Ngày nay nhiều Kitô hữu đang mất dần đức tin vì nhiều lý do. Đức tin có thể bị mất vì những bi kịch trong cuộc sống, thiếu thực hành đức tin theo thời gian, những cám dỗ nặng nề và mạnh mẽ, những vụ bê bối trong Giáo Hội, những tội chưa sám hối, những cuộc trôi dạt tình cờ, những mối quan hệ tan vỡ và ly dị, yếu đuối,…
Sự mất đức tin tràn lan trong thời đại của chúng ta khiến cho việc duy trì và phát triển đức tin là cuộc đấu tranh lớn hơn nhiều so với việc bắt đầu đức tin ngay từ đầu.
Đức Kitô Phục sinh nhắc nhở các môn đệ, những người đã tin Ngài, về sự cần thiết phải duy trì niềm tin vào Ngài trong thế giới này: “Ai tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án.” (Mc 16:16) Cho dù chúng ta đang trải qua những gì trong cuộc sống này hoặc những khó khăn mà chúng ta đang đối mặt, chúng ta không thể để mất niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa. Nếu giữ vững niềm tin vào Ngài, chúng ta sẽ không bao giờ xa lạc khỏi con đường cứu rỗi.
Kinh Thánh cho chúng ta thấy hai cách có thể đánh mất đức tin nơi Đức Kitô Phục Sinh, với sự hiện diện và hành động của Ngài trong đời sống của chúng ta, mặc dù có Thần Khí Ngài ở trong chúng ta.
Thứ nhất, đức tin của chúng ta suy giảm đến mức chúng ta bị dao động trong cuộc sống bởi bất cứ điều gì ngoại trừ những chỉ dẫn của Chúa Giêsu. Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã ban chỉ thị qua Chúa Thánh Thần cho các môn đệ mà Ngài đã chọn. Chúng ta biết rằng “có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô.” (Rm 10:17) Khi chúng ta luôn tin vào Đức Kitô Phục Sinh, sẵn sàng hành động theo chỉ dẫn của Ngài mà không cần bào chữa hay thỏa hiệp, ánh sáng đức tin càng thêm mãnh liệt trong chúng ta và chúng ta không còn phải đoán già đoán non về những việc phải làm trong đời này: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8:12) Nhờ ơn Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta, Chúa Phục Sinh tiếp tục ban những lời chỉ dẫn khơi dậy đức tin trong lòng chúng ta ngày nay. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có bị dao động bởi các chỉ dẫn thiêng liêng này hay bởi điều gì khác hay không.
Thứ hai, chúng ta mất đức tin khi chúng ta không có ý định làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt người khác. Chúng ta bắt đầu cảm nghiệm được quyền năng của Đức Kitô Phục Sinh trong đời sống của mình khi chúng ta quyết tâm trở thành nhân chứng của Ngài trước người khác trong mọi lúc và mọi nơi. Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1:8) Khi các môn đệ nhận lời thách thức của Ngài để trở thành nhân chứng của Ngài là “đi loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo,” họ cảm nghiệm được quyền năng của Đức Kitô Phục Sinh. Họ đã đi rao giảng khắp nơi, trong khi Chúa làm việc với họ và xác nhận lời thông qua các dấu hiệu đi kèm.”
Thánh Phaolô nhắc nhở rằng chúng ta đánh mất những ân huệ tuyệt vời của chúng ta từ sự lên trời vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô khi chúng ta đánh mất niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh vì bất cứ lý do gì. Chúng ta có thể tiếp cận với niềm hy vọng vững chắc, sự giàu có trên trời và quyền năng bất khả chiến bại của Ngài trong chúng ta bởi vì Chúa Giêsu Kitô lên trời, Chúa Cha đặt mọi sự dưới chân Ngài và ban chính Ngài là đầu trên mọi sự cho Giáo Hội, Nhiệm Thể Ngài, và sự sung mãn của Đấng làm đầy mọi vật trong mọi cách.
Khi đức tin của chúng ta bị mất, chúng ta cũng mất niềm hy vọng thuộc về sự kêu gọi của Ngài, chúng ta cảm thấy đơn độc, Thiên Đàng trở thành chiếc bánh không thể có trên bầu trời cho chúng ta, không chắc rằng chúng ta sẽ nhận được từ Ngài tất cả những gì chúng ta cần để vào Thiên Đàng, ước muốn về Thiên Đàng của chúng ta cũng giảm dần, rồi chúng ta trở nên chán nản và tuyệt vọng. Khi chúng ta mất niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta cũng mất ý thức về sự giàu có vinh quang trong gia nghiệp của Ngài giữa những người thánh thiện, quên mình là lữ khách trong thế giới này, rồi chỉ tích lũy và tận hưởng những thú vui của thế giới này mà không nghĩ hoặc muốn những điều thuộc về Thiên Đàng. Khi đức tin bị mất, chúng ta không thể cảm nghiệm sự vĩ đại vượt trội của quyền năng Ngài dành cho chúng ta là những tín nhân, chúng ta suy nghĩ và cảm thấy bất lực, bị bỏ rơi, hoàn toàn không thể vượt qua khó khăn, thử thách và cám dỗ của cuộc sống này.
Hỡi anh chị em thân yêu của tôi trong Đức Kitô, chúng ta không bao giờ được để những kinh nghiệm đau đớn trên trần gian, tội lỗi hoặc sự thất bại về luân lý, hoặc sự tấn công của kẻ ác dập tắt niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa. Đó là cuộc đấu tranh về đức tin của chúng ta. Mất niềm tin vào Chúa Giêsu vì tình trạng hoặc kinh nghiệm trong thế giới này khiến chúng ta đáng bị Thánh Phaolô nhẹ nhàng quở trách: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (1 Cr 15:19)
Sự Thăng Thiên của Chúa Giêsu, ngoài việc là nguồn vui và hy vọng cho chúng ta, còn nhắc chúng ta về sự tái lâm sắp xảy ra trong vinh quang và thách thức chúng ta giữ vững niềm tin vào Chúa Giêsu sống động và phát triển cho đến cùng. Theo lời của các thiên sứ nói với các môn đệ vào lúc Chúa Giêsu lên trời: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” (Cv 1:11) Giáo lý diễn đạt thế này: “Từ cuộc thăng thiên, việc Đức Kitô đến trong vinh quang sắp xảy ra.” (GLCG 673) Ngài sẽ sớm phán xét tất cả chúng ta dựa trên việc đức tin của chúng ta được lãnh nhận khi chịu phép rửa đã trưởng thành như thế nào trong cuộc sống này qua mọi thử thách và khó khăn.
Chắc chắn đây không phải là lúc chúng ta để mất niềm tin vào Chúa Giêsu mà là đấu tranh để lớn lên trong niềm tin vào Chúa Giêsu. Đây là lúc để đảm bảo rằng chúng ta đang bị dao động hơn bất cứ điều gì khác bởi những chỉ dẫn của Ngài nhận được trong lời cầu nguyện, trong Kinh Thánh hoặc trong Giáo Hội, và giáo huấn không thể sai lầm của Ngài. Đây là lúc để những lời của Ngài tìm thấy chỗ trong tâm trí và trái tim của chúng ta, đồng thời thay đổi cách suy nghĩ và hành động của chúng ta. Đây là lúc để đảm bảo rằng chúng ta không bị dao động bởi dư luận, những đam mê mù quáng, sự tôn trọng của con người, tình cảm đơn thuần, hoặc ham muốn lợi ích trần tục.
Đây cũng là lúc để chúng ta kiểm tra phẩm chất của việc làm chứng cho Chúa Giêsu trước người khác. Chúng ta có sẵn sàng nói sự thật cứu độ của Chúa Giêsu và bày tỏ tình yêu thương của Ngài với người khác bằng lời nói và hành động của mình hay chúng ta bị tê liệt vì sợ bị từ chối, hiểu lầm hoặc bị gán cho là mù quáng? Chúng ta có định bày tỏ khuôn mặt khiêm nhường của Chúa Giêsu cho người khác bằng cách sống quên mình phục vụ mọi người? Chúng ta có truyền đạt cho người khác khuôn mặt nhân từ của Chúa Giêsu, Đấng luôn tha thứ cho người khác? Liệu chúng ta có trở thành những tấm gương tốt về tình yêu cứu chuộc của Chúa Giêsu cho thế giới để mang lại hy vọng cho người khác?
Bí tích Thánh Thể luôn là sự hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.” (Dt 12:2) Dù hoàn cảnh hay kinh nghiệm trong cuộc sống ngày nay thế nào, Chúa Giêsu vẫn âm thầm củng cố đức tin chúng ta bằng cách liên tục hướng dẫn và ban quyền cho chúng ta làm chứng về Ngài qua Chúa Thánh Thần. Ngài đã từng đặt vấn đề với các môn đệ: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18:8) Nếu bây giờ Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang, Ngài sẽ thấy đức tin trong lòng chúng ta hay Ngài sẽ thấy chúng ta bất tín vì những trải nghiệm cuộc sống của chúng ta? Câu trả lời của chúng ta cho câu hỏi này sẽ quyết định sự cứu rỗi của chúng ta bởi vì “ai không tin sẽ bị kết án.”
LM. NNAMDI MONEME, OMV
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)