Theo tiếng gọi của Trời cao

64

Theo tiếng gọi của Trời cao


 

1Ngày trước, những người vào sống trong nhà Dòng,Tu viện hay chủng viện, được gọi là những người đi tu, những người nhà Đức Chúa Trời.

Ngày nay, họ được gọi là những người chọn nếp sống đời tu trì tận hiến.

Danh xưng gọi họ có khác nhau, nhưng nội dung vẫn như nhau. Vì họ là những người nghe theo tiếng Chúa kêu gọi ra đi sống làm việc tinh thần đạo giáo, việc của Chúa, việc do Giáo Hội trao.

1. Họ là ai và làm gì?

Họ là những con người như bao con người được Chúa tạo thành với thân xác, trí tuệ tinh thần, thần kinh cảm giác cùng ý chí lòng muốn.

Họ là những người đã lãnh nhận làn nước Bí Tích Rửa tội.

Họ là những người có cả sở trường và sở đoản, mặt sáng và mặt có bóng tối che khuất, mặt mạnh và mặt yếu. Họ có những điều làm đúng, và cũng có điều sai trái.

Họ có niềm vui, nụ cười, và cũng có cả nỗi buồn phiền đau khổ cùng dòng nước mắt.

Họ đứng thẳng đi bằng đôi chân. Nhưng cũng có lúc ngã qụy nằm ẹp xuống nền mặt đất.

Họ có khả năng suy nghĩ, có trí nhớ, óc tưởng tượng. Nhưng cũng có giai đoạn quên, có lúc không thể suy nghĩ sâu rộng hay lâu dài được nữa.

Họ có trái tim biết yêu và được yêu mến qúi chuộng. Nhưng họ hướng nguồn tình yêu của trái tim mình theo hướng cao thượng dành cho Thiên Chúa và mọi người, chứ không cho riêng mình cùng cho riêng một ai.

Họ là những con người mong muốn vươn lên, muốn tiến tới phía đàng trước. Nhưng họ phải chấp nhận giới hạn về thể xác lẫn tinh thần trí tuệ của mình như bao con người khác.

Việc sống đời hy sinh cầu nguyện là việc quan trọng đời sống tu trì. Nhưng không phải chỉ có thế. Đời sống của họ phải làm sao chiếu tỏ niềm vui, niềm hy vọng là nhân chứng cùng rao truyền phúc âm của Chúa nữa cho con người giữa lòng xã hội.

Đức nguyên thánh cha Benedicto XVI. đã có suy tư về nếp sống ơn Kêu Gọi:

„Linh mục và tu sĩ được mời gọi để trao ban chính mình một cách vô điều kiện cho Dân Thiên Chúa, trong một sự phục vụ yêu thương cho Tin Mừng và Giáo hội, với niềm xác tín vào niềm hy vọng vốn chỉ có thể đến từ một sự mở ra đối với Thiên Chúa. Do đó, ngang qua những chứng tá về đức tin và lòng nhiệt thành tông đồ, họ có thể thông truyền, đặc biệt với các thế hệ trẻ, một khao khát mạnh mẽ để quảng đại và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô, Đấng mời gọi họ bước theo Ngài một cách gần gũi hơn.

Khi một người môn đệ của Đức Giêsu chấp nhận lời mời gọi thần linh để dâng hiến chính mình trong đời sống linh mục hay tu trì, chúng ta chứng kiến một hoa trái chín mùi nhất của cộng đoàn Kitô hữu, giúp chúng ta nhìn vào tương lai của Giáo Hội và sứ mạng rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội trong niềm tin tưởng và hy vọng.

Điều này đòi hỏi cần có những người thợ gặt mới để công bố Tin Mừng, để cử hành Thánh Lễ và bí Tích Hòa Giải.

Vì thế, không thể thiếu những linh mục nhiệt thành, những người luôn ở bên người trẻ với tư cách là “những người bạn đồng hành”, giúp đỡ họ, trong bước đường đời đầy khó khăn và cam go, nhận ra Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (xem Ga 14,6).

Các linh mục cũng là người nói cho người trẻ về lòng can đảm của Tin Mừng, về vẻ đẹp của việc phục vụ Thiên Chúa, cộng đoàn Kitô hữu và anh chị em của mình! Các linh mục là hiện thân của hoa trái phát sinh từ một sự dấn thân nhiệt thành vốn trao ban ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của họ, vì đời sống này được đặt nền tảng trên niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x. Ga 4,19).“ ( Sứ điệp ngày cầu nguyện cho Ơn Kêu Gọi 2013)

Dẫu vậy, đời sống tu trì ở mỗi hoàn cảnh xã hội nền văn hóa có nhiều khác biệt cùng thách đố đòi hỏi.

2. Những thách đố đòi hỏi

Nhiều người nghĩ rằng đi tu chỉ chuyên chăm lo việc cầu nguyện không phải lo toan đến sự đời, đến miếng cơm manh áo.

Suy nghĩ này có phần nào đúng. Nhưng nếu chỉ có thế thì đời tu trì nhàm chán một chiều , và có nguy cơ sinh ra tự mãn dậm chân tại chỗ !

Không, không, không hẳn chỉ có thế, như suy nghĩ tin tưởng. Trái lại, những người chọn nếp sống tu trì cũng không thoát khỏi vòng bị thách đố đòi hỏi.

Đức đương kim Thánh Cha Phanxico đã có nhận xét chính xác về điều này:

“ Khi Giáo Hội không ra khỏi chính mình để phúc âm hóa, Giáo Hội trở nên “quị ngã” và sau đó bị nhuốm bệnh (x. người đàn bà còng lưng trong Tin Mừng). Những điều xấu xa theo thời gian xảy ra trong thể chế Giáo Hội có nguồn gốc từ sự qui ngã và một thứ “tự yêu mình” (theological narcissism). 

Trong sách Khải Huyền, Đức Giêsu nói rằng Ngài đứng ở cửa và gõ. Rõ ràng bản văn liên hệ tới việc Ngài gõ cửa từ bên ngoài để vào bên trong, nhưng tôi nghĩ về những lần Đức Giêsu gõ cửa từ bên trong để chúng ta cho Ngài đi ra bên ngoài. Giáo Hội quị ngã giữ Đức Giêsu bên trong mình và không để Ngài đi ra ngoài.“ (26.03.2013)

Thách thức đòi buộc người tu trì phải sống dấn thân đi đến với con người trong đời sống xã hội.

Đến với con người trong xã hội đòi hỏi phải có sự hiểu biết căn bản về trình độ văn hóa của con người thời đại ở nơi đất nước địa phương. Việc này thúc bách họ phải học hành cập nhật hóa với mức đà tiến bộ của xã hội. Tiến trình này nằm trong khuôn khổ hội nhập văn hóa.

Đời sống tu trì ngày hôm nay, trừ Dòng khổ tu đời sống chiêm niệm ra, không chỉ hoàn toàn thu gọn trong nhà thờ, trong văn phòng, trong thư viện khu vực nhà xung quanh vây rào kín. Trái lại họ phải ra đi tiếp xúc làm việc ngoài xã hội công cộng.

Đi ra dấn thân vào lòng xã hội là việc tốt cùng cần thiết. Nhưng có nguy cơ bị lôi kéo xao lãng nới lỏng nếp sống tu trì. Đây là thách đố lớn cho họ. Vì thế, họ phải làm sao giữ được mức thăng bằng quân bình trung thành với nếp sống đời tu trì và đừng quên dấn thân cho con người trong xã hội; giữa nếp sống đạo đức thiêng liêng và nếp sống nhân bản.

Họ ra đi làm việ chiện diện cùng đồng hành giữa con người là nhân chứng cho Chúa giữa lòng thế giới.

Là con người với thất tình – hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục – luân chuyển sẵn trong máu mủ, nên họ cũng bị thử thách cám dỗ. Đây cũng là những thách đố bắt họ phải chiến đấu với chính mình để lựa chọn. Thách đố cám dỗ này luôn có trong suốt dọc đời sống mỗi người, nó không trừ ai.

Thách đố đòi hỏi nữa là họ phải tuân giữ kỷ luật đời tu trì suốt đời. Sự hy sinh từ bỏ nếp sống riêng của mình lúc thuở ban đầu thì dễ. Nhưng càng về lâu dài càng có nhiều suy nghĩ cám dỗ khó khăn đặt thêm ra.

Thách đố đòi hỏi không hẳn là điều gì tiêu cực làm chùng lòng nản chí. Nhưng trái lại, là đà thúc đẩy cho cố gắng sống vươn lên, là dịp cơ hội cho suy tư đổi mới lại cung cách sống.

Và trong trung tâm căn bản tiếng gọi theo nếp sống tu trì còn ẩn chứa điều gì thánh thiêng hấp dẫn lôi kéo con người nữa.
3. Nghe theo tiếng gọi

Ngày xưa Chúa Giêsu đi dọc bờ hồ Gagileo lên tiếng kêu gọi các Ông Phero, Anrê, Gioan : „Hãy theo Ta!“. Họ nghe tiếng Chúa gọi qua đôi tai và đi theo Ngài

Nhưng sau các Tông đồ, Chúa không kêu gọi những người theo Chúa bằng âm thanh tiếng nói nghe được bằng tai.

Tiếng Chúa kêu gọi không phát ra bằng âm thanh. Nhưng là lời thầm trong tâm hồn người được gọi. Và họ nghe tiếng Gọi đó bằng cảm nhận của trái tim lòng yêu mến.

Ơn Kêu Gọi theo Chúa là một ân huệ đặc biệt của Trời cao nói vào trong tâm hồn người được kêu gọi.

Đức nguyên thánh Cha Benedictô XVI. đã có suy tư xác tín về ơn kêu gọi:

“ Con người không thể tự mình tìm ra Ơn Kêu gọi Linh mục. Họ cũng không thể vẽ nghĩ ra ơn Kêu gọi như một thể loại cách thế sinh sống kiếm đạt được cho đời sống mình.

Người ta cũng không thể đơn giản tự mình chọn ơn kêu gọi là điều gì chắc chắn bảo đảm, sự đùm bọc.

Ơn Kêu gọi không là sự đùm bọc riêng, sự chọn riêng. Ơn Gọi linh mục tự con người không thể ban cho mình được, cũng không thể tự tìm kiếm ra được.

Ơn Kêu Gọi chỉ có thể là câu trả lời cho ý muốn của Người kêu gọi và cho lời kêu gọi của Người mà thôi.“

****************

Mẹ Thánh Terexa Calcutta nói về ơn Kêu Gọi của mình:

“Theo huyết thống tôi là người Albani.
Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ.
Theo đức tin, tôi là một nữ tu công giáo.
Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian.
Theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu”

Những người chọn cuộc sống đời tu trì tận hiến xưa nay chắc cũng có tâm tình tương tự như Mẹ Thánh Terexa:

“Theo máu mủ mầu da chủng tộc cùng nơi sinh, tôi là người Việtnam, người Đức, người Pháp, người Hoa Kỳ, người Ý…..
Trên giấy tờ căn cước thông hành tôi có quốc tịch Việtnam, Mỹ, Pháp, Đức, Anh…..
Theo đức tin đạo giáo tôi là người tín hữu Chúa Kitô.
Tôi sống dân thân làm việc theo tiếng kêu Gọi của Thiên Chúa trong khu vườn của Chúa nơi Hội Thánh Công giáo trên trần gian với phận vụ là Tu Sỹ, là Phó Tế, là Linh mục…giữa dòng sông xã hội trần thế.
Là con người, tôi hằng ghi nhớ công ơn cha mẹ tôi đã sinh thành dưỡng dục, uốn nắn đức tin và tình yêu đời tôi.
Thiên Chúa là niềm vui, niềm hy vọng cùng sức mạnh đời tôi.
Ngài là khởi đầu và cùng đích đời tôi.”

Ngày thế giới cầu nguyện cho Ơn Kêu Gọi, 21.04.2013

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long