Thư gởi con gái đang sống lệ thuộc trong tình yêu

62

Con gái yêu !

Bố có nhiều điều thao thức muốn gởi đến con kể từ khi con “thoát khỏi” vòng tay của bố mẹ. Biết bao điều đã suy nghĩ trong đầu nhưng khi gặp con, bố lại cố kiềm nén cảm xúc không bộc lộ ra bên ngoài. Ấy cũng là dấu bố tỏ ra yếu đuối vì không thể làm chủ cảm xúc của mình.

Vì con được sống và lớn lên trong sự che chở và đùm bọc của gia đình, nên bố lo cho con về mức độ trưởng thành, tự lực cánh sinh trong đời sống của con hiện nay. Nhìn vào nhiều gia đình trẻ hôm nay, bố thấy có nhiều dấu hiệu đáng mừng về cách hai vợ chồng chịu trách nhiệm cùng nhau để xây dựng hạnh phúc gia đình, nhưng bố cũng thoáng thấy sự lệ thuộc của những người trẻ dễ khiến họ mất đi định hướng cuộc sống và còn mưu toan phá tan hạnh phúc lứa đôi. Đây cũng là điều bố muốn chia sẻ với con trong lá thư này.

Con hãy tập quan sát những người có các dấu hiệu nghiện ngập một thứ gì đó, chẳng hạn như nghiện rượu, bia hay bài bạc…họ là người lệ thuộc. Cũng vậy, trong tình yêu có những người nghiện, họ sống lệ thuộc mà không thể kiểm soát được những thái độ hành vi hủ bại của mình. Nếu như mọi hình thức nghiện ngập đều hủy hoại cách nào đó đến hình ảnh bản thân, và xa rời với những giá trị ưu việt trong đời sống, thì trong tình yêu, cũng không miễn trừ, con ạ ! Chúng điều hướng mọi thiện chí dấn thân mà giải thích lệch lạc mọi ý hướng ngay lành khiến cho đôi bên không thể hợp tác và hỗ tương thực sự hầu xây dựng một tình yêu lành mạnh.   

Con biết: có những quan niệm sai lạc gây nên sự bất công cho việc hiểu biết đối tượng lệ thuộc trong tình yêu. Chúng ta không thể đơn giản nghĩ rằng một người vợ nội trợ không có khả năng kiếm tiền mà chỉ ru rú trong xó bếp lại là người lệ thuộc. Điều này con có thể nhìn vào gương của mẹ, mẹ không hề mặc cảm về những việc nhỏ nhặt hàng ngày, trái lại mẹ luôn hãnh diện về công việc phục vụ ấy. Quả thật, tiền bạc thuộc lãnh vực kinh tế phục vụ cho mọi sinh hoạt trong gia đình nhưng nó không phải là yếu tố quyết định cho hạnh phúc bên nhau. Như thế, sự lệ thuộc ở đây không hệ tại việc có khả năng kiếm tiền để lo về kinh tế hay không nhưng tùy thuộc vào thái độ dấn thân phục vụ cho nhau trong gia đình. Chính khi con không còn khả năng xây dựng hạnh phúc thì con bị rơi vào tình trạng lệ thuộc. Đúng thế, sự lệ thuộc làm trì trệ và mưu toan phá tan hạnh phúc gia đình của con.

Bố cũng biết: có một quan điểm khác khá phổ biến trong xã hội chúng ta khiến nhiều người đánh giá sai những người trong cuộc. Việc ai đó ước muốn được che chở và nương tựa lại bị đồng hóa với thái độ lệ thuộc. Thật ra, một khi hai người yêu nhau để đi đến một cam kết bền chặt, họ chinh phục nhau trong những mặt mạnh và hỗ trợ nhau trong những mặt yếu. Có thể trong công việc chồng của con hay là chính con cũng luôn muốn chứng tỏ với mọi người về khả năng và hiệu năng trong việc phục vụ. Nhưng cũng có những không gian chúng con dành cho nhau để được che chở và đỡ nâng, khi ấy, các con sẽ tái tạo cho nhau những năng lượng cần thiết để giúp nhau phục vụ xã hội và gia đình tốt hơn. Chắc hẳn, đây không thể coi là một sự lệ thuộc đáng lên án.

Đôi khi bố nhận ra nơi con có một sự quyết đoán rất “cá tính” nhưng không phải lúc nào cũng hữu ích đâu nhé ! Sự chi ly trong từng tiểu tiết thì rất cần thiết trong mọi việc nhưng khi nó biến thành một thái độ quan tâm quá đáng hay sự giám sát khắt khe, sẽ làm cho chồng con cảm thấy ngột ngạt, không người đàn ông nào muốn mình bị kèm cặp quá đáng như vậy. Thật ra, bố biết rằng con không có ý như vậy, sự quan tâm của con trong một mức độ nào đó đòi hỏi một sự tinh tế vô cùng. Lắm khi chỉ một câu hỏi quan tâm nhưng không đúng lúc, đã có thể tạo thêm sự mệt mỏi cho chồng của con, nếu không muốn nói là làm tổn thương cách nào đó. Điều này đòi buộc con phải hiểu biết tâm tính và cảm xúc của người chồng. Bố tin rằng, con gái của bố sẽ làm được điều này như mẹ của con đã đối xử chân thành với bố vậy.

Nhắc đến cảm xúc, bố liên tưởng đến câu chuyện đã đọc đâu đó. Rằng: Buổi sáng trước khi đi làm, anh chồng đang dùng điểm tâm với gia đình, chợt đứa con gái vô tình làm đổ tách cà phê lên người anh. Anh giận quá, la mắng thẳng mặt con bé. Con bé òa khóc. Anh quay sang trách luôn cả người vợ đã đặt tách cà phê quá gần cạnh bàn. Hai vợ chồng cãi nhau một lúc. Anh đùng đùng lên lầu thay quần áo. Khi trở xuống, con vẫn còn khóc, chưa kịp ăn xong nên bị lỡ chuyến xe đưa rước. Vợ lại hối hả đi làm. Anh vội vã nhưng phải đưa con gái đến trường. Sợ trễ buổi hợp quan trọng, anh không để ý đến đèn đỏ. Bực mình vì bị cảnh sát giao thông thổi phạt, anh đưa con tới trường trễ. Con chạy vội vào lớp không kịp chào các bạn. Anh đến văn phòng trễ hơn hai mươi phút, và phát hiện mình đã bỏ quên chiếc cặp làm việc ở nhà…

Một ngày sống của người chồng này đã bắt đầu thật khủng khiếp, và những diễn tiến tiếp theo đó càng tệ hại hơn. Chiều tối, anh căng thẳng trở về nhà, nhận thấy vợ con không vui vẻ như mọi khi.

Tại sao anh ấy có một ngày tồi tệ như thế ?

-Tại tách cà phê ?

-Tại vợ của anh ?

-Do sự vô ý của con bé ?

-Do người cảnh sát giao thông ?…

-Hay vì chính mình ?

Quả thật, người đàn ông ấy là một kẻ lệ thuộc cảm xúc tiêu cực của mình. Có lẽ, con đã thoáng thấy một bầu khí ô nhiễm mà một người không thể kiểm soát cảm xúc của mình mang lại. Qua đó, con cũng cần nhận ra vai trò hòa giải của mình, và vinh dự của một người vợ, người mẹ  biết chăm lo săn sóc đến từng thành viên trong gia đình.

Bố muốn con đặt mình trong câu chuyện vừa kể trên. Nếu là người vợ trong câu chuyện, con sẽ phản ứng thế nào ? Với sự thông minh vốn có của một cô giáo, chắc hẳn, con cần giúp chồng con nhận ra thiện chí của con gái khi muốn mời bố ly cà phê buổi sáng, nhưng chẳng may lỡ tay đánh đổ vào người của bố. Con cũng cần phân tích thái độ quá đáng của người chồng khi thiếu kiên nhẫn trong việc đối xử chẳng tâm lý với đứa con gái. Tất nhiên, con cũng không quên ghi nhận những lo lắng của chồng con khi phải sắp đối diện với bao khó khăn trong công việc hàng ngày. Sự thông cảm và đồng cảm của con sẽ giúp chồng con thoát khỏi tình trạng lệ thuộc trong cảm xúc tiêu cực.

Tiện đây, bố cũng muốn nhắc con về một sự lệ thuộc như một cám dỗ không ngừng rình rập con. Chúng là một chuyện rất nhỏ nhưng một khi thiếu sự quan tâm, chúng trở thành một trở ngại lớn. Đôi khi vì bệnh nghề nghiệp mà con có thể xử với chồng mình như một cô giáo dạy dỗ học trò. Điều này có thể gây tổn thương đến vai trò của người chồng người cha trong gia đình. Để tránh khỏi tình trạng ấu trĩ này con cần ý thức đặt mình đứng đúng vị thế trong khi tương giao với người đối diện, có thể là người chồng hay người bạn đồng nghiệp…Dù họ là ai, một khi biết giữ khoảng cách đúng đắn, con sẽ tránh không làm tổn thương lòng tự trọng của họ mà trái lại, còn giúp bản thân có được cảm giác an toàn và có được sự tự tin cần thiết.

Tuy nhiên, không phải lúc nào con cũng thực sự tự tin đủ để đương đầu với những khó khăn đang chào đón. Lắm lúc, con cảm thấy “đói khát” một lời khen tặng từ chồng, một sự tôn trọng từ con cái hay một sự quan tâm từ ai đó. Ấy cũng là dấu hiệu của một người lệ thuộc. Tất nhiên, trong cuộc sống ai cũng cần một lời khen tặng hay một lời tích cực nhằm khích lệ ta vươn lên, nhưng nếu quá câu nệ vào điều đó, con sẽ tự biến mình thành con rối múa theo yêu cầu người xem. Mức độ nguy cơ này có thể dẫn đến khả năng đánh mất chính mình. Con rối chỉ được người ta vỗ tay khi biểu diễn trên sân khấu, còn người diễn viên cũng cần ra khỏi vai diễn để trở về với đời thường, đối diện với những khó khăn hay thử thách trong gia đình của họ. Đôi khi vì quá mê mải công việc và chạy theo những hiệu năng công việc hay những thành tích ảo mà con tìm cách trốn tránh những khủng hoảng trong đời sống lứa đôi. Có thể con đã chôn giấu những nén bạc mà chúng con đã được thừa hưởng trong ngày lãnh nhận Bí tích Hôn phối chăng ? Niềm vui chỉ mang lại một sự phấn khích thoáng qua, nhưng khó khăn hay đau khổ mới làm cho con người lớn lên và trưởng thành. Chúng con hãy ý thức điều đó và khám phá ra sự diện diện của Chúa Giêsu trong cuộc đời chúng con như Người đã hiện diện cách cụ thể trong tiệc cưới tại Cana năm xưa, và làm đầy chén rượu nồng nàn trong những lúc tưởng chừng như vô vọng.

Điều cuối cùng bố muốn nhắn gởi với con rằng nếu không khởi công xây dựng những ước mơ của mình, người khác sẽ nhờ con xây dựng ước mơ của họ. Nghĩa là gì ? Con cần chủ động trong mọi việc nhất là những gì giúp con hoàn thành tốt nhiệm vụ của người vợ người mẹ, nhờ đó, con không bỏ lỡ cơ hội nào Chúa muốn đặt để trong hành trình ơn gọi hôn nhân của con. Và như thế, chỉ có một sự lệ thuộc đáng ước ao là hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa, Đấng Thượng trí biết chúng con cần gì và Người sẽ ban cho những gì giúp chúng con sống hạnh phúc và bình an trong ơn gọi mà chúng con đã lãnh nhận nhờ tình yêu nhưng không của Người…

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.