Thiên Chúa không phải là người hay rình rập để cài mưu, đặt bẫy con cái mình

91

Bài giáo lý về “Kinh Lạy Cha” của Đức Thánh Cha Phanxicô tại quãng trường thánh Phêrô, sáng thứ tư 1/5/2019.

14. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.

Anh chị em thân mến !

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về “Kinh Lạy Cha” đang tiến dần đến lời cầu khẩn áp chót : “Xin chớ bỏ chúng con cho cám dỗ” (Mt 6,13). Một phiên bản khác ghi rằng: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. “Kinh Lạy Cha” bắt đầu một cách bình lặng: nó khiến chúng ta muốn rằng kế hoạch vĩ đại của Chúa có thể được thực hiện giữa chúng ta. Rồi khi nhìn vào cuộc sống khiến chúng ta cầu xin những gì chúng ta cần mỗi ngày: “lương thực hằng ngày”. Sau đó, kinh nguyện chuyển sang các mối liên hệ giữa các cá nhân với nhau, thường bị hư hoại bởi ích kỷ: chúng ta cầu xin tha thứ và chúng ta cam kết sẽ trao ban sự thứ tha. Nhưng với lời cầu khẩn áp chót này mà cuộc đối thoại của chúng ta với Cha trên trời bước vào điểm quan trọng đầy kịch tính, nghĩa là đi vào vùng đất của sự đối đầu giữa tự do của chúng ta và những âm mưu của kẻ dữ.

Như đã biết, từ ngữ gốc của tiếng Hy Lạp trong các Tin mừng rất khó để giải thích cách chính xác, và tất cả các bản dịch hiện đại đều hơi khập khiễng. Tuy vậy, chúng ta có thể cùng nhau nhất trí về một yếu tố : bất kể bản văn được hiểu như thế nào, chúng ta phải loại trừ việc Thiên Chúa là nhân vật chính của những cám dỗ đang giáng xuống trên lối đi của nhân loại, như thể chính Chúa đang rình rập để cài mưu, đặt bẫy con cái mình. Giải thích theo cách này, trước hết, đi ngược lại với chính bản văn và khác xa với hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta. Chúng ta đừng quên: “Kinh Lạy Cha” bắt đầu bằng từ “Cha”. Và người cha thì không tạo ra những cạm bẫy cho con cái mình. Người Kitô hữu chẳng có gì khiến cho Thiên Chúa phải ghen tị, cạnh tranh với con người, hoặc là Ngài thích đưa con người vào thử thách. Đó là những hình ảnh của các vị thần ngoại giáo. Chúng ta đọc trong thư của Thánh Giacôbê tông đồ: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: “Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ”, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai” (Gc 1,13). Trái lại : Chúa Cha không phải là tác giả của các ác, không có người con nào xin một con cá lại cho nó con rắn (x. Lc 11,11) – như Chúa Giêsu dạy – và khi cái ác xuất hiện trong cuộc sống con người, Ngài chiến đấu bên cạnh họ, để họ có thể được ơn giải thoát. Thiên Chúa luôn chiến đấu vì chúng ta, Ngài không chống lại chúng ta. Ngài là Cha! Chúng đọc “Kinh Lạy Cha” theo nghĩa này.

Hai khoảnh khắc này – thử thách và cám dỗ – đã hiện diện một cách nhiệm mầu trong cuộc đời của chính Chúa Giêsu. Trong kinh nghiệm này, Con Thiên Chúa đã hoàn toàn trở nên anh em của chúng ta, theo cách gần như là một vụ scandal. Và chính những đoạn Tin Mừng này cho chúng ta thấy rằng những lời cầu khẩn khó khăn nhất của “Kinh Lạy Cha”, những lời cầu kết thúc bản kinh, giờ đã được chấp thuận: Thiên Chúa không để chúng ta cô đơn, nhưng trong Chúa Giêsu, Ngài tự mạc khải cho thấy Ngài  là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” cho đến tận cùng. Ngài ở với chúng ta khi ban cho chúng ta sự sống, Ngài ở với chúng ta suốt cuộc đời, trong niềm vui, thử thách, phiền muộn, trong những thất bại, khi chúng ta phạm tội, Ngài vẫn luôn ở với chúng ta vì Ngài là Cha không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Nếu chúng ta bị cám dỗ làm điều ác, từ chối tình huynh đệ với tha nhân và mong muốn quyền bính tuyệt đối trên mọi sự và mọi người, Chúa Giêsu đã chiến đấu chống lại cám dỗ này vì chúng ta: những trang đầu tiên của Tin mừng xác thực điều đó. Ngay sau khi nhận phép rửa từ Gioan, giữa đám đông các tội nhân, Chúa Giêsu lui về sa mạc và bị Satan cám dỗ. Vì vậy, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai với cám dỗ đến từ Satan. Satan đã hiện diện. Nhiều người nói rằng: “Nhưng tại sao lại nói về ma quỷ là thứ cũ quá rồi? Ma quỷ không tồn tại”. Thế nhưng hãy nhìn vào những gì Tin Mừng dạy cho chúng ta : Chúa Giêsu đối đầu với ma quỷ, Ngài bị Satan cám dỗ. Nhưng Chúa Giêsu đẩy lui mọi cám dỗ và chiến thắng nó. Tin Mừng Matthêu có một ghi chú thú vị hầu khép lại cuộc chiến tay đôi giữa Chúa Giêsu và Kẻ thù: “Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người” (4,11)

Ngay cả lúc thử thách đến đỉnh điểm, Thiên Chúa cũng không bỏ mặc chúng ta cô đơn. Khi Chúa Giêsu lui về cầu nguyện ở Giêtsêmani, trái tim Ngài bị xâm chiếm bởi nỗi đau khôn tả – vì vậy Ngài nói với các môn đệ – Ngài đang cảm thấy đơn độc và bị bỏ rơi. Một mình Ngài, với trách nhiệm vác trên vai tất cả tội lỗi của thế gian; một mình Ngài, với nỗi đau khôn tả. Thử thách thật đau đến nỗi xảy ra điều không mong đợi. Chúa Giêsu không bao giờ kêu xin tình yêu vì chính mình, tuy nhiên đêm đó Ngài cảm thấy tâm hồn buồn phiền đến chết, và sau đó Ngài đòi hỏi sự gần gũi của bạn hữu mình: “Các con hãy ở lại đây và hãy tĩnh thức với Thầy” (Mt 26,38). Như chúng ta đã biết, các môn đệ bị đè nặng bởi một cảm giác mê mệt vì sợ hãi, các ông đã ngủ thiếp đi. Trong cơn hấp hối, Thiên Chúa đòi hỏi con người đừng bỏ rơi Ngài, nhưng tiếc thay con người vẫn ngủ. Trái lại trong lúc mà con người trải qua thử thách của mình thì Chúa thức. Trong những thời khắc tồi tệ nhất của cuộc đời chúng ta, trong những lúc đau khổ và lo lắng nhất, Thiên Chúa túc trực bên ta, Ngài chiến đấu với chúng ta, và luôn ở gần chúng ta. Tại sao Ngài làm thế? Vì Ngài là Cha. Vì vậy, chúng ta bắt đầu cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, một người cha không bỏ rơi con mình. Đêm khổ nạn và đấu tranh đó của Chúa Giêsu là dấu ấn cuối cùng của Nhập thể: Thiên Chúa xuống để tìm chúng ta trong vực thẳm và trong đau khổ đang bao trùm lịch sử của chúng ta.

Đó là niềm an ủi của chúng ta trong giờ thử thách: ta biết rằng thung lũng đó, kể từ khi Chúa Giêsu đã băng qua thì không còn hoang vắng nữa nhưng được chúc lành bởi sự hiện diện của Con Thiên Chúa. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Vì vậy lạy Chúa, xin đẩy xa giờ thử thách và cám dỗ này khỏi chúng con. Nhưng khi giờ này đến với chúng con, lạy Cha của chúng con, xin tỏ cho chúng con thấy rằng chúng con không cô đơn. Ngài là Cha. Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Kitô đã vác trên mình gánh nặng của Thập giá. Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Giêsu kêu gọi chúng con cùng vác Thánh giá với Ngài, bằng cách từ bỏ chính mình, tin tưởng vào tình yêu của Cha.

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ