VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN Âm nhạc Thánh ca và Mùa vọng

Thánh ca và Mùa vọng

Lễ Giáng sinh đã gần kề. Trước khi dẫn chúng ta đến đại lễ huy hoàng mừng Con Chúa ra đời, những ngày cuối cùng của Mùa vọng, bắt đầu từ ngày 17 đến 23 tháng 12, phụng vụ giới thiệu cho chúng ta bảy bài thánh ca ngắn rất đặc biệt được hát trước bài Magnificat [Linh hồn tôi ngợi khen Chúa] trong giờ Kinh chiều nghi lễ Rôma. Sau cuộc canh tân Phụng vụ, bản văn của những bài thánh ca này được đưa vào trong phần Alleluia, câu xướng trước Phúc âm mỗi ngày trước lễ Giáng sinh.

Nguồn gốc những bài thánh ca này có từ lâu đời, được hát trong Giáo hội vào khoảng thế kỷ thứ VII và sở hữu nhiều cấp độ biểu tượng khác nhau. Mỗi bài bắt đầu từ một lời cầu xin Chúa Giêsu mặc dù những lời cầu đó không nói đích danh về Ngài. Những bài thánh ca này còn được gọi là “Thánh ca với vần O”, bởi vì tất cả đều bắt đầu bằng vần O, được xếp thứ tự như sau:

Sapientia – Đấng Thượng Trí
Adonai – Thiên Chúa của con
Radix Jesse – Gốc Giêsê
Clavis David – Chìa khóa nhà Đavít
Oriens – Vầng Đông
Rex Gentium – Vua muôn dân
Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Khi nhìn vào các danh hiệu của Chúa Giêsu, nếu lấy những chữ cái đầu tiên ghép lại sẽ cho chúng ta một nghĩa mới, tiếng Latinh là ERO CRAS, nghĩa là “ngày mai tôi sẽ ở đây”; một kiểu dịch nghĩa khác thích hợp cho Mùa vọng: “NGÀY MAI TÔI SẼ ĐẾN”. Đây gần như là câu trả lời đầy quyết liệt của Thiên Chúa dành cho những hy vọng của con người, bởi sau khi bài ca cuối cùng Emmanuel được cất lên hoàn tất ý nghĩa của cụm từ mới này, với giờ Kinh chiều của ngày 24 tháng 12, Giáo hội bắt đầu mừng trọng thể Mầu nhiệm Nhập thể làm người của Con Thiên Chúa.

Ca từ trong các bài thánh ca lấy cảm hứng từ những bản văn Kinh thánh hoặc lời của các tiên tri loan báo về Đấng Cứu Thế. Nhưng cách đặc biệt ba bài cuối một số từ ngữ được hiểu dưới ánh sáng của Tân ước.

Bài “O Oriens” ngày 21/12 có liên quan rõ ràng đến bài ca của ông Zaccaria trong chương đầu Tin mừng Luca, “Benedictus” : “Thiên Chúa sẽ viếng thăm chúng ta. Ngài là mặt trời mọc lên chiếu soi những người còn trong sợ hãi và trong bóng tối tử thần”.

Bài “O Rex” ngày 22/12 liên quan đến bài ca chúc tụng Chúa Giêsu trong chương II, thư thánh Phaolô gửi cho Êphêsô: “Người đã tác tạo đôi bên [người Do thái và dân ngoại] thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người”.

Bài “O Emmanuel” ngày 23/12 kết thúc bằng lời cầu khẩn “Dominus Deus noster” [Lạy Thiên Chúa là Chúa của chúng con]: là một lời cầu chỉ dành cho người Kitô hữu bởi vì chỉ những ai bước theo Chúa Giêsu mới nhận ra được Emmanuel là Thiên Chúa của họ.

Trong những ngày cuối cùng của Mùa vọng, chúng ta hãy để mình đắm chìm trong Chúa qua những bài thánh ca, để cho Lời Chúa lôi cuốn tâm hồn chúng ta trong thinh lặng, để hướng tới một mầu nhiệm cao cả sắp xảy ra. Ngôi Lời Nhập Thể được vấn tả đặt nằm trong hang đá là Đấng Thượng Trí, là Vua và là Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta.

O Sapientia,
quae ex ore Altissimi prodisti,
attingens a fine usque ad finem fortiter,
suaviter disponensque omnia:
veni ad docendum nos viam prudentiae.
O ADONAI, dux domus Israel,
qui Moysi in igne flammae rubi apparuisti, et in Sina legem dedisti:
veni ad redimendum nos in brachio extenso

O RADIX Iesse, qui stas in signum populorum,
super quem continebunt reges os suum, quem gentes deprecabuntur:
veni ad liberandum nos, iam noli tardare.
O CLAVIS David et sceptrum domus Israel,
qui aperis, et nemo claudit; claudis, et nemo aperit:
veni et educ vinctum de domo carceris, sedentem in tenebris et umbra mortis.
O ORIENS, splendor lucis aeternae et sol iustitiae:
veni et illumina sedentem in tenebris et umbra mortis.
O REX gentium et desideratus earum,
lapis angularis qui facis utraque unum:
veni et salva hominem quem de limo formasti.


O EMMANUEL, rex et legifer noster,
expectatio gentium et salvator earum:
veni ad salvandum nos, Dominus Deus noster.

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng
WGPQN

Exit mobile version