Thập giá và bóng tối trong đời tận hiến
Đức Giêsu Kitô cả đời hiến thân phục vụ con người nhưng lại chết trong sự cô đơn, vô ơn tủi nhục, thất bại thảm hại như thế. Ngài được ca ngợi và cũng bị chỉ trích, được ngưỡng mộ và cũng bị khinh khi; Ngài được người ta xin làm vua và cũng bị người ta đóng đinh vào thập giá.. Lúc bấy giờ không gian tối tăm! Lòng người càng tăm tối! Sự cô đơn ghê gớm kèm theo nỗi đau thể xác và tâm hồn. Chẳng có ai để thông cảm. Thánh giá chồng lên thánh giá. Tối tăm phủ lên tăm tối. Đây mới là sự cay đắng khó đón nhận nhất. Rất dễ bỏ cuộc lúc này. Đức Giêsu rất khó xử. Chỉ còn ít phút nữa thôi nhưng cũng là hơi lâu đối với thời gian tâm lý. Nhưng Đức Giêsu làm chủ được thời gian. Và chính Ngài phải bắt buộc dùng thời gian để hoàn tất và cứu chuộc loài người. Ngài luôn trung thành tới cùng. Tình yêu của Giêsu được triển nở nhẩn nha trong bóng tối của sự hận thù và phản bội. Tình yêu ấy ngấm sâu chậm chạp nhưng bền bỉ khó gỡ. Giống như lối sánh ví của TGM. Fulton Sheen diễn tả: ‘Tình yêu của Chúa giống như loài gỗ quý nhuốm cả hương thơm vào lưỡi búa đã đốn ngã nó’.
“Hiệp thông với Chúa Giêsu có nghĩa là trở nên giống như Ngài. Với Ngài, ta cùng chịu đóng đinh vào thập giá, cùng chịu mai táng trong mồ, cùng được trỗi dậy để tháp tùng các du khách đã bị lạc hướng trong cuộc hành trình của họ. Hiệp thông, nghĩa là trở thành Đức Kitô, đưa ta tới một lĩnh vực khác của sự hiện hữu. Nó dẫn ta vào trong Nước Thiên Chúa. Trong vương quốc ấy, những phân biệt xưa giữa hạnh phúc và u buồn, thành công và thất bại, những lời ca ngợi và kết án, sức khoẻ và bệnh tật, sự sống và cái chết không còn nữa. Trong vương quốc ấy, ta không còn lệ thuộc vào thế giới này, một thế giới vẫn còn chia rẽ, xét đoán, phân cách và chỉ trích. Trong vương quốc ấy ta thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về ta, và cùng với Ngài ta thuộc về Thiên Chúa”. Chúa Giêsu muốn đưa ta tới nơi ta thuộc về. Nhưng ta chỉ có thể nghe lời Ngài mời gọi sống đời sống thiêng liêng khi ta sẵn sàng thú nhận cách chân thành tình trạng vô gia cư và lo âu của ta và nhận ra hậu quả có tính phân mảnh của chúng trên đời sống hằng ngày của mình. Chỉ khi ấy khát vọng muốn có một căn nhà đích thực mới phát triển” (H. Nouwwen, sđd). Đau khổ thất bại của Chúa Giêsu thường gây cho chúng ta cảm nhận hơn là tính chủ động cho mình dấn thân. Và vì thế xem ra đấy chỉ như là một thứ chủ nghĩa, lý thuyết để chúng ta hô hào, cổ vũ chứ chưa đạt được tầm mức cho mình rập khuôn mẫu. Chắc chắn Chúa Giêsu chưa hài lòng lắm về thái độ như thế. Phấn đấu để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô quả là một thách đố lớn lao và là sự dấn thân cao độ nhất.
Người môn đệ Chúa cũng chẳng hơn thầy mình ‘môn đệ không hơn thầy, được như thầy là khá lắm rồi’. Xem ra chúng ta chỉ muốn giống Chúa ở những điều như là sự cao sang, đẹp đẽ, uy nghi, quyền bính, lãnh đạo, điều hành, phán quyết,… nhưng hễ đụng chạm tới sự cô đơn, thất bại thế nào cũng tìm cách trốn tránh, từ khước. Có lẽ chúng ta hay cầu nguyện xin Chúa ban cho mọi việc được thuận lợi, trôi chảy,… mà quên không cầu nguyện để có sức chịu đựng hay can đảm đương đầu với khó khăn thử thách. Nhìn vào những thất bại của Chúa Giêsu trong giai đoạn cuối đời Ngài trên thập giá chắc chắn chưa có một linh mục, tu sĩ nào phải đau khổ và thất bại thảm hại như Chúa Giêsu.
Thánh Phaolô đã phải chịu một thử thách rất lớn khi ngài đã phải kêu lên: “Một thủ hạ satan được sai đến vả mặt tôi” (2 Cr 12,7). Ngài đã phải chịu bắt bớ, đau khổ trong thân xác – hoặc đã chịu những điều cực nhọc; nhưng đây chắc phải là điều gì rất đau xót cho tâm hồn Ngài, chính vì thế mà ngài đã xin Chúa giải thoát ngài: tôi đã nài xin Chúa đến 3 lần: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mạc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,8). “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,7-10).
Tình trạng lãnh đạm, sự mệt mỏi thiêng liêng sẽ diễn ra trong hành trình đức tin của chúng ta. Bóng tối trong đời sống nội tâm không phải là điều mới lạ trong truyền thống thần bí học Công giáo. Trên thực tế, đây là một hiện tượng thường xảy ra với rất nhiều vị thánh trong lịch sử Giáo Hội, họ đã trải qua cái mà Thánh Gioan Thánh Giá, một nhà thần bí nổi tiếng người Tây Ban Nha thuộc dòng Carmel đã gọi là “đêm tối”. Vị thánh bậc thầy trong đời sống nội tâm này đã sử dụng rất chính xác cụm từ trên để chỉ giai đoạn thanh luyện đau đớn mà một người phải trải qua trước khi đạt đến sự kết hiệp với Chúa. Sẽ có hai giai đoạn trong cuộc thanh luyện này: ‘đêm tối của giác quan’ và ‘đêm tối của tinh thần’. Trong giai đoạn đêm tối đầu tiên, người đó sẽ thoát khỏi sự ràng buộc của những thoả mãn giác quan và được dẫn vào cầu nguyện bằng chiêm niệm. Trong lúc Chúa truyền ban ánh sáng và tình yêu của Người, linh hồn người ấy vẫn còn đầy thiếu sót nên không đón nhận được và cho rằng đó là bóng tối, nỗi đau, sự khô khan và trống rỗng. Mặc dù sự trống rỗng và vắng mặt của Thiên Chúa là vẻ bên ngoài, nhưng đó lại là nguồn đau khổ rất lớn. Tuy nhiên, nếu tình trạng này là ‘đêm tối của giác quan’ chứ không phải là hậu quả của sự tầm thường, lười biếng hay đau ốm, thì người đó sẽ tiếp tục thi hành bổn phận của mình một cách trung thực và quảng đại mà không nản lòng, không lo lắng cho bản thân, hay bị rối loạn tình cảm. Cho dù không còn cảm nhận được niềm an ủi nào, nhưng lòng vẫn khát khao mong mỏi Chúa, cùng với sự gia tăng về tình yêu, khiêm nhường, kiên nhẫn và các nhân đức khác.
Đôi khi ta trải qua một sự khô khan kinh khủng trong đời sống thiêng liêng. Ta không còn cảm thấy muốn cầu nguyện, không còn kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa, chán chường với những việc thờ phượng và thậm chí nghĩ rằng tất cả những gì ta tin vào Thiên Chúa, vào Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần chỉ hơn những chuyện thần tiên thời thơ ấu một chút thôi. Khi ấy điều quan trọng là nhận ra rằng hầu hết những tình cảm và những suy nghĩ này là những tình cảm và những suy nghĩ đúng và Thần Khí Thiên Chúa bao giờ cũng vượt quá những tình cảm và những suy nghĩ ấy của ta. Có thể kinh nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong những tình cảm và suy nghĩ của ta là một ân huệ lớn, nhưng khi ta không có được kinh nghiệm ấy, thì cũng không có nghĩa là Thiên Chúa vắng mặt, nhưng không có được kinh nghiệm ấy thường có nghĩa là Thiên Chúa đang mời gọi ta tới một sự trung thành hơn. Chính những lần khô khan thiêng liêng ấy mà ta phải bám vào kỷ luật thiêng liêng của mình để có thể lớn lên trong sự thân mật với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo nên trong trái tim ta một khát vọng hiệp thông mà không ai trừ Thiên Chúa mới có thể và muốn thoả mãn. Thiên Chúa biết điều ấy. Đôi khi ta cũng biết. Nhưng ta lại luôn tìm kiếm kinh nghiệm của sự thuộc về ấy ở chỗ khác… Tuy nhiên nếu ta khóc than vì những mất mát của ta, nếu ta lắng nghe Ngài trên đường, và mời Ngài đi vào trong cõi thẳm sâu của ta, ta sẽ biết rằng sự hiệp thông ta đang đợi chờ đón nhận chính là sự hiệp thông Thiên Chúa đang chờ đợi trao ban.
Phải chăng sự khô khan và tối tăm của ta chính là những dấu chỉ của sự vắng bóng Thiên Chúa, hay đó là sự hiện diện sâu rộng hơn giác quan mình không thể cảm nhận?
Sau khi vượt qua được đêm tối đầu tiên, người đó sẽ được Chúa dẫn tới giai đoạn ‘đêm tối của tinh thần’ để được thanh luyện khỏi những cội rễ thâm sâu nhất của các khiếm khuyết của mình. Đi cùng với quá trình thanh luyện này là một tâm trạng khô khan đến cùng cực, và người đó sẽ cảm thấy như bị Chúa xua đuổi và bỏ rơi. Đó là một trải nghiệm đau dớn đến mức con người cảm thấy như đang đi vào chốn đoạ đày muôn kiếp. Và thậm chí còn đau đớn hơn nhiều vì người đó chỉ cần Chúa và yêu Người bằng một tình yêu lớn lao nhưng lại không nhận ra mình yêu Chúa (x. Mẹ Têrexa, Những bí mật lần đầu tiên được tiết lộ về Mẹ Têrêxa).
Sự hiện diện của Thiên Chúa vượt xa kinh nghiệm của con người về sự ở với nhau đến độ sự hiện ấy dễ dàng bị cảm nhận như sự vắng mặt vậy. Sự vắng mặt của Thiên Chúa, trái lại, thường được cảm nhận cách sâu sắc đến độ nó đưa ta tới một cảm thức mới về sự hiện diện của Ngài. Đó là điều đã được diễn tả mạnh mẽ trong Thánh vịnh 21 (22),1-5:
“Lạy Thiên Chúa con thờ, muôn lạy Chúa
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?
Dù con thảm thiết kêu gào
Nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời!
Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng
Đêm van nài mà cũng chẳng yên
Thế nhưng Chúa ngự nơi đền
Vinh quang của Israel là Ngài
Xưa tổ phụ vẫn hoài cậy Chúa
Họ cậy trông Ngài đã độ trì
van nài liền được cứu nguy
Đã không thất vọng mỗi khi cậy Ngài”.
Lời cầu nguyện này không chỉ là diễn tả kinh nghiệm của dân Israel thôi mà còn là chóp đỉnh của kinh nghiệm Kitô giáo. Chúa Giêsu nói những lời này trên thập giá, thì sự cô đơn tột cùng và việc trọn vẹn chấp nhận sự cô đơn ấy gặp nhau. Trong lúc hoàn toàn trống rỗng ấy, thì mọi sự đã được hoàn tất. Trong giờ phút đen tối ấy, người ta đã trông thấy ánh sáng. Trong lúc người ta đang mục kích cái chết, thì người ta đã khẳng định được sự sống. Ở đâu sự vắng mặt của Thiên Chúa được diễn tả cách lớn tiếng nhất thì ở đó sự hiện diện của Ngài cũng được mạc khải cách sâu sắc nhất… Chính mầu nhiệm này là mầu nhiệm ta bước vào khi cầu nguyện (tr. 181-182).
“Quả vậy, nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ: đó là điều không bao giờ phải hối tiếc; còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian thì gây ra sự chết. Hãy xem nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa đã đem lại cho anh em những gì: bao nồng nhiệt, và hơn thế nữa, bao lời xin lỗi, bao ân hận, bao sợ hãi, bao ước mong, bao nhiệt tình, bao hình phạt; bằng mọi cách, anh em đã chứng tỏ mình vô can trong vụ này” (2 Cr 7,10 -11).
‘Chớ gì lời cầu nguyện của ta trở thành một lời cầu khiêm tốn, bởi lẽ ta xin một ơn trong khi âu lo, ơn mà ta không có quyền đòi hỏi; không phải là ơn xin để ta tránh được tất cả những tấn công của kẻ địch mà là ơn luôn trung thành trong một trận chiến chân thành. Chớ gì lời kinh của ta cũng luôn kiên trì, bởi vì nếu ta nghĩ rằng ta không bao giờ bị địch tấn công nữa, thì quả là ta đã kiêu ngạo rồi – hoặc đã suy nghĩ liều lĩnh rồi’ (Hồng y Bertram).
Những thử thách, đau khổ trong đời tận hiến không ngạc nhiên cho lắm. Cần phát hiện ra những nguyên nhân làm mất đi hay tăng trưởng tình yêu đầu đời thánh hiến; điều này có thể đến sớm hoặc muộn tuỳ người, tuỳ hoàn cảnh; gọi là sự khủng hoảng đời tu.
Người ta hay quan niệm: đi tu là phải được sung sướng, được kính trọng, được ưu đãi, khoẻ mạnh, được giúp đỡ mọi mặt chu đáo,… đó mới là thành công, đó mới là đứng ý Chúa. Còn ngược lại bị chống đối, đau khổ, bệnh tật, bị coi thường,… thì khó chịu lắm; cho là bị thất bại, bị… Chúa không quan tâm! Thật là tai hại, sai lầm. Ma quỷ hay dùng chiêu bài đó để lôi kéo, mua chuộc chúng ta một cách dễ ợt!
Sự chênh vênh, mong manh của phận người và số phận tận hiến đôi khi không được chính mình nghĩ tới và như một ý tưởng cần phải gạt ra, chính điều đó làm cho chúng ta hay ảo tưởng, sống không thực tế và chỉ biết tìm hưởng thụ ở chế độ cao! Nhưng lại là điều chúng ta thường không quên nhắc nhở giáo dân! Có một vị giám mục nói khi được mời giảng lễ ngài rất ngại vì toàn phải dạy người ta những điều mà mình chưa là hết được.
Lời kêu cứu rất cần cho tâm hồn linh mục khi ngài bị satan tấn công vũ bão, sức mạnh của ngài bởi nơi phù trợ của Chúa. Ta phải kêu xin Chúa vào những giờ phút tranh đấu nội tâm, kêu xin Người với sự hăng say, nhiệt tình, với sự kiên trì và tín nhiệm nơi Chúa, như Thánh Phaolô đã cầu nguyện. Ta hãy tranh đấu với thiên thần ánh sáng: “Tôi sẽ không thả ngài ra trước khi ngài chúc lành cho tôi” (St 32,26).
Như thế, sự nhận thức về con người và chính chúng ta đã gặp những khó khăn để nhận biết thực sự Thiên Chúa thế nào, điều đó làm cho chúng ta hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa qua ánh mắt đầy yêu thương và nhân từ. Khi chúng ta bị đắm chìm trong tăm tối, bập bềnh trong cơn sóng biển gào thét dữ dội, ngay cả khi chúng ta từ chối việc Chúa Giêsu đến gặp chúng ta, chúng ta nghĩ đó chỉ là con ma, nhưng ngài đến để trấn an chúng ta, ngài nói với chúng ta: “Hãy can đảm lên, Thầy đây, đừng sợ!” Chúa Giêsu đến với ta để giúp ta chiến thắng sợ hãi.
Trong buồn tủi, cô đơn hay thất bại lại là lúc toả sáng ngời tình yêu quên mình phục vụ mà bên ngoài thì đúng là chẳng hề làm chi cả. Các thánh đã kiên nhẫn tới cùng trong những lúc như thế. Có khi hiểu lầm, bất công, chống đối, hận thù vẫn không qua đi kể cả khi đã chết. Nhưng các ngài vẫn kiên nhẫn và hy vọng rằng sự công bằng, tình yêu và bình an sẽ trở lại.
Mở ra cánh cửa cho không gian nội tâm tiếp xúc với thế giới siêu việt nhờ sự gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện. Mỗi lần để cho tình yêu Thiên Chúa xuyên thấu tâm hồn mình, là mỗi lần mình làm vơi đi một ít âu lo; và mỗi khi gạt đi một ít âu lo, là mỗi lần mình lại biết mình hơn và nhất là làm cho Thiên Chúa tình yêu của mình biết rõ mình hơn. Mọi sự được gìn giữ an toàn trong tình yêu Thiên Chúa. Cho nên, Chúa Giêsu mời gọi: ‘Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy’.
Chúng ta tự đặt ra mấy câu hỏi này: Giá trị đỉnh cao trong đời tận hiến là gì? Đâu là thành công của đời thánh hiến? Đâu là điều chính yếu linh mục tu sĩ phải lo tìm kiếm, vun trồng và xây đắp? Giáo Hội và thế giới hiện đang cần, đang thiếu những linh mục tu sĩ như thế nào?
“Giữa thế gian anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” và “thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. Và Thiên Chua là nguồn bình an sẽ ở với anh em” (Pl 4,8.9b); rồi hãy “luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình” (1 Pr 3,15). Đó là những lời nhắn nhủ chân tình của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.
Có nhiều nguyên nhân làm cho những điểm sáng và điểm tối nơi con người linh mục tu sĩ được thấy rõ. Việc thiếu vắng đời sống nội tâm và thiếu khổ chế là nguyên nhân giảm sút việc hăng say nhiệt tình. Việc suy niệm không những chỉ nhắm tới sự phát triển các nhân đức cho bản thân mà còn thúc đẩy việc chiếu sáng trên mọi lĩnh vực tác vụ mục vụ của chúng ta. Phương pháp ‘khám bệnh tổng quát, chữa bệnh tận căn’ cần phải áp dụng trong đời sống thiêng liêng một cách bài bản, cẩn thận và tỉ mỉ thì mới hết bệnh. Chúng ta hay sợ, rồi chữa lan man vòng ngoài thì làm sao khỏi bệnh được. Phải sửa chữa từ trong tâm hồn, trong lương tâm. Càng là người quan trọng càng phải được chăm sóc và chữa trị cẩn thận. “Chỉ có sự thật mới có thể vượt qua được những chia cắt giữa con người và chiến thắng của sự thật là tình yêu” (Augustinô).
Khái niệm bao trùm con người tận hiến phải được quy chiếu về Thầy Chí Thánh Giêsu Kitô. Chuẩn mực công việc phải được soi chiếu trong lời giáo huấn của Chúa. Động lực thúc đẩy hành động phải được kín múc từ Bí tích Thánh Thể là sự trao ban hiến thân trọn vẹn nhưng lại rất âm thầm kín đáo, tế nhị. Điểm dừng của mọi công việc có thể là thành công hoặc thất bại được thâu tóm lại trong Mầu nhiệm Thập giá. Các mối liên hệ ấy như những tia sáng mở đường cho mọi hành trình và dự phóng của các công tác mục vụ của chúng ta. Hơn nữa, chính nó diễn tả bản chất thật sự của người linh mục tu sĩ hiện đang trong tình trạng nào?
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn