Thông điệp cho người trẻ: Đừng bước đi như khách du lịch nhưng như những người hành hương

34
Ngày 17/9/2024 vừa qua, Tòa thánh đã công bố sứ điệp dành cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 39 của Đức Giáo hoàng Phanxicô, sẽ được cử hành, theo cấp giáo phận, vào ngày 24 tháng 11, Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ trụ.
Sứ điệp của Đức Giáo hoàng tập trung vào câu Kinh thánh trích từ Isaia: “Những người cậy trông Thiên Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân” (Is 40, 31). Câu Kinh thánh đầy an ủi dành cho thời điểm “được đánh dấu bởi những tình huống bi thảm tạo ra sự tuyệt vọng và ngăn cản chúng ta nhìn về tương lai với sự thanh thản: thảm kịch chiến tranh, bất công xã hội, bất bình đẳng, đói nghèo và bóc lột con người và thụ tạo”.
Về vấn đề này, Đức Giáo hoàng bắt đầu thông điệp của mình bằng cách nhắc lại rằng “những người trả giá cao nhất lại là những người trẻ, những người cảm thấy sự không chắc chắn của tương lai và không biết chắc ước mơ của mình sẽ đi đến đâu. Bằng cách này, các con có thể bị cám dỗ sống mà không có hy vọng, như những tù nhân của sự buồn chán, và thậm chí bị lôi kéo vào những hành vi mạo hiểm và phá hoại”.
Với quan điểm trên, Đức Giáo hoàng muốn gửi đến cho các bạn trẻ một thông điệp hy vọng và mời gọi các bạn trẻ hãy lên đường với niềm vui. Ngài giải thích cho các bạn trẻ biết cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành hương, bởi vậy, khi việc tìm kiếm hành phúc cho mình bị thu hẹp thành khía cạnh vật chất thì “sau một khoảnh khắc hài lòng ban đầu, sẽ vẫn khiến chúng ta đói, khao khát một cái gì đó lớn hơn. Những điều này không thể làm linh hồn chúng ta mãn nguyện hoàn toàn”.
Do đó, sự mệt mỏi có thể đến sau khi bắt đầu một hành trình với sự nhiệt tình. Ở đây, Đức Giáo hoàng tập trung vào cảm giác mà nhiều người trẻ ngày nay thường chia sẻ: “Sự lo lắng và mệt mỏi bên trong do áp lực xã hội, nhu cầu đạt được mức độ thành công nhất định trong nghiên cứu, công việc và cuộc sống cá nhân của chúng ta […] trong khi chúng ta sống chạy hết hơi cho một hoạt động trống rỗng khiến chúng ta lấp đầy ngày sống bằng hàng ngàn thứ, và mặc dù vậy, chúng ta có cảm tưởng rằng mình không bao giờ làm đủ và không bao giờ đạt được”. Đức Giáo hoàng cảnh báo về mối nguy hiểm của sự nhàm chán làm tê liệt chúng ta và ngăn cản chúng ta tiến về phía trước, không muốn làm bất cứ điều gì và sống cuộc sống “nhìn và phán xét thế giới đằng sau màn hình”.
Đức Giáo hoàng muốn khuyến khích những người trẻ bước đi với hy vọng, đó là một món quà từ chính Thiên Chúa, “Hy vọng vượt qua mọi mệt mỏi, mọi khủng hoảng và mọi lo lắng. Hy vọng cho chúng ta một động lực mạnh mẽ để tiến bước”. Ngài cũng thúc giục các bạn trẻ đặt ra cho mình một mục tiêu, bởi vì, “nếu có một mục tiêu đẹp, nếu cuộc sống không hướng về hư vô, thì những nỗ lực tiếp tục bước đi, vượt qua những trở ngại và mệt mỏi, là đáng giá bởi vì phần thưởng cuối cùng thật tuyệt vời!”.
Lấy hình ảnh cuộc hành trình trong sa mạc của dân Israel, Đức Giáo hoàng cũng cho thấy những thách đố, mệt mỏi và khủng hoảng xảy ra trên hành trình cuộc sống của tất cả mọi người: “Ngay cả những người đã lãnh nhận hồng ân đức tin, có những lúc hạnh phúc khi cảm nhận được sự hiện diện và gần gũi của Thiên Chúa, nhưng cũng có những khoảnh khắc trải nghiệm sa mạc. Có thể xảy ra là sự nhiệt tình ban đầu của chúng ta trong việc học hoặc công việc, hay theo Chúa Kitô – cho dù trong hôn nhân, đời sống linh mục hay thánh hiến – được theo sau bởi những lúc khủng hoảng, khiến cuộc sống dường như là một chuyến đi khó khăn trong sa mạc”.
Trong thời điểm khó khăn này, Thiên Chúa vẫn gần gũi và nuôi dưỡng cách đặc biệt qua Bí tích Thánh Thể, một món quà mà Đức Giáo hoàng mời gọi những người trẻ khám phá lại, theo gương của Chân phước Carlo Acutis, tìm thấy nơi Chúa Kitô trong Bí tích Thánh thể sự nghỉ ngơi của tâm hồn. “Khi sự mệt mỏi của hành trình đè nặng các con, hãy trở về với Chúa Giêsu, học cách nghỉ ngơi trong Người và ở với Người, vì “những ai trông cậy vào Chúa… bước đi không mệt mỏi” (Is 40, 31)”.
Cuối cùng, Đức Phanxicô tập trung vào Năm Thánh sắp tới 2025, trong đó hình ảnh những người hành hương sẽ xuất hiện trên các nẻo đường của thành phố Rôma. Từ đây, Đức Giáo hoàng phân biệt thái độ của người hành hương với thái độ của khách du lịch: “Đừng giống như những người ngắm cảnh hời hợt, không nắm bắt vẻ đẹp xung quanh các con, không khám phá ý nghĩa của những con đường đi qua, chỉ quan tâm đến một vài khoảnh khắc thoáng qua để chụp ảnh tự sướng. Khách du lịch làm điều này. Trái lại, những người hành hương đắm mình hoàn toàn vào những nơi họ gặp gỡ, những nơi làm họ lên tiếng, và biến họ thành một phần trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc. Hành hương Năm Thánh có ý nghĩa là dấu chỉ bên ngoài của một hành trình hướng nội mà tất cả chúng ta được mời gọi thực hiện hướng tới đích đến cuối cùng của chúng ta”.
Đức Thánh Cha đề xuất ba thái độ cơ bản để chuẩn bị cho Năm Thánh: “Tạ ơn, với trái tim rộng mở để ngợi khen Thiên Chúa vì nhiều hồng ân của Người, đặc biệt là hồng ân sự sống. Sau đó, một tinh thần tìm kiếm, như một biểu hiện của cơn khát không thể dập tắt của trái tim chúng ta để gặp gỡ Chúa. Và cuối cùng, sám hối, giúp chúng ta nhìn vào bên trong, nhìn nhận những con đường và những lựa chọn sai lầm mà đôi khi chúng ta đã thực hiện và, bằng cách này, để được hoán cải về với Chúa và ánh sáng Tin Mừng của Người”.
Cùng với điều này, ngài nhấn mạnh con đường hòa giải với Thiên Chúa và sự tha thứ, vốn là đặc điểm của những năm Đại xá, mời gọi chúng ta “trải nghiệm cái ôm đầy lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta, để cảm nghiệm sự tha thứ của Người và sự tha thứ cho tất cả “những món nợ nội tâm” của chúng ta, như trong truyền thống Kinh Thánh của Năm Thánh. Bằng cách này, được Thiên Chúa đón nhận và tái sinh trong Người, các con cũng có thể mở rộng vòng tay để ôm lấy nhiều bạn bè, những người cần cảm nhận tình yêu Chúa Cha qua sự chào đón của các con”.
G. Võ Tá Hoàng
Bài viết dùng bản dịch của Vatican News