Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha tội cho chúng ta qua các linh mục

62



1_0_748386Chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta; qua chức thừa tác của linh mục Thiên Chúa lại ôm chúng ta trong vòng tay, tái sinh chúng ta và cho phép chúng ta đứng dậy và tiếp tục lộ trình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 70.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20-11-2013 tại quảng trường thánh Phêrô, trong đó có rất nhiều người trẻ. Họ không ngớt reo hò và réo gọi Đức Thánh Cha. Khi Đức Thánh Cha quay qua một bên hơi lâu một chút, thì tín hữu phía bên kia lại réo gọi. Cũng như mọi lần đã có hàng chục trẻ em được các cận vệ bế đưa lên cho Đức Thánh Cha hôn và xoa đầu các em. Đức Thánh Cha đã chào thăm, hôn, vuốt ve an ủi hàng trăm bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi ngồi trên xe lăn.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha tiếp tục khai triển đề tài tha tội, nhưng liên quan tới ”quyền trao chìa khóa”, là biểu tượng kinh thánh Chúa Kitô đã ban cho các Tông Đồ.

Điều cần nhớ trước tiên đó là Chúa Thánh Thần là Tác Nhân của ơn tha tội. Người là nhân vật chính! Trong lần hiện ra đầu tiên với các Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu phục sinh đã thổi hơi trên các ông và nói: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần; các con tha tội cho ai thì người đó sẽ được tha, các con không tha tội cho ai, thì tội sẽ không được tha” (Ga 20,22-23). Đức Thánh Cha giải thích quyền này như sau:

Chúa Giêsu được biến hình trong thân xác Người, từ nay là người mới, cống hiến các ơn phục sinh, hoa trái cái chết và sự phục sinh của Người: và các ơn này là gì? Là hòa bình, niềm vui, ơn tha tội, sứ mệnh truyền giáo và nhất là ơn Thánh Thần, Đấng là suối nguồn của tất cả những điều đó. Tất cả các ơn này đến từ Chúa Thánh Thần. Hơi thở của Chúa Giêsu, được đi kèm bởi các lời, qua đó Người thông truyền Thần Khí, ám chỉ việc thông truyền sự sống, sự sống mới được tái sinh bởi ơn tha tội.

Nhưng trước khi làm cử chỉ thở hơi và trao ban Thần Khí, Chúa Giêsu cho thấy các vết thương trên tay và cạnh sườn Người: các vết thương ấy diễn tả giá của ơn cứu chuộc chúng ta. Chúa Thánh Thần đem đến cho chúng ta ơn tha tội của Thiên Chúa, qua các vết thương của Chúa Giêsu. Các vết thương này mà Người đã muốn duy trì.

Cả trong lúc này nữa, trên trời, Ngài cho Thiên Chúa Cha trông thấy các vết thương qua đó Ngài đã cứu chuộc chúng ta. Và nhờ sức mạnh của các vết thương ấy các tội lỗi của chúng ta được tha thứ. Như vậy Chúa Giêsu đã trao ban sự sống của Người cho sự bình an và niềm vui của chúng ta, cho ơn thánh trong linh hồn, cho ơn tha tội của chúng ta. Và thật là rất đẹp khi nhìn Chúa Giêsu như vậy.

Yếu tố thứ hai là Chúa Giêsu cho các Tông Đồ quyền tha tội. Nhưng mà điều này xảy ra làm sao? Bởi vì thật hơi khó hiểu: làm thế nào một người có thể tha tội. Chúa Giêsu ban quyền. Giáo Hội là nơi gìn giữ quyền chìa khóa tha tội, có thể mở và đóng, tha tội. Thiên Chúa tha tội cho mọi người trong lòng thương xót cao cả của Ngài, nhưng chính Ngài đã muốn rằng những kẻ thuộc về Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài, nhận ơn tha tội qua các thừa tác viên của Cộng đoàn. Qua chức thừa tác tông đồ, lòng xót thương của Thiên Chúa đến với tôi, các tội lỗi của tôi được tha, và niềm vui được ban cho tôi.

Trong cách thế đó Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống sự hòa giải cả trong chiều kích giáo hội, cộng đoàn nữa. Và điều này thật là đẹp! Giáo Hội là thánh nhưng đồng thời cần sám hối, đồng hành với con đường hoán cải của chúng ta trong suốt cuộc sống. Giáo Hội không phải là chủ của quyền tha tội, nhưng dùng chức thừa tác của lòng thương xót và vui mừng vì tất cả những lần có thể cống hiến ơn này của Thiên Chúa.

Rồi Đức Thánh Cha đề cập tới lý do khiến cho nhiều người không hiểu chiều kích giáo hội của ơn tha tội và nói:

Có lẽ biết bao nhiêu người ngày nay không hiểu chiều kích giáo hội của ơn tha tội, bởi vì chủ thuyết cá nhân, khuynh hướng chủ quan luôn thống trị, và kitô hữu chúng ta cũng cảm thấy điều đó. Dĩ nhiên Thiên Chúa tha thứ cho mọi kẻ có tội thống hối một cách cá nhân, nhưng kitô hữu được gắn liền với Chúa Kitô, và Chúa Kitô hiệp nhất với Giáo Hội. Đối với kitô hữu chúng ta, có một ơn hơn nữa và cũng có một dấn thân hơn nữa: một cách khiêm tốn nó đi qua chức thừa tác của Giáo Hội. Chúng ta phải đánh giá cao nó! Nó là một ơn và cũng là sự chữa trị, một che chở và cũng là an ninh mà Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi. Tôi tới với người anh em linh mục và nói: ”Thưa Cha, con đã làm điều này…” ”Nhưng tôi tha tội cho bạn: chính Thiên Chúa tha tội, và tôi xác tín trong lúc đó rằng Thiên Chúa đã tha cho tôi.” Đây là điều thật đẹp! Đó là có được sự chắc chắn mà chúng ta luôn luôn nói: ”Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta. Ngài tha thứ không mệt mỏi!”

Chúng ta phải không mệt mỏi đến xin tha thứ. ”Nhưng thưa Cha, con xấu hổ đi nói tội của con…” Nhưng coi đây, các bà mẹ của chúng ta, các phụ nữ nói rằng đỏ mặt một lần thì tốt hơn là vàng mặt một ngàn lần”. Bạn đỏ mặt một lần, Người tha tội cho bạn, và hãy tiến lên.

Điểm thứ ba, linh mục là dụng cụ của ơn tha tội. Sự tha thứ của Thiên Chúa được ban cho chúng ta trong Giáo Hội, nó được ban cho chúng ta qua chức thừa tác của một người anh em là linh mục; cả linh mục cũng là một người cần đến lòng thương xót như chúng ta, và thực sự trở thành dụng cụ của lòng thương xót, bằng cách trao ban cho chúng ta tình yêu vô hạn của Thiên Chúa.

Cả các linh mục cũng phải xưng tội, cả các Giám Mục nữa: tất cả chúng ta đều là kẻ có tội. Cả Giáo Hoàng cũng xưng tội hai tuần một lần, bởi vì Giáo Hoàng cũng là tội nhân! Và Cha giải tội nghe những điều tôi nói và khuyên nhủ tôi và tha thứ cho tôi, bởi vì chúng ta tất cả đều cần sự tha thứ này.

Đôi khi xảy ra là chúng ta nghe có người cho rằng họ xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa… Đúng, như tôi đã nói, Thiên Chúa luôn luôn lắng nghe bạn, nhưng trong bí tích Hòa Giải Ngài gửi một người anh em đem ơn tha tội đến cho bạn, nhân danh Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nêu bật các thái độ mà linh mục giải tội phải có như sau:

Sự phục vụ mà linh mục cống hiến như thừa tác viên, từ phía Thiên Chúa để tha tội rất tế nhị. Đó là một phục vụ rất tế nhị, và nó đòi hỏi vị linh mục phải có sự bình an trong tim; không xử tệ với các tín hữu, nhưng khiêm tốn, nhân từ, và thương xót; biết gieo vãi hy vọng trong các con tim và nhất là ý thức rằng người anh chị em đến với bí tích Hòa Giải tìm ơn tha thứ, và họ làm điều đó như biết bao người đã tới gần Chúa Giêsu để Ngài chữa lành họ. Vị linh mục không có năng khiếu tinh thần này, thì tốt hơn là không nên ban bí tích này, cho tới khi nào linh mục ấy sửa mình. Các tín hữu có bổn phận? Không, họ có quyền! Chúng ta có quyền, tất cả mọi tín hữu có quyền tìm thấy nơi các linh mục các người phục vụ ơn tha tội của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, như là chi thể của Giáo Hội – tôi xin hỏi – chúng ta có ý thức được vẻ đẹp của ơn mà chính Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta hay không? Chúng ta có cảm thấy niềm vui của sự chữa lành này, của sự chú ý hiền mẫu mà Giáo Hội có đối với chúng ta hay không? Chúng ta có biết đánh giá cao sự chú ý đó với lòng đơn sơ hay không? Chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta; qua chức thừa tác của linh mục Thiên Chúa lại ôm chúng ta trong vòng tay, tái sinh chúng ta và cho phép chúng ta đứng dậy và tiếp tục lộ trình.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau và cầu chúc mọi người có những ngày hành hương Roma tươi vui, bổ ích, giúp trung thành đi theo Chúa.

Ngỏ lời với nhóm các linh mục tuyên úy Ba Lan đặc trách mục vụ cho các người di cư Ba Lan đó đây trên thế giới, Đức Thánh Cha khích lệ các vị nhiệt thành đáp ứng các nhu cầu của họ và phát triển cuộc sống thiêng liêng cho họ. Vì di cư, bởi bất cứ lý do gì, cũng bao gồm các lo âu, vấn đề và nguy hiểm, vì người di cư bị bẻ gẫy với các nguồn gốc lịch sử văn hóa và cả gia đình nữa. Do đó, các linh mục tuyên úy phải giúp họ duy trì đức tin và là chứng nhân trong các xã hội họ sinh sống.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết tháng 11 là tháng kính các đẳng linh hồn. Ngài khuyên mọi người cầu nguyện nhiều cho những người thân yêu và ân nhân đã qua đời, cách trợ giúp tinh thần tốt nhất là xin lễ cầu nguyện cho họ, đặc biệt là những người bị quên lãng nhất.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

RadioVatican