Thánh nữ Maria Mađalêna trong hội họa
Đối với người Công Giáo, Thánh nữ Maria Mađalêna được biết đến nhiều có lẽ bởi có nhiều câu chuyện Kinh Thánh viết về Bà gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu; đặc biệt là chi tiết, Bà là người đầu tiên được gặp Chúa Giêsu sau khi Người sống lại. Đã có rất nhiều tranh vẽ về chi tiết này.
Tuy nhiên, với phần đông hoạ sĩ, nhất là từ thời Phục Hưng, dường như cảm hứng lớn nhất về chủ đề Thánh nữ Maria Mađalêna bắt nguồn ở chỗ: Không phải sinh ra Bà đã “là Thánh” rồi. Bà sinh ra trong tội lỗi và lớn lên trong tội lỗi. Bà “trở thành Thánh”, bởi cái Tâm hướng thượng, hướng về Thiên Chúa, và đã “vượt qua chính mình”…
Nổi tiếng nhất, trong những bức tranh về Thánh nữ Maria Mađalêna, là của Titian (Tizano Vecellio-1488-1576) – họa sĩ bậc thầy thời Phục Hưng – vẽ năm 1567, hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Nazionale di Capodimonte, Naples.
“Thánh nữ Maria Mađalêna”, 1567, Oil on canvas, 128 x 103 cm, Titian.
Nổi bật trong tranh là hình ảnh một người phụ nữ đẹp, có sức sống tràn đầy, nhưng tâm hồn đã hướng trọn về Thiên Chúa. Nó có thể, khiến gợi nhớ đến quá khứ tội lỗi, “bị quỹ ám” nơi Thánh nữ, nhưng, không tạo nên nghi ngờ về đức tin kiên định và sự thánh thiện hiện tại… Trong tranh, hoạ sĩ cũng đã sử dụng lại biểu tượng quen thuộc, gắn liền với hình tượng Thánh nữ Maria Mađalêna, có từ trong nghệ thuật Byzantium, đó là lọ nước hoa, nhưng ông đã thêm vào một biểu tượng mới, đó là chiếc đầu lâu người đặt ngay dưới Sách Thánh. Biểu tượng này được ông dùng như một cách “lý giải” hình tượng: Đón nhận Tin Mừng của Chúa, Thánh nữ đã vượt qua cõi chết để đến với cõi vĩnh hằng… Biểu tượng đầu lâu người được thêm vào tranh vẽ Thánh nữ Maria Mađalêna này, đã được nhiều hoạ sĩ về sau sử dụng lại.
Bức tranh thứ hai, cũng nổi tiếng không kém, là “Chúa Giêsu ở nhà ông biệt phái Simon” của Pieter Pauwel Rubens, vẽ năm 1618-1620, hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Hermitage, thành phố Petersburg, Nga.
“Chúa Giêsu ở nhà ông biệt phái Simon”, 1618-20, Oil on canvas, 189 x 285 cm, Pieter Pauwel Rubens
Hình ảnh trong tranh thể hiện câu chuyện Chúa Giêsu ở nhà ông biệt phái Simon, khi Thánh nữ Maria Mađalêna đang quì ôm chân Chúa, dùng dầu thơm rửa chân Chúa, dùng tóc mình lau chân Chúa và xin được cứu rỗi… Bức tranh nổi tiếng bởi sự sinh động của hình ảnh. Người xem có thể nhận thấy: Chúa Giêsu dường như đang giải thích, không chỉ cho những người biệt phái, mà cho cả chúng ta, về ý nghĩa của Tin Mừng Thiên Chúa, về sự ăn năn và cứu rỗi… Theo nhiều nhà phê bình mỹ thuật, đây là một trong số rất ít tác phẩm của Rubens thể hiện sự quan tâm nhiều đến các biểu hiện tâm lý nhân vật, đến tư tưởng chủ đề hơn là các hình thức kiểu cách… Và, bản thân điều này cho thấy, với ngay cả một hoạ sĩ kiểu cách, ưa thích sự hấp dẫn hình thức (nhiều khi hy sinh cả khía cạnh tư tưởng) như Rubens, ý nghĩa hình tượng nơi Thánh nữ Maria Mađalêna cũng đã có giá trị hết sức đặc biệt.
Cả hai tác phẩm nêu trên đều đã đi vào lịch sử nghệ thuật như là những tác phẩm đặc sắc nhất và nổi tiếng nhất của nghệ thuật Công Giáo. Đối với chúng ta, những suy ngẫm của các hoạ sĩ thể hiện trong tranh cũng rất nên được suy ngẫm lại…
Nguyên Hưng
Dưới đây là một số tác phẩm khác về Thánh nữ Maria Mađalêna:
“Gặp lại Chúa”, 1511-12. Oil on canvas, 109 x 91 cm, Titian (Tizano Vecellio) National Gallery, London
“Gặp lại Chúa”, 1525, Oil on canvas 130 x 103 cm, Correggio, Museo del Prado, Madrid
“Thánh nữ Maria Mađalêna”, Oil on panel, 45 x 29 cm bởi Quentin Massys (1466–1529), Koninklijk Museum voor Schone Kunsten, Antwerp
“Thánh nữ Maria Mađalêna”, 1596-97, Oil on canvas, 122,5 x 98,5 cm, Caravaggio, Galleria Doria-Pamphili, Rome
“Thánh nữ Maria Mađalêna”, 1633, Guido Reni, Oil on canvas, 234 x 151 cm, Galleria Nazionale d’Arte Antica, Rome
“Thánh nữ Maria Mađalêna”, 1623-27, Oil on canvas, 241 x 171 cm, Simon Vouet, Galleria Nazionale d’Arte Antica, Rome
Cretan icon Thế kỷ 16
Icon Nga thế kỷ 15