Tháng Năm nghĩ về Phụ nữ

81

1Tháng Năm có Ngày của Mẹ vào Chúa Nhật thứ nhì. Mẹ là phụ nữ. Phụ nữ là hoa. Mỗi chúng ta đều có một người mẹ. Mẹ thật kỳ diệu. Đặc biệt hơn, chúng ta có Mẹ Thiên Chúa, một loại kỳ hoa dị thảo của Thiên Chúa.

Có nhiều loại hoa, với muôn hương và muôn sắc. Hoa là biểu tượng của vẻ đẹp dịu dàng. Có một loài hoa đặc biệt là “hoa biết nói cười”, là công trình kỳ diệu của Thiên Chúa, đó chính là Phụ Nữ.

Jean de La Bruyère (1645-1696, triết gia và nhà luân lý) đã nhận xét tinh tế: “Khuôn mặt đẹp là cái đẹp nhất của tất cả cảnh sắc và nhịp điệu êm ái nhất là giọng nói của người phụ nữ ta yêu”. Còn danh nhân Eunpide so sánh: “Nơi người phụ nữ quyến rũ lòng người nhất không phải là cái đẹp mà là sự cao quý”.

Sách Talmud của Do Thái có ghi: “Phụ nữ đi ra từ chiếc xương sườn của người nam, chứ không từ bàn chân chàng để làm tấm thảm chùi chân chàng, cũng không từ cái đầu để mà cao hơn chàng, mà từ cạnh sườn chàng để làm người đồng hàng với chàng, ngay bên dưới cánh tay chàng để được che chở, và cạnh trái tim chàng để được yêu thương”.

Câu nói trên đây rất “gần gũi” với sách Sáng Thế của Công giáo, về việc Thiên Chúa dựng nên phụ nữ từ chiếc xương sườn của đàn ông, nghĩa là một nữ và một nam được Thiên Chúa liên kết thành vợ chồng qua bí tích Hôn Phối, như Chúa Giêsu xác định: “Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:6). Sự kết hợp Âm Dương cũng kỳ lạ: Nữ giới là Âm, nam giới là Dương; đất là Âm, trời là Dương; đêm là Âm, ngày là Dương. Con người “phát hiện” quy luật đó nhờ Tạo Hóa đã sáng tạo, Đấng đó chính là Thiên Chúa.

Phụ nữ rất nhiều chuyện để nói, xưa nay người ta nói tới rất nhiều mà vẫn chẳng hết chuyện. Kẻ ưa, người ghét; kẻ bênh vực, người đả phá. Chính phụ nữ cũng có người hiền lành, chịu đựng, nhưng cũng có người ma mãnh, thâm độc. Ở đây, chúng ta chỉ nhắc tới đôi nét về một số phụ nữ trong Kinh Thánh mà thôi.

PHỤ NỮ TRONG CỰU ƯỚC

Kinh Thánh nhắc tới nhiều phụ nữ trong nhiều hoàn cảnh và nhiều lý do. Phụ nữ được ví là “hoa biết nói” và được mệnh danh là “người đẹp”, dù là Chung Vô Diệm hoặc Thị Nở thì họ vẫn… “dễ thương”. Có lẽ “cái đẹp” ở phụ nữ không là ngoại hình mà là sự dịu dàng, yểu điệu, duyên dáng,… Như Jean de La Bruyère đã xác định: “Không có phụ nữ xấu, mà chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp”. Cựu ước cho biết:

– Khi gần vào Ai-cập, ông Áp-ram nói với bà xã xinh đẹp là bà Xa-ra: “Bà coi, tôi biết bà là một người phụ nữ có nhan sắc. Khi người Ai-cập thấy bà, họ sẽ nói: ‘Vợ hắn đấy!’, họ sẽ giết tôi và để cho bà sống. Vậy xin bà cứ nói bà là em tôi, để vì bà, người ta xử tốt với tôi, và nhờ bà, tôi được sống” (St 12:11-13).

– Ông Áp-ra-ham cầu nguyện với Thiên Chúa và Thiên Chúa chữa lành vua A-vi-me-léc, vợ vua và các nữ tỳ của vua, cho họ có thể sinh con, bởi trước đấy Đức Chúa đã làm cho mọi phụ nữ trong gia đình vua A-vi-me-léc không sinh đẻ được, vì chuyện bà Xa-ra, vợ ông Áp-ra-ham (St 20:17-18).

– Khi Ê-xau được bốn mươi tuổi thì lấy hai người vợ là Giu-đi-tha, con gái ông Bơ-ê-ri người Khết, và Ba-xơ-mát, con gái ông Ê-lôn người Khết. Hai người phụ nữ này làm cho ông I-xa-ác và bà Rê-bê-ca phải cay đắng trong lòng (St 26:34-35).

– Khi chiến mã của Pha-ra-ô cùng với chiến xa và kỵ binh tiến vào biển, Đức Chúa cho nước biển ập xuống trên họ, còn con cái Ít-ra-en thì đi giữa lòng biển khô cạn. Nữ ngôn sứ Mi-ri-am, em ông A-ha-ron, cầm lấy trống; mọi phụ nữ theo bà đi ra, đánh trống và nhảy múa. Bà Mi-ri-am xướng lên rằng: “Hãy hát mừng Đức Chúa, Đấng cao cả uy hùng, kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương” (Xh 15:19-21).

– Các ngươi phải thờ phượng Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi; Người sẽ chúc phúc cho bánh ngươi ăn, cho nước ngươi uống. Ta sẽ đẩy bệnh tật xa ngươi. Trong xứ của ngươi, sẽ không có phụ nữ sẩy thai hay son sẻ. Ta sẽ cho ngươi sống đầy đủ số năm tháng ngày giờ dành cho ngươi (Xh 23:25-26).

Mọi phụ nữ khéo tay đã tự mình dệt, rồi đem những gì đã dệt đến: vải đỏ tía và vải điều, vải đỏ thẫm và vải gai mịn. Mọi phụ nữ có nhiệt tâm và khéo tay thì lấy lông dê mà kéo sợi (Xh 35:25-26).

– Ông Bơ-xan-ên làm cái vạc đồng có đế cũng bằng đồng, với những gương soi cho phụ nữ phục vụ ở cửa Lều Hội Ngộ (Xh 38:8).

– Khi một phụ nữ khấn hứa với Đức Chúa và tự buộc mình làm điều gì, lúc thiếu thời còn ở nhà cha, và nếu cha người ấy nghe nói về lời khấn hứa và điều người ấy tự buộc mình làm, mà ông vẫn im lặng, thì mọi lời khấn hứa của người ấy có hiệu lực, và mọi điều người ấy tự buộc mình làm cũng đều có hiệu lực. Nhưng nếu cha người ấy phản đối ngay trong ngày ông nghe biết được, thì mọi lời khấn hứa và mọi điều người ấy tự buộc mình làm, không có hiệu lực. Đức Chúa sẽ dung thứ cho người ấy, vì cha người ấy đã phản đối (Ds 30:4-6).

– Nếu người phụ nữ ấy đi lấy chồng, khi vẫn còn phải giữ những lời khấn hứa hay bị ràng buộc bởi một lời hứa thiếu suy nghĩ nào miệng người ấy đã thốt ra, và nếu người chồng nghe biết được mà vẫn im lặng trong ngày nghe biết được chuyện ấy, thì những lời khấn hứa của người phụ nữ ấy có hiệu lực, và những điều mà người ấy tự buộc mình làm cũng đều có hiệu lực. Nhưng nếu trong ngày nghe biết được, chồng người ấy phản đối, thì anh ta huỷ bỏ lời khấn hứa còn ràng buộc người vợ, và lời hứa thiếu suy nghĩ người vợ đã tự buộc mình phải giữ, Đức Chúa sẽ dung thứ cho người phụ nữ ấy (Ds 30:7-9).

– Lời khấn hứa của người đàn bà goá hoặc bị chồng bỏ, và mọi điều người ấy tự buộc mình làm, đều có hiệu lực đối với người ấy. Nếu tại chính nhà chồng, một phụ nữ đã khấn hứa hoặc lấy lời thề tự buộc mình làm điều gì, và nếu người chồng nghe biết được mà vẫn im lặng, không phản đối, thì mọi lời khấn hứa của người ấy có hiệu lực, và mọi điều người ấy tự buộc mình làm cũng đều có hịệu lực. Nhưng nếu người chồng huỷ bỏ ngay trong ngày nghe biết, thì mọi điều miệng người vợ thốt ra khi khấn hứa và tự buộc mình làm, sẽ không có hiệu lực: người chồng đã huỷ bỏ, thì Đức Chúa cũng dung thứ cho người phụ nữ ấy (Ds 30:10-13).

– Ông Mô-sê nói với họ: “Sao anh em lại để cho cả bọn đàn bà này sống? Chính bọn chúng đã nghe lời Bi-lơ-am, mà lôi cuốn con cái Ít-ra-en phạm tội bất trung với Đức Chúa trong vụ Pơ-o, nên tai hoạ đã giáng xuống cộng đồng của Đức Chúa. Vậy bây giờ, hãy giết hết các con trai, cũng như mọi phụ nữ đã biết đến việc vợ chồng, đã ăn ở với đàn ông. Còn mọi con gái nhỏ tuổi chưa ăn ở với đàn ông, thì hãy để cho chúng sống và thuộc về anh em. Về phần anh em, ai đã giết người, ai đã đụng tới người bị sát hại, hãy đóng quân ngoài trại trong bảy ngày. Anh em cũng như các tù nhân đều phải thanh tẩy mình vào ngày thứ ba và thứ bảy. Anh em phải thanh tẩy mọi quần áo, mọi đồ bằng da, mọi sản phẩm bằng lông dê và mọi đồ gỗ” (Ds 31:15-20).

– Ông Mô-sê và tư tế E-la-da làm như Đức Chúa đã truyền cho ông Mô-sê. Trong số chiến lợi phẩm, có 675.000 chiên dê, 72.000 bò bê, 61.000 con lừa, và 32.000 phụ nữ chưa ăn ở với đàn ông (Ds 31:31-35).

– Về gia nghiệp của phụ nữ có chồng, các gia trưởng của thị tộc con cái ông Ga-la-át, con ông Ma-khia, cháu ông Mơ-na-se, trong số các thị tộc con cái ông Giu-se, tiến đến và lên tiếng trước mặt ông Mô-sê và các đầu mục cũng là gia trưởng của con cái Ít-ra-en mà rằng: “Đức Chúa đã truyền lệnh cho đức ông phải dùng lối bắt thăm mà chia đất cho con cái Ít-ra-en làm gia nghiệp. Đức ông cũng nhận được lệnh của Đức Chúa bắt phải ban gia nghiệp của ông Xơ-lóp-khát, người anh em của chúng tôi, cho các con gái ông ấy. Mà nếu các cô này lấy chồng thuộc các chi tộc con cái Ít-ra-en, gia nghiệp của họ sẽ bị xén khỏi gia nghiệp cha ông chúng tôi. Gia nghiệp của họ sẽ nhập vào gia nghiệp của chi tộc mà họ sẽ là thành viên, và như vậy phần gia nghiệp của chúng tôi sẽ bị xén bớt. Đến lúc con cái Ít-ra-en mừng năm toàn xá, gia nghiệp của họ sẽ nhập vào gia nghiệp của chi tộc mà họ là thành viên, và sẽ bị xén khỏi gia nghiệp của chi tộc cha ông chúng tôi” (Ds 36:1-4).

– Về chiến tranh, Kinh Thánh nói: “Ai là người đã đính hôn với một phụ nữ mà chưa cưới? Người ấy hãy đi về nhà, kẻo bị chết trận và người khác sẽ cưới nàng” (Đnl 20:7).

PHỤ NỮ TRONG TÂN ƯỚC

Bà tổ Eva đã nghe lời đường mật của ma quỷ mà bất tuân lệnh Thiên Chúa, và rồi bà còn cám dỗ ông tổ Ađam cùng ăn trái cấm bằng những lời “ngọt như mía lùi”. Vì thế, chính vẻ yếu đuối lại chính là thế mạnh của phụ nữ. Họ khiến nam giới “sập bẫy” mà không ngờ. Tân ước cũng nói nhiều về phụ nữ:

– Chúa Giêsu nhắc nhở nam giới về đôi mắt: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5:28).

– Sau khi được truyền tin, Đức Maria đi thăm người chị họ là bà Ê-li-da-bét. Thấy cô em, bà Ê-li-da-bét chúc mừng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1:42).

– Khi Đức Giêsu đang ở làng Bê-ta-ni-a tại nhà ông Si-mon Cùi, có một người phụ nữ đến gần Người, mang theo một bình bạch ngọc, đựng một thứ dầu thơm đắt giá. Cô đổ dầu thơm trên đầu Người, lúc Người đang dùng bữa. Thấy vậy, các môn đệ lấy làm bực tức nói: “Sao lại phí của như thế? Dầu đó có thể bán được nhiều tiền mà cho người nghèo”. Biết thế, Đức Giêsu bảo các ông: “Sao lại muốn gây chuyện với người phụ nữ này? Quả thật, cô ấy vừa làm cho Thầy một việc nghĩa. Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em; còn Thầy, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu! Cô ấy đổ dầu thơm trên mình Thầy là hướng về ngày mai táng Thầy. Thầy bảo thật anh em: Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô” (Mt 26:7-13). Nhưng Chúa Giêsu nói: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7:47).

– Đức Giêsu biết có người sờ vào áo mình nên ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5:32-34).

– Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” (Lc 7:13). Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài và cho người con sống lại.

– Khi Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ (Lc 8:1-3).

– Đức Giêsu vào làng kia, có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”. Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10:38-42).

– Khi Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” (Lc 11:27). Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28).

– Một ngày sa-bát kia, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!”. Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa (Lc 13:11-13).

– Khoảng 12 giờ trưa tại giếng Gia-cóp, có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống!”. Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?”. Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. Đức Giêsu trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4:7-10).

– Một lần nọ, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8:3-7). Tất nhiên chẳng ai dám làm gì người phụ nữ đó.

– Nhóm Sa-đốc không tin có sự sống lại, nên họ hỏi Chúa Giêsu về một phụ nữ lấy bảy anh em trai làm chồng, thế thì phụ nữ đó sẽ là vợ ai trong bảy anh chồng, Chúa Giêsu nói: “Trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mt 22:30; Mc 12:25; Lc 20:36).

– Trên đường vác Thập giá lên Đồi Sọ, Chúa Giêsu bảo các phụ nữ xót xa cho Ngài: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28).

– Khi Chúa Giêsu trút hơi thở trên Thập giá tại Đồi Sọ, có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giêsu từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người. Trong số đó, có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xếp, và bà mẹ các con ông Dê-bê-đê (Mt 27:55-56).

– Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay”. Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay (Mt 28:5-8).

Sách Khải Huyền cũng đề cập hình ảnh phụ nữ:

– Có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con (Kh 12:1-2).

– Có điềm khác xuất hiện trên trời: Một Con Mãng Xà đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người. Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày (Kh 12:3-6).

– Khi Con Mãng Xà thấy mình đã bị tống xuống đất, nó liền đuổi bắt người Phụ Nữ đã sinh con trai. Bà được ban cho đôi cánh đại bàng, để bay vào sa mạc, vào nơi dành cho bà, tại đó bà được nuôi dưỡng một thời, hai thời và nửa thời, ở xa Con Rắn (Kh 12:13-14).

– Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu (Kh 12:17).

– Những người ấy đã không ra ô uế bởi phụ nữ, vì họ còn tân. Con Chiên đi đâu, họ cũng đi theo đó. Họ đã được chuộc về từ giữa loài người, làm của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa và Con Chiên (Kh 14:4).

Ngày nay, người ta không còn “gay gắt” như ngày xưa về quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một trai coi như là CÓ, mười gái cũng chỉ là KHÔNG), cho thấy mức bình đẳng giới đã biến chuyển. Vì phụ nữ bị coi thường nên thế giới đã có Ngày Quốc Tế Phụ Nữ (8-3) để tôn vinh nữ giới, đồng thời có những hoạt động bảo vệ phụ nữ, và thế giới còn dành Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Năm là Ngày Hiền Mẫu – tôn vinh những người mẹ và cũng là tôn vinh nữ giới. Đó là bước tiến khả quan. Ngày nay, chúng ta thấy có những phụ nữ làm được những việc rất lợi ích cho cộng đồng, thậm chí có những phụ nữ trở thành thủ tướng hoặc nguyên thủ quốc gia.

Người phụ nữ đầu tiên trên thế giới là Bà Tổ Eva, Bà được mệnh danh là MẸ CỦA CHÚNG SINH (St 3:20). Có một phụ nữ nhận mình là nữ tỳ, luôn khiêm nhường và sẵn sàng xin vâng, đó là Đức Maria, được mệnh danh là MẸ THIÊN CHÚA (Lc 1:43). Qua đó, chúng ta thấy phụ nữ có vị trí quan trọng chứ không như người ta nghĩ.

Tháng Năm lại về, muôn lòng nô nức hướng về Mẹ Mai Côi, mọi người hân hoan kính dâng Đức Mẹ không chỉ đơn thuần là những đóa hoa đủ loại, đủ hương, đủ sắc,… mà quan trọng hơn là nhữnh đóa-hoa-lòng tỏa hương thánh thiện. Xin dâng Mẹ Ngàn Hoa đóa-hoa-thơ, dù sai vần lạc điệu nhưng thành kính:

Tháng Năm tươi thắm muôn hoa

Lòng con cũng chợt chan hòa niềm vui

Xin tung hô Mẹ Chúa Trời

Phụ nữ tuyệt vời nhờ tiếng “xin vâng”

Xin dâng Mẹ đóa Hoa THƯƠNG

Hoa VUI, Hoa SÁNG, Hoa MỪNG đời con

Bốn hoa bốn sắc nồng nàn

Ví như trời đất luân phiên bốn mùa

Xin thương, lạy Mẹ nhân từ

Dạy con sống giữa bộn bề lo toan

Đường trần lắm nỗi gian nan

Bước bên Mẹ sẽ bình an cuộc đời

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, chúng con là con cháu của Bà Tổ Êva nơi lũng đầy nước mắt, xin Mẹ thương đoái nhìn, luôn nâng đỡ, chở che để chúng con luôn biết “xin vâng” như Mẹ, và dẫn chúng con đến với Chúa Giêsu Kitô, Nguồn Ơn Cứu Độ muôn đời. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Con Yêu Dấu của Mẹ. Amen.

TRẦM THIÊN THU