Thiên Chúa mời gọi chúng ta lớn lên thế nào: Sáu Giai Đoạn Phát Triển Đức Tin

86

Thiên Chúa mời gọi chúng ta lớn lên thế nào: Sáu Giai Đoạn Phát Triển Đức Tin

LM Richard J. Sweeney

Với một vẻ quan tâm ra mặt và sự lo âu rung động lộ ra trong giọng nói, Frank nhìn vào người bạn 42 tuổi ngồi đối diện. Anh chưa gặp lại Tom trong bảy năm qua. Sau hai giờ đồng hồ nói chuyện anh cố tìm đúng từ ngữ để nói: “Tom, tôi không biết phải nói thế nào, và cũng không muốn làm bạn đau lòng … nhưng bạn đã thay đổi! bạn không còn là cùng một người mà tôi biết trước đây. Có vẻ bạn không còn tin những điều ngày xưa bạn đã tin!”. Tom bình tĩnh trả lời: “Phải, cám ơn bạn. Tôi cho đó là một lời khen. Và tôi hy vọng là tôi tiếp tục thay đổi cùng lớn lên trong điều tôi tin suốt đời.”

Frank và Tom tiêu biểu cho hai quan niệm rất khác nhau về tuổi trưởng thành và ĐứcTin. Theo quan điểm của Frank, niềm tin tôn giáo phải bất di dịch và không xáo trộn. Theo Tom thì niềm tin cũng giống như tất cả mọi bình diện của đời sống người trưởng thành là luôn tiến hóa.

Đức Tin của chúng ta có được thay đổi trong đời sống trưởng thành của mình không? Hầu hết người trưởng thành thời nay trả lời là “Có”. Theo thăm dò của cơ quan Gallup năm 1985 thì 65% người trưởng thành tin rằng niềm tin của một người phải thay đổi trong cuộc đời như thân xác và trí khôn người ta thay đổi. Đây chắc chắn là quan niệm của đa số các vị linh hướng và cố vấn ngày nay. Nhưng còn có một vài vấn đề chưa được giải quyết. Niềm tin thay đổi thế nào? Làm sao chúng ta biết rằng mình mất Đức Tin hay thực sự đang lớn lên trong Đức Tin? Niềm tin mà chúng ta học và thực hành khi còn trẻ có đủ để giúp chúng ta đương đầu với những thách đố mà chúng ta gặp sau này trong cuộc đời không? Những giai đoạn thông thường nhất mà hầu hết chúng ta có thể phải trải qua là gì? Những dấu chỉ của Đức Tin trưởng thành là những gì?

Nguồn Gốc của Đức Tin

Chúng ta có thể bắt đầu tìm kiếm vài câu trả lời cho những vấn nạn này bằng cách nhìn nhận rằng, trước hết, Đức Tin theo nghĩa rộng nhất là cách chúng ta hiểu Thiên Chúa và các hoạt động của Thiên Chúa trong đời sống con người. Cũng như sự hiểu biết của chúng ta về chính mình, xã hội và thế giới của chúng ta không tránh được những thay đổi khi chúng ta tiếp tục sống trên đời, thì sự hiểu biết của chúng ta về sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong cuộc đời con người cũng có thể thay đổi. Đức Tin không lớn lên trong chân không nhưng lớn lên từ vườn ương cây của kinh nghiệm cuộc đời chúng ta.

Nó có thể được hình thành bởi đủ loại kinh nghiệm cá nhân: bởi tình yêu và sự sửa dạy của cha mẹ, của giáo huấn mà chúng ta nhận được từ nhà trường hay nhà thờ, từ những lời cầu nguyện được Thiên Chúa nhận lời hay không nhận lời, từ những niềm vui bất ngờ hay những thất bại quặn lòng, từ những cuộc thảo luận và những bất đồng ý kiến với bạn bè hay đồng nghiệp.

Và kinh nghiệm, hơn hết những điều khác, thường báo hiệu một sự chuyển hướng hay thay đổi về Đức Tin là kinh nghiệm về xung khắc (va chạm) hay bối rối. Xung khắc có thể xảy ra vì một lời cầu nguyện không được trả lời rõ ràng, hay vì vỡ mộng đối với một khuôn mặt quyền thế được kính trọng, hoặc bởi một cuộc hôn nhân hay tình bạn chí thân bị đổ vỡ, hoặc bởi gặp một người mà niềm tin và giá trị của họ xem ra quá khác biệt với chúng ta. Trong mỗi trường hợp, giây phút xung khắc và bối rối thách đố chúng ta để xét lại một quan điểm trước kia về Thiên Chúa.

Chúng ta không nhạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu có lần bảo những người theo Người: “Các con tưởng Thầy đến để thiết lập hòa bình trên thế gian? Trái lại: Thầy đến để tạo xung đột và chia rẽ” (Lc 12:51). Xung đột và bối rối thường là con đường dẫn đến một Đức Tin đầy đủ hơn. Những kinh nghiệm như thế có thể cho chúng ta biết rằng Đức Tin trước kia của chúng ta chưa đủ để đương đầu với những bình diện mới của cuộc đời. Rằng Đức Tin trước đây phải được điều chỉnh lại, như Đức Tin quá dựa vào Lề Luật của Thánh Phaolô trước khi trở lại từ đạo Do Thái bị xung khắc với và được điều chỉnh bởi cuộc gặp gỡ các Kitô đầu tiên.

Cũng thế, sự thiếu khả năng của niềm tin trước đây của chúng ta giúp chúng ta đối phó hay hiểu ý nghĩa của một vài kinh nghiệm trong đời có thể báo hiệu cho chúng ta rằng cần phải thay đổi niềm tin. Tôi nhớ lại chuyện một người cha trong một gia đình mà đức tin của ông thay đổi hầu như hoàn toàn sau khi đứa con trai của ông bị tai nạn xe hơi. Ông đã hỏi đi hỏi lại: “Làm sao mà Thiên Chúa lại để điều này xảy ra?” Việc không nhận được câu trả lời ngay làm cho ông nhận ra Thiên Chúa hiện diện trên thế gian như thế nào. Hoặc, có một học sinh Công Giáo ở trung học đệ nhị cấp đã theo học một trường đại học Tin Lành nhỏ và bỗng nhiên thấy rằng mình không có câu trả lời cho các câu hỏi mà các bạn cùng ở nội trú đưa ra. Các câu trả lời cũ xem ra không thuyết phục được ai – ngay cả chính em! Nhờ tìm kiếm sâu xa hơn và thắc mắc đưa em đến một trình độ Đức Tin mới hơn.

Các nhà nghiên cứu được hướng dẫn bởi công trình quan trọng của Giáo Sư James Fowler của Đại Học Emory đã bỏ ra gần 20 năm để phỏng vấn về đời sống Đức Tin của nhiều người cả nam lẫn nữ. Gần đây họ đã xác định được ít ra là sáu giai đoạn khác nhau về Đức Tin mà người ta dường như tỏ ra. Trong mỗi trường hợp, việc tiến đến giai đoạn sau xảy ra khi một kinh nghiệm nào đó trong cuộc đời mời gọi một người đi đến một sự hiểu biết mới về Thiên Chúa. Giai đoạn mới của Đức Tin này truyền vào đời sống một sự hiểu biết đầy đủ hơn và giúp người ấy có những quyết định có trách nhiệm hơn và thật sự bác ái hơn.

Giờ đây chúng ta sẵn sàng xem xét kỹ hơn về những giai đoạn của Đức Tin này. Chúng ta sẽ chú tâm đến những điểm đáng lưu ý nhất của mỗi giai đoạn cũng như những loại kinh nghiệm thường báo hiệu việc di chuyển sang một giai đoạn mới của Đức Tin. Xin nhớ rằng chúng ta thực sự không nhìn vào một “bản đồ” cung cấp cho chúng ta những chi tiết về con đường thẳng nhất và chắc chắn nhất để kết hợp với Thiên Chúa. Đây thực ra chỉ là sự diễn tả những “dấu chỉ đường” mà nhiều người đã gặp trên cuộc hành trình Đức Tin của họ. Biết tìm dấu chỉ đường nào có thể giúp bạn chuẩn bị cho những đoạn đường khó khăn hơn của cuộc hành trình và có thể hướng dẫn bạn đi qua một vài khúc quănh bất ngờ của cuộc đời.  Nhận ra một vài mốc hay bảng chỉ cây số  trên đường có thể đảm bảo rằng bạn đang tiến bước trên hướng đi mà bạn muốn đi. Và việc nhận ra có những giai đoạn khác nhau của cuộc hành trình có thể giúp bạn hiểu, tôn trọng và giúp đỡ những người đồng hành với bạn.

1. Đức Tin Tưởng Tượng

Đức Tin của một em bè thường thì rất giàu tưởng tượng cho đến khi em lên bảy tuổi. Trí óc các em đầy những hình ảnh về Thiên Chúa, về thế giới và những gì sau đó, nhưng những hình ảnh này đôi khi trái ngược nhau. Thiên Chúa có thể là hình ảnh một ông (nội hay ông ngoại) luôn yêu thương, luôn hiện diện ở đâu đó trên trời, hay có thể là một người cha hay người mẹ quá đòi hỏi dường như không thể làm hài lòng được. Ở giai đoạn này, Đức Tin của một em bé thường thì “lành mạnh” nếu đầu óc các em chứa đầy những hình ảnh tích cực, là những hình ảnh của một thế giới như một nơi thân mật và đón chào các em, và Thiên Chúa như một phụ huynh yêu thương và đáng tin cậy. Điều này đúng cho khi nói về một em bé năm tuổi cho rằng “Thiên Chúa có thể đi vòng quanh thế giới trong một ngày. Và Ngài cũng có thể làm điều xấu cho em!” Nhưng không hiển nhiên lắm khi một em khác nói: “Quỷ đi lên từ lỗ nẻ và bắt em khi em làm điều xấu!”

Những hình ảnh về Thiên Chúa có thể làm cho một em bé sợ hãi, cảm thấy tội lỗi và lo lắng là những điều thật sự nguy hiểm cho Đức Tin ở giai đoạn này. Có một số hình ảnh tàn hại về Thiên Chúa và thế giới có thể tiếp tục ám ảnh các em khi trưởng thành và tạo cho các em một Đức Tin có một khuôn quá tỉ mỉ, lo lắng và bi quan. Nhưng, khi đứa trẻ đạt đến “tuổi biết lý luận” khoảng bảy tuổi, ước ao muốn biết các sự việc thật sự ra sao làm giảm việc các em chỉ lệ thuộc vào trí tưởng tượng. Bây giờ một em bé muốn biết nhiều hơn về thế giới thật sự ra sao và sự vật được sắp đặt thích hợp với nhau thế nào. Đứa trẻ sẵn sàng cho thế giới của những câu truyện và một giai đoạn mới của Đức Tin.

2. Đức Tin Từ Chương

Các trẻ em trong những năm đầu đi học thường rất thích nghe truyện. Cho nên không mấy ngạc nhiên việc học những câu truyện về tôn giáo trong một gia đình hay một nhóm ở nhà thờ cung cấp cho các trẻ em ở tuổi này một hinh ảnh về Thiên Chúa rõ ràng và kiên định hơn. Đặc biệt là các câu truyện về Thánh Kinh vẫn là phương pháp thích hợp cho việc giáo dục về tôn giáo. Tuy nhiên, đối với trẻ em ở tuổi này tất cả mọi câu truyện trong Thánh Kinh đều được hiểu cách từ chương. Thí dụ, câu truyện ông Ađam và bà Evà, ông Noe và trận Đại Hồng Thủy, ông Môsê và Mười Điều Răn, Chúa Giêsu chịu đóng đanh và Thánh Phaolô trở lại tất cả đều được đọc như nhau – như là có thật về cả văn chương lẫn lịch sử. Trong khi Đức Tin từ chương thích hợp với trẻ em ở giai đoạn này, những người lớn mà Đức Tin vẫn còn từ chương trong cuộc đời sau đó đôi khi có thể tỏ ra chống trí thức hoặc không đồng ý với những ý nghĩa sâu xa hơn của Thánh Kinh và của chính đời sống.

Điểm chính yếu về đức tin từ chương là một quan điểm về Thiên Chúa như Đấng thưởng những điều lành và phạt những điều dữ. Người ta cho rằng Thiên Chúa hành động như một phụ huynh yêu và khen chúng ta khi chúng ta ngoan, nhưng cũng sửa trị chúng ta khi chúng ta sai lỗi. Như thế Đức Tin đưa đến việc thương lượng với Thiên Chúa: “Nếu tôi làm điều Thiên Chúa mong muốn tôi làm, tôi có thể trông cậy rằng Ngài sẽ giúp tôi để trả lại”. Tôi nhớ khi còn học tiểu học tôi thường hứa đọc thêm mười kinh Lạy Cha và Kính Mừng nếu Thiên Chúa giúp tôi làm được bài thi hay thắng một trận baseball. Và thường thì được! Thiên Chúa giữ lời! Nhưng dần dần tôi nhận ra tôi không thể luôn luôn đoán được việc của Thiên Chúa và Ngài không đáng tin cậy như tôi nghĩ. Sự đổ vỡ của quan niệm quá từ chương coi Thiên Chúa là vị trọng tài tối cao của hạnh phúc và khốn khổ đưa chúng ta đến một sự hiểu biết mới về Thiên Chúa và một giai đoạn mới của Đức Tin.

Nhưng vẫn có những người lớn sống hầu hết cuộc đời họ bằng một Đức Tin từ chương. Cách đây mấy năm, có một khoa học gia thông thái đã về hưu làm cho tôi ngạc nhiên với ý kiến: “Về phần Đức Tin, tôi thà giữ những gì tôi học được ở lớp ba”. Thật vậy, ông vẫn tiếp tục coi Thiên Chúa như một quan tòa ban phát sự may mắn hay sự rủi ro tùy theo cách cư xử của mỗi người. Nhưng Đức Tin này tỏ ra quá chênh lệch với đời sống của một khoa học gia. Ông ta tiếp tục trách mình vì việc không may xảy ra cho một đứa con trai nghiện rượu và một đứa con gái bị trục trặc về tình cảm. Chắc ông phải làm điều gì sai! Nếu không thì tại sao Thiên Chúa lại để việc ấy xảy ra? Một Đức Tin mọc rễ quá sâu trong việc thương lượng với Thiên Chúa thường hiếm khi tỏ ra đủ để giải quyết những phức tạp của đời sống người lớn.

3. Đức Tin theo Nhóm

Bởi vì theo tự nhiên hầu hết người trẻ thường đánh giá cao tầm quan trọng của tình bạn, nên các em thường coi Thiên Chúa như một Đấng đối xử với các em như một đồng bạn đáng tin cậy. Đồng thời các người trẻ thường có khuynh hướng bắt chước những vị anh hùng mà các em kính phục hoặc những khuôn mặt quyền thế đáng kính. Tầm quan trọng mỗi ngày một gia tăng của các đồng bạn và những vị anh hùng cùng những khuôn mặt có quyền thế đáng quý làm cho Đức Tin trong những năm niên thiếu hay những năm đầu tiên của tuổi trưởng thành rất bị nhóm ảnh hưởng.

Kết quả là một đặc điểm chính của Đức Tin ở giai đoạn này, là nó được hình thành phần lớn bởi những mong muốn, giá trị và những sự hiểu biết của những nhóm quan trọng mà chúng ta thuộc về. Nhóm quan trọng có thể là gia đình, cộng đồng giáo xứ, nhóm bạn bè hay đồng nghiệp. Việc đồng hóa nhiều với một nhóm thường làm cho chúng ta ý thức hơn về những trách nhiệm của cộng đồng. Một người trẻ đã diễn tả khá hay về Đức Tin ở giai đoạn này như sau: “Đức Tin của tôi đã luôn luôn giúp tôi đi đúng đường trong cuộc đời và nhắc nhở cho tôi điều Thiên Chúa mong mỏi nơi tôi”.

Một đặc điểm nữa của Đức Tin ở giai đoạn này là nó vẫn chưa bị các em thắc mắc. Tin tưởng vào quyền bính và sự đáng tin cậy của nhóm làm cho các em không thắc mắc gì cả. Điển hình là lời phát biểu dưới đây trong một cuộc phỏng vấn về Đức Tin: “Cha tôi là một người Công Giáo tốt, đi Lễ hằng ngày, giữ Mười Điều Răn và nói tôi cùng anh tôi cũng làm như thế…. Ông nói rằng mỗi khi chúng tôi thắc mắc phải hành động ra sao, chúng tôi cứ theo đúng giáo huấn của Hội Thánh. Thắc mắc chỉ làm cho chúng tôi gặp khó khăn”.  Trong khi Đức Tin theo nhóm cho chúng ta một sự rõ ràng và kiên định, nó cũng có nguy cơ làm cho người ta không muốn gánh lấy trách nhiệm cá nhân. Đến cực đoan, nó đưa đến một niềm tin mù quáng trong việc bảo vệ nhóm của mình. “Đúng hay sai cũng là quê hương tôi!” “Hội Thánh của tôi là Hội Thánh chân chính!”  Đồng thời cách hành đạo bởi vì “mọi người khác đều làm như thế” cuối cùng trở thành máy móc và không hồn.

Đối với nhiều người trưởng thành, một số kinh nghiệm nào đó sớm hay muộn cũng buộc người ta phải thắc mắc về niềm tin trước kia. Có thể là kinh nghiệm nhìn thấy những ý kiến trái ngược hay xung khắc giữa các vị thầy dạy về tôn giáo, các linh mục hay các giám mục. Hoặc vì không thể chấp nhận hay hiểu một số giáo huấn của Hội Thánh hoặc một sự thay đổi trong cách thực hành của Hội Thánh. Công Đồng Vatican II đã gây ra nhiều thắc mắc cho rất nhiều người Công Giáo. Thắc mắc kiểu này, dù rắc rối cách mấy đi nữa, thường là dấu chỉ của việc phát sinh ra một giai đoạn mới và thách đố hơn về Đức Tin.

4. Đức Tin Cá Nhân

Theo thăm dò của cơ quan Gallup nhắc đến ở trên, ba phần tư người trưởng thành ở Hoa Kỳ bây giờ tin rằng niềm tin được thêm mạnh nhờ thắc mắc về những điều đã tin trước đây. Rõ ràng là nhiều người trưởng thành đang ý thức rằng việc giữ một số niềm tin nào đó hay làm một số thực hành tôn giáo chỉ “vì cha mẹ tôi đã làm, hay thầy cô tôi đã dạy, hoặc các đấng có thẩm quyền trong Hội Thánh bảo tôi phải làm thế, hay những người khác đều làm như thế” là điều không đủ. Một ước muốn chịu trách nhiệm về những điều tôi tin và giá trị mà tôi sống là dấu chỉ một Đức Tin cá nhân (nhưng không riêng tư!) ít lệ thuộc vào những mong ước của nhóm. Sự hiểu biết của tôi về Thiên Chúa giờ đây được uốn nắn nhiều hơn bởi kinh nghiệm của đời sống cá nhân của tôi. Những niềm tin trước kia bây giờ được phân tích và có thể phải thay đổi, canh tân, đào sâu, hoặc nếu thấy sai lầm, thì phải loại bỏ.

Việc chuyển sang một Đức Tin cá nhân “của tôi” này thường hiếm khi xảy ra mà không có một sự căng thẳng hay tranh đấu quan trọng. Thánh Têrêxa thành Avila đã tìm thấy cuộc hành trình riêng của bà từ một Đức Tin theo tập quán qua một Đức Tin có tính cách cá nhân hơn là một kinh nghiệm đau thương. Để diễn tả kinh nghiệm này bà đã viết, “Đôi khi tôi đã bị sự xáo trộn của ý tưởng này đè nén cách khủng khiếp”. Bà đã ghi nhận cách khôn ngoan rằng khi ấy sự hiện diện của những nghi ngờ và thắc mắc có thể đưa người ta đến chỗ cảm thấy rằng mình mất Đức Tin.

Thường thì điều ngược lại cũng đúng. Thiên Chúa có thể hướng dẫn họ tìm hiểu ý nghĩa của niềm tin trước kia của họ. Như trường hợp của một phụ nữ 43 tuổi nói rằng cách đây bốn năm bà thường đi xưng tội ít ra là hai tuần một lần. Bà biết rằng điều đó trở thành một thông lệ đối với bà, nhưng bà không dám bỏ xưng tội vì sợ có điều chẳng lành sẽ xảy ra cho bà. Nhưng nhờ sự lớn mạnh của lòng biết ơn Thiên Chúa vì tình yêu không ngừng Ngài dành cho bà và sẵn sàng tha thứ cho bà, bà đã có can đảm thay đổi thói quen này, Kết quả là như bà nói: “Bây giờ tôi ít đi xưng tội thường xuyên hơn, nhưng dường như việc việc xưng tội có ý nghĩa nhiều hơn đối với tôi”.

Đối với một số người sự chuyển đổi sang Đức Tin cá nhân có nghĩa là họ phải sẵn lòng chịu đựng sự đau khổ phải làm những gì không vừa lòng bạn bè, các phần tử trong gia đình và những nhà lãnh đạo Hội Thánh. Đối với một sinh viên đại học nó có nghĩa là phải chịu bạn bè chế nhạo vì chọn làm theo giá trị Kitô giáo trước những việc thực hành về tính dục của các bạn cùng nội trú trong đại học. Đối với những phụ nữ Công Giáo trẻ nó có nghĩa là mở rộng ý thức của cô về các giáo hội Kitô giáo khác bằng cách tham gia những buổi phụng tự của Tin Lành một thời gian – trong khi làm cho cha mẹ cô lo âu. Đối với những người khác, nó đưa đến tiến trình đau thương trong việc thấy mình không thể chấp nhận một giáo huấn nào đó của Hội Thánh.

Những quyết định như thế có thể là cần thiết nếu người ta muốn phát huy một lương tâm trưởng thành và lãnh nhận trách nhiệm đối với những giá trị mà họ chọn để đi theo. Cách sống đầy Đức Tin giờ đây có nghĩa là chấp nhận rằng ngay cả những luật lệ, phong tục, và hướng dẫn hữu dụng nhất đôi khi cũng giới hạn khả năng của họ trong việc chỉ cho người ta một cách cư xử tốt nhất. Lệ thuộc vào Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương và chúc phúc cho chúng ta bằng hồng ân lý trí con người giờ đây giúp người ta có thể hành động càng ngày càng theo những phán đoán và quyết định ngay thẳng nhất của mình. Tuy nhiên vẫn còn những người tiếp tục đi tìm những câu trả lời cho những vấn nạn phức tạp hơn của cuộc đời thường đưa đến việc khám phá ra một nguồn mạch của sự khôn ngoan đôi khi nằm ngoài cả lý lẽ cá nhân.

5. Đức Tin Thần Bí

Đừng để từ “thần bí” làm bạn trì hoãn. Nó chỉ có nghĩa là hiệp thông với Thiên Chúa. Tiêu chuẩn của giai đoạn đầy đủ này của một Đức Tin trưởng thành không là gì khác hơn một kinh nghiệm mà các nhà thần bí Kitô giáo thường diễn tả – là cảm nghiệm rằng Thiên Chúa đang ngự trong chúng ta. Thánh Phaolô làm chứng cho Đức Tin thần bí này khi ngài nói, “Đời sống mà giờ đây tôi sống không phài của tôi; mà Đức Kitô sống trong tôi” (Galatians 2:20). Ngài mời người khác đến Đức Tin bằng cách nhắc nhở cho họ, “Anh em đang sống trong tinh thần vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em” (Romans 8:9). Đối với hầu hết mọi người ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng này được bắt đầu bằng một ao ước hay một ước muốn mãnh liệt thành một người hoàn hảo hay sống một cuộc đời càng có ý nghĩa càng tốt.

Thomas Merton, tác giả dòng Trappist, đã diễn tả ao ước này bằng những lời sau, “Khi tôi đã tìm thấy con người thật của tôi, tôi đã tìm thấy Thiên Chúa”. Sự khao khát trong lòng để là tất cả những gì mà Thiên Chúa mời gọi người ta thành, dẫn con người ở giai đoạn này đến việc lắng nghe một cách chăm chú hơn những tư tưởng, những cảm giác và những ước muốn sâu xa nhất của mình. Họ bắt đầu nghe theo lời nhắc nhở của Thánh Phaolô rằng Thiên Chúa thường nói với chúng ta qua “những tiếng rên siết trong lòng mà không thể diễn tả bằng lời” (Romans 8:26). Một nữ tu ở tuổi ngũ tuần nhận thức được cái nhìn này của Đức Tin khi chị nói, “Tôi tin rằng bằng cách lắng nghe phần sâu thẳm nhất của tôi thì hoàn toàn giống như nghe Thiên Chúa. Ở điểm đó, chúng tôi là một”.

Ở giai đoạn này ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa ở nội tâm đưa người ta đến việc trở nên ý thức hơn rằng Thiên Chúa cũng ngự trong tha nhân. Kết quả là người ta bắt đầu xem những người với những niềm tin, màu da và chủng tộc khác nhau như anh chị em với nhau. Điển hình là một vị thất tuần đã nói, “Tôi đã học kính trọng bất cứ ai. Tôi có thể ngồi xuống nói chuyện với một người Hồi Giáo hay Do Thái hoặc Ả rập hay bất cứ ai, và nếu họ bắt đầu nói về tôn giáo theo cách của họ, tôi có thể thực sự hoàn toàn thích hợp trí khôn của tôi với của họ, xem trí khôn họ đi về đâu, và hiểu những tư tưởng của họ”. Đối thoại liên tôn giờ đây không còn là một đe dọa mà là một dịp cho những hiểu biết mới. Việc nhận ra tình huynh đệ hay tình tỉ muội của mỗi người cũng làm cho người ta thêm dấn thân trong việc xây dựng hạnh phúc cho tất cả nhân loại.

Chẳng mấy ngạc nhiên khi Đức Tin thần bí có ảnh hưởng mạnh đối với liên hệ của một người với những cơ sở tôn giáo. Ý thức cao về quyền tuyệt đối của Chúa Thánh Thần làm cho người ta ít lệ thuộc hơn vào quyền bính có giới hạn của những nhóm ngưới. Nhửng người trưởng thanh sống một Đức Tin thần bí chân chính khám phá ra một trác1h nhiệm mới để thách đố và cố gắng làm cho chính các cơ chế (giáo hội, chính quyền, các nhóm dân sự) mà họ là phần tử được nên tốt hơn. Tuy nhiên, đôi khi họ cũng khám phá ra rằng họ có thể cần ngay cả một mức độ Đức Tin cao hơn để sống theo những lý tưởng của họ.

6. Đức Tin Hy Sinh

Thỉnh thoảng lịch sử cung cấp cho chúng ta những gương sáng củă những người đẵ đồng cảm quá sức với hạnh phúc của tha nhân và đã dân thân cho những giá trị của chân lý và công lý đến nỗi có khả năng yêu thương vô vị lợi vượt xa hầu hết chúng ta. Chúa Giêsu, ông Ganđi, bà Dorothy Day, TGM Oscar Romero là những gương Đức Tin hy sinh này. Những người như thế biểu lộ một quyết tâm tận gốc và không thay đổi để thực thi Thánh Ý Thiên Chúa mà không nhượng bộ vì quan tâm đến địa vị hay an toàn cá nhân. Trong vài trường hợp lòng sẵn sàng hy sinh mạng sống cho tha nhân đã đưa đến tử vì đạo. Đối với những người ít nổi danh hơn, nó đưa đến một sự hiến thân liên tục để giúp tha nhân lớn lên và thăng tiến xã hội nói chung.

Vở kịch được nhiều người ưa thích của Robert Bolt, Một Người của Mọi Mùa (A Man of All Seasons) trình bày cuộc đời chính trị và cái chết của Thánh Thomas More và miêu tả rất đúng những đặc điểm của một Đức Tin Hy Sinh chân chính. Thánh Thomas More chống lại việc Vua henry VIII tự nhận là thủ lãnh cũa Giáo Hội ở nước Anh và bày tỏ Đức Tin đã làm ngài hứng khởi bằng những lời cuối cùng thời danh, “Tôi chết như một tôi tớ tốt của nhà Vua, nhưng trước hết như một tôi tớ của Thiên Chúa”. Đối với một người có Đức Tin như thế, nhờ làm theo Thánh Ý Thiên Chúa, được phân biệt cách cẩn thận, thì không còn gì để nhượng bộ. Quyết tâm theo những giá trị của chân lý, công lý và đức ái của một người trở nên hoàn toàn hy sinh.

Đức Tin nào đúng cho bạn?

Vậy bạn hay tôi phải có giai đoạn hay mức độ Đức Tin nào? Chúng ta có nên tìm cách đạt được mức độ “cao nhất không”? Tất cả chúng ta có nên hy vọng đạt đến Đức Tin hoàn toàn hy sinh không?  Chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều có khuynh hướng coi đó là một lý tưởng. Nhưng có ai dám cả gan bảo bạn rằng bạn phải ở gai đoạn nào của cuộc hành trình của bạn? Nhất địng rằng bạn phải đạt được mức độ hoàn toàn trưởng thành ngay bây giờ chẳng khác gì cố gắng nắm một nụ hoa mà kéo lên để nó nở hoa hoàn toàn. Một cố gắng như thế phải là tàn bạo và thiếu xây dựng. Và nó coi thường chân lý là mọi sự đều có mùa của nó.

Đức Tin vẫn luôn luôn là quà tặng của Thiên Chúa. Cái mức chính xác mà chúng ta được Thiên Chúa mời gọi đi đến phần lớn tùy thuộc vào những kinh nghiệm của cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ở mỗi bước phát triển của chúng ta, phê chuẩn chúng ta ở mức độ mà chúng ta đang đứng và khi đúng thời sẽ mời chúng ta đến đời sống đầy đủ hơn. Lời mời gọi này có thể đến dưới hình thức không bằng lòng cách dai dẳng với cách stống của chúng ta hoặc qua những sự đè nén không ngừng của những hồ nghi và thắc mắc. Nó có thể được nói lên trong khi chúng ta tìm kiếm những giải pháp tồt đẹp hơn cho những khó khăn trong cuộc đời.

Khi mà chúng ta ý thức hơn rằng Đức Tin phát triển từng bước, chúng ta cũng đi đến những kết luận cụ thể. Thí dụ chúng ta có thể cần phải học kiên nhẫn và nhìn nhận rằng có những điều ngoài tầm kiểm soát của chúng ta: nó có thể chỉ cần thời gian, hay thử đi thử lại, để đi tử giai đoạn này đến giai đoạn khác. Chúng ta cần phải tin tưởng rằng Thiên Chúa ở trong tiến trình lớn lên trong Đức Tin của chúng ta, là một tiến trình thường thì kh mấy bằng phẳng. Cho nên việc chúng ta có thể cảm thấy xung đột, sợ hãi và nghi ngờ hay đương đầu với những câu hỏi hóc búa là điều bình thường. Điều này còn có thể là dấu hiệu báo cho chúng ta phải tìm đến người khác để được giúp đỡ hay hướng dẫn, và đó đã là dấu chỉ của sự tăng trưởng.

Sau cùng, tiến trình từng giai đoạn của Đức Tin dạy chúng ta rằng thay đổi không phải là điều xấu. Đó là chất liệu của đời sống con người, là ý nghĩa của hoán cải, là con đường của Nước Chúa đang đến – giống như hạt cải bé nhỏ, theo mức độ dần dần trở thành một cây lớn. Việc sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, đón nhận lời mời gọi liên tục của Chúa Thánh Thần, có thể là hồng ân của Thiên Chúa mà chúng ta cần nhất.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ