Thứ Năm Tuần Thánh Năm C_2013
Thật ra nghi thức này rất đặc biệt và quan trọng. Nhưng vào thời Chúa Giê-su thì khác thường, một việc dơ bẩn, vì dân chúng không mang vớ và đi giày như ngày nay. Họ mang một miếng đệm như dép thôi. Hầu hết đi chân không ngoài đường, và đi bộ trên con đường có phân và những sự dơ bẩn của các thú vật./ Cho nên chúng ta có thể tượng tượng khi họ vào nhà của một người nào để dự tiệc, thì cũng mang cả những thứ ấy nữa, vì vậy, có những người đầy tớ rửa chân cho họ trước khi vào nhà. Nếu không có đầy tớ thì con cái hay người vợ làm công việc đó. /Giả xử nếu tôi muốn thật sự khiêm nhường, thì tôi có thể tới nơi những người vô gia cư ở, và rửa cho một số người, không có ai dòm ngó, không có người quay phim, và không có ca đoàn hát xướng, như trong khung cảnh này. Nhưng chúng ta tham dự và cử hành nghi thức rửa chân tối hôm nay là để tưởng nhớ lại một việc thật quan trọng Chúa Giê-su đã làm.
Những người được rửa chân có thể nghĩ rằng, tôi không biết, không hiểu hay nghĩ gì về việc này! Thật sự ra, như chúng ta đã biết, Chúa Giê-su đã làm rất nhiều việc, như giảng dạy, làm nhiều phép lạ và cứu giúp người khác cũng rất nhiều. Nhưng tối hôm cuối cùng trước ngày chịu chết, Chúa Giê-su muốn làm một việc khác thường để cho các môn đệ ghi nhớ vào trong tâm trí. Do đó, để giúp họ hiểu ý nghĩa những việc Người sắp sửa làm trước mắt, Chúa Giê-su nói: “Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con.” Chúng ta biết trước đó, Chúa cũng đã nói “Nếu ai trong các con, muốn trở thành người lớn quan trọng, phải trở thành người phục vụ kẻ khác, và Chúa đã ban cho chúng ta một điều răn mới “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu mến các con.”
Nhưng chúng ta cũng thấy có một cuộc đối thoại thú vị giữa Chúa Giê-su và thánh Phê-rô, khi Người đến trước mặt, cúi xuống rửa chân cho ông. Phê-rô đã nói với Thầy “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa đáp lại rằng “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu.” Phê-rô đã phản đối “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con.” Và Chúa Giê-su đã khẳng định rằng “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy.” Dự phần ở đây có nghĩa là hưởng phần thưởng Nước Trời.
Ông bà anh chị em thân mến. Nếu chúng ta chú ý, thì đây là một câu nói rất quả quyết của Chúa. Tôi thắc mắc tự hỏi, tại sao Chúa lại quả quyết như vậy? Tại sao Chúa muốn tất cả môn đệ của Chúa được Chúa rửa chân, kể cả Phê-rô? Suy nghĩ về sự việc Chúa muốn làm, là một bằng chứng về phục vụ làm cho tôi bàng hoàng, và đưa đến một nhận định, một sự hiểu biết là, tất cả chúng ta cần thiết để cho Chúa phục vụ chúng ta. Vậy thưa ông bà anh chị em Chúa phuc vụ chúng ta bằng cách nào? Thưa Chúa phục vụ chúng ta qua cái chết hy sinh cứu độ trên thập giá và sự Phục sinh của Người. / Chúa đã từng tuyên bố Người đến để cứu những người hư mất, những người tội lỗi, là chính tất cả chúng ta. Và chỉ khi nào chúng ta ý thức, chúng ta cần đến sự cứu rỗi của Chúa, chúng ta mới thật sự hiểu ý nghĩa của tên “Giê-su”, có nghĩa là “Đấng Cứu Thế.” Vậy thì làm sao chúng ta nối liền việc “cứu độ” và “tình yêu” của Chúa trong cuộc sống? Thưa bằng 2 cách. Một là cầu nguyện đi đôi với Bí tích, và hai là hy sinh trong sự phục vụ. Chỉ trong 2 phương cách này, Chúa Giê-su mới phục vụ và cứu độ chúng ta.
Đặc biệt Chúa phục vụ chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Chúa đến và mang lại cho chúng ta tình yêu và sự sống mà Chúa muốn chia sẻ với chúng ta. Chúa hạ mình xuống đến với vào vào trong tâm hồn chúng ta, như Người hạ mình xuống để đi vào tâm hồn các môn đệ bằng sự rửa chân cho họ. Như Chúa quả quyết trong việc phục vụ rửa chân, Chúa cũng nhấn mạnh và quả quyết một cách rõ chúng ta phải để Chúa phục vụ chúng ta bằng Thánh Thể của Người, cho nên Chúa phán rằng, “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết.’ Chúng ta có thể đón nhận sự phục vụ của Người với tình yêu, chúng ta có thể đón nhận trong sự không xứng đáng, chúng ta có thể đón nhận trong sự xao lãng, phân tâm, hay chúng ta quá bận rộn, thơ ơ không muốn tiếp nhận Người. Nhưng những ai thành tâm mở rộng tâm hồn đón nhận sự phục vụ của Chúa, thì Chúa ở đó và Người sẽ đến chia sẻ với chúng ta của ăn thiêng liêng, một ơn sủng cao cả, như một người bạn. Có ơn gì cao quí hơn chính Thánh Thể của Người! Chúa đã phán rằng “Mình Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống.” Nếu chúng ta không yêu thương hy sinh khiêm nhường phục vụ nhau, và không tiếp nhận sự phục vụ Thánh Thể của Chúa, chúng ta sẽ không thông phần với Chúa và sẽ không có sự sống đời đời, như Chúa đã quả quyết.
Ông bà anh chị em thân mến. Tối hôm nay, chúng ta tưởng nhớ tới bữa Tiệc Ly của Chúa với các môn đệ. Chúa đã đến và phục vụ họ như một người Thầy và là Chúa, và Người sắp sửa phục vụ họ và tất cả chúng ta bằng cái chết đau thương trên thập giá. Chúa đã nêu cho chúng ta một tấm gương, một bằng chứng để kêu gọi chúng ta yêu thương nhau và hy sinh phục vụ làm sáng danh Người, trong giới răn mới yêu thương, trong mầu nhiệm Thánh Thể và trong sự hy sinh khiêm nhường phục vụ rửa chân, để ghi nhớ trong tâm hồn và thực hành trong đời sống. Và cũng trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã truyền cho chúng ta một mệnh lệnh để ghi nhớ đến công việc cứu độ và tình yêu của Người và để thực hành, đó là: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” mà chúng ta nghe Người nói 2 lần tối hôm nay trong bài đọc hai. Đây là một đoạn văn lâu đời nhất nói về Bí tích Thánh Thể trong Kinh thánh.
Chúng ta có thể không hiểu thấu được mầu nhiệm này. Chúng ta có thể không hiểu tại sao Chúa phải chết để cứu độ chúng ta. Chúng ta không thể nào hiểu thấu được tại sao Chúa thiết lập Bí tích Truyền Chức Thánh để tiếp tục công việc cứu độ và mang tình yêu của Chúa đến cho mọi người, chúng ta không hiểu tại sao chỉ nhận lấy một tấm bánh trắng nhỏ, là nhận chính thân thể Chúa Giê-su, chúng ta cũng có thể không thể hiểu thấu tại sao Thiên Chúa quá yêu thương loài người chúng ta, và đã sai Con Một Người, xuống trần để cứu độ chúng ta, nhưng thưa ông bà anh chị em, như Chúa đã nói với Phê-rô trong bài Tin mừng khi rửa chân “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu.” Giờ đây chúng ta cùng cử hành nghi thức rửa chân để tưởng niệm biến cố năm xưa của Chúa.
Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa