì mặt Người đã thay đổi, không còn giống con người chút nào nữa. Người bị bọn lính đập đánh, bị đội mão gai nhọn đâm thấu vào đầu với bộ mặt đầy máu và đau đớn. Thân hình đã rách nát. Nhiều người đã kinh ngạc, vì thấy dung nhan Người tàn tạ, không còn nguyên vẹn nữa. Đúng thế, thân thể Chúa Giêsu Kitô đã bị đập đánh dã man, khốn khó và tiều tụy như thế. Với tình huống như vậy, ngôn sứ Isaia tưởng rằng chỉ cần đưa Người ra trước quần chúng, thì họ sẽ động lòng trắc ẩn đòi tha Người ngay. Nhưng theo bài thương khó thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe thì Người đã bị đám đông dân chúng kết án, bắt vác thập giá lên đồi Canvê, và bị đóng đanh treo trên thập giá giống như một tội nhân. Đó là hình ảnh của Người tôi tớ Chúa đau khổ gánh lấy tội trần gian, để làm cho người tin, tuân phục được nên công chính hóa và được cứu độ. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 xác nhận, vì vâng phục thánh ý Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ để trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai vâng phục Người.
Ông bà anh chị em thân mến. Trong nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô hôm nay, một lát nữa đây chúng ta sẽ tiến lên hôn kính thập giá, khí cụ cứu rỗi nhân loại. Thập giá là một nghịch lý. Vào thời Chúa Giêsu, người ta khiếp sợ thập giá vì đó là một hình phạt đau đớn mà tội nhân phải chịu. Thế nhưng ngày nay, thập giá đã trở thành thánh giá cứu độ và là dấu chỉ tình yêu cao siêu, một biểu hiệu cho một cuộc toàn thắng tội lỗi và sự chết. Do đó mà thánh Phaolô đã xác quyết rằng lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những người hư mất, nhưng đối với chúng ta, là những người tin, thì đó lại là sức mạnh và ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Ông bà anh chị em thân mến. Người Kitô hữu chúng ta không thể tin vào Chúa Giêsu Kitô đồng thời chối bỏ thập giá. Do đó người Kitô hữu chúng ta phải tôn vinh thập giá như là phương tiện cứu rỗi. Thập giá phải là căn tính của người Kitô hữu. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta dừng lại ở cây thập giá. Chúng ta phải vượt qua cây thập giá, đi sâu vào ý nghĩa cao cả của thập giá để tìm ra ơn sủng, nguồn sức mạnh và hy vọng của việc vác thập giá trong đời sống.
Chúng ta ý thức rằng có nhiều thập giá trong đời sống Kitô hữu. Có những thập giá là những đau khổ về thể xác và tinh thần vì đức tin và vì Tin mừng mà Chúa Kitô muốn cho người môn đệ mang vác khi Người tuyên bố: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy.” Thế nhưng chúng ta không vác thập giá vì thập giá. Chúng ta chịu khổ nhục, thiệt thòi, hy sinh và vác thập giá vì chúng ta muốn thông phần với Chúa vào sự cứu rỗi của nhân loại. Hơn nữa, chúng ta không chịu đau khổ một cách vô vọng, vì đau khổ là đường cùng không lối thoát.
Là những Kitô hữu, chúng ta phải ý thức rằng đau khổ là mầu nhiệm, là những điều mà chúng ta không thể giải nghĩa hay hiểu thấu rõ được, vì như chúng ta thấy có những người tốt lành, thánh thiện mà cũng phải chịu đau khổ. Ngay cả trẻ con vô tội cũng phải chịu đau khổ. Trong mấy ngày gần đây, chúng ta thấy có những cơn gió lốc san bằng nhiều nhà cửa ở Dallas, Texas, làm cho nhiều người đau khổ vì mất mát. Chúng ta nghe có một người ở Cali xả súng bắn chết nhiều người vô tội làm đau khổ cho gia đình nạn nhân. Chúng ta cũng nghe có mấy vụ ăn cướp bắn chết người xảy ra ngay trong thành phố Tulsa của chúng ta làm cho thân nhân đau khổ. Thật vậy, chúng ta không thể nào hiểu thấu và giải thích rõ được tất cả những đau khổ xảy ra trong xã hội và ngay trong đời sống cá nhân hay gia đình của chúng ta.
Ông bà anh chị em thân mến. Vì yêu thương và để chuộc tội cho nhân loại, Chúa Giêsu Kitô đã chấp nhận đau khổ, vác và chết trên thập giá, và Người đã đem lại ý nghĩa, nguồn sức mạnh và hy vọng cho sự đau khổ và vác thánh giá cho chúng ta. Thánh Augustinô cảm nhận rằng: “Ở đâu có yêu thương, ở đấy không còn đau khổ. Và giả như vẫn còn đau khổ, ngườI ta chấp nhận nỗi đau khổ vì yêu thương.” Thánh Augútinô muốn nói rằng khi ướp thấm tình yêu mến Chúa, thì đau khổ và thập giá sẽ trở nên nhẹ nhàng và mang lại ý nghĩa và ơn phúc cho cuộc sống Kitô hữu chúng ta.
Chúa Giêsu đã chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại và ban phát ơn cứu độ cho chúng ta. Ngài đã tuyên bố rằng: “Không có gì cao quí cho bằng chết cho người mình yêu.” Chúa đã chịu đóng đinh và chịu chết trên thập giá cho chúng ta.
Qua việc tôn kính Thánh giá Chúa Kitô chiều tối hôm nay, chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô là nguồn sức mạnh, hy vọng và ơn cứu độ của Chúa cho chúng ta. Chúng ta thông phần đau khổ với Chúa để cùng được vinh quang với Người.
Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse Tulsa