GÓC TÂM TÌNH 4. Học viện Thinh lặng để biết mình hơn

Thinh lặng để biết mình hơn

Khi xã hội ngày càng hiện đại hóa thì mọi việc đều trở nên tấp nập, vội vã; con người cũng lao theo sự bận rộn, vất vả chạy theo guồng quay của xã hội. Và dường như việc giữ thinh lặng dần bị xem là điều khó khăn trong cuộc sống. Để rồi một phút chốc nào đó, ta chợt nhận ra mình vẫn chưa thỏa mãn với cuộc sống hiện tại, ta cảm thấy mình trống rỗng, và ta đang dần đánh mất phần nào giá trị nơi bản thân. Ta rong ruổi khắp chốn để tìm kiếm và lấp đầy “những hụt hẫng” ấy. Thường ta hay đi tìm để thỏa lấp sự trống rỗng trong tâm hồn mình bằng những thú vui bên ngoài như đến các sàn nhạc, xem phim ảnh, đi mua sắm, những trò chơi mua vui mạo hiểm. Kết cục của những cuộc tìm kiếm ấy là ta vẫn trống rỗng. Khi ấy, ta tự hỏi mình: Phải chăng những thứ ấy là cái ta cần tìm và cần lấp đầy cho những sự trống rỗng của ta ?

“Sa Mạc Nội Tâm” là một tặng phẩm dành cho cuộc sống, là khoảnh khắc rất đáng giá khi ta hoàn toàn đắm mình trong thinh lặng để giúp ta tìm lại chút gì đó đã mất. Nói đến nội tâm sa mạc là nói đến sự thinh lặng, một sự thinh lặng bên trong để tìm lại chính mình, một con đường mở ra khoảng không gian bên trong để vun trồng đời sống nội tâm, một tiến trình đi qua bóng tối với Chúa để Chúa dẫn lối đưa ta vượt ra khỏi cõi lòng trống vắng, u mê. Chúa Giê-su thành Nazareth yêu thích sự thinh lặng. Người đã sống một cuộc sống âm thầm suốt ba mươi năm trước khi đi rao giảng Tin Mừng. Ngay trong cuộc sống công khai, Ngài đã có những thói quen lui vào những nơi thanh vắng và yên tĩnh để cầu nguyện. Chính trong thinh lặng Ngài đã gặp được Cha. Trong thinh lặng Ngài đã đưa ra những quyết định quan trọng. Chẳng hạn, Ngài đã chọn ra được những môn đồ thân tín, Ngài đã chọn theo Ý Cha chứ không theo ý riêng mình. Ngài mời gọi chúng ta sống thinh lặng. Nhờ sự thinh lặng mà con người nghe được lời mời gọi của Ngài. Thế nên Maria đã đến và ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Người (x.Lc10, 38-42).

 Trở về với chính mình là lúc ta được đối diện với Thiên Chúa, để thấy lòng thôi không còn những cơn sóng vỗ của thế gian, để thấy tâm trí vơi bớt những vướng bận và lo toan. Đồng thời cũng trong thinh lặng ta khám phá ra động lực thúc đẩy bản thân tìm đến với những lý tưởng, những ước mơ cao đẹp. Cũng nhờ thinh lặng ta dám từ khước những xáo động làm tê liệt con người mình, cùng các chất độc hại gây ô nhiễm tâm hồn. Lúc này ta cũng sẽ thấy các tầng địa khác nhau trong con người, có xấu, có tốt, có yếu, có mạnh; để biết chiến đấu với mặt trái của bản thân, về với thinh lặng còn là cơ hội tái khám phá nơi bản thân những gì thuộc về Thiên Chúa và những gì thuộc về thế gian. Nhờ đó ta dám gạt bỏ, đoạn tuyệt, và thanh lọc những yếu hèn, những khát vọng xấu đang nhấn chìm tâm hồn ta trong mê cung tội lỗi. Để rồi ta nhận biết được một Thiên Chúa duy nhất vẫn kiên trì ở bên trong, chờ đợi ta. Người là Đấng đáp lại ta tất cả mọi vấn đề của trí tuệ và mọi hăm hở của con tim.

Thinh lặng là con đường kín đáo, bí mật nhưng cũng thật giản đơn mà ta chỉ có thể có được khi biết đến giá trị của hai chữ  “thinh lặng” khi ta thực sự tĩnh lặng hoàn toàn. Chính trong sự thinh lặng ta tìm được điều cốt tủy của sự sống bên trong, cũng là chất liệu cho tâm hồn để được lắng nghe bên trong tiếng nói diệu huyền “trong trái tim có nhịp đập của quả tim”. Thinh lặng ví như kho tàng ẩn chứa trong tâm hồn ta. Uốn nắn đời mình trong sự thinh lặng nơi sâu thẳm tâm hồn sẽ tạo cho cuộc đời một vóc dáng mới, một thế đứng chiếm lĩnh hàng đầu trong vòng xoáy của thế giới mới hôm nay; vì đã nhận ra được một bí mật, một chiều sâu khôn dò ngang qua lời Chúa Giê-su dạy: “Hãy ở lại trong tình yêu thương của Thầy”(Ga 15,9). Cuộc gặp gỡ ấy, cuộc gặp gỡ nội tâm mà chính Thánh Augustino đã nói lên một cách tuyệt vời trong quyển thứ hai các lời tự thú: “quá muộn màng con đã yêu Ngài, ôi! Vẻ đẹp luôn cũ mà vẫn luôn mới, quá muộn màng con đã yêu Ngài, Ngài ở trong con mà con cứ ở bên ngoài và con cứ mãi lao đao một cách tồi tệ”.

Không ai có thể đo lường được quỹ đạo của tâm hồn mình, nghĩa là trong thế giới nhỏ bé của bản thân còn có cả cái vô biên kia cần khám phá và thám hiểm, vì con người luôn “ở ngoài” xa lạ với chính mình. Chính vì thế mỗi người cần trở về, cần mặc cho mình chiếc áo của sự thinh lặng nội tâm để cảm nhận được từng đường nét tuyệt vời và cũng thật diệu kỳ trong một thế giới nhỏ bé nhưng cũng thật lớn lao được ẩn chứa ngay bên trong tâm hồn mình mà chỉ cần có thinh lặng là ta đã có thể đón nhận được tất cả những gì chúng ta muốn tìm gặp.

 Sr. Thùy Trâm, Học viện MTG. Thủ Đức

Exit mobile version