Thiên Chúa ”ghen tuông” bởi vì Ngài là ”Đấng Sáng Thế: Le Créateur!”

47

Thiên Chúa ”ghen tuông” bởi vì Ngài là ”Đấng Sáng Thế: Le Créateur!

Lời dẫn nhập

Có bản dịch (không phải của Công Giáo) dùng các từ ”tức là Đức Chúa Trời kỵ tà” bởi vì, theo tôi, người dịch thấy ngại dùng chữ ”ghen tuông” trong Xuất Hành 20,5. Trước khi viết, ở bài khác, về Thiên Chúa là Tình Yêu, tức cũng là Thiên Chúa ”ghen tuông”, tôi xin mạo muội trình bày về Ngài là Đấng Sáng Thế.

Còn có vô số ”thuộc từ” (qualifiers, modifiers: épithètes, attributs) mà Thiên Chúa dùng để mạc khải về Ngài. Do đó, tôi cũng sẽ tuần tự viết về Ngài ”như thế” ở nhiều bài khác. Hôm nay, xin thử trả lời câu hỏi của một số người:

Tại sao Đấng Tạo Hóa cũng biết ghen tuông?

Lý do 1

Thiên Chúa là Tác GiảNguyên LýNguồn Gốc của mọi loài hữu hình và vô hình (là Thiên Thần) như Kinh Thánh mở đề xác tín:”Ban đầu, Thiên Chúa dựng nên trời và đất.”, như trong I Các Vua 22,19: Ông Mikhagiơhu liền nói: “VÌ THẾ, HÃY NGHE LỜI của Đấng Hằng Hữu! Tôi đã thấy Ðấng Hằng Hữu ngự trên ngai và toàn thể thiên đạo binh đứng CHẦU NGÀI ở hai bên tả hữu.” (x. Giêrêmia 33,22 nói về vũ trụ), và như trong Côlôxê 1,16: ”…VÌ, trong Ngài, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình và vô hình…”

”Dựng nên” (créer) khác với ”biến hóa” (transformer) bởi vì Thiên Chúa là Tác Giả của mọi sự vật hữu hình, còn con người chỉ biết ”sử dụng” sự vật (mà Thiên Chúa đã làm sẵn) để ”biến chế” ra vật dụng nào đó, chẳng hạn: Con người ”kiếm vàng, lọc vàng” để làm nữ trang, chứ không thể ”tự làm ra” vàng được. Nhà bác học Archimède không ”tạo ra” sức đẩy của nước, nhưng chỉ khám phá được ”định luật” ấy do Thiên Chúa làm nên. Như vậy, Thiên Chúa tạo ra mọi loài ”từ hư vô” (ex nihilo: à partir de rien; from nothing; aus dem Nichts / aus nichts), còn thiên thần hay thiên hạ cũng không thể làm ra được hạt cát nào!

Miệng thường nói: ”Đầu đội Trời; chân đạp đất!”, nhưng tôi lại dùng ”cái đầu” giống ”Hình Ảnh Thiên Chúa” để LẠY ”ông địa”, chẳng thèm THỜ ”Ông Trời”! Cho nên Thiên Chúa ”buồn tôi vô cùng”! Giới Răn thứ nhất cho biết ”nỗi buồn của Thiên Chúa” tức là ”Thần-Tính-ghen-tuông-của-Ngài” do việc tôi không tuân giữ Giới Răn tối thượng là: ”Con chớ quì lạy trước các hình tượng đó và đừng phụng thờ chúng: vì Ta là Đấng Hằng Hữu, Thiên Chúa của con, tức là Thiên Chúa ghen tuông.”(Xuất hành, 20,5)

Lý do 2

Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng (Le Tout-Puissant) nên Tiên Tri Giêrêmia (32,17) thưa với Ngài: “Lạy Đấng Hằng Hữu, này Ngài đã tạo thành trời và đất bằng sức mạnh vĩ đại và cánh tay uy quyền của Ngài. Không có gì mà Ngài không làm được!”Sách Tông Đồ Công Vụ cũng thuật lại việc NHỜ ”bàn tay” Thiên Chúa Toàn Năng mà Phaolô chữa lành anh kia bị què từ khi lọt lòng mẹ. Cho nên đám đông la lên: “Thần linh mặc lốt người phàm, đã xuống với chúng ta!” Họ gọi ông Banaba là thần Zeus, ông Phaolô là thần Hermes. Còn thầy tư tế thờ thần Zeus thì đem bò và vòng hoa đến trước cổng thành và cùng với đám đông muốn dâng lễ tế. Nghe được chuyện ấy, hai tông đồ Banaba và Phaolô xé áo mình ra, xông vào đám đông và la lên: “Hỡi các người, các người làm gì thế này? Chúng tôi đây cũng chỉ là phàm nhân, cùng thân phận với các người. Chúng tôi loan Tin Mừng cho các người, hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Ðấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó.” (x. Công Vụ 4,24)

Vậy, thử hỏi: Tôi không tôn vinh, chẳng tôn thờ Quyền Năng của Thiên Chúa, mà lại đi ”thờ lạy” người phàm như Phaolô và Banaba thì Ngài có ”buồn tôi” không? ”Thiên Chúa buồn lòng” ấy là Thiên Chúa ”ghen tuông chí tìnhchí lý”, thế thôi!

Lý do 3

Thiên Chúa là Lời như xác tín trong Tin Mừng theo Thánh Gioan: ”và Lời là Thiên Chúa… Mọi sự đã nhờ Lời mà thành vàkhông Lời thì không gì được thành sự…Lời ở giữa thế gian, và thế gian nhờ Lời mà có.” (Gn, 1,1-10), và như trong Thánh Vịnh 33,6-9: ”Lời của Chúa làm ra chín tầng trời, hơi thở của Ngài tạo thành muôn tinh tú. Vì Ngài đã phán và muôn loài xuất hiện, Ngài ra lệnh, tất cả được dựng nên.” (x. S. Thế 1,3; Kh.h 4,11; Do-th. 11,3)

Vậy, thử hỏi: Thiên Chúa là Lời, là ”Emmanuel: Thiên Chúa ở giữa chúng ta” như xác tín của Thánh Gioan: ”Lời đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Ngài.” (Gn 1,11), mà lại tôn thờ ”triết gia này, chủ nghĩa kia, tiên tri nọ” thì Thiên Chúa có ”đau lòng” không? ”Nỗi-đau-nhìn-thiên-hạ-vô-ơn”, ấy là sự ”ghen tuông” của Thiên Chúa, chứ còn nỗi đau nào da diết hơn?

Lý do 4

Thiên Chúa là sự sống như trong Sáng Thế Ký 1,26: “Ta (1hãy làm ra con người theo hình ảnh của Ta, giống như Ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” Tuy nhiên, vì Satan (thiên thần sa ngã), qua Adam-Eva, tội lỗi đã đi vào ”gia đình nhân loại” để gây thêm vô số tội khác, con người vẫn SỐNG, nhưng CHẾT về mặt tâm linh, hay nói cách khác là họ bị ”Hoàng Tử bóng tối, Hoàng Tử sự chết”, cũng là Satan, đè đầu! Cho nên Thiên Chúa Cứu Chuộc, tức là Giêsu, đã ”xuống thế làm người thấp hèn nhất” để gánh tội trần gian, chết thay cho trần gian. Và Ngài đã sống lại từ cõi chết, tức là chiến thắng Tử Thần, đè đầu Satan để ”những-ai-đang-sống-mà-tin-vào-Ngài” cũng được sống lại với Ngài trong Ơn Thánh như trong Tin Mừng theo Thánh Gioan (1,12): ”Còn những ai đón nhận, tức là tin vào Danh Ngài thì được Ngài ban cho quyền trở nên con cái của Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể hay của người đàn ông, nhưng bởi Thiên Chúa.” Và, khi lìa cõi tạm, họ được sống ở Cõi Vĩnh Hằng để ngắm Thánh Nhan Thiên Chúa Hằng Sống.

Nhưng, hôm nay, biết bao nhiêu người chưa tin vào Lời Hằng Sống (2), lại còn ”ghét cay, ghét đắng” Chúa Giêsu như trong Tân Ước:

”Thật, tôi bảo thật các ông: Ai tuân giữ LỜI TÔI thì sẽ không bao giờ phải CHẾT.” Người Dothái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời Tôi thì sẽ không bao giờ phải chết.” Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Ông ấy đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai?” Chúa Giêsu đáp: “Nếu Tôi tôn vinh chính mình thì vinh quang của Tôi chẳng là gì cả. Ðấng tôn vinh Tôi chính là Cha Tôi, mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Ngài; còn Tôi, Tôi biết Ngài. Nếu Tôi nói rằng Tôi không biết Ngài thì Tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng Tôi biết Ngài và giữ lời Ngài. Abraham, là cha các ông, đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy NGÀY CỦA TÔI. Ông ĐÃ thấy và ĐÃ mừng rỡ.” Người Dothái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Abraham!” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Tôi bảo thật các ông: Tôi Hằng Hữu trước khi có Abraham.” Họ liền lượm đá để ném Ngài. Nhưng Chúa Giêsu lánh đi và ra khỏi Ðền Thờ.” (Gioan 8, 51-9)

Thật đáng tiếc rằng ”Dân Chúa chọn” trong Cựu Ước, là ”Anh Cả của Đức Tin”, lại không đón nhận Giêsu là ”Con Thiên Chúa”, mà còn chờ ”Đấng Cứu Thế làm Vua của họ”! Cho nên, Trong Tân Ước, Thánh Matthêô (8,51-59) tường thuật ”cảnh Chúa Giêsu bị lãnh án tử hình” như sau:

”Họ càng la to: “Ðóng đinh nó vào thập giá!” Tổng trấn Philatô thấy đã chẳng được ích gì, mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông và nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy!” Toàn dân đáp lại: “Máu hắn sẽ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Baraba cho họ; còn Giêsu, thì sau khi truyền đánh đòn, ông trao Ngài cho họ để họ đóng đinh Ngài vào thập giá.”

Ngày nay, dù chấp nhận Tân Ước, dù đọc các câu: ”Cha Ta với Ta là một. Ai thấy Ta là thấy Cha. Ta hằng hữu. Giêsu là Con Thiên Chúa….”, giáo phái ”nọ” cũng không tin Giêsu là Thiên Chúa như Cha Ngài!!!

Lời kết

”Thần-Tính-ghen-tuông-của-Thiên-Chúa” thật cao siêu, mầu nhiệm, đúng là ”mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” bởi vì Philatô đã ra lệnh gắn vào thập giá tấm bảng ghi hàng chữ: “Giêsu Nadarét, Vua dân Dothái!” bằng tiếng Hipri, Hilạp và Latinh cụ thể là: IESUS NAZARENUS REX IUDEORUM, mà, ngày nay, được Giáo Hội cho ghi vắn tắt thành: INRI. (3)

Giêsu là Lời (trong Cha) làm nên vũ trụ, là Tác Giả của Chương Trình TÂN SÁNG THẾ, mà Đỉnh Cao là Sự Phục Sinh của Ngài.

– – –

Ghi chú:

1- Bài khác sẽ nói về ”Một Thiên Chúa Duy Nhất”, nhưng Ba Ngôi.

2- Chúa Giêsu phán với Macta, em gái của Ladarô mà Ngài sẽ cho sống lại, ra khỏi mồ trước sự ngỡ ngàng của mọi người: ”Ta là sự sống lại và là sự sống.” (Gn 11,25) và với người Dothái: ”Ta là Bánh sự sống.” (Gn 6,35)

3- Tiếng Latinh không có mẫu tự ”J, j”. Tuy nhiên, trong Thánh Ca bằng tiếng Latinh, Giáo Hội vẫn dùng J,j, ví dụ: ”judicare” thay vì ”iudicare”. Các thượng tế Dothái xin Philatô đừng viết: ”Vua Dothái” ở tấm bảng. Nhưng họ đã ”thua” Thiên Chúa ”ghen tuông” như đã trình bày.

Đức Quốc, 24.4.2013

Đaminh Phan văn Phước