Thông điệp Laudato si’ đã thay đổi một bộ lạc ở Kenya

16

Giữa hạn hán và nạn đói ở châu Phi, Samuel Lekato, một thanh niên của bộ lạc Masai ở Kenya đã làm cho cộng đồng Endua Emaa của anh được thay đổi nhờ áp dụng giáo huấn thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Cụ thể cộng đồng đã thoát khỏi nghèo đói do biến đổi khí hậu, và giáo dục được thúc đẩy, nhờ đó chất lượng cuộc sống được nâng cao.

Bộ lạc Masai hoàn toàn là dân du mục, sống lang thang thành từng nhóm, thức ăn chủ yếu đến từ đàn gia súc. Từ bộ lạc này, đã nảy sinh cộng đồng Endua Emaa do Samuel Lekato thành lập vào năm 2021, vào thời điểm hạn hán và nghèo đói đang hoành hành, gia súc chết, nhiều trẻ em phải bỏ học. Samuel đã tập hợp những người trẻ, để cùng tạo ra sự thay đổi cho cộng đồng.

Samuel đã thuyết phục cộng đồng cùng cộng tác với anh để cải thiện chất lượng cuộc sống. Ngày nay, người ta chứng kiến cộng đồng Endua Emaa đã giảm được tình trạng suy dinh dưỡng và nghèo đói. Nhờ phát triển nông nghiệp bền vững và vườn cây ăn trái dân làng có rau và trái cây đầy đủ, không phải đợi trong 3 ngày đi chợ cách đó 30 km và, tránh được cái nóng ngột ngạt và nguy cơ bị thú dữ tấn công.

Tốt nghiệp ngành Kinh tế và Thống kê tại Đại học Mount Kenya ở châu Phi. Samuel dẫn dắt sự thay đổi trong cộng đồng với tầm nhìn kinh tế dựa trên Tin Mừng. Nhờ thành công này, anh đã đại diện bộ lạc Masai tham dự sự kiện quốc tế về Kinh tế Phanxicô, một dự án do Đức Thánh Cha Phanxicô quảng bá cho các nhà kinh tế trẻ trên toàn thế giới tại Assisi, Ý vào năm 2022.

Mục tiêu của sự thay đổi là tôn trọng người khác và thụ tạo thông qua giáo dục trẻ em, đào tạo phụ nữ bằng cách tích cực đưa họ tham gia vào đời sống kinh tế của cộng đồng và bảo vệ môi trường nói chung. Samuel biến kinh tế của bộ tộc trở nên đa dạng và toàn diện hơn, nơi mọi người, bất kể tuổi tác hay giới tính, đều tham gia bảo vệ ngôi nhà chung.

Anh giải thích: “Biến đổi khí hậu vẫn là một thách đố và khủng hoảng lớn trên toàn thế giới. Vì vậy, mong muốn khiêm tốn của tôi là chúng ta hãy cùng nhau tạo ra một môi trường xanh và làm đại sứ cho những vùng đất tươi đẹp của chúng ta. Hồng ân Chúa ban cho con người để kiểm soát. Trồng một cây là cứu tương lai”.

Theo anh, bạo lực có trong trái tim con người, bị tổn thương bởi tội lỗi, cũng được thể hiện trong các triệu chứng bệnh tật mà chúng ta nhận thấy trong đất, trong nước, trong không khí và trong các thụ tạo. Vì lý do này, trong số những người nghèo bị bỏ rơi và bị ngược đãi, thì người dân ở những vùng đất bị áp bức và tàn phá phải chịu cảnh khốn cùng nhất.

Cộng đồng Endua Emaa đã làm cho lời dạy của Đức Thánh Cha thành những hành động cụ thể. Ngài đã khuyên mỗi người trẻ từ thực tế xã hội và nơi xuất thân của họ, học hỏi Laudato si’ theo tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi.

Người trẻ sáng lập cộng đồng cho biết thêm, hiện nay, cộng đồng đang tập trung vào một số lĩnh vực. Trước hết về giáo dục với mục tiêu đưa trẻ trở lại trường học để các em lấy lại nụ cười trẻ thơ. Samuel tin rằng giáo dục cơ bản cho tất cả mọi người là con đường tiến về phía trước. Giáo dục cơ bản là vũ khí chống lại hành vi sai trái và nghèo đói, và là tác nhân cho sự phát triển bền vững. Thực hiện được điều này thật không dễ, vì dân làng quen sống đời du mục, các trẻ em phải theo cha mẹ di chuyển, việc học của các em bị ngưng lại. Vì vậy Samuel đã phải tìm nguồn hỗ trợ tài chính để các em có thể ở lại trường trong suốt các học kỳ.

Lĩnh vực thứ hai được quan tâm là nâng cao đời sống nữ giới. Tình trạng tảo hôn, bỏ học sớm của các thiếu nữ là mối bận tâm của cộng đồng. Vì thế, Samuel đã tổ chức các buổi nói chuyện để nâng cao nhận thức cho mọi người về việc nâng cao phẩm giá phụ nữ. Cộng đồng đã tạo một số quỹ nhỏ cho phụ nữ vay để làm vốn kinh doanh nhỏ. Phụ nữ được học hỏi về cách làm kinh tế, quản lý tài chính và phát triển bền vững. Samuel tin rằng doanh nghiệp do phụ nữ điều hành sẽ giúp cộng đồng chống lại đói nghèo và điều này giúp trao quyền cho phụ nữ.

Lĩnh vực cuối cùng là chuyển kinh tế du mục sang kinh tế hỗn hợp. Cộng đồng sử dụng phương pháp có sự tham gia và phân tích tác động của hạn hán đối với kinh tế du mục, nhằm xác định các biện pháp phục hồi sinh thái ngắn hạn và dài hạn. Cộng đồng đang thúc đẩy một nền kinh tế đa dạng. Hiện nay, cộng đồng đã có một vườn rau. Không như trước đây phải đợi 3 ngày đi chợ cách đó 30 km. Ngoài ra dân làng đang tiến hành thực hiện kế hoạch trồng 10.000 cây có giá trị kinh tế và các loại cây ăn quả.

Theo Ngọc Yến – Vatican News (12/7/2023)