Dưới đây là những cách giúp bạn có thể vui vẻ với những tình bạn thật sự trong một thế giới ảo:
– Hãy thiết lập tình bạn với Chúa trước tiên. Thường xuyên liên lạc với Chúa, nguồn của mọi tình yêu, sẽ giúp bạn trở thành người bạn tốt nhất có thể đối với những người khác. Hãy nhìn Chúa Giêsu như hình mẫu lý tưởng để bạn có thể trở thành một người bạn – một người yêu người khác vô điều kiện và sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần. Hãy để cho tình bạn giữa bạn với Chúa thông qua Chúa Giêsu là nền tảng cho tình bạn giữa bạn với những người khác.
– Tập trung chú ý đến những đặc điểm của một tình bạn tốt. Những đức tính để hình thành nên tình bạn tốt luôn bất biến theo thời gian: trung thành, yêu thương, tôn trọng, cảm thông và thông hiểu. Hãy xem những đức tính này như là mục tiêu khi xây dựng tình bạn với những người bạn giao tiếp trong thế giới ảo. Hãy chú ý đến tính sâu sắc của tình bạn chứ không phải kiểu công nghệ nào bạn sử dụng để nối kết với nhau.
– Hãy đánh giá lại những tình bạn hiện tại bạn đang có. Bạn có được nhiều những người bạn thân như bạn muốn không? Những tình bạn của bạn là tốt đẹp hay trong tình trạng xấu, và tại sao? Những tình bạn mà bạn đang có có giúp đỡ bạn cùng những người bạn của bạn phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Chúa không? Bạn có là người bạn tốt của người khác hầu như mọi lúc không? Nếu không, những thách thức gì đang đe doạ mục tiêu có được tình bạn tốt đẹp mà bạn đặt ra (không có đủ thời gian rảnh, dễ bị tổn thương bởi người khác…)?
– Hãy cầu nguyện xin ơn khôn ngoan. Xin Chúa chỉ cho bạn biết Ngài muốn bạn đầu tư thế nào để những tình bạn của bạn tốt đẹp hơn, chẳng hạn như: nên dành bao nhiêu thời gian cho những người bạn ở xa và chỉ có thể liên lạc thông qua những phương tiện công nghệ và dành bao nhiêu thời gian để đi thăm những người bạn có thể gặp mặt trực tiếp. Hãy cầu nguyện để hiểu rõ những mục đích của Thiên Chúa đối với từng mối quan hệ bạn bè của bạn, và biết những bước bạn phải thực hiện để hoàn thành những mục tiêu ấy.
– Chú ý đến nội dung trước tiên và sau đó mới là công nghệ. Điều quan trọng nhất chính là thông điệp bạn muốn gửi đến những người bạn chứ không phải kiểu phương tiện công nghệ nào bạn sử dụng để chuyển những thông điệp ấy. Hãy bảo đảm rằng công nghệ phục vụ cho tình bạn; chứ không phải điều ngược lại. Ví dụ như nếu bạn thích dành thời gian cho Facebook nhưng những người bạn của bạn không thích, vậy đừng cố ép họ tham gia vào Facebook. Hãy vui lòng giao tiếp liên lạc với họ bằng những phương cách khác. Hãy suy nghĩ xem liệu viết thư hoặc nói chuyện trực tiếp có là cách tốt nhất trong một số trường hợp không. Nói chuyện trực tiếp có thể sẽ mang đến sự gần gũi riêng tư hơn khi bạn không có nhiều thời gian vì bạn có thể nhanh chóng nghe được giọng nói của nhau. Nhưng viết thư lại giúp bạn suy nghĩ cặn kẽ những gì muốn diễn đạt, như thế có thể diễn tả những suy nghĩ và những tình cảm sâu sắc hơn so với việc nói chuyện trực tiếp.
– Hãy lấy tình yêu là mục tiêu cho tất cả mọi giao tiếp liên lạc của bạn. Hãy cẩn trọng trong việc giao tiếp theo những cách yêu thương mỗi khi bạn sử dụng công nghệ. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi đăng trực tuyến một lời bình luận hay hình ảnh; hãy làm mọi thứ có thể để tránh làm những người bạn của bạn phải ngượng ngùng. Hãy động viên bạn bè mỗi khi bạn có thể, chẳng hạn bằng cách trả lời nhật ký cá nhân trên mạng của họ bằng những lời bình luận tích cực và những câu hỏi quan tâm, và bằng cách cho họ biết bạn đang cầu nguyện cho những mối bận tâm mà họ chia sẻ với bạn.
– Hãy chủ động. Bản thân bạn hãy có trách nhiệm duy trì tình bạn; hãy luôn sẵn lòng đến với họ. Khi không nghe tin tức gì từ những người bạn một thời gian, hãy kiểm tra xem họ thế nào. Hãy cầu nguyện cho những nhu cầu của bạn bè cho đến khi lời đáp trả của Chúa đến. Ngay cả khi những người bạn không hưởng ứng lại theo như bạn hy vọng mỗi khi bạn đến với họ, vẫn luôn đáng giá khi chủ động trước bởi vì việc ấy giúp bạn trở thành một người yêu thương hơn, một người phản ánh lại cách Thiên Chúa muốn giao kết với con người: luôn đến với họ.
– Lắng nghe, ghi nhớ và cầu nguyện. Hãy để bạn bè biết rằng bạn thật sự quan tâm đến họ và cuộc sống của họ bằng cách chăm chú lắng nghe khi họ chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của họ với bạn. Ngay cả khi có rất nhiều điều làm xao lãng, hãy cố gắng hết sức để chú ý đến những gì bạn bè nói. Hãy xin Chúa thường xuyên nhắc bạn nhớ đến cuộc sống của bạn bè, và mỗi khi bạn nhớ, hãy cập nhật thông tin bằng những cách thích hợp – bao gồm cả việc cầu nguyện cụ thể cho họ.
– Hỏi, cho đi và cám ơn. Mỗi khi bạn cần điều gì đó mà bạn bè có thể giúp đỡ được bạn, đừng ngần ngại nhờ họ giúp; và bạn cũng hãy sẵn lòng giúp đỡ bạn bè khi bạn có thể. Hãy cám ơn nhau về những sự giúp đỡ dành cho nhau. Bạn càng tiếp tục vòng tròn: hỏi, cho đi và cám ơn, thì mối dây liên kết tình bạn giữa bạn và bạn bè sẽ càng khăng khít và mạnh mẽ.
– Bước từng bước và lựa chọn cả việc cùng nhau và cách xa. Hãy cầu nguyện xin ơn khôn ngoan để biết rõ nên dành bao nhiêu thời gian cho việc tham gia những hoạt động cùng bạn bè và bàn với họ về những hoạt động độc lập của bạn, và hãy phản ứng lại những mối quan tâm của bạn bè về cách thức làm thế nào để dành thời gian tốt nhất cho nhau. Khi những tình bạn nào đó đi hết tiến trình tự nhiên của nó, hãy tiếp tục bước và để nó trôi qua, như thế bạn có thể có được sự đầu tư tốt hơn cho những tình bạn khác cách tích cực hơn.
– Chấp nhận và tha thứ. Hãy cậy nhờ vào sự trợ giúp của Chúa để tha thứ cho bạn bè sau khi họ làm bạn tổn thương. Hãy xin sự tha thứ của bạn bè sau khi bạn làm tổn thương họ, và hãy nỗ lực để làm hoà và xây dựng lại niềm tin sau khi có những mâu thuẫn giữa các bạn.