Hình Tròn biểu tượng sự khai nguyên, nếu xét theo thứ bậc trong sáng tạo. Là một chu kỳ không thay đổi, biến dạng nếu là biểu tượng thời gian. Quan niệm Đông Phương là chu kỳ thời gian không khởi đầu cũng không có tận cùng, biểu tượng sự sinh hóa không ngừng với nguyên lý: “Sinh rồi lại sinh” qua bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, thời gian nối tiếp thời gian. Vòng tròn khép kín không thay đổi, không biến dạng nên thường gây nhàm chán, “không có gì mới trên trái đất này”, mang theo cảm nghĩ: “Một ngày như mọi ngày”, sáng tạo dừng chân tại chỗ hoặc thay đổi theo chu kỳ: “hết thăng rồi trầm”. Những thăng trầm giam hãm nên con người lúc nào cũng mong tìm ra lối giải thoát.
Giải thóat ấy có lẽ là nên chấp nhận thêm một quan niệm đường thẳng, có chiều đi lên của Kitô giáo. Đó là một hình thức rửa tội cho một quan niệm khép kín, đó cũng là con đường giải thoát cho vòng sinh tử: Sinh rồi lại sinh, nhưng sinh lần sau vượt xa lần trước.
Vòng tròn biểu thị thời gian bằng hình bánh xe quay. Người Babylon dùng hình tròn để phân chia thời gian, họ chi vòng tròn ấy ra thành 360 độ, sắp xếp thành 6 phần, mỗi phần 60 độ. Người da đỏ ở Bắc Mỹ cũng thế lấy hình tròn biểu thị thời gian: Các vòng tròn bên trên thế giới là thời gian ban ngày, thời gian của đêm và các kỳ trăng, còn thời gian năm là vòng tròn bao quanh thế giới. Từ hình tròn kết hợp với ý niệm thời gian làm nên hình bánh xe quay, hình bánh xe quay làm liên tưởng tới chu kỳ, những chu kỳ liên tiếp ứng với giai đọan thời gian, biểu hiện sự tái khởi liên tục. Giải thích nào rồi cũng một vòng tròn mang tính chu kỳ của bánh xe quay mang tính đơn điệu, vây hãm, người ta đã chế tạo ra mặt đồng hồ hình vuông để muốn làm chủ thời gian, tạo nên ảo tưởng để thoát khỏi vòng chu kỳ, thế nhưng, không biến nghĩa được chiều chuyển động của thời gian.
Trong ngôn ngữ cũng như trong nhận thức, thời gian có tính chất hữu hạn, là điểm phân chia giữa hữu hạn và vô hạn, là sự phân biệt giữa thế trần và vĩnh hằng. Người Ailen có một kinh nghiệm rằng: “một người nào đó bước sang Sid (một thế giới khác) hoặc bắt được liên lạc với người nào ở Sid. Họ tưởng rằng chỉ vắng mặt ở cõi trần chỉ vài ngày, thế nhưng, khi trở về trần họ đã qua mấy thế hệ hoặc hơn thế kỷ, và như thế khi trở về Ailen, họ đã thấy mình đã quá già và lăn ngay ra chết. Cũng thế, quan niệm này được nhắc đến trong (2 Pet 3, 8): “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày”. Để tránh hiện tượng này, người Ailen tránh tiếp xúc với người Sid, ở các nền văn hóa, người ta tổ chức những lễ hội để thóat vòng thời gian. Thóat vòng thời gian chỉ là nhất thời và thực tế con người vẫn phải trở về với không gian và thời gian mình đang sống. Cần có một bổ sung khác.
Đối với quan niệm của Kitô giáo, thời gian không biểu thị bằng vòng tròn mà là đường thẳng có mũi tên đi lên, mỗi ngày, mỗi thời gian qua là một sáng tạo mới, sáng tạo mới có chiều hướng đi lên: Trong kinh nguyện Kitô giáo, sau bài đọc 1, nói về công trình sáng tạo của Thiên Chúa, trong ngày lể Vọng Phục Sinh, Lời nguyện ấy xác quyết một niềm tin rằng: “Công trình tạo thành vũ trụ ban đầu tuy đã kỳ diệu, nhưng công trình cứu độ của Đức Kitô; Đấng hy sinh làm Chiên Vượt Qua của chúng con trong thời sau hết còn kỳ diệu hơn nữa”. Như vậy, không gì có thể cản trở được hay làm hủy hoại công trình sáng tạo tự ban đầu ấy được, ngay cả tội lỗi cũng là một duyên cớ để tiến trình đi lên mãnh liệt hơn: Thánh Lêo Cả nói rằng: “Ân sủng khôn tả của Đức Kitô, đem lại cho ta những gì tốt đẹp hơn những gì mà ma quỷ do lòng ghen ghét đã cướp mất”.
Cũng trong ý hướng đó, Thánh Thomas d’ Aquine viết: “sau khi con người phạm tội, không có gì ngăn cản bản tính loài người được hướng về một cứu cánh cao đẹp hơn”. Động lực cho chiều đi lên ấy do Một Đấng là chủ thể của thời gian, Người là Đấng siêu việt vượt trên thời gian, là mốc căn nguyên của thời gian. Mỗi thời gian được nới dài thêm ra là mỗi thời gian được Người sáng tạo và bảo tồn cho đến khi hòan tất. Đó là Thiên Chúa làm chủ thời gian là Alpha và là Omêga. Là khởi đầu cũng là cùng đích của lịch sử đi lên, hướng về Thiên Chúa.
Quan niệm thời gian của Kitô giáo giải thoát quan niệm vòng tròn thời gian của Đông Phương. Là một đường thẳng có chiều đi lên, không còn trong vỏ bọc khép kín, lịch sử không tuân theo định luật của vần xoay, tự nền tảng lịch sử thời gian được Thiên Chúa dẫn dắt. Lịch sử thời gian được ghi dấu bằng lịch sử Thiên Chúa Cứu Độ. Một lần thay đổi vĩnh viễn tòan bộ lịch sử nhân loại là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu trên Thập Giá.
Đường thẳng của thời gian đi lên nói lên điều cơ bản, con người sinh ra để sống và sống dồi dào, chứ không phải để chết. Cái mới là cái làm cho con người say mê và vui thích, hãy đón nhận Thiên Chúa, là Đấng làm nên những cái mới và những cái mới đầy những bất ngờ của tình thương.
Ngày đầu năm, đầu tháng, có một ý nghĩa quan trọng là bắt đầu một hành trình mới. Thánh Phaolô nói: “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2Cor 5, 17). Thụ tạo mới hệ tại ở lại trong Chúa Kitô, Đấng làm nên những điều mới, nhờ Chúa Thánh Thần. “ Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.” (Tv 37, 5)
L.m Giuse Hoàng Kim Toan