Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha
“Phụng vụ hôm nay đề nghị với chúng ta chương 15, Tin Mừng theo thánh Luca. Chương này nói về lòng thương xót, bao gồm ba dụ ngôn, qua đó Đức Giêsu đáp lại những lời xì xầm của các kinh sư và luật sỹ. Họ chỉ trích Đức Giêsu về những hành động của Ngài. Họ nói: ‘Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng’ (Lc 15, 2). Với ba dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn mọi người hiểu rằng Thiên Chúa Cha muốn dành thái độ đón nhận, cảm thông và thương xót trước hết cho những người tội lỗi. Trong dụ ngôn thứ nhất, Thiên Chúa được miêu tả như vị mục tử sẵn sàng bỏ lại chín mươi chín con chiên để đi tìm con chiên bị lạc mất. Ở dụ ngôn thứ hai, Thiên Chúa được ví với người phụ nữ đánh mất đồng bạc, đã thắp đèn đi tìm cho kỳ được. Với dụ ngôn thứ ba, Thiên Chúa được miêu tả giống như người cha đón nhận và tha thứ cho đứa con hoang đàng bỏ nhà đi xa; hình ảnh người cha đã vén mở trái tim nhân hậu của Thiên Chúa được diễn tả nơi Đức Giêsu.
Điểm chung của cả ba dụ ngôn này là điều được diễn tả ngang qua các động từ có ý nghĩa chung vui với nhau, mở tiệc ăn mừng. Không phải khóc than, buồn sầu nhưng là chung vui với nhau và mở tiệc mừng. Người mục tử đã mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó’ (Lc 15, 6). Người phụ nữ cũng mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất’ (Lc 15, 9). Cũng vậy, người cha nói với đứa con cả: ‘Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’ (Lc 15, 32). Ở hai dụ ngôn đầu, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự vui mừng. Niềm vui ấy lớn đến nỗi khiến cho người ta phải chia sẻ với ‘bạn bè và hàng xóm’. Trong dụ ngôn thứ ba, điểm quan trọng là tiệc mừng. Tiệc mừng ấy xuất phát từ trái tim giầu lòng thương xót của người cha và lan tỏa đến khắp mọi người trong nhà. Tiệc mừng mà Thiên Chúa dành cho những ai biết ăn năn trở lại với Ngài thật am hợp biết bao với tâm tình mà chúng ta đang trải nghiệm trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Chúng ta đều dùng một thuật ngữ chung ‘năm toàn xá’!
Với ba dụ ngôn này, Đức Giêsu trình bày cho chúng ta gương mặt đích thật của Thiên Chúa, là người cha với vòng tay rộng mở, đối xử với kẻ tội lỗi bằng sự dịu hiền và lòng xót thương. Dụ ngôn cảm động nhất, vì diễn tả tình yêu vô biên của Thiên Chúa, là dụ ngôn về người cha chạy ra ôm cổ người con trai bị lạc mất và hôn lấy hôn để. Như vậy, điểm đánh động ở đây không phải là câu chuyện buồn về một chàng thanh nhiên trẻ bị rơi vào cảnh suy đồi, nhưng chính là những lời nói đầy xác quyết của anh: ‘Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha’ (Lc 15, 18). Con đường về nhà là con đường của hy vọng và của một đời sống mới. Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta bắt đầu cuộc hành trình trở về. Ngài đợi chờ chúng ta với niềm hy vọng. Ngài trông thấy ta khi ta còn ở mãi đằng xa. Ngài chạy ra ôm chầm lấy ta, hôn lấy hôn để và sẵn sàng tha thứ hết mọi tội lỗi. Thiên Chúa là như thế đó! Cha của chúng ta đáng yêu như thế đó! Sự tha thứ của Thiên Chúa xóa bỏ quá khứ lầm lỗi và tái sinh chúng ta trong tình yêu. Quên đi quá khứ chính là điểm yếu của Thiên Chúa. Mỗi khi Ngài ôm lấy ta và tha thứ cho ta là Ngài quên hết quá khứ, chẳng còn nhớ gì nữa. Thiên Chúa lãng quên quá khứ lỗi lầm. Khi chúng ta phạm tội nhưng biết ăn năn và trở về với Thiên Chúa, Ngài sẽ chẳng bao giờ quở mắng hay trách phạt, vì Thiên Chúa cứu độ và tái đón nhận ta vào nhà với niềm vui và tiệc mừng. Chính Đức Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay, đã nói: ‘Trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn’ (Lc 15, 7). Tôi muốn hỏi anh chị em một điều: Anh chị em có bao giờ nghĩ rằng mỗi khi chúng ta đi xưng tội là trên trời tràn ngập niềm vui và mở tiệc mừng hay không? Anh chị em có bao giờ nghĩ như thế chưa? Thật là đẹp biết bao!
Điều này mang lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao, vì với ân sủng của Thiên Chúa chúng ta có thể tiếp tục đứng dậy mỗi khi té ngã trước mọi tội lỗi dù tội đó trầm trọng đến mấy đi nữa. Không có ai là hết phương cứu chữa; chẳng có ai mà không được cứu độ! Bởi vì Thiên Chúa không bao giờ ngừng muốn những điều tốt đẹp cho ta, ngay cả khi ta phạm tội! Xin Đức Trinh Nữ Maria, Chốn Náu Nương cho những ai tội lỗi, làm nảy sinh trong tâm hồn chúng ta niềm xác tín giống như đã nảy sinh trong trái tim của người con hoang đàng: ‘Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với cha’ (Lc 15, 18). Bằng cách đó, chúng ta có thể làm vui lòng Thiên Chúa và niềm vui của Ngài sẽ trở thành niềm vui cũng như tiệc mừng của chúng ta.”
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói: “Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện đặc biệt cho Gabon, đang trải qua những giây phút khủng hoảng chính trị trầm trọng. Tôi phó thác vào tay Thiên Chúa toàn năng các nạn nhân của những vụ đụng độ cũng như gia đình của họ. Tôi hiệp lời với các Giám mục của đất nước Phi châu mến yêu để mời gọi các bên chấm dứt mọi hình thức bạo lực và cùng nhau thăng tiến lợi ích chung. Tôi khuyến khích tất cả mọi người xây dựng hòa bình trên tinh thần tôn trọng luật pháp, trong đối thoại và tình huynh đệ.
Hôm nay tại Karaganda, ở Kazakhstan, Giáo hội đã tôn phong chân phước cho linh mục Ladislao Bukowinski. Ngài đã bị sát hại vì đức tin. Trong suốt cuộc đời, cha đã bày tỏ tình yêu dạt dào cho những người yếu đuối và nghèo khổ nhất. Chứng tá của cha là kết tinh của những công việc bác ái về tinh thần cũng như thể xác.”
Tiếp đến, Đức Thánh Cha gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.
Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa nhật tốt lành và Ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho Ngài.
Vũ Đức Anh Phương SJ