Thông điệp ‘Laudato Si’ về Môi trường: Những nét đặc trưng

190
laudatoSi_papa_fcoWGPSG — Vào ngày 17-6-2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu và tất cả những người có thiện chí hãy đón nhận thông điệp mới của ngài về việc chăm sóc các thụ tạo với trái tim rộng mở.

Nói chuyện với các khách hành hương và khách du lịch trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào hôm trước ngày phát hành thông điệp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố: “Như anh chị em đã biết, vào ngày mai, thông điệp về việc chăm sóc ‘ngôi nhà chung’ – tức là các thụ tạo – sẽ được phổ biến. “

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói tiếp: ” ‘Ngôi nhà chung’ của chúng ta đang đổ nát, và gây tổn thương đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất trong chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng kết luận: “Do đó, tôi kêu gọi mọi người hãy có tinh thần trách nhiệm, dựa trên nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã trao cho loài người khi tạo dựng vũ trụ, đó là: ‘cầy cấy và gìn giữ khu vườn’  mà loài người được đặt vào (x. St 2:15). Tôi mời gọi tất cả mọi người đón nhận tài liệu này với trái tim rộng mở, một tài liệu nằm trong hệ thống học thuyết xã hội của Giáo Hội.”

Ngày hôm sau, thứ Năm 18-6-2015, Thông điệp Laudato Si (ký ngày 24-5-2015) đã được ban hành, và theo Linh mục James Martin, S.J., văn kiện này có những đặc điểm sau:

1) Tóm lược có hệ thống về cuộc khủng hoảng môi trường theo quan điểm tôn giáo: Với cách tiếp cận có hệ thống về phương diện tâm linh, thông điệp này mang tính đột phá nhằm mở rộng cuộc bàn luận bằng cách mời các tín hữu tham gia đối thoại và cung cấp những hiểu biết mới mẻ cho những người đã tham gia cuộc đối thoại.

2) Nhấn mạnh đến người nghèo là thành phần bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu: Những người giàu có quyền lực đã đưa ra những quyết định không quan tâm đến người nghèo, bản thân người nghèo lại có rất ít nguồn lực tài chính để thích ứng với việc biến đổi khí hậu…

3) Đề nghị một sự tăng trưởng mang tính “điều độ” và mời gọi mọi người biết sống hạnh phúc với “điều ít ỏi”: Phải định nghĩa lại khái niệm về sự tiến bộ, phải xét xem những phát triển công nghệ và khoa học có thể gây ra tác động tiêu cực nào cho con người, và phải chấp nhận “giảm phát triển ở một số nơi trên thế giới, để những nơi khác được phát triển lành mạnh”.

4) Giáo huấn xã hội Công giáo phải bao gồm cả giáo huấn về môi trường.

5) Theo sách Sáng Thế, con người được kêu gọi “cầy bừa và gìn giữ” trái đất; nhưng chúng ta đã “cầy bừa” quá nhiều và không “gìn giữ” cho đủ: Hãy noi gương Đức Giêsu Kitô, Thánh Phanxicô Assisi… trong thái độ chăm sóc thiên nhiên và môi trường.

6) Nối kết con người với thiên nhiên: Chúng ta là một phần của thiên nhiên, ở trong thiên nhiên, thường xuyên tương tác với thiên nhiên”; những quyết định về sản xuất và tiêu thụ có tác động mạnh đối với thiên nhiên; việc chạy theo tiền bạc và gạt sang một bên lợi ích của những người sống bên lề xã hội sẽ dẫn đến sự huỷ hoại hành tinh này.

7) Nghiên cứu khoa học về môi trường cần phải được đề cao và áp dụng.

8) Thói dửng dưng và ích kỷ lan rộng làm cho vấn đề môi trường thêm trầm trọng: Chúng ta không thể chăm sóc thiên nhiên “nếu cõi lòng chúng ta thiếu sự nhân hậu, lòng thương xót và quan tâm đến đồng loại của chúng ta”.

9) Cần thiết phải có sự đối thoại và đoàn kết trên quy mô toàn cầu về vấn đề bảo vệ môi trường.

10) Phải thay đổi tâm hồn: Hãy có cái nhìn mới về sự vật; hãy thực hiện “cách mạng văn hoá triệt để” vì chúng ta đang làm cho trái đất trở nên “một bãi rác khổng lồ”; hãy thức tỉnh tâm hồn minh và hướng tới một “hoán cải về sinh thái”; hãy lắng nghe “tiếng kêu cứu của trái đất và tiếng khóc than của người nghèo”.

Linh Hữu tổng hợp (Theo News.vaTạp chí America