Thiên Chúa dựng nên con người, Ngài ban cho họ mỗi người có một khả năng khác nhau. Như vậy, Ngài muốn tạo nên sự phong phú nhân sinh hay chỉ là sự ích kỷ của chính Ngài?
Câu trả lời chắc chắn rằng: Ngài ban cho mỗi người một nén bạc khác nhau, không phải vì sự ích kỷ của chính Ngài, nhưng là vì yêu thương nhân loại này. Nếu như Ngài là một vị Thiên Chúa ích kỷ, thì có lẽ con người chúng ta không có sự hiện hữu trên thế gian này. Điều kỳ diệu trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa đó là: trên thế giới này có hơn bảy tỉ người, nhưng chúng ta không tìm ra được một người nào đó hoàn toàn giống bản thân mình. Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, khi bạn thức dậy, bạn thấy tất cả mọi người đều giống nhau như một bản sao, cuộc sống này sẽ trở nên như thế nào? Khi tất cả mọi người đều mang những khiếm khuyết giống nhau, thì lấy gì để bổ túc cho nhau? vì chúng ta không phải là những con người hoàn hảo. Thiết nghĩ rằng, nếu Thiên Chúa là một Thiên Chúa ích kỷ, có lẽ Ngài sẽ tạo nên chúng ta giống nhau như một bản sao sẽ dễ dàng hơn là tạo nên từng người với những điểm khác biệt.
Sự công bằng của Thiên Chúa khác với những gì mà con người chúng ta quan niệm, vì “Trời cao hơn đất chừng nào, thì tư tưởng của ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy”. Đừng lấy những quan niệm hạn hẹp của chúng ta để làm thước đo cho Thiên Chúa. Sự công bằng của Thiên Chúa không phải là một sự cào bằng, nhưng là Người biết mỗi người đang cần gì và khả năng của họ đến đâu, Người sẽ ban cho họ những gì Người thấy là tốt đẹp và vừa sức với họ nhất.
Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa ích kỷ khi họ không có được những gì họ muốn, hay khi so sánh bản thân mình với người khác, họ thấy mình không có được những khả năng như người ta và họ đâm ra tự ti, mặc cảm, ghen tương. Thường thì chúng ta hay quan niệm rằng “nén bạc” là những “tài năng”. Nhưng, tôi nghĩ rằng nén bạc thì nhiều hơn thế, nén bạc là tất cả những gì mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Hãy nhìn lại toàn bộ con người chúng ta, có gì mà chúng ta tự tạo ra được cho mình mà không bởi Chúa ban? Ngay cả sự hiện hữu của chúng ta cũng không đến từ ý muốn từ bản thân của mỗi người, nhưng đến từ ý muốn và tình yêu của Thiên Chúa. Như vậy, nén bạc của chúng ta là tất cả những gì chúng ta được nhận lãnh, tất cả những gì chúng ta “có” và chúng ta “là”. Đừng đóng khung cái nhìn của chúng ta vào tài năng của người khác, đừng lấy giá trị của người khác làm thước đo cho giá trị của bản thân mình. Hãy nhìn vào chính bản thân, được sinh ra với một cơ thể lành lặn – đó là nén bạc, có một trí khôn, một khả năng phân định, chọn lựa điều đúng – đó là nén bạc; có một trái tim biết chia sẻ – đó là nén bạc; được sống lâu hơn người khác dù chỉ một phút, một giây – đó là nén bạc… Còn rất rất nhiều nén bạc mà chúng ta được nhận lãnh nhưng không từ Thiên Chúa, dù ta có ý thức hay không ý thức về điều đó. Như vậy, vấn đề đặt ra là không phải Thiên Chúa ban cho tôi bao nhiêu nén bạc, mà là tôi đã sử dụng chúng như thế nào, tôi có làm sinh lời những nén bạc ấy hay không?
Trong cuốn sách “Đức tin của tôi như một câu chuyện” Cha Henri J.M Nouwen đã chia sẻ kinh nghiệm mình được biến đổi như thế nào, khi Cha được sống và chia sẻ với những người khuyết tật tinh thần, đặc biệt là qua Adam – người bạn thân của Cha. Nhìn theo cách nhìn thực dụng của xã hội thì Adam chẳng làm được gì, nếu không nói là gánh nặng cho xã hội, khi anh bị khuyết tật tinh thần nặng và mọi sinh hoạt của anh phải lệ thuộc vào người khác. Tuy nhiên, khi sống gần anh, những người tiếp xúc với anh đã được biến đổi. Adam đã chẳng làm gì nhiều hơn là sự hiện diện giữa cộng đoàn với tất cả con người của mình. Adam đã sống trọn ơn gọi của mình, anh không làm được những việc cao siêu hay để lại những công trình vĩ đại cho người đời ca tụng, nhưng bằng chính sự hiện diện của mình, anh đã làm thay đổi những người bên cạnh, qua anh, họ nhận ra mình được Chúa yêu và biết trân quý hơn những gì mình đang có. Mẹ Têrêxa Calcutta đã cảnh giác thế giới “Căn bệnh to lớn trên thế giới hôm nay là cảm thấy mình thừa thãi như Lagiarô trước cửa nhà ông phú hộ”. Quả vậy, trong chúng ta còn có những người luôn than trách số phận của mình. Họ không nhận ra những khả năng, những giá trị của bản thân mình, họ trượt dài trong sự chán nản, họ nghĩ mình sinh ra trong một “ngôi sao xấu”. Và, cứ như thế họ để từng ngày trong cuộc đời của mình trôi qua một cách vô ích. Những người đó, họ đang làm lãng phí và chôn vùi khả năng mà Thiên Chúa ban cho họ.
Thiên Chúa dựng nên chúng ta, ban cho chúng ta có những khả năng, không nhằm mục đích để cho chúng ta vun vén cho bản thân mình, nhưng là để chúng ta dùng những khả năng ấy mà làm sinh ích lợi cho bản thân mình và cho người khác. Thiên Chúa ban cho chúng ta mỗi người một khả năng khác nhau để chúng ta bù đắp, hỗ tương lẫn nhau, từ đó xây dựng một cộng đồng nhân loại yêu thương. Trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, thánh Phaolo đã viết “có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ ra nơi mỗi người mỗi cách là vì lợi ích chung” (1Cr 12,4-7). Như vậy, mỗi người tùy khả năng khác nhau mà góp phần mình vào cuộc sống cộng đoàn. Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta “làm được bao nhiêu” nhưng Người quan tâm chúng ta đã “làm như thế nào”, một người có thể làm được những công trình to lớn, nhưng việc đó sẽ chẳng có ích gì nếu người ấy làm không vì lòng mến mà nhằm một mục đích nào khác. Trái lại, một người dù chỉ làm một việc rất nhỏ nhưng làm vì lòng mến thì việc ấy dù nhỏ cũng trở nên to lớn trước mặt Thiên Chúa.
Thiên Chúa dựng nên con người và ban cho họ mỗi người một khả năng khác nhau, không phải vì Người ích kỷ hay thiên vị ai, nhưng là để tạo ra sự phong phú nhân sinh cho nhân loại. Như vậy, mỗi người chúng ta hãy khám phá ra khả năng của chính mình và dùng khả năng ấy làm sinh lợi cho chính mình và cho người khác.
Anna Nguyễn Lan, Tiền tập sinh MTG Thủ Đức.