Thông điệp từ chiếc áo dòng đen

90

THÔNG ĐIỆP TỪ CHIẾC ÁO DÒNG ĐEN

Tôi là một trong gần 10.000 nữ tu bước theo linh đạo Mến Thánh Giá trên thế giới. Điều cuốn hút tôi theo con đường này rất đơn giản, chiếc áo dòng đen. Những năm đầu của thế kỷ XXI, cùng với độ tuổi TEEN, màu sắc trang phục là một trong những xu thế “hot”. Thế nên, giữa những gam màu sắc đa dạng, phong phú, tôi chợt đứng lại khi nhìn thấy những thiếu nữ khoác trên mình một màu đen tuyền, không phải họ để tang hay diễn văn nghệ, mà là thường phục của họ. Thiên Chúa cuốn hút tôi từ giây phút đó. Sau những ngày tháng tháp nhập bản thân vào sinh hoạt của Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, tôi cũng được khoác lên mình chiếc áo dòng đen ấy! Nó ẩn chứa ý nghĩa gì? Tôi muốn khám phá để hiểu sâu hơn về chiếc áo dòng tôi mặc hằng ngày, để trước sự thay đổi thị yếu thẩm mỹ của xã hội, trước những lời bán tán của con người hôm nay, tôi vững vàng và có khả năng làm nở hoa qua việc sống chứng tá điều Thiên Chúa và Hội dòng muốn truyền đạt qua tấm áo dòng.

Chiếc áo dòng đen tôi được lãnh nhận ngày tôi chính thức trở thành thành viên của Hội dòng là một bộ tu phục với: áo Blouse vải đen dài tới đầu gối, yếm đen xếp ly với vành cổ màu trắng, chiếc lúp vải đen ngang lưng với vành viền trắng không che tóc, quần vải đen ống rộng và thánh giá nhỏ cài trên cổ áo phía tay trái.

Một câu hỏi xuất hiện cả khi tôi nhìn thấy và khi tôi khoác lên mình chiếc áo dòng đen là: “Tại sao là vậy?”. Sự chín chắn hơn trong đời tu đã thúc giục tôi can đảm tìm hiểu và khám phá để lí giải cho thắc mắc của chính mình. Tôi gọi đây là một cuộc trở về nguồn. Bởi lẽ trong quá trình tìm hiểu, tôi không chỉ nhận ra giá trị lịch sử văn hóa trang phục người Việt ghi dấu ấn trên bộ tu phục, mà còn khám phá ra những ý nghĩa thiêng liêng của linh đạo Mến Thánh Giá được biểu lộ trên chiếc áo dòng đen ấy.

Về giá trị lịch sử văn hóa

Đầu tiên là chiếc khăn lúp. Vào thế kỉ thứ IV, trong Giáo hội xuất hiện nghi thức chúc lành cho chiếc voile của các trinh nữ. Đó là một loại voile rẻ tiền, màu đen, thường dành cho các bà góa. Hình ảnh chiếc khăn lúp còn gợi nhớ về hình ảnh người phụ nữ Việt, hay Á đông cuốn những chiếc khăn trên đầu với những hoa văn, kiểu dáng, màu sắc khác nhau tùy theo vùng miền, dân tộc. Có lẽ, các dịp lễ hội mùa xuân là thời điểm trăm hoa đua nở, khi cùng lúc xuất hiện những chiếc khăn, chiếc vấn, chiếc nón, chiếc mũ với những kiểu dáng, màu sắc, hoa văn, chất liệu khác nhau. Chúng thực sự rất đẹp! Cách riêng, những cái tên như: khăn mỏ quạ, khăn vấn hẳn rất quen với người Việt. Đó là những kiểu thắt khác nhau từ một miếng vải nâu, đen. Trong ký ức của tôi, hình ảnh người mẹ, người bà tẩn mẩn bện mớ tóc trong chiếc khăn đen, hay động tác nhẹ nhàng vắt lên đầu chiếc khăn rất rõ và đẹp. Vậy nên, khi tôi nhận chiếc lúp đen, tôi cảm nhận mình đang đội những chiếc khăn của bao thế hệ người phụ nữ trong lịch sử dân tộc Việt. Tôi nhận ra, đâu phải đi tu mới che tóc bằng khăn, mà từ xa xưa rồi, chị em phụ nữ đã biết dùng khăn để che nắng, để giữ tóc gọn khi làm việc, và còn để tô thêm sắc đẹp và bộc lộ nét văn hóa của dân tộc mình. Vậy nên, khi đội lên đầu chiếc lúp, trong tôi không chỉ được nhắc nhở về sự tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, nhưng còn gợi niềm tự hào về sự kế thừa nét văn hóa của những người chị em phụ nữ xưa.

Tiếp theo là chiếc yếm. Chiếc yếm là hình ảnh rất quen thuộc với người Việt. Chiếc yếm mặc bên trong của phụ nữ đã có từ thời Hùng Vương (2000 TCN – 200 SCN) và tiếp tục duy trì đến đầu thế kỷ XX trước sự hội nhập văn hóa phương Tây tràn vào vùng Đông Nam Á. Với văn hóa Đông phương, hẳn chiếc yếm đóng vai trò giữ sự tế nhị, kín đáo cơ thể cần thiết cho người phụ nữ. Ngoài ra, không thể phủ nhận sự duyên dáng mà chiếc yếm tôn cho người phụ nữ. Chiếc yếm trên bộ tu phục của tôi được xếp ly cách tỉ mỉ ôm trọn vòng cổ. Điều này không chỉ kế thừa công dụng của chiếc yếm là giữ sự kín đáo, nhưng còn thể hiện sự thanh lịch nữa. Cũng như chiếc khăn lúp, chiếc yếm trong bộ tu phục của tôi hiện nay có vẻ thời trang hơn, cách điệu hơn, nhưng nó vẫn được xuất phát từ cội nguồn là nét văn hóa áo yếm của người phụ nữ Việt.

Kế tiếp, phần váy được thay thế bằng quần, màu sắc thường là màu đen là sự thay đổi từ thời kỳ Tây Sơn (Thế kỉ II – thế kỷ XIX) để đáp ứng hoàn cảnh chiến đấu bảo vệ đất nước “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Sự thay thế này tiếp tục được duy trì để thuận tiện cho việc di chuyển và làm việc. Cuối thế kỷ XX, tuy trang phục bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi quá trình Âu hóa nhưng người phụ nữ nông thôn Bắc Bộ vẫn mặc áo cánh nâu, quần đen bằng vải lụa bóng, đầu vấn khăn vuông. Tại Sài Gòn, phụ nữ mặc quần đen khi đã lập gia đình, còn những chiếc quần trắng cho thấy các cô vẫn còn độc thân. Tôi được biết, dù các bà, các dì mặc váy theo tu phục dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa thì vẫn mặc chiếc quần dài bên trong. Chính biến cố 30 tháng 04 năm 1975, phía nhà nước không cho phép các tu sĩ mặc tu phục làm việc, nên chiếc quần đương nhiên trở thành tu phục mới! Theo thời gian, chiếc quần này mang nét quần áo dài, một trang phục truyền thống của người Việt được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể thế giới. Thực sự chiếc quần rất thuận tiện cho việc di chuyển và làm việc tông đồ trong môi trường và điều kiện Việt Nam.

Cuối cùng là chiếc áo blouse đen. Hẳn khi nhìn mọi người sẽ thấy ngờ ngợ giống với áo blouse trắng của các y bác sĩ! Thực tế, trong tiếng Anh, áo blouse nghĩa là áo cánh dành cho phụ nữ. Đây cũng chính là tên gọi khác của chiếc áo sơ mi nữ được biến tấu với dáng áo không ôm sát cơ thể, thêm vào đó là những chi tiết ren, đường xếp ly, tay phồng hay tay loe điệu đà, nữ tính được phổ biến như ngày nay. Thực ra, trước thế kỉ XX, hầu hết các y sĩ và nhà nghiên cứu khoa học đều mặc áo blouse đen, bởi chúng giúp mọi người dễ nhìn thấy bụi bẩn. Ngoài ra, giai đoạn này y học chỉ phát triển ở mức sơ đẳng, tỉ lệ tử vong cao, các bác sĩ đã thống nhất chọn màu đen để bày tỏ sự tôn trọng với bệnh nhân đã khuất. Đến năm 1915, hầu hết các bác sĩ mới chuyển sang mặc áo blouse trắng may dài ngang đầu gối, cổ bẻ danton với quần dài, đây là những quy nghiêm ngặt về trang phục trong ngành Y.

Tìm hiểu đến đây, tôi cảm nhận đây chính là nét canh tân, đổi mới của Hội dòng được thể hiện rõ nét trên bộ tu phục. Nó mang dáng dấp phong cách và nét đẹp Tây phương. Nhưng điều cuốn tôi là chiếc áo blouse đen đã từng là áo đồng phục của các y bác sĩ trong thời gian dài. Tôi tin, dù thay đổi màu sắc áo nhưng ý nghĩa không bị phai mờ. Nếu các y bác sĩ tận tâm cứu người ở khía cạnh thể lí, thì những nữ tu Mến Thánh Giá cũng là các bác sĩ cứu người trong lĩnh vực thiêng liêng. Màu trắng đem lại niềm tin, sự an toàn cho bệnh nhân, thì màu đen tuy có nét buồn, nhưng sâu sa thấy được sự quên mình, hủy mình vì phần rỗi tha nhân.

Tuy cách tân, nhưng có một đặc điểm vẫn níu giữ văn hóa Á đông, chính là chiếc áo dòng đen của tôi được đơm 5 nút thẳng hàng phía trước. Tại sao là 5 nút? Theo truyền thống xa xưa, dưới sự ảnh hưởng của Nho gia, trên chiếc áo mọi người từ học sinh đến người lớn, từ nam đến nữ, thường và đã từng quy định phải đơm 5 nút, vì đó là biểu tượng “ngũ luân” Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của một con người.

Đến đây, tôi nhớ đến điều khoản đầu tiên trong cuốn Hiến chương có ghi: Dòng Mến Thánh Giá là dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á đông (HC 1). Phải, tôi tự hào vì bản thân được sống, được phát huy nét văn hóa của dân tộc mình trong lòng Giáo Hội, dù Đấng Sáng lập dòng là vị cha khả kính người Pháp. Đối với tôi, chiếc áo dòng không chỉ dừng lại ở giá trị văn hóa lịch sử, nhưng còn đáp ứng đòi hỏi của Giáo hội “Y phục của các tu sĩ phải khó nghèo, giản dị, khiêm tốn và tề chỉnh. Hơn nữa phải phù hợp với sức khỏe, và thích nghi với hoàn cảnh thời gian, không gian, cũng như nhu cầu mục vụ” (x. PC 17).

Về giá trị Thiêng liêng

Theo truyền thống, tu phục của các tu sĩ là một yếu tố biểu lộ tư cách tu sĩ một cách công khai “Khi tu sĩ khoác lên mình một loại y phục đặc thù, cách nào đó họ đang nói với mọi người về lối sống đặc thù họ đang theo” (x.PC 17). Vì vậy, không ngạc nhiên khi mọi người xem tu phục như biểu tượng của đời sống thánh hiến. Thế nên chiếc áo dòng đen của tôi cũng in đậm đặc sủng và tinh thần Mến Thánh Giá.

Trước hết là cây thánh giá. Cây thánh giá là biểu tượng quen thuộc với hầu hất mọi kitô hữu. Đối với người tu sĩ, biểu tượng thánh giá còn ám chỉ mục đích của mọi tu sĩ là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh. Đối với người nữ tu Mến Thánh Giá, châm ngôn “Đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí” luôn được vang lên mỗi ngày. Trung thành với lời dạy của Đấng Sáng lập, chị em Mến Thánh Giá Thủ Đức luôn hướng lòng trí về Đức Kitô và cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người. Để giúp chị em ý thức liên lỉ châm ngôn của dòng, bộ tu phục có cài cây thánh giá nhỏ trên cổ áo phía bên trái, gần với trái tim. Điều ấy hàm ý, Đức Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh luôn ở trong trái tim mỗi người nữ tu Mến Thánh Giá Thủ Đức. Theo đó, chị em được gợi hứng và thêm nguồn sức mạnh để tiếp nối, bắt chước gương hủy mình của Ngài qua tinh thần trung gian mà Đấng Sáng lập mời chị em thông dự vào.

Thứ hai, trải qua bao lần thay đổi tu phục, các chị Mến Thánh Giá Thủ Đức vẫn chọn sắc màu đen và trắng. Neiman Marc từng viết: “Những người phụ nữ mặc áo đen là những người sống cuộc đời đầy màu sắc”. Đối với người nữ tu Mến Thánh Giá Thủ Đức, màu đen và trắng phần nào nói lên linh đạo Mến Thánh Giá.

Khi nhắc đến màu đen, con người thường có cảm giác không may mắn và huyền bí. Tự nhiên, con người né tránh đau khổ, mất mát, rủi ro và khó khăn. Thế nhưng cuộc sống đâu phải lúc nào cũng như ý con người muốn. Cách riêng, chân lý “vàng thử lửa, gian nan thử đức” mà cha ông ta đúc kết vẫn sáng soi cho bao thế hệ hôm nay: Không thành công nào có được mà con người không phải trả giá hay đánh đổi bằng điều gì đó. Người nữ tu Mến Thánh Giá Thủ Đức minh chứng “qua thập giá tới vinh quang”. Họ muốn nói cho mọi người biết, đừng sợ, đừng tránh, đừng tìm cách loại bỏ đau khổ, gian nan nhưng hãy xây dựng trong mình tinh thần, tâm tình đón nhận, chấp nhận tất cả như một món quà, như cơ hội minh chứng tình yêu cho nhau, với nhau. Chẳng phải đằng sau màu đen là một lực hấp dẫn và ẩn tàng sức mạnh sao, thì cũng vậy, cầu vồng sẽ xuất hiện sau cơn mưa, quan trọng ta có kiên nhẫn và hy vọng đi đến cuối hay không.

Màu đen nói lên sự tang thương, chết chóc. Đúng, đám tang nào mà không có màu đen! Nhưng có khi nào ta tự mình trải nghiệm: càng tô màu đen càng đen, càng đẹp và càng khó phai? Đây chính là tinh thần của người nữ tu Mến Thánh Giá Thủ Đức “hy sinh, khổ chế vì tình yêu”: bỏ mình, hiến mình, chết đi liên lỉ mỗi ngày đối với chính mình, các giác quan và lí trí người đời. Càng bỏ mình, càng quên mình thì tâm hồn ta càng đẹp vì được nên giống Chúa. Như Hiến chương nói: hy sinh làm triển nở tâm hồn, kỷ luật xậy dựng sự tự do thiêng liêng của con cái Thiên Chúa. Bởi có vẻ đẹp nào sánh bằng vẻ đẹp phát xuất từ nơi Thiên Chúa? Khi bị vu oan hay hiểu làm, hay gặp khó khăn, đau khổ, tự nhiên ta sẽ than phiền, chán nản. Thế nhưng, đó lại là cơ hội Thiên Chúa muốn thấy con người thực hành đức tính hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu. Điều ấy cũng là đích đến mà người nữ tu Mến Thánh Giá Thủ Đức muốn theo đuổi để họa lại hình ảnh Đấng họ yêu là Chúa Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh.

Thoạt nhìn bộ tu phục người nữ tu Mến Thánh Giá Thủ Đức, mọi người chỉ thấy toàn màu đen. Thế nhưng, để ý sẽ thấy giữa một màu đen tinh tuyền của chiếc áo dòng, có một chiếc vành cổ yếm màu trắng, và chút viền trắng nho nhỏ của chiếc khăn lúp bắt ngang hai bên tai. Tuy rất nhỏ, nhưng nó lại làm nổi bật lên vẻ đẹp thiêng liêng của toàn bộ chiếc áo dòng.

Màu trắng tượng trưng cho sự toàn vẹn, hoàn mỹ. Ánh sáng trắng là sự kết hợp của nhiều ánh sáng màu lại với nhau tạo nên một màu trắng trong trẻo và tinh khôi. Nó đại diện cho sự thuần khiết, xóa tan đi mọi cái xấu xa, phơi bày những sự thật, bí mật. Nó cũng là màu sắc của sự bao dung, tha thứ và thấu hiểu. Màu trắng cũng khơi dậy, thức tỉnh mọi sự vật, khiến con người đối mặt với sự thật với cái tốt. Giúp họ cải thiện bản thân, gột rửa nội tâm cho sự bắt đầu mới.

Vầng trắng trên vành chiếc khăn lúp đã được ví von như ánh trăng khuyết. Trăng khuyết chứ không phải ánh trăng tròn trịa ngày rằm hằng tháng. Nó như muốn nói, dù trong thân xác yếu đuối, giới hạn, bất toàn, chân đạp đất nhưng tâm trí của các nữ tu luôn hướng về trời cao. Cũng không quá đà khi nghĩ tưởng đó chính là vầng hào quang thánh thiện mà linh đạo, đặc sủng Mến Thánh Giá tạo cho những con người trung thành tuân giữ, thực hành lối sống ấy. Đó cũng là niềm hy vọng mạnh mẽ cho hết mọi con người khi sống, hiện diện giữa dòng đời. Vầng trắng bao quanh não bộ từ trái qua phải, cũng bao phủ hết vùng não hoạt động khi con người suy nghĩ. Điều ấy cũng muốn nói, ánh sáng Chúa sẽ thánh hóa những suy nghĩ của họ để những gì họ nói, làm, ứng xử đều mang hình ảnh Chúa Kitô. Từ đó, những thái độ và hành động của họ cũng mang sự tích cực, họa ảnh đầy đủ về một Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn, yêu thương hết mọi người.

Còn vòng trắng ở cổ của chiếc yếm, không chỉ giữ sự kín đáo cho người nữ tu, nhưng còn hàm ẩn những ý nghĩa khác. Chẳng phải cổ là nơi có dây thanh quản và khí quản sao? Điều ấy muốn nói, lời nói phát ra, thức ăn đưa vào, không khí trao đổi đều được thánh hóa bởi tinh thần thánh. Vầng trắng ngay cổ như lời nhắc nhở chị em hãy để ánh sáng tinh tuyền của Chúa thánh hóa những lời chị em muốn nói, những của ăn chị em nạp vào. Bất cứ vật gì được thánh hóa thì đều nên tốt cho bản thân và mọi người.

Khuôn mặt của các nữ tu được bao trên bởi vầng nguyệt và bao dưới bởi chiếc cổ yếm khiến khuôn mặt nên rạng ngời, sáng láng trên nền màu áo đen. Thế nên, nếu một con người có suy nghĩ và lời nói thống nhất, một người có suy nghĩ và lời nói được chi phối bởi sự thánh thiện, tuyệt hảo thì chắc hẳn họ có con tim và hành động giúp ích thật nhiều cho đời, cho mọi người. Đó là mục tiêu sống của người nữ tu Mến Thánh Giá Thủ Đức. Trong quá trình huấn luyện, họ hướng đến mục tiêu trở thành người nữ tu mang trái tim thương cảm, nhạy bén với nhu cầu của tha nhân, thao thức hạnh phúc và sự phát triển toàn diện cho mọi đối tượng họ phục vụ. Họ chính là những cánh tay nối dài để gửi gắm tình yêu thương của Thiên Chúa đến cho nhân loại.

Màu trắng còn nói lên sự khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục trên nền bản tính tự nhiên của con người tự nhiên. Nó tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô đang phản chiếu trên những nữ tu và chính họ đang lan tỏa ánh sáng thiêng thánh ấy cho những người họ gặp gỡ và phục vụ. Thực vậy, giữa những đen tối của cuộc đời, sự hiện diện của người môn đệ như phản chiếu ánh sáng của chân lý. Chi tiết ấy nói lên niềm hy vọng nơi các nữ tu Mến Thánh Giá Thủ Đức như lời của một bài hát: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Tôi thật vui sướng khi khám phá ra những điều này nơi chiếc áo dòng đen tôi được mặc. Chính chiếc áo dòng đã hàm chứa những nét căn cốt giúp tôi trở thành người nữ tu Mến Thánh Giá như Đấng Sáng lập và Giáo hội mời gọi. Luật dòng có thể tôi không mở ra hằng ngày, nhưng nhờ chiếc áo dòng, tôi được nhắc nhở mỗi ngày về căn tính người nữ tu Mến Thánh Giá phải có, điều này khiến tôi ý thức hơn về việc tự huấn luyện bản thân. Tôi thầm cảm tạ Chúa đã gửi đến bên tôi một người bạn, người đồng hành âm thầm, lặng lẽ mỗi ngày giúp tôi sống tốt hơn mỗi ngày.

Áo dòng không làm nên thầy tu” vì tu trì là một ơn gọi nhưng không đến từ Thiên Chúa và tự bản chất người tu sĩ là tu sĩ qua đời sống khấn dòng và việc thực hành các lời khuyên phúc âm khiết tịnh – nghèo khó – vâng phục, chứ không phải qua việc khoác lên mình chiếc áo dòng. Tuy nhiên, Giáo hội khẳng định “mặc tu phục không chỉ công khai tỏ mình là tu sĩ, nhưng còn mang điều hữu ích cho mình và cho cộng đoàn kitô hữu, chứ không phải là một bổn phận đơn thuần” (x.PC 17).

Gẫm lại những gì đã nói, tôi cảm thấy hân hoan và phấn khởi mỗi khi tôi khoác lên mình chiếc áo dòng đen. Bởi lẽ, nơi đó không chỉ ẩn chứa những nét đẹp văn hóa dân tộc Việt, mà còn nhắc nhở tôi sống tinh thần Mến Thánh Giá “hy sinh – khổ chế vì tình yêu”, nẻo đường Ngôi Hai Thiên Chúa dùng để cứu độ nhân loại. Tôi tự hào và trân quý biết bao, ôi chiếc dòng đen!

Rosa Nguyễn Thị Luyên
HD MTG Thủ Đức