Thông điệp chung của các nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga và Công giáo Ba Lan
Việc ký kết Thông điệp hòa giải mang tên “Thông điệp gửi nước Ba Lan và nước Nga” là thời điểm quan trọng của chuyến viếng thăm của một thượng phụ Chính thống Nga đến nước Ba lan hiện đại lần đầu tiên.
Thông điệp –mang chữ ký của Đức Thượng phụ Kirill của Matxcơva và Đức Tổng giám mục Jozef Michalik Przemysl, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan– viết: “Chúng tôi bước vào một con đường đối thoại trung thực với hy vọng rằng nó sẽ chữa lành những vết thương của quá khứ, tạo điều kiện thuận lợi để vượt qua những định kiến và hiểu lầm lẫn nhau và giúp chúng tôi vững bước theo đuổi công cuộc hòa giải”.
Buổi lễ ký kết đã được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình Ba Lan.
Các viên chức Chính thống Nga và Công giáo Ba Lan đã chuẩn bị bản văn này trong hơn hai năm trong một nỗ lực vượt qua mối hận thù lịch sử giữa hai quốc gia và những căng thẳng kéo dài giữa các tín hữu của Giáo hội Chính thống Nga và Giáo hội Công giáo Ba Lan.
Một lịch sử tranh chấp lãnh thổ lâu dài đã trở nên phức tạp hơn trong Thế chiến II khi Ba Lan bị cả Đức và Nga xâm lược. Sau chiến tranh, Ba Lan bị đặt dưới ảnh hưởng của Liên Xô. Dưới chế độ cộng sản, các Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo phải chịu áp lực của chính phủ, với thiểu số người Chính thống ở Ba Lan và thiểu số người Công giáo ở Nga bị đối xử rất khắc nghiệt.
Thông điệp hoà giải nói: “Tội lỗi, vốn là nguồn gốc chính của mọi chia rẽ và sự yếu đuối của con người, của tính ích kỷ cá nhân và tập thể, cũng như của áp lực chính trị, đã dẫn đến sự tha hóa lẫn nhau, sự thù địch công khai và cả tranh chấp giữa hai quốc gia chúng ta”.
“Những trường hợp tương tự đã sớm làm mất đi sự hiệp nhất Kitô giáo ban đầu. Sự chia rẽ và ly giáo, vốn xa lạ với ý Chúa Kitô muốn, là một gương xấu lớn; vì thế chúng ta phải nỗ lực gấp đôi để Giáo hội và quốc gia của chúng ta đến gần nhau hơn và để trở nên những nhân chứng khả tín hơn đối với Tin Mừng trong thế giới hiện nay”.
Đức Thượng phụ Kirill và Đức Tổng giám mục Michalik cho biết, với sự tự do tôn giáo và chính trị có được khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ hồi đầu những năm 1990, các Giáo hội tiến bước trên con đường đổi mới, nhưng vẫn phải đối mặt với những ảnh hưởng của nhiều thập kỷ của chủ nghĩa vô thần chính thức và chủ nghĩa thế tục phát triển của xã hội hiện đại.
Hai nhà lãnh đạo cho biết, Thiên Chúa giáo “đã tác động sâu sắc” đến bản sắc, tâm linh và văn hóa của các dân tộc chúng ta và của cả châu Âu”, và gìn giữ đức tin Kitô giáo là điều cần thiết cho tương lai của các quốc gia.
Thông điệp viết: Các Giáo hội và các tín hữu phải “nỗ lực làm cho đời sống xã hội và văn hóa của các quốc gia của chúng ta không mất đi các giá trị đạo đức chính yếu, là nền tảng của một tương lai hòa bình vững chắc”.
Vị Thượng phụ và Tổng giám mục cũng quan tâm đặc biệt đến xu hướng đòi cho phá thai, an tử và quan hệ đồng tính, cũng như những vận động loại bỏ biểu tượng tôn giáo tại các nơi công cộng.
Thông điệp nêu rõ: Nhân danh tương lai quốc gia chúng ta, chúng ta kêu gọi tôn trọng và bảo vệ cuộc sống của mỗi con người từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Chúng ta tin rằng không chỉ chủ nghĩa khủng bố và xung đột vũ trang, mà cả phá thai và an tử cũng là trọng tội đối với sự sống và là điều ô nhục cho nền văn minh đương đại”.
Đức Thượng Phụ Kirill và Đức Tổng giám mục Michalik nói rằng các ngài thừa nhận quyền tự trị của Giáo Hội và nhà nước, đồng thời các ngài cũng khuyến khích hai bên hợp tác để bảo vệ gia đình, thúc đẩy giáo dục và trợ giúp người nghèo.
Gia đình, dựa trên mối quan hệ bền vững giữa một người nam và người nữ, “là một nền tảng lành mạnh của mọi xã hội. Là một định chế được Chúa thiết lập, gia đình bảo đảm sự tôn trọng và bảo vệ vì nó là cái nôi của sự sống, một nơi phát triển lành mạnh, một bảo đảm cho sự ổn định của xã hội, và là một dấu hiệu hy vọng cho xã hội”.
(CNS, 17-08-2012)