Trong thư Đức Thánh Cha ghi: “Ngày Lương thực Thế giới vang vọng hàng năm với tiếng khóc của rất nhiều anh em chúng ta, những người tiếp tục chịu những bi kịch về đói kém và suy dinh dưỡng.”
Chúng ta thấy làm sao lương thực không còn là một phương tiện nuôi sống mà lại trở thành một kênh phá hủy con người. So với 820 triệu người đói, thì chúng ta có gần 700 triệu người thừa cân, nạn nhân của thói quen ăn uống sai.
Do đó, một sự chuyển đổi trong cách hành động của chúng ta là cần thiết và dinh dưỡng là điểm khởi đầu quan trọng. Chúng ta sống là nhờ hoa trái của tạo dựng. Do đó, những điều này không thể bị giảm thiểu thành một đối tượng đơn thuần để sử dụng và thống trị. Do đó, sự rối loạn về lương thực chỉ có thể được giải quyết khi nuôi dưỡng một lối nhìn biết ơn về những gì được trao cho chúng ta, thực hành ôn hòa, điều độ, tiết chế, tự kiểm soát và liên đới. Đó là những đức tính hiện diện xuyên suốt trong lịch sử của con người.
Để xây dựng lối sống này, gia đình đóng vai trò chính. Và do đó, FAO đã đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ gia đình nông thôn và thúc đẩy nông nghiệp gia đình. Trong bối cảnh gia đình, nhờ sự bén nhạy của phụ nữ và bà mẹ, người ta học cách tận hưởng những hoa màu đất đai mà không lạm dụng chúng và tìm ra những phương tiện tốt nhất để làm lan rộng lối sống tôn trọng lợi ích cá nhân và tập thể này.
Thật tàn nhẫn, không công bằng và nghịch lý khi, ngày nay, thức ăn đủ cho tất cả mọi người, nhưng không phải ai cũng có thể tiếp cận được nó, trong khi có những khu vực trên thế giới thực phẩm bị lãng phí, vứt đi, tiêu thụ quá mức hoặc dùng vào các mục đích khác. Để thoát khỏi vòng xoáy này, cần phải thúc đẩy “các tổ chức kinh tế và các chương trình xã hội cho phép người nghèo nhất có quyền tiếp cận thường xuyên các tài nguyên cơ bản”.
Cuộc chiến chống đói và suy dinh dưỡng sẽ không chấm dứt bao lâu chỉ có logic về thị trường và tìm lợi nhuận bằng mọi giá vẫn thống trị. Mối quan tâm đầu tiên phải luôn luôn là con người, đặc biệt là những người thiếu lương thực hàng ngày. Chúng ta không được quên rằng những gì chúng ta dư thừa và lãng phí là lương thực của người nghèo. (CSR_6107_2019)
Văn Yên, SJ – Vatican News