Là Đấng bảo trợ của Giáo Hội hoàn vũ, Thánh Giuse được mô tả trong nghệ thuật là người sẵn sàng ứng phó với những cuộc đấu tranh của thời đại công nghiệp, dân tộc và cách mạng.
Phần lớn lịch sử hiện đại đã được viết ra qua lăng kính lao động của con người. Điều kiện lao động nghèo nàn và tình trạng thất nghiệp đã gây họa cho thời đại công nghiệp của thế kỷ 19, thúc đẩy nhiều cuộc cách mạng. Các cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi trong các quán xá, phòng khiêu vũ và các rào cản ở Công xã Paris về việc liệu các hạn chế lao động có nên được bãi bỏ hay nhà nước có nên kiểm soát tất cả việc làm hay không.
- THÁNH GIUSE LÀ ĐẤNG TRUNG GIAN CHO THỜI HIỆN ĐẠI
Giữa Adam Smith và Karl Marx có một biển lý thuyết khác nhau, nhưng làm thế nào người Công giáo có thể điều hướng giữa những chỗ cạn của chủ nghĩa tư bản được tự do và sự áp bức thực dụng của chủ nghĩa cộng sản? Giữa sự lầm lẫn và xung đột này, Thánh Giuse đã nổi bật trong thời điểm có thể được mô tả là lúc tốt nhất của ngài. Trong khi Giáo hội Công giáo đang quay cuồng với những cú đánh tàn bạo, bao gồm cả việc thống nhất nước Ý năm 1870, khi người ta muốn loại giáo hoàng khỏi những vùng đất mà họ đã cai trị hơn 1000 năm, thì CP Giáo hoàng Piô IX đã cầu xin Thánh Giuse, tuyên bố ngài là Đấng Bảo Trợ của Giáo Hội hoàn vũ, và “cầu xin sự chuyển cầu của ngài trong mọi nhu cầu quan trọng của Giáo Hội. Tước hiệu mới này đã tạo vị thế cho Thánh Giuse trong việc cầu thay nguyện giúp trong kỷ nguyên đầy chông gai của chúng ta về những xung đột hiện đại.
Tầm ảnh hưởng thiêng liêng ngày càng tăng của Thánh Giuse được cử hành trên bệ đài xinh xắn do Guiseppe Rollini vẽ mẫu cho Nhà thờ Thánh Tâm ở Rôma. Được xây dựng trên mảnh đất do Đức Piô IX mua với ý định dâng kính một nhà thờ cho Thánh Giuse, dự án đã bị tạm dừng khi Đức Piô IX nhận thấy mình bị lưu đày trong các bức tường của thành Vatican. Người kế vị là Đức Leo XIII đã hoàn thành nhà thờ với sự cung hiến mới, nhưng đã xây một bàn thờ đặc biệt cho Thánh Giuse, nơi Rollini cố gắng tạo hình tượng đầu tiên cho Đấng Bảo Trợ Giáo Hội hoàn vũ. Độ sáng yên bình tràn ngập không gian hình ảnh, trái ngược với thời kỳ cách mạng đầy khó khăn.
Thánh Giuse là nhân vật chính của sự cấu tạo, áo choàng vàng và trắng của ngài gợi lên màu sắc lá cờ của giáo hoàng. Ngài trưởng thành nhưng chắc chắn không già nua, ngài chúc lành cho Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô do một thiên thần quỳ gối dâng cho ngài. Thánh Giuse bế Chúa Hài Đồng trên một cánh tay, trong khi Chúa Giêsu nhìn vào những người ngắm nhìn và hướng dẫn họ “đến với Thánh Giuse” như được viết trên một biểu ngữ do nhiều thiên thần cầm ở phía trên. Thánh Giuse dịu hiền nhưng uy quyền, tỏ ra sẵn sàng đáp lại tiếng kêu xin của Giáo Hội đang gặp khó khăn trong thời đại công nghiệp, dân tộc và cách mạng.
Quan tâm sâu sắc đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa cộng sản, Đức Leo XIII đã viết thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) – đề cập “các điều kiện lao động” để giải quyết những nguy cơ của chủ nghĩa xã hội mới phát sinh. Trong đó, Đức Leo XIII khẳng định phẩm giá của những người sống bằng lao động, những người thường bị các tầng lớp giàu có hoặc quý tộc khinh thường, bằng cách sử dụng mô hình công việc của Thánh Giuse. Đức Leo XIII lưu ý rằng chính Chúa Giêsu đã chọn và được coi là con trai của một người thợ mộc, không hề khinh thường khi dành phần lớn cuộc đời của Ngài như một người thợ mộc: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao?”(Mc 6:3)
- XƯỞNG THỢ THẾ GIỚI CỦA THÁNH GIUSE
Trong thời đại này, các nghệ sĩ quan tâm đến hình ảnh của Thánh Giuse trong xưởng của ngài – miệt mài làm việc hoặc dạy Con Trẻ Giêsu cách khoan, tiện hoặc đánh bóng. Mặc dù không phải là lần đầu tiên những cảnh này được miêu tả, thế kỷ 19 đã thay đổi điểm nhấn một cách tinh tế. Các hình ảnh thời Trung cổ về Thánh Giuse tại nơi làm việc có xu hướng cho thấy một người đàn ông chú tâm đến các nhu cầu trần thế, tương phản với việc chiêm ngưỡng của Đức Maria và Chúa Giêsu. Nghệ thuật Baroque đã tạo ra những bức tranh về Thánh Giuse làm việc trong bóng mát, còn Con Trẻ Giêsu chăm chú nhìn đồng hồ – bức hình đẹp nhất trong số này có lẽ do George de la Tour sản xuất, với hiệu ứng ánh nến rất đặc trưng.
Sự hồi sinh của chủ đề này trong thời kỳ hiện đại đã tạo ra một loạt nỗ lực đáng chú ý, bao gồm cả bức tranh tường trang nhã trong Nhà thờ St Joseph ở Nazareth. Được vẽ vào đầu thế kỷ 20 bởi một nghệ sĩ giấu tên, tác phẩm này mô tả Thánh Gia đang dừng công việc để ngắm Con Trẻ Giêsu vừa tạo một cây thập giá bằng gỗ. Xưởng nằm ngoài trời, được ngăn cách với đường phố bởi một bức ván, nơi treo dụng cụ của Thánh Giuse. Những bậc thang bằng đá dẫn lên khu sinh hoạt, nhưng lúc này Đức Maria đã dừng quay tơ, Thánh Giuse ngừng cưa, và cả hai đều nhìn vào “tác phẩm” của Đức Kitô – việc chuẩn bị thập giá cho chính Ngài. Chúa Giêsu mặc chiếc áo choàng trắng sáng nhưng áo lót bên trong có màu nâu đất giống như áo dài của Thánh Giuse: Họa sĩ đã khéo léo kết hợp Cha Nuôi và Con Trẻ qua màu sắc và hướng nhìn chung. Thánh Giuse hy sinh cho gia đình, Chúa Giêsu cũng hy sinh chính mình cho thế gian. Khung cảnh thật khiêm tốn, những người nghèo khổ, nhưng phẩm giá của họ vẫn được thể hiện đầy đủ.
Nhà Thánh Loreto có một bức bích họa tuyệt vời khác về Thánh Thợ Giuse, được Modesto Faustini vẽ từ năm 1886 đến 1890. Phòng rộng của Thánh Giuse cho người xem quan sát một ngày sống của Thánh Gia. Đức Maria lặng lẽ đọc sách trên một chiếc ghế, có lẽ được Thánh Giuse chạm khắc. Chúa Giêsu có mái tóc vàng, đứng trước mặt Mẹ, chắp tay cầu nguyện. Bức tranh thể hiện cuộc sống chiêm niệm của Đức Mẹ và Con Trẻ. Nhưng lần này không Thánh Giuse đang làm việc, ánh mắt độ nghiêng người của ngài hướng ánh mắt về phía những người cầu nguyện ở bên phải. Qua nhiều giờ lao động, Thánh Giuse cũng tham gia cầu nguyện.
- THÁNH BẢO TRỢ LAO ĐỘNG
Thánh Giuse được ĐGH Piô XII chính thức công nhận là Thánh Bảo Trợ của công nhân vào năm 1955, đúng lúc chiến tranh lạnh đang leo thang giữa các nước cộng sản và dân chủ. Ngày 1 tháng 5 trở thành ngày lễ Thánh Giuse Lao Động, ngày lễ quốc tế dành riêng cho giới lao động, nhằm chống lại quan điểm thực dụng của những người cộng sản đối với những người lao động có niềm tin Kitô giáo đối với phẩm giá vốn có của mỗi con người.
Lần này, các nghệ sĩ dường như không có phản hồi. Không có Giotto, Murillo, hay George de la Tour xuất hiện để đưa nghệ thuật vào thời đại mới của nghệ thuật hình tượng Josephine. Người ta có thể hy vọng rằng với sự thúc đẩy của ĐGH Phanxicô trong việc công bố năm 2021 là Năm Thánh Giuse. Đây là mùa xuân mới để khám phá nhiều đức tính của Thánh Bổn Mạng trong công việc của con người và phát triển những cách thức mới để tôn vinh ngài qua nghệ thuật thánh.
ELIZABETH LEV
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)