Thất nghiệp và quyền lợi

101

Nghề nghiệp là thứ cần thiết để tự lực cánh sinh, nuôi sống mình và người khác, chí ít là để sinh tồn. Nghề và Nghiệp có phần giống nhau và cũng có phần khác nhau – tương tự kiểu nói về Duyên Nợ (có Duyên nhưng có Nợ với nhau hay không lại là chuyện khác). Có Nghề để làm và theo được cái Nghiệp đó thì sẽ cảm thấy hạnh phúc, nhưng có Nghề mà không theo được Nghiệp đó thì cảm thấy buồn lắm. Có người không theo Nghề mình thích nhưng lại vướng cái Nghiệp khác. Cuộc đời thật là nhiêu khê, đúng là khổ não trần ai!

Trong cuộc sống phàm nhân có nhiều mối lo. Một trong các mối lo “nổi cộm” là tình trạng thất nghiệp. Nhưng nguyên nhân gây ra nạn thất nghiệp?

Chắc hẳn giáo dục có phần liên quan vấn nạn thất nghiệp. Theo thống kê, Việt Nam có hơn 80% sinh viên mới ra trường có kiến thức nhưng quá yếu kỹ năng xử lý những tình huống, và điều đó làm “mất điểm” ngay từ đầu tiếp xúc với các nhà tuyển dụng. Đó là hệ lụy tất yếu của việc giáo dục, bởi vì chỉ chú trọng hình thức, lo “thi đua”, lo “lấy điểm”, tự tạo “đường lối ảo” rồi lại tự biện hộ là “đúng quy trình”. Học “giả” mà bằng “thật”. Ôi, cái bệnh trầm kha của ngành giáo dục Việt Nam! Thế mà vẫn “chảnh” và “nổ”, không chịu nhận lỗi để sửa sai. Hiền triết Dục Tử đã nhận xét chí lý: “Biết đúng mà không theo, đó là DỞ; biết sai mà không sửa, đó là MÊ”. Cái Mê (muội) mới thực sự là mối nguy hại hơn là cái Dở!

Làm sao khả dĩ giải quyết vấn nạn giáo dục? Thiết tưởng, trước tiên người ta phải thực sự quan tâm chất lượng giáo dục, từ đầu vào đến đầu ra. Người ta nói rằng nhìn vào nền giáo dục của một quốc gia có thể nhận biết vận mệnh của đất nước đó. Đúng vậy!

Cứ lo cải cách tới lui, năm nào cũng cải cách, ép học sinh đủ thứ, nhưng kết quả không đạt tiêu chuẩn. Nền giáo dục của Phần Lan được thế giới khâm phục vì học sinh thoải mái mà vẫn có kiến thức và có kỹ năng sống cao.

Đây là 7 yếu tố giúp nền giáo dục của Phần Lan thành công:

  1. Các giáo viên Phần Lan được đào tạo tốt nhất thế giới. Mặc dù lương giáo viên không “hấp dẫn” (giáo viên trung học được khoảng 58.000 USD/năm, tùy mức thâm niên), chuyên môn vẫn cần ưu tiên cao. Các trường đại học chọn lựa giáo viên kỹ hơn luật sư và bác sĩ.

  1. Các giáo viên được quyền tự do cá nhân. Họ được tự do áp dụng phương pháp sư phạm mà họ muốn, tự trù liệu giáo án và tự chọn sách giáo khoa. Khi được đứng lớp, giáo viên không bị thanh tra hoặc bị đánh giá thường xuyên.

  1. Không tiêu chuẩn hóa các bài kiểm tra. Nhiều nước tin rằng nhờ chú trọng việc kiểm tra mà nền giáo dục của họ sẽ tốt hơn, nhưng thực ra không phải vậy. Kiểm tra nhiều quá sẽ khiến giáo viên chỉ dạy để kiểm tra học sinh, học vì thi cử. Việc học không thể căn cứ vào kiểm tra. Có thể có bằng cấp mà không có năng lực.

  1. Các học sinh được dạy cách tự đánh giá. Nhiều trường tiểu học cho học sinh xem bảng đánh giá hằng tuần. Bên mỗi lời nhận xét, học sinh tự đánh giá bằng cách cho điểm, rồi gắn thêm hình mặt vui hay buồn bên cạnh. “Điều này giúp học sinh nghĩ về những gì chưa đạt và điều gì cần cố gắng vào năm sau”, đó là nhận xét của Tuomas Siltala, 18 tuổi, vừa tốt nghiệp tháng 5-2005.

  1. Các học sinh được khuyến khích tự lập. Kirsti Santaholma, giáo viên tiếng Pháp tại Trường Itakeskus từ năm 1982, thuộc ngoại ô Helsinki, nói: “Chúng tôi cố gắng làm cho học sinh tìm thông tin riêng hơn là học từ sách giáo khoa. Tự tìm thông tin mới thực sự là học”. Giáo viên ít phải giảng bài.

  1. Không khí học tập sinh động và thoải mái. Học sinh không phải đến trường học phụ đạo hoặc học thêm, chỉ học chính khóa. Giáo viên Richard Cousins nói: “Quá nhiều áp lực khiến học sinh thụ động. Các học sinh luôn có trách nhiệm và tự trọng vì chúng tôi cho học sinh tự do, không cần điểm danh”.

  1. Các học sinh yếu được giúp đỡ tận tình. Có thể đây là thành tựu nhất của Phần Lan. Theo phát hiện của PISA, các trường ở Phần Lan có độ chênh lệch kiến thức rất nhỏ. Các học sinh yếu luôn có cơ hội vươn lên.

Thấy người ta hay như vậy mà không học hỏi, còn sĩ diện cái nỗi gì chứ?

Tạo công ăn việc làm cho người dân là một vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Dĩ nhiên điều đó không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng vấn đề là có quyết tâm hay không. Chạy theo “phong trào” là dấu chỉ coi trọng hình thức, ưa bề ngoài, mà đã ưa bề ngoài thì coi thường bề trong. Thế thì vô ích!

Coi nhẹ việc giáo dục thì đất nước khó tiến bộ, bởi vì người dân không có công ăn việc làm – nghĩa là xảy ra tình trạng thất nghiệp. Tình trạng này càng xảy ra nhiều thì càng tác hại đến đất nước, bởi vì nền kinh tế trì trệ, kém phát triển và bị khủng hoảng.

Thất nghiệp là gì? Theo kinh tế học, thất nghiệp là tình trạng người ta muốn có việc làm mà không tìm được. Trong Hán-Việt, “thất” là mất mát, “nghiệp” là việc làm. Thất nghiệp là mất việc hoặc không có việc làm. Có nhiều dạng thất nghiệp, không thể có một định nghĩa cụ thể và đầy đủ. Tuy nhiên, đại loại có các dạng thất nghiệp chung: Thất nghiệp theo giới tính, thất nghiệp theo lứa tuổi (tuổi sinh và tuổi nghề), thất nghiệp theo vùng miền (thành thị, nông thôn), thất nghiệp theo ngành nghề, thất nghiệp theo chủng tộc,…

Cũng có các lý do thất nghiệp khác nhau: do tự ý bỏ việc hoặc xin nghỉ vì lý do nào đó (lương thấp, không đúng chuyên môn, không hợp nghề,…); do mất việc vì các công ty cho nghỉ việc; do chưa tìm được việc làm; do có cầu mà không có cung; đặc biệt nguy hiểm là số người lười biếng, khoái hưởng thụ mà sợ khó đến thân. Số người thất nghiệp mang tính thời sự, luôn biến đổi không ngừng theo thời gian, mỗi thời điểm mỗi khác.

Theo dòng lịch sử nhân loại, thất nghiệp chỉ xuất hiện ở xã hội tư bản. Trong xã hội cộng đồng nguyên thủy, việc làm duy trì trật tự và buộc mọi thành viên phải đóng góp sức lao động bằng cách có làm việc. Ngay cả trong xã hội nô lệ, chủ nhân không bao giờ để cho người nô lệ rảnh rỗi lâu.

Còn trong xã hội tư bản, giới chủ nhân chạy theo mục đích tối thượng là lợi nhuận, họ cũng không phải chịu trách nhiệm về việc sa thải người lao động, do đó họ vui lòng chấp nhận tình trạng thất nghiệp, thậm chí kiếm lợi từ tình trạng thất nghiệp. Người lao động không có các nguồn sản xuất để tự lao động nên đành phải chấp nhận đi làm thuê hoặc thất nghiệp.

Cách giải thích thất nghiệp cũng đa dạng với các giả thuyết khác nhau. Theo kinh tế học Keynes: “Nhu cầu yếu sẽ dẫn đến cắt giảm sản xuất và sa thải công nhân” – tức là “thất nghiệp chu kỳ”. Một số kinh tế học khác lý luận: “Các vấn đề về cơ cấu ảnh hưởng thị trường lao động” – tức là “thất nghiệp cơ cấu”. Kinh tế học cổ điển và tân cổ điển có xu hướng lý giải áp lực thị trường đến từ ngoại tại – chẳng hạn: mức lương tối thiểu, thuế, quy định hạn chế thuê mướn người lao động, dạng “thất nghiệp thông thường”. Có ý kiến lại cho rằng “thất nghiệp chủ yếu là sự lựa chọn tự nguyện”. Các quan điểm khác nhau có thể đúng theo các cách khác nhau, góp phần đưa ra cái nhìn toàn diện về tình trạng thất nghiệp.

Việc áp dụng nguyên lý “cung và cầu” vào thị trường lao động giúp lý giải tỷ lệ thất nghiệp cũng như giá cả của lao động. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) ở Phi châu, Trung Đông và Mỹ châu Latin, người ta nhận thấy điều này: “Tại các nước đang phát triển, tình trạng thất nghiệp cao trong phụ nữ và thanh niên còn là hậu quả của những quy định về trách nhiệm của chủ nhân”.

Tục ngữ Latin có câu: “Thất nghiệp là sự mở đầu của tất cả những thói hư tật xấu”. Tương tự như câu người ta thường nói: “Nhàn cư vi bất thiện”. Tình trạng “không có việc làm” đồng nghĩa với việc hạn chế giao tiếp với những người lao động khác, hao tốn thời gian, không có khả năng chi trả, thiếu khả năng mua sắm vật dụng cần thiết hoặc các loại hàng hóa. Vấn nạn trở nên trầm trọng đối với người có trách nhiệm nuôi sống gia đình, có thể bị nợ nần, mất khả năng chi trả. Các nghiên cứu cụ thể chỉ ra cho thấy rằng tỷ lệ gia tăng thất nghiệp đi liền với tỷ lệ gia tăng tội phạm, tỷ lệ tự tử và tỷ lệ suy giảm sức khỏe.

Ngoài ra, một số quan điểm cho rằng người lao động nhiều khi phải chấp nhận công việc có thu nhập thấp trong khi chờ tìm được công việc phù hợp. Người sử dụng lao động thì lợi dụng tình trạng thất nghiệp để gây sức ép đối với những người làm công cho mình – chẳng hạn: không cải thiện môi trường làm việc, áp đặt năng suất cao, trả lương thấp, hạn chế cơ hội thăng tiến,…

Bất cứ thứ gì cũng có “cái giá” của nó. Tương tự, nạn thất nghiệp có “cái giá” rất riêng: Khi thiếu các nguồn tài chính và phúc lợi xã hội, người ta buộc phải làm những công việc không phù hợp với trình độ, năng lực, sở thích,… Như vậy, thất nghiệp gây ra tình trạng làm việc dưới mức khả năng. Với ý nghĩa này, cần có sự trợ cấp thất nghiệp là điều cấp bách.

Và điều tất yếu phải xảy ra. Hệ lụy của sự thất nghiệp có thể dẫn đến chán nản, buồn bã, trầm cảm, ảnh hưởng bản thân và gia đình, chấp nhận thù lao thấp, và sau cùng là chịu thiếu sự bảo hộ lao động. Tình trạng này ngăn cản người muốn tham gia làm việc, hạn chế di dân và hạn chế cạnh tranh quốc tế. Cuối cùng, tình trạng thất nghiệp sẽ khiến cán cân đàm phán điều kiện lao động nghiêng về giới chủ nhân, tăng chi phí khi rời công việc và giảm cơ hội tìm việc làm phù hợp với thu nhập khá hơn.

Nạn thất nghiệp tạo áp lực tâm lý cao. Người thất nghiệp dễ lâm vào tình trạng cảm thấy mình là người thừa, nhưng sự tác động này có mức ảnh hưởng khác nhau giữa hai phái: Ở nam giới “căng” hơn ở nữ giới. Với phụ nữ, nếu không có việc làm ngoài thì việc nội trợ và chăm sóc con cái vẫn có thể được chấp nhận; ngược lại, ở nam giới khó được chấp nhận vì “bị” coi là người “chống mũi chịu sào”, là “gia trưởng”, là người lo cho gia đình,…

Không phải vì sĩ diện hão, mà vì lòng tự trọng, nam giới không cho phép mình chấp nhận sự nhàn rỗi. Khi thất nghiệp, nam giới thường cảm thấy tự ti, mặc cảm, nhạy cảm và dễ nóng nảy, họ có thể tìm đến rượu, bia, thuốc lá để “giải sầu”, tình trạng này kéo dài sẽ gây nghiện, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bản thân mà còn có thể dẫn đến bạo hành gia đình. Họ cũng dễ bị rối loạn tâm lý như buồn phiền, mất ngủ, trầm cảm, và thậm chí là tự tử – nhất là khi họ không được người thân thông cảm.

Nạn thất nghiệp cũng có tính liên đới. Tỷ lệ thất nghiệp cao đồng nghĩa với Tổng Sản lượng Quốc gia (GDP) thấp – nguồn nhân lực không được sử dụng hợp lý, bỏ phí cơ hội sản xuất thêm sản phẩm và dịch vụ. Thất nghiệp cũng có nghĩa là sản xuất ít hơn, làm giảm tính hiệu quả của sản xuất quy mô. Thất nghiệp dẫn đến nhu cầu xã hội giảm, hàng hóa và dịch vụ không có người tiêu dùng, cơ hội kinh doanh ít, chất lượng sản phẩm và giá cả giảm sút. Hơn nữa, tình trạng thất nghiệp cao dẫn đến nhu cầu tiêu dùng ít so với khi có nhiều việc làm, do đó mà cơ hội đầu tư cũng ít hơn.

Chắc chắn rằng tình trạng thất nghiệp gia tăng tương quan với áp lực giảm lạm phát. Điều này được minh họa bằng đường cong Phillips theo kinh tế học. Tỷ lệ thất nghiệp vừa phải giúp cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Người lao động có thể tìm các cơ hội làm việc khác phù hợp với khả năng và điều kiện cư trú. Còn người sử dụng lao động có thể tìm được người lao động phù hợp, tăng sự trung thành của người lao động.

Tình trang thất nghiệp là tình trạng buồn tẻ, có thể tạo hệ lụy xấu, thế nên chúng ta thường gọi là “nạn thất nghiệp”. Thật vậy, thất nghiệp là một “tai nạn” cũng nguy hiểm không khác các tai nạn khác, và cũng có thể là “tệ nạn” vậy!

Giáo Hội của Chúa là Giáo Hội hữu hình giữa trần gian, tất nhiên cũng ảnh hưởng sự tiêu cực khi nạn thất nghiệp xảy ra. Giáo Hội mời gọi mọi người cầu nguyện cho những người thất nghiệp nhận được sự trợ giúp và tìm được công ăn việc làm để có thể sống xứng đáng với phẩm giá con người của mình, đồng thời cũng mời gọi mọi người cầu nguyện cho mọi người biết tái khám phá căn nguyên Kitô giáo của mình qua chứng tá đức tin của các tín hữu – hôm qua và hôm nay.

Trong Kinh Thánh, chúng ta không thấy đề cập nạn thất nghiệp, nhưng có nói những điều tương tự với cách dùng từ ngữ khác và mang chiều kích tâm linh. Trình thuật Mt 20:1-17 nói về việc Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn “Thợ Làm Vườn Nho”, trong đó có những người thất nghiệp đã được Thiên Chúa thu nhận làm công nhân cho Ngài. Thánh Mátthêu kể rằng…

Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?”. Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”.

Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất”. Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”.

Và rồi Kinh Thánh kết luận: “Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”.

Là các Kitô hữu, tất cả chúng ta đều là những “công nhân làm vườn nho”, mỗi người vào vườn nho ở mỗi thời điểm khác nhau và với mức độ làm việc khác nhau, nhưng ai cũng được trả công là “một quan tiền” vào cuối ngày – ngày Đức Giêsu Kitô tái lâm.

Bất cứ ai trong chúng ta cũng có việc làm – nghĩa là không bị thất nghiệp. Nhưng nếu chúng ta lười biếng thì đó là lỗi của chúng ta, bởi vì chúng ta tự ý muốn thất nghiệp. Hoàn toàn tự do!

Nếu chăm chỉ và cần mẫn, chúng ta không lo bị thất nghiệp, bởi vì trong “vườn nho” của Chúa có nhiều việc làm phù hợp với khả năng của mỗi người. Kẻ tỉa lá, người hái nho; kẻ vun đất; người tưới nước; kẻ ươm giống, người xới đất; mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi ơn gọi, nhưng tất cả chỉ là cùng chăm sóc Vườn Nho, cùng mở rộng Nước Trời, cùng làm sáng danh Chúa. Không ai có thể lười biếng hoặc làm gì khác theo ý riêng mình.

Mặc dù  chúng ta đã và đang có việc làm, nhưng Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta nỗ lực lao động chăm chỉ hàng ngày: “Hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả công hợp lẽ công bằng” (Mt 20:4). Vào làm việc cho Thiên Chúa, mỗi chúng ta đều có công việc phù hợp khả năng để làm. Chẳng hạn:

– Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (Mc 16:15).

– Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28:19).

– Hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa (Lc 9:60).

Có việc làm thì cũng có quyền lợi hợp lý, tùy mức độ nhiệt thành làm việc của mỗi người: “Mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5:9). Nên tốt hay hóa xấu, được thưởng hay bị phạt là do cách chọn lựa của chúng ta. Suy nghĩ sinh ra hành động, hành động trở thành thói quen, thói quen trở nên tính cách, và tính cách hóa thành số phận. Rất lô-gích, hoàn toàn hợp lý!

Khi đề cập công việc trong “vườn nho của Chúa”, chúng ta có thể liên tưởng tới dụ ngôn “Hai Người Con” (Mt 21:28-32). Người cha sai cả hai cậu con trai cùng đi làm vườn nho, nhưng mỗi người con có cách phản ứng khác nhau. Người con thứ nhất bảo KHÔNG ĐI nhưng rồi hối hận nên lại ĐI, còn người con thứ hai bảo ĐI nhưng rồi lại KHÔNG ĐI. Chúng ta đã, đang và sẽ là người con nào đây? Tùy mỗi người!

Cuối cùng, chúng ta đừng bao giờ quên lời cảnh báo rất nghiêm túc và thẳng thắn của Chúa Giêsu: “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước quý vị” (Mt 21:31). Có lẽ nghe câu này ai cũng thấy “rất quen”, thế nhưng có thấy “nhột gáy” hay không lại là chuyện khác. Vấn đề là ở “chỗ hiểm” đó!

Thiết tưởng, lời khuyên của Khổng Tử cũng vẫn thực sự hữu ích trong đời sống tâm linh: “Vô dục tốc, vô kiến tiểu lợi. Dục tốc tắc bất đạt; kiến tiểu lợi tắc đại sự bất thành – Không làm nhanh, không ham lợi nhỏ. Làm nhanh dễ hư chuyện; thấy lợi nhỏ mà ham thì không thể làm nên chuyện lớn”.

Mọi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa, không ai hơn hoặc kém ai. Vì thế, người thất nghiệp cũng vẫn là con người, nghĩa là họ vẫn có trọn vẹn nhân vị và nhân phẩm, tất nhiên họ cũng có trọn vẹn nhân quyền như mọi người.

Lạy Thiên Chúa hằng hữu và giàu lòng thương xót, xin đánh thức để chúng con không ảo tưởng mà ngủ mê trong sự thành công hão huyền. Xin cho mọi người đều có công việc phù hợp để nuôi sống bản thân trên đường lữ hành trần gian này, nhờ đó có thể an tâm làm công nhân trong Vườn Nho của Ngài, đồng thời cũng biết khéo léo tích lũy của cải không hề hư hại. Xin cho mỗi chúng con đều là những công nhân nhiệt thành và cần mẫn để xứng đáng lãnh nhận “một quan tiền vĩnh hằng” mà Ngài hứa ban thưởng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU