TIN TỨC Tin Giáo hội Việt Nam Thư ngỏ của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn: Năm...

Thư ngỏ của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn: Năm mới và công cuộc đổi mới

Thư ngỏ của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn: Năm mới và công cuộc đổi mới

Lời mở. Thư ngỏ này góp phần xác lập hướng đi cho công cuộc đổi mới trước những thách đố của xã hội hôm nay. Thư ngỏ này mong gởi đến mọi người thiện tâm cùng những nhà chuyên môn trong nghành giáo dục, luật pháp, quản trị, những gợi ý giúp cho mọi người chu toàn bổn phận chung sức phát triển toàn diện và vững bền con người cùng đất nước hôm nay.

1. Thách đố của xã hội hôm nay. Xã hội loài người theo dòng thời gian, luôn biến chuyển và đổi thay, không ngừng tạo ra những thách đố cho công cuộc đổi mới đời sống con người và xã hội. Trong gần nửa thế kỷ qua, xã hội Việt Nam đã trải qua hai thời kỳ đóng cửa và mở cửa. Thời kỳ đóng cửa tự cô lập, để lại nhiều mất mát, mất của cải vật chất, mất các quyền tự do. Thời kỳ mở cửa đổi mới, du nhập nhiều thứ tự do. Tự do của nền kinh tế thị trường, tự do cạnh tranh loại trừ nhau, tự do chạy theo xu hướng hưởng thụ duy vật chất, tự do ly dị, tự do phá thai, tự do đồng tính… Những tự do đó xem ra có góp phần phát triển kinh tế xã hội, nhưng đồng thời cũng đã làm phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng cùng nhiều tệ nạn xã hội, làm cho đời sống tinh thần ngày càng bị sa mạc hóa, lòng đạo ngày càng khô cằn. Điều đó nói lên rằng những thứ tự do đó mở rộng lòng tham sân si của bản năng tự vệ với thái độ chống đối loại trừ nhau, nhưng lại làm cho lòng nhân, lòng đạo của con người ngày càng bị thu hẹp, khép kín, nghèo nàn.

2. Mục đích đổi mới toàn diện. Công cuộc đổi mới toàn diện bao gồm mọi lãnh vực của đời sống con người, đạo và đời, xã hội và nhân văn, kinh tế và chính trị, cùng mọi lãnh vực của bổn phận làm người, như tu thân, tề gia, trị quốc. Và định hướng của công cuộc đổi mới toàn diện là nhằm đưa đến từng bước phát triển toàn diện và vững bền con người và gia đình, xã hội và đất nước, cùng dần dần đem lại sự an lành cho nhà nhà, và thái bình cho thiên hạ…

3. Phương hướng đổi mới toàn diện. Truyền thống văn hóa từ xa xưa đã đề ra phương hướng đổi mới là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Như thế, để có thể đạt mục đích phát triển toàn diện và vững bền, công cuộc đổi mới đời sống đạo, đời sống xã hội và nhân văn, kinh tế và chính trị, đổi mới việc tu thân và giáo dục, việc tề gia và chăm lo cho gia đình và tập thể, việc quản lý xã hội và quản trị cộng đoàn, công ty, xí nghiệp, nhất thiết phải mang tính thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời là thuận ý trời, thuận theo Lời Chúa dạy, thuận với quy luật thiên nhiên. Địa lợi là phù hợp với truyền thống văn hóa và đạo lý làm người, với luật vị nhân sinh trong xã hội. Nhân hòa là hòa hợp với lòng nhân, lòng đạo của con người.

4. Con đường đổi mới hôm nay. Trong bối cảnh xã hội ngày nay với tự do cạnh tranh và đấu tranh loại trừ nhau, muốn mang lại bình an cho người người, công cuộc đổi mới cần phải theo con đường đối thoại thay vì đối đầu, con đường liên kết hợp tác thay vì độc đoán chuyên quyền khống chế nhau. Đồng thời, để có thể mang lại kết quả tích cực cho công cuộc đổi mới, đối thoại và hợp tác không thỏa hiệp với quyền lực, tài lực, vũ lực, là những thứ làm cho con người lo ngại, nghi sợ, gợi lên thái độ bất mãn, chống đối, song cần được tiến hành trong ánh sáng chân lý, với năng lực của tình yêu thương, đồng cảm, bao dung, chia sẻ, mở đường…

5. Đổi mới đời sống con người và lòng đạo. Truyền thống đời sống đạo trong xã hội Việt Nam, góp phần rất lớn cho đạo tồn tại trong xã hội Việt Nam qua các thời kỳ đổi thay, cả thời kỳ khó khăn nhất. Song trước những thách đố ngày nay, khung nếp truyền thống đó trở nên bất cập và hẹp hòi.

Niềm tin Kitô giáo mời gọi người công giáo ý thức mở rộng lòng đạo, vượt qua lối sống giữ đạo theo thói quen máy móc, và ý thức bước theo Chúa Giêsu trên con đường Ngài đã đi qua. Bước theo Chúa Giêsu trước hết là sống theo Lời Chúa dạy “cởi bỏ con người cũ, và mặc lấy con người mới” (x. Eph 4,22). Con người cũ là con người sống theo bản năng sinh tồn với lòng tham sân si, thiếu xác tín và thừa nghi sợ, dễ rập khuôn theo thói tục chỉ lên tiếng hay xuống đường ủng hộ điều này, chống đối việc kia…Con người mới là con người ý thức, trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch, trước hết và trên hết là lắng nghe và thực thi lời Chúa mời gọi sống yêu thương mọi người, cả kẻ thù ghét mình, lấy tình yêu đồng cảm, bao dung, chia sẻ với mọi người, đáp lại tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Bước theo Chúa Giêsu còn là trung thành bước đi trên đường Ngài đã mở ra, con đường hội nhập, đồng cảm, yêu thương đến cùng, khiêm tốn phục vụ, mở đường cho mọi người chung lòng chung sức cùng nhau thoát khỏi bóng tối mọi sự dữ cùng những sai sót trong cuộc sống, và được tự do bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu. Nhờ đó con người có một cuộc sống xứng với phẩm vị làm người trong thiên hạ, đồng thời trở nên sứ giả Tin Mừng, như người phụ nữ Xamari sau khi đã gặp gỡ Chúa Giêsu bên bờ giếng Giacóp, và đã tìm thấy nơi Ngài nguồn nước hằng sống, liền trở về chia sẻ niềm vui, niềm tin và hy vọng mới cho dân làng…

6. Đổi mới nền giáo dục. Từ lối giáo dục mang tính thực dụng và phiến diện, xây đắp nền giáo dục nhân bản và toàn diện, một nền giáo dục giúp con người phát triển toàn diện các tiềm năng mang tên 4 chữ H như sau:

– Head: có cái đầu thông minh, sáng suốt, có tầm nhìn rộng,
– Health: có sức khỏe thể xác cùng tâm thần và tinh thần lành mạnh,
– Hand: có hai bàn tay lành nghề cùng các kỹ năng phát triển
– Heart: có lòng nhân và lòng đạo mở rộng, biết chọn và sống những giá trị chân thật và vững bền hơn là xảo trá gian dối, biết sống yêu thương đồng cảm, bao dung hơn là bạo lực và hận thù, biết quên mình và đặt công ích trước tư lợi, đặt quyền lợi của nhân dân trước lợi ích của phe nhóm.

7. Đổi mới hệ thống luật lệ (Hiến pháp, các bộ luật, Pháp lệnh, Nghị định) Hệ thống luật lệ hiện hành là luật vị luật, chỉ nhằm duy trì trật tự xã hội, chỉ giúp con người sống theo luật và làm theo lệnh. Do đó, hệ thống luật lệ trên vừa mang tính lỗi thời và bất cập, vừa thiếu tính nhân bản và thừa tính chuyên chế bất công, làm cho nhiều người nghi ngờ, sợ sệt, căng thẳng trong thế đối đầu chống trả. Vì thế cần hợp lực từng bước xây đắp một hệ thống luật lệ vị nhân sinh. Luật vị nhân sinh là luật vừa mang tính thiên thời, địa lợi, nhân hòa, vừa tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, vừa quan tâm đến việc phát triển tính nhân bản và nhân đạo trong đời sống con người xã hội, giúp mọi người ý thức sống tự trọng cùng tôn trọng phẩm vị của nhau, ý thức bảo vệ cuộc sống làm người tốt và hữu ích cho gia đình nhân loại.

8. Đổi mới công việc quản trị. Lãnh đạo đất nước, quản lý xã hội, quản trị cộng đoàn, công ty, xí nghiệp, với chủ trương sống và làm theo pháp luật, là điều cần thiết. Nhưng chủ trương đó, trong thực tế vẫn bất cập và luôn để lại nhiều vấn đề. Cần được bổ sung bằng những nỗ lực chung sức xây đắp, gia cố các gian nhà trong ngôi nhà Việt Nam vừa mang tính khoa học, kỹ thuật chuyên môn, vừa mang tính nhân văn, chứa đầy tính người và tình người, chan hòa tình làng nghĩa xóm, và tình huynh đệ bốn biển anh em một nhà. Đồng thời nhất thiết giới hữu trách cần có quyết tâm xử lý và dọn sạch các loại rác làm cho nhiều người có ấn tượng trong ngôi nhà đó chỉ có tiền mới mua được tự do, mới mua được chức quyền, tiền có thể mua cả tiên phật; ấn tượng ngôi nhà đó chứa tính chuyên chế, độc đoán, nhiều hơn là chất của dân, do dân, vì dân.

9. Thay lời kết

Đổi mới với sức mạnh nào? Công cuộc đổi mới toàn diện đời sống con người và xã hội, đổi mới việc tu thân, tề gia, trị quốc, đổi mới nền giáo dục và hệ thống luật lệ, chắc hẳn không thể nhờ sức mạnh của quyền lực độc đoán chuyên chế, của tài lực hạ thấp phẩm giá con người, của bạo lực làm phát sinh bạo lực. Nhằm giúp cho công cuộc đổi mới trên mang tính thống nhất, liên tục, và có hiệu quả vững bền, sức mạnh tổng hợp và tối cần phải là sức mạnh từ sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường cùng các tổ chức trong xã hội, cũng như từ sự phối hợp hài hòa giữa nhà trí thức và nhà giáo, nhà khoa học và nhà thầy thuốc, nhà chùa và nhà thờ…

Niềm tin Kitô giáo còn chỉ ra cho người công giáo sức mạnh cần thiết cho công cuộc đổi mới lâu dài và toàn diện là tình hiệp thông với Thiên Chúa, với đồng đạo, đồng bào, đồng loại. Một mối tình cần hợp lực kiên trì xây đắp lâu dài.

Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám Mục

(WGPSG)

Exit mobile version