Thế nhưng, một số người Việt mình cũng có một số thói hư tật xấu (nhược điểm) cần được khắc phục như : thích khoe khoang, nói khoác, hung hăng, mê cờ bạc, thích nhậu nhẹt, không tôn trọng thời gian (giờ cao su), làm việc cẩu thả thiếu tinh thần nhận trách nhiệm, mang mặc cảm tự ti, chỉ thích được người khác khen, không chịu khó lắng nghe người khác phê bình về mình, ít có nhu cầu phản tỉnh, thường quanh co bịa ra lý do để chống lại những lời phê bình về mình, vội vàng công kích người nói nghịch ý của mình, hay nghi kỵ lẫn nhau, lười suy nghĩ nên tầm nhìn ngắn hạn, chỉ biết trước mắt, ích kỷ, chỉ nghĩ đến những lợi ích nhỏ của cá nhân mà không nghĩ đến cái lợi lớn của chung,…
Ở đâu cũng có người tốt và kẻ xấu, ngay cả ở những nước giàu có văn minh cũng có 1 số người có những thói hư tật xấu như đã kể trên. Tuy nhiên, con số đó rất ít so với tổng dân số. vấn đề quan trọng ờ đây là người Việt Nam mình, nhất là những người có quyền hạn và trách nhiệm, có chịu lắng nghe lời phê bình về mình để chỉnh sửa sao cho chất lượng cuộc sống được tốt hơn hay không?.
Một số nhà truyền giáo đầu tiên tiếp xúc với xã hội Việt Nam như Cristoforo Borri (1583-1632) đã nhận xét người Việt mình có 2 khuyết điểm là: Nóng tính và hay xin những thứ mình thấy đẹp mặc dù người có không muốn cho. Alexandre de Rhodes (1591-1660) nhận xét: “Đặc điểm xấu chung phổ biến của người Việt là thói mê tín dị đoan, ưa tin vào phép thuật của các thầy phù thủy”. Một thương gia người Pháp Jean-Baptiste Tavernier ghi lại trong tập du ký của mình về người Việt Nam mình như sau: ”Những mê tín của dân tộc này nhiều lắm, có thể viết thành một cuốn sách”.
Năm 1860, khi người Pháp đến nước ta, nhiều tài liệu khác ghi chép về Việt Nam được phổ biến, đa số nhận xét rằng người Việt mình có 3 thói xấu thường thấy là : mê tín dị đoan, nát rượu và cờ bạc.
Nhà văn Jean Hougron cho rằng người Việt “nhu nhược không có cá tính, biển lận, thích tố giác”.
Ông Palazzoli cho rằng người Việt “nửa kín nửa hở, dè dặt dò xét…,một thiên hướng đa nghi, mưu mẹo, một thói quen lúc nào cũng thích chống đối, rồi lại nhanh chóng buông trôi chấp nhận”.
Năm 1911, trong bài viết về người An Nam trong bách khoa toàn thư của Encyclopaedia Britania có viết:
“ Mặc dù thích nhàn hạ nhưng người An Nam chăm chỉ hơn những dân tộc láng giềng….Họ tỏ ra kính trọng bề trên và cha mẹ, nhưng họ không chân thật và không có cảm xúc mạnh. Họ yêu quê hương, xóm làng, và không thể xa nhà lâu. Những thói hư của họ gồm có cờ bạc, hút thuốc phiện, một chút kiêu căng và giả dối. Nhìn chung thì hòa nhã, dễ chịu, và thậm chí là thờ ơ, nhưng đáng nói là họ có thể học rất dễ dàng. ”
Viện nghiên cứu xã hội học Hoa Kỳ (?) có những nhận định về người Việt mình như sau :
-Cần cù lao động nhưng dễ thỏa mãn.
-Thông minh, sáng tạo nhưng chỉ có tính đối phó, thiếu tư duy dài hạn, chủ động.
-Khéo léo nhưng ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm (khác với người Nhật ?)
-Phần lớn ham học vì gia đình, sĩ diện, kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí đam mê.
-Tiết kiệm nhưng nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu như sĩ diện, khoe khoang.
-Có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong những hoàn cảnh khó khăn, nhưng thiếu đoàn kết khi giàu có.
-Yêu hòa bình nhưng lại hiếu thắng vì những lý do tự ái, để tiểu cục làm mất đại cục.
-Thích tụ tập nhưng thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).
Một doanh nhân Nhật than phiền :”công nhân Việt thản nhiên dẫm lên hoặc đá văng đi mất một cái vít đánh rơi (trị giá 40.000đ) vì không phải của các anh, nhưng các anh sẳn sàng nhặt điếu thuốc lá (trị giá 1.000đ) đang hút dở rơi xuống đất lên và hút tiếp cho dù nó bị bẩn chỉ vì nó là của anh”.
Anh Kumi Y.sống ở Việt Nam nhiều năm, là một người Nhật thuộc thế hệ mới, nhận xét : “Ở Việt Nam . tôi thấy nhiều người về nhà sớm hơn giờ cơ quan đóng cửa, nhất là ở các công sở.Công nhân thường đi làm trễ, nghỉ trưa quá dài.”
Chị TJ Vargas đã sống ở TP HCM được gần 5 năm, chị đã chia sẽ quan sát của mình về phong cách sống của người Việt : “Người Việt Nam thường ngủ vào buổi trưa sau bữa ăn, nếu bạn lái xe từ 12 giờ trưa đến 1 giờ chiều thì bạn sẽ đi lại dễ dàng không bị kẹt xe. Người Việt Nam đội mũ bảo hiểm không phải để đảm bảo an toàn trên đường mà chỉ nhằm tránh bị cảnh sát giao thông phạt,…”.
Qua tin tức hàng ngày, chúng ta thấy những thói hư tật xấu của một số người Việt (trong và ngoài nước) được hiện rõ qua những trường hợp như sau:
Ở trong nước :
-“Hôi bia”. Xe chở bia lật, nhiều người lao vào lấy bia trong tiếng van xin của tài xế. Kẻ hôi của nói:”Lúc đó tôi thấy bia “vô chủ”, nhiều người lấy nên tôi cũng làm theo”.
-Lễ hội “chém lợn”. 1 số người dân còn tin rằng :”Tờ tiền có máu của cụ ỉn sẽ mang đến may mắn, làm ăn phát tài”.
-Đánh nhau khi xảy ra va chạm giao thông. Thay vì ăn nói lịch sự tìm cách hòa giải, giúp kẻ gặp nạn do lỡ lầm gây ra , 1 số người nóng tánh, vội chửi rủa và lao vào ẩu đả.
-Giết người vì ghen, do nghi ngờ vợ mình có liên hệ với người đàn ông khác, không thể kiềm chế được lý trí ra tay giết vợ. Cũng có trường hợp giết người vì bị chửi, vì cha mẹ bị hành hung,…
-Hung hăng, đánh nhau trên đường phố chỉ bởi những lý do rất vu vơ. Chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết mà có hơn 6.200 người phải nhập viện vì đánh nhau. Ở các nước như Nhật, Mỹ, Canada hiếm khi thấy cảnh đánh nhau hay chủi lộn trên đường phố.
-Tỷ lệ bạo lực trong gia đình ở mức độ cao. 42% phụ nữ cho biết đã từng bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục. Cứ 4 phụ nữ có con dưới 15 tuổi thì có 1 người cho biết con của họ đã từng bị chồng họ bạo hành thể xác.
-Gian lận trong buôn bán (bơm thuốc phọt cho gia súc, rau quả tăng nhanh), trong sản xuất (bớt xén nguyên vật liệu, rút ruột công trình), trong giáo dục (mua bằng giả, chạy trường chạy lớp), vứt rác bừa bãi, phóng uế nơi công cộng,… bất chấp những tai hại khôn lường miễn sao cá nhân mình được lợi, không cần suy nghĩ đến lợi ích xã hội.
-Nạn cờ bạc nở rộ lên khắp nơi từ thành thị đến nông thôn vào những dịp nghỉ lễ sau Tết .
-Tham nhũng vặt phát sinh ở khắp nơi, cứ đụng đến thủ tục là người dân phải “lót tay”. Để có việc làm trong khu vực nhà nước cũng cần phải “lót tay”.
-Làm việc thiếu văn hóa nhận trách nhiệm , luôn tìm cách qui lỗi ở nơi khác để chạy tội.
Tại hải ngoại:
Theo nhận định của người bản xứ thì người Việt mình không cướp bóc, quấy phá nơi công cộng và tương đối ăn nói lịch sự, thế nhưng :
-Nạn cờ bạc, tỷ lệ người Việt đến casino nhiều nhất so với các sắc dân khác.60% người Việt mắc bệnh cờ bạc.
-Thường đến trễ trong những buổi tiệc cưới ngay cả những buổi có nhiều người nước ngoài tham dự.
-Thường viện dẫn lý do cha mẹ, con cái bị bệnh khi đi làm trễ.
-Thích khoe khoang về tài sản và địa vị.
-Ít nói lời xin lỗi và cám ơn, so với người dân bản xứ.
-Không xếp hàng trật tự và nói chuyện lớn tiếng nơi đông người như muốn người khác chú ý đến mình.
-Không nhường người đi ra trước khi bước vào thang máy hay xe điện.
-Không tôn trọng những quy tắc công cộng: phân loại rác, xả rác ở những nơi tổ chức picnic, đậu xe. vứt pin, trả lại xe hàng ở siêu thị không đúng chỗ quy định, không ngồi đúng số ghế của mình trong rạp hát, hội trường khi thấy có chỗ trống ở phía trước.
-Khu chợ búa của cộng đồng người Việt không sạch sẽ so với những khu chợ của những cộng đồng khác.
-Người Việt ở Úc, Anh, Canada trồng cây cần sa ngày càng nhiều.
-Ăn mặc màu mè, thích nói tiếng nước ngoài, nói khoác khi về thăm quê hương.
Người Việt Nam mình luôn tự hào về 4 ngàn năm văn hiến, lịch sử , truyền thống văn hóa của đất nước mình. Thế nhưng, một số người trong chúng ta không thể hiện những đức tính tốt để cho bạn bè thế giới phải nể phục. Bởi vì từ trên xuống dưới không đánh giá đúng về bản thân mình, không thành thực với bản thân mình, không khiêm tốn để khống chế việc tự đề cao mình , không thực tâm lắng nghe lời phê bình của người khác.
Mong rằng những lời góp ý chân thành này sẽ được đón nhận như là một góp ý xây dựng để cho cộng đồng người Việt mình có được một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đừng để cho những con sâu làm rầu nồi canh ?
Montreal, ngày 24/3/2015
Ngô Khôn Trí