1. Đó là câu hát mở đầu bài đồng dao cửa miệng của bọn trẻ nhà quê chúng tôi ngày xửa ngày xưa, mỗi khi ới nhau đi đám ma, đám giỗ với cha mẹ về:
Thiên đàng, địa ngục, đôi quê,
Ai khôn thì về, ai dại thì xa.
Đêm về, nhớ Chúa, nhớ cha,
Đọc kinh, cầu nguyện, kẻo sa linh hồn…
Chúa ôi, làm sao tôi quên cái cảm xúc váng vất mà bồi hồi, khó tả ấy? Đó là những đêm se lạnh hắt hiu suốt tháng 11, quen gọi là tháng đi viếng mộ, cầu cho các đẳng linh hồn, cứ coi như là dịp thanh minh đền ơn đáp nghĩa của người Công giáo Việt Nam vậy. Mãi sau này, đã sang bên kia sườn dốc cuộc đời, vẫn còn nghe chút dư vang phơ phất, lãng mạn, buồn buồn của một thuở một thời đầy ký ức tuổi thơ nơi xứ đạo, làng quê.
Ngày ấy, vâng, ngày ấy, nông thôn ta còn y nguyên là một cõi chân quê, làng xã rộng rinh. Đi đến đâu, cũng thấy xanh mướt mắt, điệp trùng những ruộng lúa, bờ tre; tiếp tiếp những nương dâu, vườn sắn, luống khoai, cồn bắp, hồ ao, đầm vực thẳng cánh cò bay. Có ai muốn hơn thua, kèn cựa, lấn chiếm, tước đoạt của ai bao giờ?
Nhà thờ, xứ đạo nào cũng quy hoạch na ná như nhau. Riêng tư và thiêng liêng một cõi. Ngoài ‘nhà thờ nhà thánh’ là nơi cử hành lễ bái, phụng tự, kinh hạt; còn bao gồm một quần thể nhiều hạng mục công trình liền lạc với nhau: nhà cha, nhà xứ, nhà thầy, nhà phòng, nhà hội, nhà khách, nhà chung, nhà dòng, nhà phước, nhà trường, nhà thương, nhà cơm, nhà bếp, nhà kho và… nhà tang, nhà mồ (tang nghi quán).
Xa xa ngoài bãi ngoài phía Tây, có khu vực nghĩa trang, gọi là đất thánh, ngăn chia bằng hàng giậu trồng hoa dâm bụt quanh năm ra hoa đỏ thắm.
Mọi việc có nơi có chốn. Cứ thế mà làm, tuần tự diễn ra, đã thành cái nếp bất di bất dịch. Đâu đến nỗi phải chạy theo quy trình áp đặt. Đâu đến nỗi chật chội, phải cơi nới, tranh giành, mua bán, sang nhượng đắt đỏ, phiền phức, như cái cảnh miếng đất, mất anh em của thời buổi đô thị công nghiệp hoá nhuốm mùi gió tanh mưa máu đầy oan ức bây giờ?
Đất thánh của giáo họ làng tôi, bởi thế, linh thiêng, lớp lang, yên ả, kỷ cương lắm.
Ở chỗ cao ráo nhất là những lăng mộ kiên cố của các vị tiền nhân tiên tổ đã chịu chết vì đạo từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Văn Thân, Bình Tây Sát Tả (từ 1820-1886). Trong ánh chiều vàng vọt cuối năm, tôi còn đọc rành rành những hàng chữ Hán, chữ Nôm khắc hoạ tên tuổi, quê quán của các ngài trên bia đá.
Về bên hữu cây thánh giá ở trung tâm đất thánh là khu an nghỉ của các thế hệ chủ chiên (đủ gốc gác từ người Việt, Y Pha Nho, Triều và Dòng Đa Minh); mẹ bề trên nhà phước; ông trương, ông trùm, ông quản.
Xuôi xuống triền dốc thoai thoải ở lưng chừng, có từng dãy mồ quét vôi trắng của chức việc các giáo họ, các dâu giáp, đoàn hội, ân nhân, những người hằng tâm hằng sản đóng góp công đức cho nhà Chúa.
Còn mặt bằng phía dưới, gần chân ruộng và ao Đức Bà, là khu mồ mả của con chiên bổn đạo có ghi tên trong sổ rửa tội của giáo họ. Già trẻ, lớn bé, gái trai, ai cũng có phần, có phận rạch ròi hẳn hoi.
Lại còn có cả một khu đất dành riêng cho những người tứ cố vô thân, chết trôi sông lạc chợ, hoặc trẻ em, thai nhi, gọi là những linh hồn mồ côi hoặc các thánh anh hài. Còn nhớ tháng 3 năm Ất Dậu (1945), người chết vì đói la liệt khắp hang cùng ngõ hẻm. Xác trẻ em bị bỏ rơi, vạ vật, không đếm xuể. Trong mớ ký ức mồn một của tôi, vẫn còn ám ảnh đến rợn người mỗi khi nhẩm đọc lại những câu thơ cực tả xé gan xé ruột của Bàng Bá Lân: [1]
Năm Ất Dậu, tháng 3, còn nhớ mãi…
Những thây ma thất thểu đầy đường
Rồi gục ngã, không đứng lên, vì đói
Đói từ Bắc Giang, đói về Hà Nội
Đói ở Thái Bình, đói tới Gia Lâm…
Chết, chết, chết, hai triệu người đã chết!
(Đói, Tiếng Võng Đưa, Sài gòn,1957)
2. Như trên đã nói nghĩa trang là đất thánh, nên thiêng lắm, mặc dầu thời ấy, khói hương nghi ngút và cúng kiếng xem ra chưa được phép, được đồng tình là mấy.
Đám trẻ con chúng tôi muốn vào đất thánh thả diều, bẫy chim, đào dế, vui chơi, đều bị cấm tuyệt. Lệnh của cha xứ còn nghiêm nhặt hơn cả sắc chỉ và đạo dụ của triều đình. Phép vua thua lệ làng mà. Bởi thế, đứa nào, con nhà ai mà lỡ dại, lôi thôi, nghịch ngợm là ‘chết tươi ăn năn tội chẳng kịp’.
Và giả như có ai muốn vào, cắt cỏ cho trâu bò thì cũng phải được phép của ông từ. Chân bước, tay liềm, quang gánh, thúng mủng phải biết nương ghé, ý tứ, nghiêm trang, giữ gìn cho phải đạo. Nhỡ ra, động chạm vào mạch, là đã phạm sự thánh, cả nhà ấy tự mang hoạ vào thân ngay.
Đất có thổ công, sông có hà bá. Cái luật bất thành văn ấy còn lạ gì ở chốn dân dã, sau luỹ tre xanh? Ông từ trông coi nghĩa trang làng tôi được tiếng rất mát tay, giỏi phong thuỷ, ăn ở có nhân có đức, lại được cha xứ tin dùng và mọi người nể nang ra mặt. Mọi việc tinh tươm, đâu vào đấy.
Đâu phải dăm bữa nửa tháng. Chẳng phải chỉ Xuân Thu nhị kỳ, một quý, một mùa, một năm. Hàng trăm và mấy trăm ngôi mộ, xây gạch, đá ong, đắp đất, bên Đông, bên Đoài, thôn trên, xóm dưới.
Ấy thế mà đã mấy đời trôi qua rồi, những ngày thanh minh tảo mộ, đặc biệt vào dịp lễ Các Đẳng Linh Hồn, ken cứng những người ra vào, chen chúc, như trẩy hội. Người ở tận đâu đâu, đến hẹn lại về, sửa sang, nhang khói, kinh sách, gọi là ngày hội góp giỗ. Nghĩa trang, nhờ thế, quanh năm cứ là quang đãng, sạch đẹp, nom chẳng thua kém gì Vườn Hoa Con Cóc ở thành phố Hải Phòng, hồi tôi theo gia đình chạy loạn tản cư về, trước khi rủ nhau xuống tàu há mồm vào Nam năm 1954.
Để trả ơn bội hậu cho ông từ, người quản gia gác cửa quá khứ, ban hành giáo đã tự nguyện xuất quỹ, mua một thiên gạch thẻ, nung một lò vôi, dọn sẵn cho ông cái kim tĩnh trên phần đất dành riêng, ngay bên dưới bóng mát của cội xoan già trăm năm tuổi.
Thì ra, đó là điều thuộc cái lẽ trước sau ở đời mà tôi vẫn nghe thầy mẹ tôi bảo” sự tử như sự sinh, nghĩa tử là nghĩa tận”. Chứ ai – thuở ấy – rỗi hơi bày ra cỗ bàn, chúc mừng sinh nhật bao giờ? Của đáng tội, nói ra xấu hổ với lớp con cháu bây giờ, trong cái cõi âm u mịt mù ấy, chỉ rặt một khái niệm về sinh nhật của ai kia thôi, cũng hãy còn tơ lơ mơ, xa vời lắm, không như bây giờ đã thành cái mốt thời thượng, hoa hoè hoa sói rất ư là đình đám. Âu cũng là gặp thời thế, thế thời phải thế.
Trách mà chi, khi thời ấy chỉ có cái chết và tống táng, ma chay, giỗ chạp mới được xem là chuyện quan trọng, người lớn và trẻ con đều rõ.
Ở nhà quê, ai còn lạ gì? Chỉ cần thoảng nghe tiếng chuông nhà thờ bỗng dưng gõ lên giữa thinh không, là y như có chuyện chẳng lành rồi đấy. Dù ở trong nhà hay ngoài đồng áng, tự nhiên, tất cả đều lặng thinh. Mọi người đưa tay làm dấu thánh giá, thầm thĩ đọc kinh chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho linh hồn… được lên chốn nghỉ ngơi…
Cái thói quen nhà quê mà lành thánh ấy đã thấm vào máu thịt chúng tôi, truyền từ đời trước đến đời sau, nhiều khi khiến bà con bên lương, bên Phật cứ ngẩn ra, chẳng hiểu tại sao. Hình như, chính ông nhạc sỹ tài hoa Văn Cao cũng đã không giấu được cảm xúc mỗi chiều về, chợt nghe tiếng chuông nhà thờ ngân lên “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung” [2]. Về sau, quen tai, quen miệng, tôi thấy ai nấy dần hiểu ra và gật đầu tâm đắc lắm. Hoá ra, đã có một va chạm, cộng sinh và dung hợp bão hoà chừng mực nào đấy giữa những khác biệt, những ranh giới mong manh, vô hình?
3. Thế rồi, xong việc chôn cất, người ta trở về, chuẩn bị vào nhà đám. Cứ một mực, răm rắp như việc thường ngày của nhà mình vậy. Các ông trùm, ông trương, bà quản và người lớn trong các đoàn hội thì cứ thế mà sắp xếp, dựng rạp, lập bàn thờ, chưng hoa đèn hoặc đôn đốc trà nước, cơm cỗ, chào mời khách khứa gần xa. Thấp thoáng đâu đấy ò e kèn trống, nhị, hồ của phường lâm khốc, biệt hành não nuột…
Riêng bọn trẻ con chúng tôi đông vui, sầm uất đến không ngờ. Đứa nào cũng chực sẵn, giành cho được cây cờ tang, để xếp hàng một, ra đất thánh ở phía đầu làng. Trời cuối năm, Bắc bộ rét đậm rét hại. Đói hoa cả mắt, vớ được nắm xôi đỗ xanh còn ngút khói, lại thêm quả chuối tiêu trứng quốc vào bụng, là sướng tê, hí hửng lắm rồi. Hẳn ai cũng chưa quên câu hát rất trẻ con này:
Bà chết, cháu được ăn xôi
Hai tay hai nắm, bà ôi là bà…
Đừng chê cười chúng tôi mà tội nghiệp. Nắm xôi và quả chuối chả thấm thía gì với cơn đói cồn cào của những đứa trẻ nhà quê? Chỉ loáng một cái, lại thèm thuồng muốn chết. Các cụ bảo, rộng rãi Chúa đãi của cho; so đo, Chúa co của lại! Có ý chỉ, đây là cái lộc cuối cùng của kẻ ra đi cho người ở lại.
Trí khôn và lòng dạ của bọn trẻ quê mùa chúng tôi bấy giờ, sao ngây ngô và vụng dại đến thế là cùng. Bởi vì, ai lại mới thút thít giọt vắn giọt dài lúc sáng tinh mơ, khi ném hòn đất, nhành hoa xuống mộ huyệt, thì xế chiều chạng vạng, lúc mảnh trăng non vừa nhú trên đầu ngọn tre, đứa nào đứa nấy đã hò nhau í ới khắp xóm dưới, thôn trên. Chúng tôi lại một lần đứng ngẩn tò te, nghe người lớn ngân nga kinh nguyện giỗ cầu hồn Phục dĩ chí tôn chân Chủ cửu trùng. Toàn chữ Hán, có hiểu trời trăng gì đâu.
Mãi sau này, trong những năm dài miệt mài sưu tầm – nghiên cứu và giới thiệu miền thơ trong kinh nguyện ở thượng nguồn, bản thân tôi mới ngộ ra đây là bản kinh văn thuần chữ Hán mang tên Cảm Tạ Niệm Từ của một vị hoà thượng đại khoa trở lại đạo biên soạn ngay từ buổi hừng đông đạo Chúa vào Việt Nam.[3] Trong khi đó thì đại đa số công chúng nhà đạo, hầu như ai cũng thuộc nằm lòng bản diễn Nôm lục bát, với trích đoạn dạo đầu sau đây:
Lạy ơn Thiên Chúa cao sang
Chín tầng ngự trị, thiên đàng liên liên
Loài người mọn mạy phàm hèn
Cùng chung muôn vật ở trên địa cầu…
Nhà thơ Đình Bảng
[1] Nhà giáo, nhà thơ, nhiếp ảnh gia Bàng Bá Lân (1912-1988) đã tìm về đạo Chúa, nhận thánh Giuse làm bổn mạng. Các tác phẩm thơ: Tiếng Thông Reo (1934); Xưa (1941); Tiếng Võng Đưa (1957); Vào Thu (1969).
[2] Ca khúc Làng Tôi, 1947.
[3] Tham khảo Truyện An Nam Đàng Ngoài Chí Đàng Trong của linh mục Philipphe Rosario Bỉnh (1759-1833), xuất bản tại Portugal, 1822, trang 30. Chúng tôi sẽ trở lại trường hợp bản kinh văn độc đáo có một không hai này vào một dịp thuận tiện.