Thánh lễ là hành động tôn thờ

84

Adoratio là thuật ngữ Latin, ban đầu có nghĩa là cử chỉ tôn kính được thực hiện đối với một người xứng đáng, và hơi cúi đầu trước người đó, chạm vào đối tượng đáng kính bằng tay phải, còn tay trái vỗ nhẹ một nụ hôn (hôn gió) về phía người nhận sự tôn kính.

Tuy nhiên, chúng ta phải xem khái niệm này trong bối cảnh mặc khải của Thiên Chúa, dạy chúng ta rằng tôn thờ có nghĩa là nhận biết rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa, và chúng ta là những thụ tạo. Đó là thái độ thờ phượng cơ bản được dạy bởi sự mặc khải của Thiên Chúa và Kinh Thánh, vì sự cám dỗ nguy hiểm nhất đối với thụ tạo là tự biến mình thành thần thánh, thay thế Thiên Chúa bằng chính mình. Đó là tội lỗi của các thiên thần sa ngã đã phạm. Satan đã từ chối tôn thờ Thiên Chúa, mặc dù Ngài là Đấng Tối Cao, là Đấng mà chúng ta tôn vinh trong Kinh Vinh Danh: “Quóniam tu solus Sanctus, tu solus Dóminus, tu solus Altíssimus.” – Chỉ có Chúa là Đấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối Cao. Thánh TS Tôma Aquinô nói: “Tội lỗi lớn nhất trong tất cả tội chống lại Thiên Chúa là con người giành lấy sự tôn vinh của Thiên Chúa để trao cho loài thụ tạo.”

Theo truyền thống giáo lý, Giáo Hội giải thích về ý nghĩa thần học và tâm linh của hành động tôn thờ:

Với sự kính trọng và phục tùng tuyệt đối, tôn thờ Thiên Chúa là công nhận “sự hư vô của thụ tạo” và chỉ tôn thờ Thiên Chúa. Tôn thờ Thiên Chúa là ngợi khen Ngài, tôn vinh Ngài, và hạ mình xuống, như Đức Maria đã làm trong kinh Magnificat, tuyên xưng với lòng biết ơn rằng Thiên Chúa đã làm những việc lớn lao và danh Ngài là thánh. Việc tôn thờ một Thiên Chúa giúp con người thoát khỏi sự quay hướng vào chính mình, khỏi nô lệ tội lỗi và khỏi thần tượng thế gian.

Tôn thờ là thái độ đầu tiên của con người công nhận mình là thụ tạo trước Đấng Tạo Hóa, đề cao sự vĩ đại của Chúa, Đấng đã tạo ra chúng ta và uy quyền toàn năng của Đấng Cứu Độ, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự dữ. Tôn thờ là tôn kính Đức Vua vinh hiển, im lặng tôn kính trước sự hiện diện của Thiên Chúa vĩ đại nhất. Tôn thờ Thiên Chúa tình yêu ba lần thánh thiện và tối cao hòa quyện với sự khiêm nhường và bảo đảm cho những lời cầu xin của chúng ta.

Thánh Tôma Aquinô giải thích rằng việc thờ phượng hoặc tôn thờ bao gồm cả hành vi hướng nội và hướng ngoại, vì bản chất kép của chúng ta: Như Damascene đã nói, (De Fide Orth. iv, 12) vì chúng ta được cấu tạo bởi hai bản chất, trí tuệ và cảm xúc, chúng ta dâng Chúa sự tôn thờ gấp đôi, nghĩa là một sự tôn thờ tâm linh – bao gồm sự sùng kính nội tại tâm trí, và sự tôn thờ thể lý – bao gồm sự khiêm nhường ngoại tại cơ thể. Vì trong tất cả các hành động Latria [chỉ tôn thờ một Chúa] mà không được coi là hành động bên trong có giá trị nhập vào lớn hơn, nên việc tôn thờ ngoại tại được cung cấp dựa trên sự tôn thờ nội tại. Nói cách khác, chúng ta thể hiện các dấu hiệu khiêm nhường trong cơ thể của chúng ta để khuyến khích tình cảm của chúng ta phục tùng Thiên Chúa, vì điều tự nhiên đối với chúng ta là đi từ cảm xúc tới lý trí. (ST II-II, Q. 84, điều 2)

Cựu Ước cho biết: “Năm vua Útdigiahu băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. Phía bên trên Người, có các thần Sêraphim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay. Các vị ấy đối đáp tung hô: ‘Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!’ Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp Đền Thờ khói tỏa mịt mù.” (Is 6:1-4)

Chúng ta phải tôn vinh Thiên Chúa, đó là mục đích của sự sáng tạo. Thiên Chúa không tạo ra chúng ta để làm tăng sự vinh hiển thiết yếu của Ngài bởi vì Ngài không cần điều đó. Trong Sách Lễ Rôma mới có nói: “Mặc dù Ngài không cần chúng con ca tụng, nhưng việc tạ ơn của chúng con chính là món quà của Ngài, vì những lời ca tụng của chúng con không thêm gì cho sự vĩ đại của Ngài, nhưng đem lại ơn ích cho phần rỗi chúng con, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.”

Thiên Chúa tạo dựng chúng ta để chúng ta chúc tụng Ngài, và Ngài ghi khắc trong các thụ tạo nhu cầu và sự khao khát bày tỏ sự vinh hiển của Ngài. Trong tiếng Hy Lạp, sự tôn thờ là Proskýnesis, nghĩa đen là “phủ phục chính mình.” Điều đó chứng tỏ rằng chỉ có Đấng Duy Nhất là vĩ đại, và chúng ta tự biến mình thành nhỏ bé. Việc làm cho mình trở nên nhỏ bé là kết quả của sự tôn thờ chân chính. Như Đức Trinh Nữ Maria và Mẹ Thiên Chúa đã dạy chúng ta trong Kinh Magnificat: Thiên Chúa nâng cao chúng ta khi chúng ta tự hạ thấp mình.

Tôn thờ là tôn vinh và ngợi khen Ngài không ngớt. Nhưng sự khác biệt giữa sự tôn thờ và sự tán dương là gì? Tôn thờ là hình thức rõ ràng nhất để chứng tỏ rằng Thiên Chúa thực sự vĩ đại và là Chúa. Chúng ta cũng có thể ca ngợi hoặc tôn kính các sinh vật, nhưng chúng ta KHÔNG TÔN THỜ chúng. Như giáo lý của Giáo Hội và Kinh Thánh đã nói, sự thờ phượng chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Khi ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu trong hoang địa, nó yêu cầu Ngài sấp mình xuống và thờ lạy nó, Chúa thẳng thắn nói: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi PHẢI BÁI LẠY Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và PHẢI THỜ PHƯỢNG một mình Người mà thôi.” (Mt 4:10) Thật vậy, Thiên Chúa đã xác định từ xưa: “Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải kính sợ; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ; anh em sẽ nhân danh Người mà thề.” (Đnl 6:13)

Một số người có thể nghĩ rằng ước muốn của Thiên Chúa được các thụ tạo của Ngài tôn thờ gần như là điều viển vông. Nhưng thật ra không phải là Ngài muốn được tôn thờ, mà là điều tốt cho các thụ tạo nếu biết tôn thờ Ngài. Chính xác là không tốt cho các thụ tạo nếu không tôn thờ Ngài.

Trong bài nhận định về Lễ Hiển Linh, Dom Prosper Guéranger viết: “Lễ Hiển Linh thực sự là một lễ trọng, và niềm vui do sự giáng sinh của Chúa Giêsu phải được đổi mới, như thể đó là Lễ Giáng Sinh thứ hai, cho chúng ta thấy Thiên Chúa Nhập Thể trong ánh sáng mới. Lễ này để lại cho chúng ta tất cả sự ngọt ngào của Trẻ Thơ thành Belem yêu dấu, Ngài đã xuất hiện cho chúng ta trong tình yêu; nhưng về điều này, nó thêm vào sự biểu lộ vĩ đại của chính nó về thần tính của Chúa Giêsu. Vào lễ Giáng Sinh, có một số người chăn chiên được các thiên thần mời đi và nhận biết Ngôi Lời hóa thành nhục thể; nhưng vào Lễ Hiển Linh, chính Thiên Chúa kêu gọi cả thế giới tôn thờ Chúa Giêsu và nghe Ngài.” (Năm Phụng Vụ, Book II, vol. 3, p. 108, Dom Laurence Shepherd chuyển ngữ từ Great Falls, MT: St. Bonaventure Publications, 2000)

Ngài trở thành Trẻ Thơ để giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc tôn thờ. Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa Nhập Thể, là khuôn mẫu tối cao của sự tôn thờ đích thực mà các thụ tạo mang ơn Đấng Tạo Hóa. Chúa Con đã khôi phục sự thờ phượng Thiên Chúa đích thực và ban cho hiệu quả siêu nhiên và thánh hóa.

GM ATHANASIUS SCHNEIDER

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)