Thập giá-Tiếng gọi tình yêu

72

THẬP GIÁ- TIẾNG GỌI TÌNH YÊU

Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng trồng hoa ở Miền Bắc. Từ nhỏ, tôi đã gắn liền với việc chăm sóc và thu hoạch hoa. Mỗi lúc nghỉ ngơi trên cánh đồng hoa trong giờ làm việc, tôi đã có những giây phút tuyệt vời. Nhìn ngắm những luống hoa và cánh hoa, tôi nghiệm thấy có một điều gì đó thật kỳ diệu, phải có một bàn tay vô hình nào đó đã chăm sóc thì mới có những đóa hoa khoe sắc trong nắng và gió đẹp như vậy. Nhìn ngắm những bông hoa và cây hoa cuốn theo chiều gió, tôi lại liên tưởng đến con người mình. Như những bông hoa, con người tôi được sinh ra trên đời này là một công trình kì diệu của Thiên Chúa và tất cả những gì tôi đang có, đang sở hữu là do bởi ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Và rồi lòng tôi mong muốn đáp trả lại những hồng ân kì diệu mà tôi đã được ban cho. Rồi một sáng kiến lóe lên trong tôi, tôi ao ước được dâng mình cho Chúa trong ơn gọi sống đời thánh hiến để đáp trả lại tình yêu mà Chúa đã ban cho tôi.

Khi nghe tôi chia sẻ về ao ước được dâng mình cho Chúa trong dòng Mến Thánh Giá, gia đình tôi phản đối, mọi người bên cạnh nói tôi bị khùng hay sao, người ta đang chạy trốn thập giá còn tôi thì lao đầu vào. Với một cô bé ở tuổi 18 có nhiều mơ mộng và nhìn đời màu hồng, tôi chưa biết về điều mà mọi người coi là thập giá và muốn lánh xa. Tôi chỉ biết một điều là khi đi đọc kinh, khi tham dự thánh lễ và được nghe Lời Chúa, tôi luôn được thôi thúc đáp lại hồng ân Chúa đã ban cho tôi trong ơn gọi dâng hiến trong dòng Mến Thánh Giá. Vì thế, tôi quyết định tới gặp quý Dì Mến Thánh Giá Thủ Đức đang đoàn hiện diện ở Xứ đạo tôi. Tôi chia sẻ với quý Dì về những khoắc khoải trong lòng tôi lúc đó và tôi ao ước được vào sống chung với quý Dì.

Khi biết tôi quyết định đi tu dòng Mến Thánh Giá, gia đình tôi phản đối, bạn bè tôi nhạo cười và có người hàng xóm bên cạnh nhà tôi còn nói:

  • Sao lại đi dòng Mến Thánh Giá, cái tên nghe mà thấy đau khổ.
  • Sao dại vậy?…

Tôi vẫn quyết định gia nhập dòng Mến Thánh Giá.

Thời gian dần trôi, tôi đã hiểu được thập giá là gì.

Thật ra, không phải đi tu mới có thập giá nhưng thập giá chính là phần tất yếu của cuộc sống. Lúc đầu, khi mới gặp đau khổ tôi thường tránh né nhưng ngồi ngẫm lại, tôi thấy rằng tránh né chẳng được ích gì mà lại thêm đau khổ. Vì thế, khi gặp đau khổ, tôi vui đón nhận với niềm xác tín tôi được tham dự vào cuộc thương khó của Chúa. Tôi đón nhận cách vui vẻ vì tin rằng có Chúa cùng vác đỡ cho tôi. Tin tưởng vào điều đó, tôi cảm mình được nâng đỡ như Lời Chúa đã nói: “Hỡi những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,18).

Chúa Giêsu đi trước, người nữ tu Mến Thánh Giá đi theo sau trong Linh đạo Mến Thánh Giá để trở nên cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa. Tôi rất vui và hạnh phúc được Thầy Giêsu mời gọi dấn thân trong linh đạo Thập Giá, tôi xác tín rằng tôi sẽ không bị lạc lối nếu tôi theo sát Chúa trong Linh đạo Mến Thánh Giá.

“Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh luôn là đối tượng duy nhất của lòng trí tôi”. Ước mong sao, lời này luôn là kim chỉ nam cho cuộc sống của tôi để tôi có thể sống Linh đạo Mến Thánh Giá một cách trọn vẹn hơn trong cuộc đời, trong lối sống và cách hành xử của tôi. Cho đến giờ phút này, tôi vẫn yêu mến Chúa Giêsu trên Thánh Giá và không chút gì hối tiếc khi theo Chúa trong Linh Đạo Mến Thánh Giá để tôi đáp trả lại những hồng ân mà Chúa đã ban cho tôi. Càng được bén rễ sâu trong Linh đạo Mến Thánh Giá, tôi càng cảm thấy những thập giá trong đời sống hằng ngày mang nhiều ý nghĩa. Tôi thầm ước mong Linh đạo Mến Thánh Giá được nhiều người biết đến, đón nhận để họ cảm nghiệm Thánh Giá chính là biểu hiện tình yêu sâu sắc của Thiên Chúa dành cho nhan loại. Khi con người biết đón nhận thập giá cuộc sống thì thập giá sẽ thành Thánh Giá và cuộc sống của mỗi người sẽ trở nên ý nghĩa và hạnh phúc hơn.

“…Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, Thập Giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài để được sống với Ngài vinh quang”.

Maria Nguyễn Thắm, MTG. Thủ Đức