NGHỆ THUẬT SỐNG Thành tựu và hoa trái

Thành tựu và hoa trái

Có một sự khác biệt thật sự giữa thành tựu và hoa trái, giữa thành công của chúng ta và sự tốt đẹp chúng ta đem lại cho thế giới.

Những gì chúng ta thành tựu đem lại cho chúng ta thành công, sự tự hào, khiến gia đình và bạn bè tự hào về chúng ta, và cho chúng ta cảm giác mình có giá trị, đặc biệt và quan trọng. Mình đã làm được gì đó. Mình đã để lại dấu ấn. Và cùng với đó là giải thưởng, bằng cấp, chứng nhận, những thứ chúng ta xây dựng, những di sản được công chúng thừa nhận và tôn trọng. Chúng ta đã làm được. Chúng ta được công nhận. Hơn nữa, thường thì những gì chúng ta đạt được sẽ giúp ích cho những người khác theo cách nào đó. Chúng ta có thể, và nên, thấy những thành tựu chính đáng của mình là tốt đẹp.

Tuy nhiên, như Henri Nouwen thường xuyên nhắc rằng, thành tựu không đồng nghĩa với hoa trái. Thành tựu là những thứ chúng ta đạt được. Hoa trái là tác động tích cực lâu dài của những thành tựu đó trên người khác. Thành tựu không tự động là hoa trái. Thành tựu giúp chúng ta nổi bật, hoa trái đem phúc lành đến cho cuộc sống của người khác.

Do đó chúng ta cần phải đặt câu hỏi này: Thành tựu của tôi, những thứ tôi tự hào là mình đã làm, có vun đắp tích cực cho những người quanh tôi không? Chúng có giúp đem niềm vui đến cuộc sống của người khác không? Chúng có giúp làm cho thế giới tốt đẹp hơn, yêu thương hơn không? Những giải thưởng tôi đã nhận có làm những người quanh tôi yên bình hơn hay lo lắng hơn?

Và những câu hỏi này khác hẳn với: Thành tựu của tôi cho tôi cảm giác thế nào? Chúng có cho tôi cảm giác mình giá trị không? Thành tựu của tôi có phải là bằng cho thấy sự độc nhất vô nhị của tôi không?

Rõ ràng thành tựu của chúng ta, dù là chính đáng, thường gây ra sự ghen tỵ và bồn chồn nơi người khác hơn là sự hứng khởi và thanh thản. Chúng ta thấy rõ điều này trong cách chúng ta thường xuyên ghen tỵ và âm thầm ghét bỏ những người thành công cực độ. Thành tựu của họ thường không mấy nâng cao cuộc sống chúng ta, mà thay vào đó lại gây một sự bồn chồn trong chúng ta. Thành công của người khác, thường như một tấm gương mà mỗi khi nhìn vào chúng ta lại cay đắng và bồn chồn thấy ra sự thiếu thành công của mình. Tại sao lại thế?

Thường thì do cả hai phía. Một mặt, những thành tựu của chúng ta thường có động lực là sự tự quy muốn mình nổi bật so với người khác, muốn được công nhận và ngưỡng mộ hơn là xuất phát từ một khao khát thật tâm muốn giúp người khác. Và nếu đúng như thế, thì thành công của chúng ta chắc chắn gây ra ghen tỵ. Mặt khác, sự ghen tỵ của chúng ta đối với người khác, thường là sự trừng phạt do chính tay chúng ta gây ra, như Chúa Giêsu đã nói trong dụ ngôn ông chủ giao phó các nén bạc rồi đi xa, và người đem giấu tài năng của mình mà không dùng đến cuối cùng bị trừng phạt.

Và sự thật là chúng ta có thể đạt được những điều lớn lao mà không thật sự sinh hoa trái, cũng như chúng ta có thể sinh hoa trái mà chỉ đạt được đôi điều ít ỏi chiếu theo sự nhìn nhận của thế gian về thành công. Chúng ta sinh hoa trái không hẳn là do những điều chúng ta đạt được, nhưng là do sự tử tế, rộng lượng, và nhân ái mà chúng ta đem lại cho thế giới. Đáng buồn thay, thế giới hiếm khi công nhận đó là thành tựu, thành công. Chúng ta không trở nên thành công nhờ sống tử tế. Nhưng khi chúng ta chết, dù vẫn được tán dương nhờ những thành tựu của mình, thì người ta sẽ yêu mến và tưởng nhớ chúng ta vì sự tốt đẹp trong lòng chúng ta hơn là vì những thành tựu xuất chúng. Hoa trái thật sự của chúng ta sẽ tuôn tràn từ một nơi còn cao hơn di sản thành tựu của chúng ta.

Chính tâm hồn chúng ta sẽ quyết định những gì chúng ta để lại sẽ được vun đắp hay bị bóp nghẹt.

Henri Nouwen cũng chỉ ra rằng khi chúng ta phân biệt được thành tựu và hoa trái, thì sẽ thấy ra rằng dù cho cái chết sẽ là cái kết cho thành công, tầm ảnh hưởng, tầm quan trọng của chúng ta, nhưng nó không chấm hết hoa trái của chúng ta. Thật vậy, thường thì hoa trái của chúng ta chỉ xuất hiện sau khi chúng ta chết, khi tinh thần của chúng ta toát ra một cách thuần khiết hơn. Chúng ta thấy điều này cũng ứng nghiệm với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể được nuôi dưỡng trọn vẹn hơn sau khi Ngài ra đi. Chúa Giêsu dạy rõ điều này trong lời từ giã trong Tin mừng theo thánh Gioan, khi Ngài lặp đi lặp lại rằng “Thầy ra đi thì tốt hơn cho anh em,” bởi chỉ khi Ngài ra đi chúng ta mới có thể thật sự đón nhận Thần Khí, hoa trái trọn vẹn của Ngài. Với chúng ta cũng thế. Hoa trái trọn vẹn của chúng ta sẽ chỉ phát tiết sau khi chúng ta chết.

Thành tựu vĩ đại không hẳn đã sinh hoa trái vĩ đại. Thành tựu vĩ đại có thể cho chúng ta thấy thoải mái, làm cho gia đình và người thân yêu tự hào về chúng ta. Nhưng những cảm giác thành công và tự hào đó không tồn tại mãi cũng không hẳn sinh hoa trái sâu sắc. Thật vậy, cảm giác thoải mái mà thành tựu đem lại cho chúng ta thường là một thứ thuốc phiện, không ngừng đòi hỏi chúng ta và còn gây ghen tỵ cũng như bồn chồn nơi người khác.

Hoa trái nuôi dưỡng tình yêu thương và cộng đồng thường phát xuất từ sự yếu đuối mà chúng ta cùng cảm nhận, chứ không phải từ những thành tựu tôn chúng ta tách biệt hẳn với mọi người.

Ronald Rolheiser, 2017-09-04

J.B. Thái Hòa dịch

Exit mobile version