Trong ngôn ngữ nhà đạo Thập Giá có nghĩa là những đau khổ. Trong cuộc sống mỗi người đều có những thập giá riêng, dù ở bậc sống nào hay trong hoàn cảnh nào cũng không thể tránh khỏi những thập giá. Trong cuộc sống của tôi có những thập giá thoáng qua và cũng có những thập giá kéo dài, có những thập giá nhẹ nhàng nhưng cũng có những thập giá nặng nề, có thập giá quá mệt mỏi mà cũng có thập giá tràn ngập niềm vui. Điều quan trọng không phải là ra công tìm kiếm phương thế để né tránh thập giá, nhưng là phải biết đón nhận thập giá mỗi ngày với tất cả niềm tin tưởng, phó thác, cậy trông và yêu mến Chúa.
Mừng lễ suy tôn Thánh Giá là dịp để tôi được chiêm ngắm hình ảnh Chúa Chịu Đóng Đinh và chết trên Thập Giá, chiêm ngắm giúp tôi cảm nếm được tình yêu cho đến cùng của Chúa. Trong cuộc sống hằng ngày của tôi thập giá vẫn thoáng ẩn thoáng hiện đâu đó. Kinh nghiệm dạy tôi rằng, nếu có trốn tránh hay chất thập giá lên vai người khác tôi càng thấy đau khổ và mệt mỏi hơn. Mỗi khi thập giá đến với tôi là mỗi lần tôi cảm thấy đau đớn và dường như có một sự thất bại đang gần kề, khi ấy tôi giục lòng hướng nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu đang vác đi lên đỉnh đồi Can-vê và chấp nhận chết trên thập giá, mỗi lần thực hành điều ấy, những đau khổ trong tôi được thu nhỏ, tôi nhận ra mình được Chúa yêu thương nâng đỡ, ủi an và được thông phần thập giá với Chúa. Điều này cũng giúp tôi nhận ra rằng : Thập giá của tôi chẳng là gì so với thập giá mà Chúa phải chịu. Như thánh Phaolô đã nói : “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá” (Gl 2.19b). Đức cha Lambert đã sống và đón nhận thập giá đời mình với xác tín : “Chúng ta hoàn tất nơi thân xác những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Kitô phải chịu cho thân mình Người là Hội Thánh” (Cl 1,24, Btt I,5). Đối với người Do Thái thập giá là một sự sỉ nhục, đối với dân ngoại thập giá là một sự điên rồ, còn đối với tôi thập giá là một sự chiến thắng, là sức mạnh của tình yêu, là vinh quang, vì qua đau khổ mới đạt tới vinh quang. Chính Đức Giêsu đã nói : “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Đức Giêsu đã hy sinh chính mạng sống mình để cho tôi được sống dồi dào.
Thập giá là đau thương và là tủi hận nên không dễ đón nhận, thế nhưng đón nhận thập giá là tôi chấp nhận từ khước sự an nhàn, hạnh phúc cho bản thân để sống cho Chúa và tha nhân. Có lúc tôi tự hỏi Chúa gửi thập giá cho tôi để làm gì ? Phải chăng là để tôi trở nên giống Ngài hơn, hay là để tôi đặt trọn niềm tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa nhiều hơn chăng ? Phải chăng để tôi cảm nếm tình yêu đến cùng của Chúa ? Phải chăng là để tôi được thông phần vào sự thương khó của Chúa ? Và để cứu độ bản thân và tha nhân. Vì vậy mà tôi đón nhận thập giá đời mình là vì Chúa và tha nhân.
Mỗi người đều có thập giá phải mang, nhưng Chúa sẽ không bao giờ trao thập giá vượt quá khả năng của tôi, vì vậy nên tôi luôn tin tưởng, phó thác hoàn toàn vào Chúa để đón nhận mọi khó khăn vì yêu mến Đấng tôi theo. Và chính Người là nơi tôi cậy dựa mỗi khi tôi thấy dường như tôi không còn sức lực trên hành trình đức tin vạn dặm này.
Teresa Mỹ Thơ, Học viện MTG.Thủ Đức