Thánh Thể – Tin mừng và quà tặng của Thiên Chúa cho thế giới

129

THÁNH THỂ – TIN MỪNG VÀ QUÀ TẶNG

CỦA THIÊN CHÚA CHO THẾ GIỚI

“Một đời sống không thể hoàn toàn mang tính cách Thánh Thể,
trừ phi đời sống này được dâng hiến cho Thiên Chúa và tha nhân”

  • Thánh Thể Trở Thành Tin Mừng

Khi suy nghĩ về thừa tác vụ của Đức Giêsu, chúng ta có khuynh hướng giới hạn thừa tác vụ này vào việc giảng dạy và chữa lành. Tin Mừng theo Thánh Maccô, sách đầu tiên trong bộ Tin Mừng Nhất Lãm, trình bày Đức Giêsu một cách chính xác bằng những từ ngữ : Người đã giảng dạy Tin Mừng về Nước Thiên Chúa và chữa lành người đau yếu trong thân xác và tinh thần.

Tuy nhiên, thừa tác vụ của Đức Giêsu còn có một khía cạnh thứ ba, và khía cạnh này hoàn toàn mang tính cách kết hợp với sứ vụ cứu độ của Người: bàn ăn. Tại sao Đức Giêsu đã dành quá nhiều thời gian tại bàn ăn? (Trong tường thuật của Thánh Luca, dường như hoặc là Người ở trên đường, hoặc là đang ăn uống). Phải chăng đơn giản là Đức Giêsu thích ăn uống? Thưa không. Chỉ những đối thủ ác ôn mới tố cáo Người là một kẻ tham ăn và say xỉn.

Từ các nghiên cứu về nhân chủng học, chúng ta biết rằng việc chia sẻ lương thực với người khác là một hành động đầy ý nghĩa và mang tính biểu tượng trong thế giới cổ xưa. Điều này hàm ý rằng bạn coi người khác như đang có một phẩm giá bình đẳng với phẩm giá của bạn, và do đó, họ xứng đáng được chia sẻ những điều quý giá và khó khăn nhất mới kiếm được-thực phẩm và thức uống.

Đức Giêsu đã tận dụng từng cơ hội để ngồi cùng bàn với mọi người vì Người coi bàn ăn như là nơi có thể trải nghiệm được ngay bây giờ những điều mà Nước Thiên Chúa sắp đến đã trình bày, bàn ăn nói về sự hòa giải, chia sẻ và những ân sủng dồi dào.

Trong tường thuật của tác giả Tin Mừng Luca, Thánh Thể trở thành Tin Mừng, khi Thánh Thể làm cho chúng ta chia sẻ điều nhỏ bé mà chúng ta có, như trong phép lạ bánh hóa nhiều, để Thiên Chúa có thể gia tăng nó lên đáp ứng nhu cầu của đám đông (Lc 9,10-17); khi Thánh Thể khích động tâm hồn chúng ta đáp lại sự hiện diện của Thầy chí thánh ở giữa chúng ta, thay vì đau khổ vì những chi tiết vặt vãnh của cuộc đời như trong câu chuyện chị em Matta và Maria tiếp đón Chúa (Lc 10,38-42); khi Thánh Thể báo trước phần thưởng được hứa hẹn cho những đầy tớ tỉnh thức và trung thành (Lc 12,35-48); khi Thánh Thể làm cho chúng ta chạnh lòng thương xót một người đang bị tổn thương, như trong câu chuyện Chúa chữa người mắc bệnh phù thủng (Lc 14,1-6); khi Thánh Thể thúc đẩy chúng ta hành động một cách khiêm tốn, thay vì tìm kiếm chỗ cao hơn (Lc 14,7-14); và khi Thánh Thể mang lại cho chúng ta phán đoán đúng đắn để phân biệt được điều gì thực sự quan trọng, điều gì khẩn cấp và hiện thời, trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa (Lc 14,15-24).

Cuối cùng, Thánh Thể trở thành Tin Mừng, khi Thánh Thể công bố sự chết và sống lại của Chúa, Đấng mà chúng ta vẫn chọn mầu nhiệm vượt qua của Người, như là kiểu mẫu đối với việc chúng ta chết đi cho tội lỗi và thói ích kỷ, để được sống trong và cho một mình Đức Kitô (Lc 22,14-23). Thánh Thể trở thành Tin Mừng trong lúc chúng ta gặp gỡ người xa lạ trên đường, Đấng làm cho tâm hồn chúng ta bừng lên tình yêu đối với Lời Chúa, và Đấng được nhận ra khi bẻ bánh; và Thánh Thể trở thành Tin Mừng, khi Thánh Thể tạo khả năng cho chúng ta đối với sứ vụ (Lc 24,13-35). Các sách Tin Mừng khác còn bộc lộ nhiều trường hợp hơn nữa về việc Thánh Thể trở thành Tin Mừng như thế nào.

Cha thánh Phêrô Giulianô Eymard, sáng lập Dòng Thánh Thể đã tự hiến thân toàn bộ con người và tất cả những gì ngài có cho lý tưởng “Thánh Thể trở thành Tin Mừng”. Ngài đã hao mòn bản thân vì làm việc đó. Mùa đông trước khi ngài qua đời, mặc dù kiệt sức và thời tiết giá lạnh mưa rơi, ngài vẫn đi ra ngoài vào buổi tối để ban phép lành cho hôn lễ của một cặp vợ chồng nghèo. Một buổi tối trong cùng mùa đông đó, “trong khi các tu sĩ của ngài đều đang ngủ, thì ngài đã đón tiếp hai người nhặt rác trong phòng khách, một người đàn ông và một người đàn bà đã ở với nhau không chính thức, không được giáo dục về đức tin. Ngài dạy họ giáo lý, nghe họ xưng tội, giúp họ Rước lễ Lần đầu và làm phép cưới cho họ”. Hôm đó, ngài rất vui mừng được phục vụ họ tại bàn tiệc!Ngài cho họ điều còn quý báu hơn tất cả là tình thương yêu dành cho họ thật trong suốt.

Tình thương yêu đích thực là sự quan tâm, hiểu biết, tìm được cách thức đến với trái tim. Tình thương yêu đích thực nghĩa là làm cho người khác cảm thấy họ có giá trị, họ xứng đáng trong mắt bạn. Tình thương yêu đích thực nghĩa là trao tặng bản thân mà không tính toán cái giá phải trả. Lòng thương xót, chẳng phải là điều mà con người ngày nay cần đến nhiều hơn hết sao ? Các thợ thuyền bị khai thác, những người nhặt rác bị khinh thường, những đứa trẻ bị bỏ rơi… Cha Eymard đã trao cho chúng, và trao một cách quảng đại biết bao!

Vâng, bàn ăn chính là nơi mà Tin Mừng có thể được thể hiện như không có nơi nào khác. Đức Giêsu đã thấu hiểu điều này, và đó là lý do tại sao Người đã hướng về bàn ăn và vui thích trong việc ăn uống với bất cứ ai và với mọi người. Những lời mang tính thách thức nhất của Người đều được dành cho các bữa ăn; những hành động nói lên nhiều nhất của Người – như đón tiếp các tội nhân công khai, và rửa chân cho các môn đệ của Người – đã diễn ra trong các bữa ăn.

Đối với Đức Giêsu, bàn ăn chính là một nơi được đặc ân dành cho sự hiệp thông, chữa lành, thân thiện, nuôi dưỡng thân thể và linh hồn. Đối với chúng ta, Thánh Thể có thể trở thành Tin Mừng được công bố và thể hiện nơi bàn ăn không? Hay đó chỉ là nơi yến tiệc linh đình của những đại gia với các bậc vị vọng trong đạo lẫn ngoài đời để “thể hiện đẳng cấp” của mình? Những bữa tiệc với dư đầy sơn hào hải vị mừøng sinh nhật, bổn mạng, tân gia của những doanh nghiệp nơi biệt thự sang trọng chỉ có những vị “khách quý” có thế giá chức vụ trong đạo ngoài đời được mời tham dự, có làm cho Thánh Thể nơi bàn tiệc đó trở thành Tin Mừng khi ngay bên cửa còn có biết bao Lazarô cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, sách vở không có để học?

 

  • Thánh Thể-Quà Tặng của Thiên Chúa cho Thế Giới

Trong Đại hội Thánh Thể Thế giới lần thứ 49 tại Thành phố Québec, Canada, 77 quốc gia đã được trình bày một kinh nghiệm thực sự về tính phổ quát của Giáo hội. Nhiều Hồng y, Tổng Giám mục, Giám mục, Linh mục và Phó tế đến từ nhiều nơi trên thế giới tiêu biểu cho hàng giáo phẩm, nhưng con số người tham dự lớn hơn rất nhiều lại là giới giáo dân. Đức Tổng Giám mục Douala từ Cameroon đã vạch ra một điều rõ rệt, tuy nhiên lại là điều mà chúng ta thường bỏ qua. Đó là sự hiện diện trước hết của Đức Giêsu trong Thánh Thể được tìm thấy trong sự quy tụ của cộng đoàn. Chính các nam nữ giáo dân cùng nhau đến thờ phượng tạo nên thân thể của Đức Kitô.

Sự tiếp tục hoạt động đích thực của Thánh Thể trong việc đưa Thánh Thể ra ngoài thế giới cũng thuộc về giới giáo dân. Từ rất lâu nay, Giáo Hội và Thánh Thể vẫn liên kết với các thừa tác viên đã được truyền chức thánh. Tuy nhiên, chính trong những dòng nước của Phép Thanh Tẩy và nhờ ân sủng của Thần Khí Thiên Chúa trong Phép Thêm Sức, mà tất cả chúng ta được kêu gọi chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể và hoàn toàn đi vào sứ vụ của Giáo Hội.

Linh mục phục vụ với tư cách đại diện cho đức giám mục địa phương, và hành động thay mặt ngài. Vai trò đặc biệt của vị linh mục trong việc quy tụ mang tính Thánh Thể là hoạt động với tư cách là chủ tế, và để cho hành động mang tính bí tích của Đức Kitô hoạt động bên trong và thông qua ngài. Đức Hồng y Barbarin, Tổng Giám mục Lyons, nói rằng rất thông thường, mọi người vẫn còn thụ động lúc truyền phép trong Thánh lễ. Thậm chí chúng ta có thể quên đi mình là ai! Những lời mà vị linh mục nói cũng phải là những lời của chính chúng ta. Chúng ta không phải là thân thể của Đức Kitô sao ? Đức Kitô đang sống động trong chúng ta. Chính với tư cách là thân thể Đức Kitô, mà tất cả chúng ta đều được kêu gọi để nói cùng với Đức Giêsu: “Đây Là Mình Tôi, Sẽ Bị Nộp Vì Anh Em”.

“Mình tôi” – khi một bạn trẻ học hỏi để tôn trọng thân thể và coi thân thể như một quà tặng thánh thiêng, cần được chăm sóc bằng dưỡng chất đúng đắn, luyện tập, nghỉ ngơi, và đưa vào phục vụ yêu thương, đối với lời kêu gọi thuộc về ơn thiên triệu của con người trong cuộc sống.

“Mình tôi” – được liên kết trong mối quan hệ vợ chồng, qua các bí tích mà Thiên Chúa yêu thương dành cho nhân loại, và được trao tặng một cách quảng đại trong tình yêu, để sinh ra những đứa trẻ cho thế giới.

“Mình tôi” – những người đau yếu và tàn tật, già cả và vô gia cư đang trải nghiệm thánh giá của nỗi đau khổ.

“Mình tôi” – vị linh mục cam kết dành tình yêu của ngài cho cộng đoàn, để phục vụ những nhu cầu thiêng liêng của họ.

Mỗi người khi tham dự và cử hành thánh lễ có nghĩ đến việc truyền phép bằng những từ ngữ cá nhân như vậy không?

Trong kỳ Đại hội, có những giáo dân đưa ra lời chứng cá nhân về ảnh hưởng mà Thánh Thể đã mang lại trong cuộc đời họ. Những lời chứng này đã chuyển Thánh Thể từ việc phục vụ tại bàn thờ đến việc phục vụ trong thế giới.

Tất cả chúng ta đều cần được chăm sóc và chia sẻ sự sống với những người khác, để cho đi và nhận được. Đây chính là Sống Thánh Thể. Thật không đủ, khi nói với người nào đó: “Thiên Chúa yêu thương bạn”. Nếu chúng ta thuộc về Đức Kitô, thì chúng ta phải học hỏi để nói một cách cam kết: “Tôi yêu thương bạn”. Sứ mạng của việc Phúc Aâm hóa Thánh Thể là trở nên một sự hiện diện của tình yêu, mở lòng mình ra đối với tiếng kêu của người lân cận, và đi vào sự hiệp thông trong việc đáp lại.

Đôi khi chúng ta chuyển tải sứ điệp Tin Mừng như một miếng thịt đông lạnh. Sứ điệp đã không được chuẩn bị tốt, vì thế, trở nên lạnh ngắt và khô cứng. Bạn không thể được nuôi dưỡng bằng lương thực đông lạnh, vì thế, con người hóa ra bị đói. Cũng vậy, sứ điệp Tin Mừng cần chuyển từ trên đầu đến trái tim chúng ta. Khi đi vào ngọn lửa của tâm hồn chúng ta, thì Lời Chúa có thể trở thành một lương thực mềm mại thơm ngon để mọi người thưởng thức. Khi Tin Mừng và Thánh Thể biến đổi cuộc sống chúng ta, thì lúc đó, chúng ta trở nên lương thực phong phú, nhiều màu sắc, và rượu có chất lượng ngon để được chia sẻ tại bàn, trong sự hiệp thông với tất cả những ai khao khát Thiên Chúa.

Chúng ta sẽ không tìm được Thánh Thể trong các tài liệu. Chúng ta sẽ không tìm được Thánh Thể nơi các nhà lãnh đạo. Chúng ta sẽ chỉ tìm được Thánh Thể bằng cách đi vào bên trong, và liên kết với mầu nhiệm tình yêu mà Thiên Chúa dành cho thế giới. Bởi vì Thánh Thể chính là bí tích của tình yêu Thiên Chúa đang sống động trong mỗi người chúng ta. Chúng ta sẽ không tìm được Thánh Thể ở nơi nào không có tình yêu. Có những tài liệu thật hay về Thánh Thể, nhưng Thánh Thể không phải trên tờ giấy. Có những vị giảng rất hay về Thánh Thể nhưng người nghe sẽ không cảm nhận được vì đời sống của vị ấy không có “chất Thánh Thể”. Thánh Thể chính là tình yêu của Thiên Chúa vẫn còn dễ bị tổn thương nơi những người không được yêu thương trên thế giới. Thánh Thể có sức mạnh biến đổi cuộc sống. Sứ mạng của Giáo hội là trở thành một cộng đoàn của tình yêu thương và nền hòa bình trên thế giới. Chúng ta nhận thấy cuộc khổ nạn của Đức Giêsu như là một lời mời gọi, để cởi mở cuộc sống của mình đối với tất cả những người đang chịu đựng tình trạng bạo lực và áp bức.

Công việc của cha Eymard cũng là sứ vụ của chúng ta ngày nay. Đó là trở nên bí tích tình yêu của Đức Giêsu trong thế giới. Chính vì vậy, thừa tác vụ của cha Eymard đã thực sự choán hết thì giờ của ngài, và tạo ra những mối quan hệ với các nhóm đa dạng nhất. Không ngạc nhiên khi ngài có thể nói rằng: “Thật không may, tôi quá nổi tiếng. Thậm chí tôi không còn thì giờ dành cho những việc chủ yếu. Bây giờ, họ gọi tôi là cha của người nghèo, niềm an ủi của những người đau khổ. Mọi người cứ đến!”

Cha Eymard nhấn mạnh : “Hội dòng Thánh Thể có mục đích trong sáng nhất mà một dòng tu có thể mong ước; do đó, hội dòng phải có sứ mạng trong sáng nhất, nghĩa là bất cứ điều gì hèn hạ nhất và đáng thương nhất. Anh em mong muốn gì? Khi anh em nói về những người nhặt rác, thì đó là loại người thấp kém nhất mà anh em có thể gặp. Đó là một sứ mạng trong sáng. Sứ mạng này gợi nhớ đến lời mời gọi của Chúa đối với Phép Thánh Thể. Lời mời đầu tiên dành cho các quan khách, nhưng họ lại từ chối. Sau đó, đức vua đã nói: ‘Hãy đưa những người vô gia cư vào đây’. Đây là thừa tác vụ thứ nhất của chúng ta. Những đại gia, người quyền quý, họ không cần chúng ta!”

Cha Eymard biết rằng trong một số hoàn cảnh, con đường phúc âm hóa là thông qua sự chú ý đến những nhu cầu vật chất ngay trước mắt. Ngài nói : “Tại Paris, có những người quá khổ sở và dốt nát, đến nỗi họ đã bị phớt lờ và bỏ rơi. Nguyên nhân thứ nhất là không có đủ các linh mục; thứ hai là không ai dám. Tại sao thế? Có quá nhiều cảnh khổ cực, đến nỗi người ta không thể đi tới đó, mà không đồng thời, phân phát việc bác ái về tinh thần và thể xác. Nếu người nào đó đang bị đói, làm thế nào bạn có thể mong đợi họ lắng nghe? Đôi khi, các linh mục không thể có gì để cho, và vì thế, các ngài không muốn đến đó. Việc bác ái cần thiết đã lấy đi lòng nhiệt thành của các ngài. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng nếu chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa, bằng cách cứ cho đi những gì chúng ta có thể cho, thì Thiên Chúa sẽ làm nốt phần còn lại”.

Khẩu hiệu đã được Cha thánh Eymard đưa ra cho các tu sĩ Thánh Thể ngày 5 tháng 3 năm 1867 tại Paris là : “Chúng ta vẫn phải ở lại giữa người nghèo”.

Xin Thánh Giulianô giúp chúng ta biết tự đặt mình vào việc phục vụ người nghèo, những người mà chính Đức Kitô vẫn tự đồng hóa với bản thân mình, và phục vụ với cùng sự nhiệt thành và lòng can đảm như cha thánh đã từng làm khi loan truyền về Đức Giêsu Kitô cho các thợ thuyền và những người nhặt rác, để đưa họ về dưới ảnh hưởng của Đức Kitô. Thật vậy, chẳng phải cả cuộc đời của vị tông đồ Thánh Thể vẫn dạy chúng ta rằng “một đời sống không thể hoàn toàn mang tính cách thánh thể, trừ phi đời sống này được dâng hiến cho tha nhân” sao?

 

Lm. Giuse Trần Đình Long
Dòng Thánh Thể
(viết theo William Fickel và Anthony Schueller,sss)