Thông Truyền Niềm Tin

140

“Nỗ lực rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” (TG 1) vẫn luôn là mối bận tâm hàng đầu của Giáo Hội. Là một người Kitô hữu, cách riêng là một tu sĩ, ý thức truyền giáo càng phải mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Dù thời trẻ trung hay lúc tuổi già đã xế bóng thì ngọn lửa truyền giáo vẫn luôn phải cháy bùng trong tâm hồn của mỗi tu sĩ. Không chỉ những người trẻ mới có trách nhiệm làm thức tỉnh thế giới như lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong sứ điệp Truyền giáo năm 2018, nhưng những người lớn tuổi, những tu sĩ cao niên càng phải là một nguồn lực lớn trong cánh đồng truyền giáo, càng phải là những tấm gương sáng để thức tỉnh thế giới này.

Trước lời mời gọi của Đức Giê-su: “Hãy đến với con chiên lạc nhà Itsrael “(Mt 10, 7) đã thúc đẩy các nữ tu hưu trí của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức đến với những con người truyền giáo, những cộng đoàn truyền giáo, và người lương dân tại vùng sông nước Cần Thơ bằng cả trái tim để gặp gỡ, sẻ chia với những người cùng khổ, bất hạnh: cho họ một ly nước lã vì Danh Đức Ki-tô, hay đơn giản chỉ là thăm viếng. Như Chúa Giêsu bên giếng nước Gia-cóp, mỗi nữ tu trong đoàn cũng cảm thấy phải ngồi cạnh những người nghèo, những người bất hạnh, những người không cùng quan điểm, tôn giáo,… thời nay, để làm cho Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ, nhờ đó họ có thể gặp Chúa, vì chỉ mình Ngài mới là nước ban sự sống vĩnh cửu đích thực.

Sau khi đi thăm các cộng đoàn truyền giáo: Vị Tín, Vị Thuỷ, Cầu Móng của Hội Dòng tại Cần Thơ, đoàn tiếp tục đến giáo điểm truyền giáo Rạch Vọp toạ lạc tại An Hòa, An Lạc Tây, Kế Sách, Sóc Trăng. Cái tên Rạch Vọp nghe thật là lạ. Được biết nơi đây là một bãi lau sậy rừng rậm hoang vu có rất nhiều trăn, cọp, voi … Chúng đi lâu ngày đã tạo nên một đường mòn ngày càng lớn, và thời gian đã làm xoáy mòn thành con rạch nhỏ. Và con rạch này đã xuất hiện những con vọp rồi những bãi vọp, và có lẽ tên Rạch Vọp được xuất hiện từ đó. Sự hình thành của Nhà Thờ rạch Vọp cũng thật lạ.

   

Năm 1932, có ông cụ người Tiều là chủ nhân ngôi chùa Thiên Hậu Cung bên kia con rạch bị Tây bắt và được cha Keller cứu sống. Khi được tha về, ông đã quyết định tháo gỡ ngôi chùa bên kia con rạch đem về bên này (ngay chỗ nhà thờ hiện nay) dựng lại dùng làm nơi thờ phượng Thiên Chúa và tên Nhà Thờ Rạch Vọp được khai sinh từ đó. Rạch Vọp là một xứ nghèo, không nhiều giáo dân, nhưng qua những sinh hoạt của Cha Chánh xứ Gioan B. Trương Thành Công và bà con giáo dân, lương dân thì rạch Vọp quả thật là một giáo điểm tràn đầy sức sống.

Nhìn thấy sự vui tươi, hớn hở của mọi người tại đây, các sơ già dường như quên đi sự mệt mỏi của tuổi già sức yếu để đến với giáo dân, lương dân bằng tất cả con tim thân thiện và trìu mến. Sau khi thăm hỏi, dâng Thánh lễ và cùng giao lưu với giáo dân, lương dân tại đây, đoàn lên xe để trở về Hội Dòng. Chuyến đi Caritas- truyền giáo của các Dì Nhà hưu chỉ vỏn vẹn trong hai ngày, nhưng mang nhiều ý nghĩa và để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng người. Các Dì đã thông truyền niềm tin, tình yêu cho những người các Dì gặp gỡ. Có lẽ khi về lại với đời sống thường nhật của Nhà hưu, những thao thức, băn khoăn về việc thông truyền niềm tin sẽ càng mãnh liệt hơn nữa, Các Dì sẽ là hậu phương vững chắc, đắc lực của  cánh đồng truyền giáo qua các giờ kinh nguyện và những việc làm nhỏ bé âm thầm thường ngày. Tạ ơn Chúa vì muôn ngàn hồng ân Chúa vẫn đã, đang và sẽ luôn tuôn tràn trên Giáo Hội Việt Nam.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Đừng bao giờ nghĩ rằng các con không có gì để cho đi, hoặc nghĩ rằng không một ai cần các con. Nhiều người cần các con. Hãy nghĩ về điều đó! Mỗi người trong các con, hãy nghĩ trong tâm hồn mình: nhiều người cần tôi” (Gặp Gỡ Giới Trẻ, Đền Maipu, 17/01/2018). Ước mong trong Giáo Hội và Hội Dòng sẽ luôn đầy ắp những môn đệ truyền giáo, hằng tận hiến cách hăng say hơn nữa cho Chúa Giêsu và sứ mạng của Ngài.

Nt. Maria Bùi Thị Ngọc Yến

MTG. Thủ Đức