Ngày kế tiếp, mồng hai tháng Mười một, Phụng vụ mời gọi chúng ta cảm thông và cầu nguyện cho các tín hữu còn bị giam cầm nơi luyện ngục. Họ là những người còn vướng mắc nhiều hậu quả của tội và đang được tinh luyện chờ ngày xứng đáng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Những người nào cho đến chết mà dứt khoát từ chối lòng thương xót của Chúa và cố tình thù ghét tha nhân thì hậu quả cuộc đời họ sẽ là Hoả ngục. Đây là tình trạng khổ đau vĩnh viễn, vắng bóng Thiên Chúa, không có tình thương. Chúa Giêsu đã diễn tả Hoả ngục là nơi đau khổ, những kẻ bị giam cầm sẽ khóc lóc nghiến răng và chịu lửa thiêu không hề tắt.
Hai ngày lễ đều được cử hành để nhớ tới những người đã khuất, nhưng ngày thứ nhất cử hành trong hân hoan chiến thắng, ngày thứ hai được nhớ tới với niềm thương cảm xót xa. Một ngày lễ mừng những người lữ hành đã đến đích, còn ngày kia tưởng nhớ những ai còn đang phải đoạ đày. Cũng một kiếp người, có người được phúc diện kiến Chúa, có người phải trải qua khổ đau chờ ngày được thanh luyện, thậm chí có người phải giam trong Hoả ngục đời đời. Trong truyền thống Công giáo, Thiên đàng và Hoả ngục là hai trong “Bốn sự sau” các tín hữu thường xuyên suy gẫm, tức là Sự chết, Phán xét, Thiên đàng và Hoả ngục. Năng suy gẫm “Bốn sự sau” của đời người sẽ giúp ta sống tốt lành hơn.
Sinh ra trên trần gian, ai cũng được hướng tới hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng thất bại hay thành công, một phần lớn do sự chọn lựa của mình. Chúa không bắt ép ai phải nên thánh. Ngài không tạo dựng con người giống như một khuôn đúc sản xuất dây chuyền, nhưng như những chủ thể tự do, có khả năng chấp nhận hay từ chối, kể cả phủ nhận Chúa. Nhân sinh quan Ki-tô giáo diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người là mối tình Cha – Con. Thiên Chúa yêu con người như người cha người mẹ yêu thương đứa con chính mình đã sinh ra. Dù đứa con ấy có khiếm khuyết bất toàn thế nào đi nữa, cha mẹ không nỡ từ bỏ con mình. Tình yêu thương của cha mẹ luôn đồng hành theo sát con cái, kể cả khi chúng đã khôn lớn, hay khi chúng bất hiếu phản nghịch. Vì yêu thương con người, Thiên Chúa mong muốn cho con người được hạnh phúc. Hạnh phúc nơi con người còn diễn tả vinh quang của Thiên Chúa, như Thánh Irênê đã viết: “Vinh quang Thiên Chúa là con người sống vui”. Hạnh phúc thiên đàng là phần thưởng bất diệt Thiên Chúa ban cho những ai suốt đời thành tâm yêu mến Người.
Thiên đàng và Hoả ngục là hai kết cục cuối cùng của thân phận con người. Người ta không sống mãi ở trần gian. Cuộc sống đời này, dù sang hèn đến mấy cũng có thời có buổi. Sau khi kết thúc cuộc đời trần thế, Thiên Đàng hoặc Hoả ngục chính là hai đích điểm tương ứng với hạnh kiểm của con người khi họ sống nơi dương gian. “Gieo nhân nào thì gặt quả nấy”, “Gieo gió gặt bão”, Ông Bà ta đã dạy thế và lời dạy này rất phù hợp với giáo huấn của Chúa. Người công chính sẽ được hạnh phúc Thiên đàng, kẻ bất lương sẽ lãnh chịu Hoả ngục.
Thiên đàng và Hoả ngục không phải là do Thiên Chúa định trước. Đừng gán cho
Thiên Chúa là tác giả và nguyên nhân của sự ác. Thiên Chúa là vị Trọng tài khôn ngoan và công bằng. Người trả cho chúng ta xứng với những điều chúng ta đã làm. Thiên Chúa cũng là vị Thẩm phán đầy lòng nhân hậu bao dung. Vì thế, không bao giờ là quá muộn đối với những tội nhân biết thành tâm sám hối và quay đầu trở lại. Người cha nhân hậu trong Tin Mừng (x. Lc 15, 11-32), mặc dầu đau buồn về sự ra đi của đứa con, nhưng vẫn mòn mỏi trông đợi nó trở về. Ông chuẩn bị sẵn, để khi nào nó trở về thì làm tiệc thết đãi hàng xóm. Thiên Chúa của chúng ta là Đấng thương xót từ bi và sẵn sàng tha thứ, nếu chúng ta nhận ra lỗi lầm của mình và hối cải. Có thể nói, khi sống ở đời này, chính chúng ta đang chọn lựa cho mình hạnh phúc Thiên đàng hay trầm luân Hoả ngục.
Thiên đàng hay Hoả ngục, không phải đến lúc kết thúc cuộc đời ta mới nhận thấy. Ngay trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng có thể nếm hưởng hạnh phúc Thiên đàng hay bị nghiền nát do hình phạt Hoả ngục. Khi đối xử với nhau chân thành ngay thẳng, trái tim chúng ta có Thiên đàng ngự trị; khi sống mưu mô lường gạt người khác, trái tim chúng ta có Hoả ngục đoạ đày. Trái tim có Thiên đàng tràn đầy niềm vui; Trái tim mang Hoả ngục chất chứa hận thù. Thiên đàng là nơi có Chúa; Hoả ngục là nơi vắng bóng Ngài. Đâu có Chúa, ở đó có niềm vui và hạnh phúc; Đâu vắng bóng Ngài, là đau khổ ngục tù. Có những gia đình đang tồn tại trên thế gian mà đã bị so sánh như hoả ngục, vì ở đó chỉ có sự chia rẽ và hận thù. Có những cộng đoàn Đức tin, thay vì làm chứng cho sự hiện diện hồng phúc của Thiên Chúa, lại trở thành Hoả ngục vì tồn tại những bè phái xung đột tranh chấp khôn nguôi.
Mỗi tín hữu được mời gọi trở thành những người xây dựng Thiên đàng ngay tại thế gian này. Quả vậy, nếu Thiên đàng là nơi có Chúa ngự, thì mỗi khi chúng ta đem Chúa đến nơi nào, thì nơi ấy có Thiên đàng. Nếu Thiên đàng là nơi ngày đêm vang lên lời tôn vinh cảm tạ Chúa, thì mỗi khi giúp cho một người biết tôn vinh cảm tạ Chúa là chúng ta mang Thiên đàng đến với họ. Nếu Thiên đàng là nơi phản ánh vinh quang vĩnh cửu của Chúa, thì mỗi khi làm cho ánh sáng Tin Mừng và sự thánh thiện phản chiếu qua cách sống của chúng ta, là chúng ta làm cho Thiên đàng hiện diện trên trần gian. Tiếc thay, có những người không xây dựng Thiên đàng mà lại đi gieo rắc hoả ngục; thay vì nối kết con người trong tình liên đới yêu thương, lại đi xây những bức tường ngăn cách. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện cho “Nước Cha trị đến”, tức là xin Chúa cho Thiên đàng được khởi đầu ở trần thế này. “Nước Chúa” là vương quốc của yêu thương, hoà bình, lòng nhân hậu bao dung và quảng đại. Ai xây dựng hoà bình và lòng nhân ái là xây dựng Nước Chúa.
Nên thánh hay trở thành ma quỷ, hạnh phúc Thiên đàng hay hình phạt Hoả ngục, đó chính là chọn lựa của chúng ta. Có thể chúng ta sẽ nói: điều đó khó quá, sao tôi có thể làm được. Chúa Giêsu trấn an chúng ta: đối với con người thì như vậy, nhưng Thiên Chúa có thể làm được mọi sự, miễn là chúng ta khiêm tốn cầu xin ơn phù trợ của Ngài (x. Mt 19,26).
Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI đã khẳng định với chúng ta: ai cũng có thể nên thánh. Ngài viết: “Sự thánh thiện là điều có thể đối với hết mọi người, mọi tuổi tác cũng như mọi hoàn cảnh, vì mỗi chúng ta đều lãnh nhận ơn trợ giúp từ Thiên Chúa. Ngài mời gọi chúng ta hãy đón nhận một ơn huệ là sự thánh thiện, và hãy cố gắng sống những đòi hỏi của ơn đó. Chúng ta hãy để cho mình được Thiên Chúa biến đổi do tác động của Chúa Thánh Thần, và làm cho chúng ta nên giống thánh ý Ngài. Theo bước các thánh, mỗi chúng ta hãy trở nên một phần nhỏ trong bức tranh ghép diễn tả sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã tạo nên trong lịch sử” (Zenit 13-4-2011).
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên